Header Ads

  • Breaking News

    Hội nghị thượng đỉnh lần đầu của QUAD

    Được tái lập năm 2017, Bộ tứ bước đi một cách dè dặt, nhưng Bắc Kinh tiếp tục leo thang. Do vậy, việc Bộ tứ được nâng lên cấp cao nhất là tất yếu trước thách thức từ Trung Quốc.
    Hội nghị thượng đỉnh lần đầu của QUAD

    Trái với những lời lẽ gièm pha, đe nẹt của Trung Quốc rằng Bộ tứ kim cương (hay còn gọi là nhóm QUAD - gồm Úc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ) chỉ là nơi để "tán gẫu" hoặc là sản phẩm của tư duy Chiến tranh lạnh cũ kỹ, Nhóm này đã có bước phát triển đột phá khá ngoạn mục vào ngày 12/3 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến qua màn hình lớn kéo dài 2 giờ, với những kết quả ngoài sự mong đợi của nhiều người.

    Bình minh mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

    Sau nhiều năm chỉ họp ở quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng với kết quả chỉ là những tuyên bố riêng rẽ, thì đây là lần đầu tiên Bộ tứ đã được nâng lên cấp cao nhất và cũng lần đầu tiên Nhóm này ra một Tuyên bố chung.

    Đánh giá về kết quả Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng hội nghị thượng đỉnh đánh dấu "một bình minh mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", trong khi đó Thủ tướng Narendra Modi cho rằng "Bộ tứ kim cương đã đến tuổi trưởng thành" và giờ đây đã trở thành "một lực lượng vì lợi ích toàn cầu, là một trụ cột quan trọng của sự ổn định trong khu vực".

    Các nhà lãnh đạo Bộ tứ tái khẳng định cam kết hợp tác để kiến tạo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, lành mạnh, dựa trên "các giá trị dân chủ và không bị cưỡng ép" và thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở, dựa trên luật pháp quốc tế cũng như an ninh, thịnh vượng và chống lại các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các khu vực khác; ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Tứ đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Tuyên bố chung cho thấy rõ quan điểm của các nước Bộ tứ về những vấn đề nóng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Biển Đông, Biển Hoa Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuyên bố khẳng định tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cần phải được ưu tiên giải quyết bằng luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và thông qua việc hợp tác giữa các nước, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

    Một nội dung rất đáng chú ý của Tuyên bố chung giữa các nhà lãnh đạo Bộ tứ là tuyên bố 4 nước cùng hợp lực để mở rộng việc sản xuất vaccine an toàn, giá rẻ, hiệu quả và nâng cao khả năng tiếp cận công bằng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế và mang lại lợi ích cho nền y tế toàn cầu.

    Theo kế hoạch này, các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ sẽ được phép sản xuất loại vaccine đơn liều của hãng dược Johnson & Johnson của Mỹ, với sự hỗ trợ tài chính từ Nhật, trong khi Úc sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển.

    Tuyên bố cũng cho thấy Bộ tứ đã được thể chế hóa một bước đáng kể với quyết định cơ chế họp định kỳ các chuyên gia và quan chức cấp cao của nhóm Bộ Tứ, trong khi các Ngoại trưởng của 4 nước cũng sẽ trao đổi thường xuyên và họp ít nhất một lần một năm. Ở cấp lãnh đạo, các nước Bộ Tứ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào cuối năm 2021.

    Thách thức từ Trung Quốc là nguyên nhân chính

    Điều gì đã thúc đẩy Bộ tứ phát triển đột phát ngoạn mục cả về thể chế và nội dung hoạt động như vậy?

    Các nhà phân tích có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều thống nhất với nhau ở một điểm, đó chính là những thách thức đến từ Trung Quốc.

    Người ta có thể nêu ra rất nhiều dẫn chứng về sự nguội lạnh trong quan hệ giữa các nước Bộ tứ với Trung Quốc trong thập kỷ qua khi Bắc Kinh nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

    Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Bộ tứ đã trở nên ngày càng tồi tệ hơn với việc Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt hàng hóa của Úc như lúa mạch, tôm hùm và rượu vang, sau khi các nhà lãnh đạo Úc kêu gọi một cuộc điều tra mở về nguồn gốc của đại dịch COVID-19; ngày càng có nhiều tàu và máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông trong những tháng gần đây, khiến Nhật Bản rất lo ngại.

    Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ bùng phát kể từ tháng 4/2020 dẫn đến ​​cuộc đụng độ chết người đầu tiên trong nhiều thập kỷ dọc theo biên giới dài nhất thế giới, càng làm cho Ấn Độ nhận thức sâu sắc hơn về mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

    Dường như các thách thức chung này đã quá rõ ràng đến mức các nhà lãnh đạo Bộ tứ không cần phải né tránh gì nữa.

    Trong một cuộc họp báo tại Washington sau cuộc hội đàm, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết các lãnh đạo Bộ tứ đã thảo luận về việc Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm của Úc, tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku và gây hấn tại biên giới Ấn Độ.

    Ngay cả kế hoạch của các nước Bộ tứ hợp tác trong vấn đề vaccine cũng là nhằm đối lại với kế hoạch "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu khi nước này tăng cường phân phối vaccine COVID-19 cho nhiều nước Châu Á và cả nước xa xôi như Dominica và Zimbabwe.

    Nhìn chung, với Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ, các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc muốn gửi đi một tín hiệu nghiêm túc và và mạnh mẽ về những lo ngại cuả họ đối với những kế hoạch và hành động bành trướng của Trung Quốc và muốn Trung Quốc phải lùi bước.

    Thượng đỉnh Bộ tứ còn là sáng kiến của chính quyền Biden khi mới nhậm chức được 50 ngày, nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trở lại với chủ nghĩa đa phương, và như người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Việc Tổng thống Biden lần đầu tiên tham dự cuộc họp đa phương nói lên việc Mỹ đặc biệt chú trọng tới quan hệ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Ngoài ra, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ sớm đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

    Triển vọng tích cực

    Bộ tứ ra đời năm 2007 theo sáng kiến của thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm tập trung nguồn lực đối phó với sóng thần Sunami năm 2004 và tạo ra một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, làm thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Bộ tứ bị gián đoạn trong một thời gian khá dài do những phản ứng của Trung Quốc, nhưng được tái lập lại vào năm 2017 dưới chính quyền Donald Trump.

    Kể từ được tái lập năm 2017, Bộ tứ đã bước đi một cách dè dặt, nhưng Trung Quốc đã không lùi bước mà trên thực tế lại còn leo thang. Do vậy, việc Bộ tứ được nâng lên cấp cao nhất và mở rộng nội dung hợp tác là bước phát triển tất yếu trước những thách thức ngày càng tăng đến từ Trung Quốc.

    Đồ thị phát triển của Bộ tứ gần như tỷ lệ thuận với sự gia tăng hành động bành trướng của Trung Quốc. Nếu đây là quy luật, thì cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/3 vẫn có thể chưa phải là đỉnh điểm phát triển của Bộ tứ.

    Cho dù các thành viên Bộ tứ vẫn còn khác nhau về cách tiếp cận đối với các thách thức trong khu vực và khả năng Nhóm này trở thành một dạng liên minh như NATO cũng khó xảy ra trong tương lại gần, nhưng kết của của Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Bộ tứ cũng đã hé lộ khả năng Nhóm này sẽ còn được thể chế hóa và mở rộng các lĩnh vực hợp tác hơn nữa.

    Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp "cứng" như hợp tác an ninh quân sự, kể cả tuần tra hàng hải và tập trận chung, Bộ tứ dường như cũng coi trọng cách tiếp cận "mềm", bằng việc mở rộng hợp tác trong cả những lĩnh vực kinh tế, thương mại, kết nối hạ tầng cơ sở, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và đặc biệt là cung cấp vaccine cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    * Tôn Sinh Thành. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

    https://soha.

    Không có nhận xét nào