Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 29 tháng 3 năm 2021


    Võ Thái Hà tóm lược

    Chính quyền Biden sẽ vẫn tiếp tục chính sách thuế của ông Trump với Trung Quốc

    Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Hoa Kỳ chưa có kế hoạch dỡ bỏ chính sách thuế quan của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng báo hiệu khả năng cởi mở cho các cuộc đàm phán thương mại ở Bắc Kinh, theo The Hill.

    Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, bà Tai nói rằng dù hiểu rằng thuế quan có thể tác động xấu đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, nhưng đồng thời, bà ghi nhận quan điểm rằng thuế giúp bảo vệ công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài được trợ cấp.

    Bà Tai nói: “Tôi đã nghe mọi người nói về việc dỡ bỏ thuế”, nhưng việc cắt giảm thuế quan có thể vẫn gây hại cho nền kinh tế trừ khi “các tác nhân trong nền kinh tế có điều kiện điều chỉnh”.

    Bà lưu ý chiến thuật giữ thuế quan đối với Trung Quốc là một “đòn bẩy”, và “Không có nhà đàm phán nào từ bỏ đòn bẩy”

    Bà Tai đảm nhận vị trí hiện tại vào ngày 17/3, trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên giữ vai trò trưởng đoàn đàm phán thương mại của Mỹ.

    Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ áp thuế hàng năm đối với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tương đương khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Các mức thuế này được đưa ra như một phần của cuộc chiến thương mại, với mục tiêu buộc chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản thương mại. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

    Thủ tướng Úc tuyên bố cải tổ nội các sau các cáo buộc bê bối

    Reuters đưa tin, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm thứ Hai (29/3) đã công bố cuộc cải tổ nội các sau một loạt cáo buộc gây tổn hại.

    Ông Morrison công bố rằng bà Linda Reynolds sẽ rời khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và vai trò này sẽ được thay thế bằng Peter Dutton, cựu Bộ trưởng Nội vụ Úc.

    Ông Christian Porter sẽ rời khỏi vị trí Tổng trưởng Tư pháp Liên bang và thay thế vai trò này là bà Michaelia Cash.

    9news dẫn tuyên bố của ông Scott Morrison rằng nội các mới và Bộ sẽ có đại diện nữ “mạnh nhất” mà nội các chính phủ Úc từng có.

    Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã xin lỗi và rút lại những lời bình luận của bà đối với cựu nhân viên Brittany Higgins khi bà giải quyết khiếu nại của Brittany Higgins về việc mình đã bị cưỡng hiếp trong văn phòng của Bộ vào năm 2019, theo Reuters.

    Truyền thông trong nước cho biết, bà Linda Reynolds, người lúc đó phải chịu áp lực về việc xử lý cáo buộc hiếp dâm, đã gọi Brittany Higgins là “con bò nói dối”.

    Quân đội Myanmar không kích, 3.000 dân chạy sang Thái Lan

    Cuộc tấn công trên không diễn ra sau khi nhóm kiểm soát bang Đông Nam nước này lên án cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội và tuyên bố ủng hộ sự phản kháng của công chúng.

    Khoảng 3.000 người từ bang Karen ở phía Đông Nam của Myanmar đã chạy sang nước láng giềng Thái Lan, sau các cuộc không kích của quân đội vào khu vực do một nhóm vũ trang dân tộc nắm giữ, theo thông tin từ các nhà hoạt động và báo chí địa phương được Aljazeera thuật lại.

    Tổ chức Phụ nữ Karen cho biết quân đội đã tiến hành các cuộc không kích vào năm khu vực ở quận Mutraw gần biên giới, bao gồm cả một trại di dân, Tổ chức Phụ nữ Karen cho biết hôm Chủ nhật (28/3).

    “Hiện tại, dân làng đang ẩn náu trong rừng khi hơn 3.000 người vượt biên sang Thái Lan để trú ẩn”, một tuyên bố từ nhóm cho biết.

    “Chúng tôi yêu cầu một phản ứng quốc tế đối với các hành động tàn bạo đang diễn ra để gửi thông điệp rằng quân đội không thể hành động mà không bị trừng phạt nữa”, họ nói thêm.

    Đài Phát thanh – Truyền hình Công cộng Thái Lan PBS cũng báo cáo có khoảng 3.000 người đã đến Thái Lan.

    Chưa có bình luận ngay lập tức của các nhà chức trách Thái Lan.

    Tài khoản Twitter của Tổ chức Phụ nữ Karen cho biết: “Hôm nay Quân đội Miến Điện tiếp tục các cuộc không kích vào 5 khu vực ở thị trấn Lu Thaw, quận Mu Traw. Có lý do để tin rằng những người lính chịu trách nhiệm sẽ thực hiện cuộc không kích này một lần nữa tại các ngôi làng dọc theo sông Salween, Mae Nu Hta, Kho Kay bao gồm cả trại Ei Htu Hta IDP”.

    Today the Burma Army continued its airstrikes in 5 areas in Lu Thaw Township, Mu Traw District. There is reason to believe that the soldiers responsible will launch this airstrike again in the villages along the Salween River, Mae Nu Hta, Kho Kay including Ei Htu Hta IDP camp. pic.twitter.com/FKgf68qflv— Karen Women Organization (@karenwomenorg) March 28, 2021

    Các cuộc không kích là cuộc tấn công đáng kể nhất trong nhiều năm tại khu vực do Liên minh Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát.

    Nhóm vũ trang đã ký một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2015 nhưng căng thẳng đã gia tăng sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày 1/2 vừa qua.

    KNU cho biết họ đã che chở cho hàng trăm người đã chạy trốn khỏi miền trung Myanmar khi đối mặt với cuộc đàn áp ngày càng nghiêm trọng trong những tuần gần đây.

    Đất nước Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ và bắt giam bà Aung San Suu Kyi, gây ra một cuộc nổi dậy lớn đòi trở lại nền dân chủ.

    Quân đội đã bảo vệ việc giành quyền lực của mình, viện dẫn các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng lớn.

    Các lực lượng an ninh đã ngày càng gia tăng đàn áp bằng vũ khí sát thương đối với các cuộc biểu tình chống đảo chính trong những tuần gần đây, sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để phá vỡ các cuộc biểu tình.

    Ngày kỉ niệm quân đội Myanmar biến thành cuộc thảm sát

    Hôm thứ Bảy, trong khi các tướng lĩnh Myanmar đang tận hưởng ngày kỉ niệm dành riêng cho thể chế huy hoàng của họ, thì binh sĩ dưới quyền tiến hành một cuộc thảm sát. Một đêm trước đó, chế độ đã ra cảnh cáo người biểu tình có thể bị “bắn vào lưng và đầu”. Đúng như tuyên bố, lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 114 người, khiến thứ Bảy trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ khi các tướng lĩnh tiến hành cuộc đảo chính đầu tháng 2.

    Nhiều nạn nhân không phải người biểu tình mà chỉ là người chứng kiến, một số thậm chí còn là trẻ em. Các nước phương Tây nhanh chóng lên án bạo lực. Nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và Nga im lặng; cả ba nước này đều cử đại diện đến dự kỉ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang. Trong khi đó, hai nhóm dân quân của các sắc tộc thiểu số tuyên bố đã chiếm giữ được hai căn cứ quân sự. Các nhóm này và một số nhóm khác đang đàm phán với chính phủ dân sự song song, bao gồm các nghị sĩ được bầu vào quốc hội tháng 11 năm ngoái, để thành lập một chính phủ liên bang và quân đội riêng. Các tướng của Myanmar sẽ không ăn mừng được lâu.

    Bắc Kinh ra luật sàng lọc ứng viên cho nghị viện Hồng Kông

    Một trong những thủ đoạn của bất kỳ chế độ chuyên chế nào là thuyết phục mọi người tin rằng tình yêu dành cho lãnh đạo tương đương với tình yêu đất nước. Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp Trung Quốc, sẽ hoàn thiện các quy tắc họ dự định áp dụng lên hệ thống bầu cử của Hồng Kông. Quan trọng nhất trong đó là chỉ những “người yêu nước” mới có thể ứng cử vào các chức vụ dân cử — hay nói cách khác là những người ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Chính quyền Bắc Kinh không hài lòng khi người Hồng Kông xuống đường vào năm 2019 để theo đuổi một mong muốn không yêu nước nhất: nền dân chủ. Vì vậy họ quyết định thay đổi các quy tắc (mà vốn đã có lợi cho họ) về những người có thể đại diện cho người dân. Ủy ban bầu cử chọn trưởng đặc khu Hồng Kông giờ sẽ có nhiều thành viên thân Bắc Kinh hơn. Legco, cơ quan lập pháp của thành phố, cũng tương tự. Theo Đảng Cộng sản, kết quả sẽ là một “cải tiến” lớn.

    Triển vọng thành lập công đoàn tại Amazon tới gần

    Hôm nay, các công nhân tại một nhà kho Amazon ở Bessemer, Alabama, sẽ bỏ những lá phiếu cuối cùng của một cuộc bầu cử công đoàn quan trọng. Nếu đa số phiếu đồng ý, họ sẽ trở thành những nhân viên đầu tiên của gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ lập tổ chức công đoàn thành công. Cuộc bỏ phiếu này có tầm quan trọng vượt khỏi phạm vi địa phương. Các nhà hoạt động coi đây là một câu chuyện David-và -Goliath về sự mất cân bằng tiếng nói giữa người lao động và công ty tuyển dụng (Amazon là nhà tuyển dụng lớn thứ hai ở Mỹ).

    Một số người tin một cuộc bỏ phiếu thành công có thể làm sống lại phong trào lao động đang suy yếu ở Mỹ; và ngành công nghệ cũng đang chứng kiến những nỗ lực công đoàn hóa non trẻ. Nhiều nhà lãnh đạo công đoàn đang kỳ vọng Tổng thống Joe Biden có thể hỗ trợ họ. Ông đã lên tiếng ủng hộ các công nhân Amazon, và giữ đúng lời hứa trở thành “tổng thống ủng hộ công đoàn nhất” từ trước đến nay khi bổ nhiệm Marty Walsh, một cựu lãnh đạo công đoàn và thị trưởng Boston, làm bộ trưởng lao động. Đối với các công nhân ở Bessemer, cuộc bỏ phiếu không chỉ là về lợi ích hay lương cao hơn: “Chúng tôi yêu cầu phẩm giá,” một người nói.

    Các nước châu Âu bế tắc giữa lựa chọn phong tỏa hay mở cửa

    Bang Baden-Württemberg của Đức hôm nay nới lỏng các hạn chế phong tỏa: cho phép tụ tập lên đến năm người từ hai gia đình khác nhau, ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm covid-19 cao. Đây là một ví dụ điển hình về các chính phủ châu Âu bị kẹt giữa mong muốn mở cửa và làn sóng covid-19 thứ ba đang lan rộng. Trong khi đó tiêm chủng vẫn còn tụt hậu xa so với Anh hoặc Mỹ.

    Ở Pháp, 19 khu vực đã thắt chặt phong tỏa, nhưng bộ trưởng y tế lại do dự làm điều này trên phạm vi toàn quốc. Hà Lan, nước vốn hy vọng được dỡ giới nghiêm, chỉ kéo lùi từ 9 giờ xuống 10 giờ tối. Nhưng một số nước cẩn trọng hơn. Ý hôm nay sẽ tuyên bố “khu vực đỏ” (nhà hàng đóng cửa, người thân hoặc bạn bè không được đến thăm) ở ba tỉnh nữa, nâng tổng số lên 11. Còn nước Đức, sau khi xóa bỏ kế hoạch phong tỏa Lễ Phục sinh hồi tuần trước, lại đang không biết nên làm gì. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo ngày càng đánh mất ủng hộ của dân chúng.

    “YouTube của Trung Quốc” lên sàn Hồng Kông

    Bilibili, thường được gọi là “YouTube của Trung Quốc”, hôm nay bắt đầu giao dịch trên sàn Hồng Kông. Nền tảng video có trụ sở ở Thượng Hải này đã trải qua vài năm phát triển như vũ bão. Số người dùng hoạt động hàng tháng của họ tăng vọt từ 78 triệu vào đầu năm 2018 lên 202 triệu trong quý cuối cùng của năm 2020; gần chín phần mười trong số khách hàng đó là dưới 35 tuổi. Giữa tháng 3 năm 2018, thời điểm công ty niêm yết ở New York, và tháng 2 năm nay, vốn hóa thị trường của công ty đã tăng hơn mười lần, lên 41 tỷ đô la (song lợi nhuận vẫn chưa rõ ràng).

    Tuy nhiên, trong những tuần gần đây giới đầu tư đã hạ nhiệt đối với các công ty Internet Trung Quốc. Một chỉ số của các công ty dạng này có niêm yết ở Hồng Kông đã giảm 10% kể từ đầu tháng 3. Giá cổ phiếu của Baidu, một hãng tìm kiếm vừa hoàn thành niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông vào ngày 23 tháng 3, giảm 15%. Bilibili vẫn có thể tránh được số phận tương tự. Cổ phiếu mới của họ đã được các nhà đầu tư lẻ đăng ký vượt 173 lần số lượng chào bán.

    Khủng hoảng biên giới Mỹ: Sự tàn nhẫn của ‘tử tế’

    Cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra gần đây là chủ đề tranh cãi trên nhiều mặt báo. Diễn giả, tác giả Charlotte Pence Bond, con gái cựu phó TT Mike Pence đã có bài bình luận đăng trên Daily Wire về những thông điệp tử tế của ông Biden đối với người nhập cư bất hợp pháp và mối liên hệ với cuộc khủng hoảng biên giới đang diễn ra ở Hoa Kỳ.

    Dưới đây là bài bình luận của cô.

    Từ lâu, vấn đề nhập cư đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi ở Hoa Kỳ. Mặc dù hệ thống nhập cư cần sự cải cách và luật pháp lưỡng đảng để tạo ra các quy trình giải quyết tình hình biên giới theo cách hiệu quả hơn, nhưng các nhà lãnh đạo có trách nhiệm ngăn cản những quyết định nguy hiểm như di cư vào nước Mỹ [một cách bất hợp pháp].

    Người Mỹ rất đau buồn và phẫn nộ trước tình hình hiện tại ở biên giới. Họ cũng bối rối và nản lòng vì chính quyền hiện tại không cung cấp đầy đủ quyền tiếp cận các cơ sở tạm giữ người di cư cho báo chí, ngăn cản họ làm sáng tỏ những điều đang diễn ra ở biên giới. Tuy nhiên, cũng nên chỉ ra các động thái đã dẫn đến sự gia tăng đột biến số người di cư ở biên giới, một điều không ngẫu nhiên xảy ra.

    Một lý do quan trọng dẫn tới dòng người di cư về nước Mỹ gia tăng hiện tại là ý định công khai của Tổng thống Biden trong việc đảo ngược các chính sách nhập cư của ông Donald Trump, cùng với thông điệp hoan nghênh của ông Biden đối với những người có khả năng nhập cư bất hợp pháp vào đất nước.

    Chính quyền Biden nói họ muốn xây dựng hệ thống nhập cư “nhân đạo” và tử tế. Tuy nhiên, ý tưởng rằng thật “ác ý” khi ngăn cản người dân đến nước Mỹ trừ phi họ thông qua các con đường thích hợp, an toàn, hợp pháp là sai lầm. Mặc dù sự thật có thể khó nghe, nhưng chúng ta vẫn cần phải nghe nó.

    Có thể xem xét một ví dụ, như việc ai đó rất tốt bụng và họ cung cấp điều gì đó miễn phí. Nhưng, thật tàn nhẫn khi điều họ cung cấp không thực sự miễn phí, thay vào đó, cái giá phải trả là khủng khiếp và đôi khi là chết người.

    Trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019, ông Biden đã đưa ra một thông điệp có vẻ tử tế dành cho những người muốn đến nước Mỹ tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

    Fox News đưa tin, ông Biden phát biểu “Họ [những người xin tị nạn] xứng đáng được lắng nghe. Đó là con người của chúng tôi. Chúng tôi là quốc gia nói rằng, ‘[Nếu] quý vị muốn chạy trốn, và quý vị đang chạy trốn khỏi sự áp bức, quý vị nên đến.’”

    Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC vào đầu tháng này, ông Biden đã thay đổi quan điểm của mình. Ông khuyến khích những người xin tị nạn không nên đến Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng biên giới gia tăng và các tiểu bang phải nỗ lực quản lý dòng người di cư, đặc biệt là trẻ vị thành niên không có người đi kèm.

    Người dẫn chương trình đã hỏi ông Biden, “Có phải ông nói khá rõ ràng ‘đừng đến’ không?”

    “Đúng vậy, tôi có thể nói khá rõ ràng: Đừng đến đây. Đừng rời khỏi thị trấn, thành phố hoặc cộng đồng của quý vị.”, ông Biden trả lời.

    Nhưng đây không phải sự lựa chọn. Một số người bị buộc phải rời khỏi nhà do khó khăn về kinh tế hoặc do phải chịu nguy hiểm về thể chất. Khi họ nghe thấy những lời tử tế từ tổng thống Mỹ Biden và những lời động viên sai lầm, điều đó khiến ý tưởng về việc vượt biên đến Hoa Kỳ với hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn trở nên hấp dẫn. Họ sẵn sàng đánh đổi rủi ro và bước trên chuyến hành trình nguy hiểm này.

    Ý tưởng rằng những thông điệp ông Biden gửi đi đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện tại không phải là phỏng đoán. Nhiều người trong số những người di cư công khai nói rằng họ thực hiện cuộc hành trình vượt biên là do những lời hứa của ông Biden.

    Như Daily Wire đã đưa tin vào đầu tháng này:

    Những người nhập cư tràn đến biên giới Mỹ-Mexico nói rằng Tổng thống Joe Biden đã “hứa” với họ rằng họ được phép nhập cảnh vào đất nước này.

    “Biden đã hứa với chúng tôi rằng mọi thứ sẽ thay đổi,” Gladys Oneida Pérez Cruz, một phụ nữ đến biên giới cùng con trai, nói với The New York Times “Ông ấy chưa làm được điều đó, nhưng ông ấy sẽ trở thành một tổng thống tốt với người di cư.”

    The Times cho biết một phụ nữ khác đang rơi nước mắt ở biên giới nói “Biden đã hứa với chúng tôi!”

    Các quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) nói rằng khoảng 100.000 người nhập cư bất hợp pháp đã đến biên giới trong tháng Hai. Sau nhiều tuần tuyên bố tất cả đều ổn, Bộ An ninh Nội địa (DHS) hôm thứ Bảy thừa nhận rằng có “số lượng kỷ lục” người nhập cư đang áp đảo các cơ quan của Hoa Kỳ.

    Tuần này, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, sau khi bị phóng viên Yamiche Alcindor của PBS chất vấn, ông Biden đã bác bỏ ý kiến ​​cho rng phát biu ca ông đã gây ra s gia tăng v s lượng người nhp cư.

    Cô Alcindor nói “Ông đã nói đi nói lại rằng ngay bây giờ, người nhập cư không nên đến nước Mỹ, đây không phải thời điểm để đến. Họ đã không nhận được thông điệp này. Thay vào đó, họ nhận thức rằng ông là tổng thống đạo đức, tử tế. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nhập cư đến nước ta và giao cho ông những đứa trẻ vị thành niên không có người đi kèm… ”

    Ông Biden trả lời, “Xem này, tôi đoán tôi nên tự hào nếu mọi người đến đây vì tôi là một người tốt – đó là lý do tại sao điều đó xảy ra – rằng tôi là một người đàn ông tử tế, đó là lý do tại sao những người di cư đến, bởi vì họ biết Biden là người đàn ông tốt. Sự thật là không có gì thay đổi”.

    Ông Biden tiếp tục tuyên bố rằng lý do người di cư đến biên giới là vì họ luôn đến vào thời điểm này trong năm. Tuy nhiên, nhiều hãng tin đã lưu ý rằng các chính sách của TT Biden là một phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số lượng người nhập cư này.

    Mọi thứ đã thay đổi và các chính sách đã dẫn tới kết quả trong cuộc sống thực. Nhưng “sự thật” là, tổng thống không nên cảm thấy tự hào vì những người nhập cư đã hiểu một cách đơn giản rằng ông gửi thông điệp chào đón đến họ. Ông Biden sẽ không nói cho họ biết sự thật phũ phàng.

    Đúng vậy, Mỹ là đất nước của người nhập cư, nhưng đây cũng là đất nước của luật pháp, quy định cách thức người nhập cư được phép nhập cảnh, giống như các quốc gia có chủ quyền khác. Những lời hùng biện của Tổng thống Biden ít nhất là gây hiểu lầm, và tệ nhất là gây nguy hiểm. Nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm hy vọng hão huyền của những người tìm cách đến Mỹ bất hợp pháp.

    Có khắc nghiệt khi cảnh báo mọi người không đến một quốc gia có hệ thống nhập cư đã quá tải và đang gặp khủng hoảng? Những điều tốt đẹp thực sự là một thông điệp tàn nhẫn hơn. Việc khuyến khích mọi người thực hiện một cuộc hành trình khó khăn và thường chết chóc qua nhiều quốc gia là không tốt khi không có sự đảm bảo nào về một hệ thống có thể hoặc nên đưa họ vào một cách hợp pháp. Nghe thì có vẻ đáng hoan nghênh hơn, nhưng thực tế không phải vậy.

    Có phải là tàn nhẫn không khi cảnh báo mọi người đừng đến một quốc gia có hệ thống nhập cư đã quá tải và đang gặp khủng hoảng? Những điều tốt đẹp [mà ông Biden hứa hẹn] thực sự là vỏ ngoài của những thông điệp tàn nhẫn hơn. Việc khuyến khích người nhập cư thực hiện cuộc hành trình khó khăn và thường gây nguy hiểm đến sinh mạng qua nhiều quốc gia là không tốt trong khi không có sự đảm bảo nào về hệ thống nhập cư có thể đưa họ vào Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Thông điệp nghe thì có vẻ chào đón người nhập cư, nhưng thực ra thì không phải.

    Hầu hết người Mỹ không trách cứ những người đang đến biên giới phía nam. Họ xem xét các chính sách và những người chịu trách nhiệm và yêu cầu họ phải làm tốt hơn. Người Mỹ hiểu tại sao một ai đó lại chạy trốn khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá để đến với quốc gia tự do nhất trong lịch sử thế giới, Hoa Kỳ. Họ hiểu được điều này vì là những người yêu tự do, họ cũng sẽ làm như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Nếu họ phải thoát khỏi tình huống nguy hiểm [tại nước sở tại], đưa gia đình của mình thực hiện chuyến đi xuyên đại dương hoặc lục địa, họ cũng sẽ làm vậy. Họ sẽ liều mạng chỉ vì một cơ hội nhỏ nhất để được sống tự do.

    WHO “sắp ra mắt” báo cáo về xác định nguồn gốc của COVID-19

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết báo cáo về nhiệm vụ tới Vũ Hán để truy tìm nguồn gốc COVID-19 của họ sẽ được ra mắt trong vài ngày tới.

    Peter Ben Embarek, nhà khoa học Đan Mạch và quản lý chương trình của WHO, người tham gia chuyến đi tới Vũ Hán, cho biết hôm 26/3 vừa qua rằng tổ chức này hiện đang tiến hành xác minh thông tin và dịch thuật tài liệu.

    “Chúng tôi đang rà soát tài liệu để đảm bảo tất cả các chuyên gia đều đồng ý với nội dung,” ông nói.

    “Tôi hy vọng rằng trong vài ngày tới, toàn bộ quy trình sẽ được hoàn tất và chúng tôi có thể phát hành báo cáo này một cách công khai.”

    Michael Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, cho biết báo cáo trước tiên sẽ được gửi tới các quốc gia thành viên để thảo luận trước khi công bố ra công chúng.

    “Chúng tôi muốn thể hiện sự tôn trọng của mình đối với các quốc gia thành viên và chia sẻ báo cáo với họ trước tiên bởi họ là những người đã làm việc rất sát sao với tổng giám đốc để đảm bảo rằng công việc này được hoàn tất,” ông cho hay.

    Báo cáo dài 400 trang về nhiệm vụ kéo dài trong 28 ngày (kết thúc vào ngày 9/2/2021) dự kiến sẽ bao gồm biên bản cuộc họp giữa các nhà khoa học Trung Quốc và nhóm quốc tế do WHO dẫn đầu. Trước đó, báo cáo dự kiến được công bố vào ngày 16/3, trong khi một báo cáo tạm thời đã bị loại bỏ trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề liên quan đến tính minh bạch.

    Một báo cáo được đăng tải bởi tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc đã dẫn lời một chuyên gia giấu tên, trong đó vị này mới đây nói rằng Bắc Kinh lo ngại về cách mà các ý kiến chính trị toàn cầu có thể định hình kết luận của báo cáo và nó có thể “sai lệch với sự đồng thuận trước đó.”

    Trong một động thái rõ ràng nhằm làm rõ quan điểm của mình trước khi công bố báo cáo, Bắc Kinh vào hôm 26/3 đã tổ chức một cuộc họp báo cho các nhà ngoại giao từ hơn 50 quốc gia.

    “Mục đích của chúng tôi là thể hiện sự cởi mở và minh bạch,” quan chức Bộ Ngoại giao Yang Tao cho biết. “Trung Quốc đã chiến đấu với đại dịch một cách minh bạch và không có gì phải che giấu.”

    Feng Zijian, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói với các nhà ngoại giao rằng hai bên đã đạt được sự đồng thuận về nội dung của báo cáo, theo Global Times.

    Ông nhắc lại rằng báo cáo đã loại trừ khả năng virus corona bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm và thay vào đó tập trung vào cách thức mà nó có thể lây sang người một cách trực tiếp từ loài dơi hoặc từ động vật trung gian, hoặc thông qua các thực phẩm đông lạnh.

    Bắc Kinh đã nhiều lần cho rằng virus này có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc trên các sản phẩm được bảo quản lạnh nhưng giả thuyết này đã gây ra sự tranh cãi trong giới nhà khoa học.

    Feng cũng nói rằng các nỗ lực truy tìm nguồn gốc của virus corona không nên chỉ giới hạn ở một “địa điểm cụ thể hoặc thời gian cụ thể” mà nên triển khai trên toàn thế giới.

    Phát biểu trên CNN hôm 26/3 vừa qua, Robert Redfield, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết ông tin rằng mầm bệnh bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

    “Tôi vẫn nghĩ rằng mầm bệnh này đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Những người khác không tin điều đó. Không sao cả. Khoa học cuối cùng sẽ nhận ra điều này,” ông nói.

    Tuy nhiên, hầu hết các quan chức y tế công cộng đều loại trừ khả năng trên, theo giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci.

    Theo SCMP,

     

    Không có nhận xét nào