Header Ads

  • Breaking News

    Cánh Cò - Từ Ba Đình tới lăng Bà Lan

    Việt Nam có rất nhiều lăng, đa số tập trung ở Huế. Triều đình nhà Nguyễn xây lăng và nhờ vậy ngày nay người dân mới có những thắng cảnh về lăng tẩm như thế để tham quan. Triều đình cộng sản cũng có lăng, đó là lăng Bác Hồ ở Ba Đình. Đây là lăng mộ có xác ướp và rất nổi tiếng tại Việt Nam. Nhiều người mỗi khi có ai quen ra Hà Nội thăm thú khi trờ về thường được hỏi “Có thăm lăng Bác chưa?”

    Theo thống kê chính thức của hệ thống báo chí nhà nước sau gần 50 năm dựng lên số người tới viếng lăng Bác là 60 triệu người, trung bình mỗi năm gần 1 triệu hai trăm ngàn, con số rất ấn tượng và nói lên tấm lòng của người dân đối với Bác.

    Nhưng năm nay do dịch bệnh, khách viếng lăng Bác vắng hẳn. Trong ngày 19 tháng 5 là ngày sinh nhật Bác nhưng chỉ có 10 ngàn người, đó là báo chí nói thách chứ thật ra con số ít hơn rất nhiều.

    Nhưng thay vì đến viếng lăng lăng bác, hầu hết dân miền Bắc chọn một cái lăng khác để viếng, đó là lăng Bà Lan, nằm trong khuôn viên chùa Tam Chúc một thắng cảnh vừa mở cửa đã lập tức gây sốt cho hàng trăm ngàn du khách. Báo chí ước tính ngay ngày đầu tiên mở cửa con số khách tham quan tròm trèm 1 triệu người, gây ùn tắc dữ dội cho cả khu vực.

    Theo Wikipedia thì chùa Tam Chúc nằm trong quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc do đại gia Xuân Trường làm chủ đầu tư, có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc ngoài khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên là Khu du lịch Tâm Linh với ba địa danh là đình Tam Chúc (thờ Đinh Tiên Hoàng), chùa Tam Chúc (thờ các vị “quốc sư” như trên đã nói), đền Tứ Ân, thờ bà Phạm Thị Lan, vợ đại gia Xuân Trường.

    Đinh Tiên Hoàng và các vị quốc sư được thờ trong chùa Tam Chúc thì không ai nói làm gì nhưng cái tên Phạm Thị Lan thì lạ và rất hấp dẫn người xem. Người ta đến lăng Bà Lan vì Tam Chúc, cũng như người ta đến thăm lăng Bác vì Hà Nội, cả hai đều hợp lý, hợp …tình!

    Lăng Bà Lan tuy không to lớn nhưng nguy nga tráng lệ có phần hơn cả lăng bác vì tính thời thượng và một ít mê tín khiến người đến viếng mang một chút hy vọng. Bà Lan là ai người ta đâu cần biết tới, người ta chỉ chen lấn xô đẩy nhau đến rờ mó vào chất đồng lạnh toát của pho tượng bà Lan. Người ta xì sụp vái lạy bà để mong có con nối dõi, có tiền tài hạnh phúc tràn đầy và nhất là thoát mọi bệnh hoạn ốm đau…những điều mà khi viếng lăng bác họ không làm được.

    Tới viếng lăng Bác họ thỏa mãn tính hiếu kỳ muốn xem một cái xác bằng sáp có giống với xác người thật hay không. Tới thăm lăng Bà Lan họ được xem những thắng cảnh chung quanh hồ Tam Chúc. Tới thăm lăng Bác họ phải nghiêm nghị, im ắng và nhất là phải tỏ ra thành kính còn khi viếng lăng Bà Lan họ có thể tràn đầy hỉ nộ ái ố mà không cần phải kềm giữ. Khi bị hỏi bà Lan là ai nhiều người sẽ ngẫn mặt ra nói là không biết nhưng khi hỏi bác Hồ là ai chắc rằng cái biết của người viếng lăng rất khác nhau. Người nói bác Hồ vĩ đại, kẻ nói bác rước cộng sản hại dân hại nước. Người bảo bác giỏi giang người lại bảo giỏi giang gì chỉ được cái rước Nga rước Tàu về hại nước hại non thì có…

    Ôi con người, lúc nào cũng vậy, thiện ác trộn lẫn và hòa quyện với nhau mới làm nên lịch sử chăng?

    Rồi đây khi từ Tam Chúc trở về và bằng cách nào đó nhiều người bỗng giàu lên nhờ trúng số hay tự nhiên hết bệnh thì ngay lập tức lăng Bà Lan trở thành thần linh, vĩ đại và đáng thờ kính tới mức nào. Lúc ấy lăng Bà Lan không cần phải nói, mỗi khi muốn viếng phải đăng ký trước cũng nên!

    Và câu chuyện cái lăng nằm trong Tam Chúc không phải để làm quà, nó sẽ trở thành đỉnh điểm khi quá nổi tiếng lúc ấy đảng của Bác không lẽ để cho Bác thua cả một người đàn bà không tên tuổi hay sao?

    Rồi đây trận huyết chiến giữa Ba Đình và Tam Chúc không thể không xảy ra, chỉ có điều lúc ây cái lò của ông Trọng đã bị dẹp sau khi ông ta…từ trần, lấy ai đốt lăng Bà Lan đây?

     

    Không có nhận xét nào