Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 16 tháng 3 năm 2021

    Thế giới quay lại mô hình lưỡng cực : Trung Quốc và Nga liên kết đối phó với phương Tây
    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 16 tháng 3 năm 2021

    Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đồng nhiệm Nga là « kẻ giết người », đánh giá chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « không có một chút dân chủ nào ở trong người ». Vấn đề vi phạm nhân quyền trở thành điểm chung để các nước phương Tây đồng loạt đưa ra biện pháp trừng phạt Trung Quốc (truy bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương) và Nga (đầu độc và bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny).

    Một thế giới hai cực dường như đang dần hình thành trong thời gian qua. Thứ Hai 22/03/2021, ngoại trưởng Vương Nghị đón tiếp long trọng đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov ở Quế Lâm (Guilin), tỉnh Quảng Tây. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Bruxelles (Bỉ) gặp các đồng nhiệm trong Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO trong hai ngày 24-25/03 để thắt chặt mối quan hệ dựa trên « tham vấn ». Theo ngoại trưởng Mỹ, « khi cùng nhau hành động, chúng ta sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn là đơn lẻ hành động », kể cả về mặt thương mại : Hoa Kỳ chiếm 25% GDP toàn cầu, nhưng con số này sẽ tăng lên thành 60% nếu kết hợp với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Hoa Kỳ nói riêng và các nước phương Tây nói chung muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, cạnh tranh và giao thương một cách bình đẳng.

    Phương Tây cứng rắn khiến Putin-Tập xích lại gần nhau


    Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, được trang Le Monde trích ngày 25/03, cho rằng chính « những quan điểm cứng rắn gần đây của chính quyền Biden đối với Trung Quốc và Nga đã đẩy Vladimir Putin và Tập Cận Bình xích lại gần nhau ». Hai nước láng giềng khổng lồ « không ưa nhau » và cũng « thiếu tin tưởng lẫn nhau », theo nhận định của giáo sư Lanxin Xiang, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Phát triển Geneve (Thụy Sĩ), nhưng buộc phải lập liên minh tình thế. Thứ nhất là để thể hiện họ « không bị cô lập trên trường quốc tế mà ngược lại, đương đầu với « chủ nghĩa đế quốc » của các nền dân chủ », theo nhà nghiên cứu Le Corre. Thứ hai là để trấn an dư luận, củng cố an ninh trong nước và che giấu những tiếng nói bất đồng.

    Quan hệ hợp tác vừa được Matxcơva và Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng còn tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Trung Quốc rất cần khí đốt và dầu lửa. Trong khi Nga cũng đang tìm cách đa dạng hóa đầu ra, tránh phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 có nguy cơ biến thành công cụ trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu về việc Nga đầu độc và cầm tù nhà đối lập Alexei Navalny. Chính quyền Washington vẫn phản đối kịch liệt dự án bị đánh giá là « ý tưởng tồi » này vì đi ngược với mục đích an ninh năng lượng của châu Âu, « có nguy cơ làm suy yếu Ukraina và đi ngược với các lợi ích của Ba Lan và những nước đồng minh khác », theo phát biểu của ngoại trưởng Blinken tại NATO.

    Liên minh tình thế Nga-Trung có tồn tại được lâu dài ?


    Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là mối quan hệ tình thế giữa Nga và Trung Quốc có tồn tại lâu dài được không ? Trước mắt, Trung Quốc và Nga liên kết với nhau để có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia của mỗi bên, cũng như ý thức hệ. Tuy nhiên, hai nước lại không có chung tầm cỡ, theo nhận định của Le Monde. Trên lĩnh vực kinh tế, Nga luôn cố gắng để không bị lép vế hay bị coi là phụ thuộc, chư hầu của nước láng giềng Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh muốn sử dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước thành công cụ để gây sức ép về mặt địa-chính trị với các nước châu Âu.

    Nga từng bị chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Obama coi là cường quốc hạng hai, nhưng Bắc Kinh sẽ không bao giờ mắc sai lầm này của Hoa Kỳ và khôn khéo tránh nhấn mạnh đến sự bất cân xứng giữa hai nước. Đối với ông Tập Cận Bình, tổng thống Vladimir Putin là « người bạn tốt nhất » của ông trên trường quốc tế.

    Cả Matxcơva và Bắc Kinh đều tự nhận là người bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tuần, ngoại trưởng Nga Lavrov mượn một phát biểu của phía Mỹ, cho rằng Matxcơva và Bắc Kinh phải « vận động các nước có chung tư tưởng » để bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc. Nhưng đó sẽ chỉ là những điểm có lợi cho hai nước mà bác đi những giá trị phổ quát, theo nhận định của Le Monde.

    Nhật-Mỹ cam kết giúp Đài Loan chống ‘bành trướng’ Bắc Kinh


    Visiontimes đưa tin, Mỹ và Nhật Bản đã cam kết ngăn chặn hành động xâm lược quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan.

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đưa ra vấn đề này khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, theo báo cáo của Nhật Bản vào ngày 21/3. Ông Kishi kêu gọi hòa bình ở eo biển Đài Loan và nhất trí giúp bảo vệ Đài Loan và tàu chiến Hoa Kỳ trong khu vực.

    Theo hiến pháp Nhật Bản, nước này không được triển khai quân đội ở nước ngoài trong vai trò tham chiến, điều mà Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật đang tìm cách thay đổi. Trong những năm 2000, các lực lượng Nhật Bản đã được cử đến Iraq để giúp đỡ trong nhiều nhiệm vụ.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào ngày 3/3 nói rằng “mối quan hệ của chúng tôi đối với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu thì phải như vậy”. Ông Blinken cũng nói về sự cần thiết phải “tham gia với Trung Quốc từ một vị thế mạnh”, điều này “đòi hỏi phải làm việc với các đồng minh và đối tác”.

    Chính quyền Biden dường như đang tiếp tục xu hướng đã nổi lên dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, đó là Mỹ dành ưu tiên lớn hơn trong việc đối đầu với Bắc Kinh ở vấn đề Đài Loan.

    The Hill cho hay, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ báo rằng, chính quyền Biden “tiếp tục bày tỏ mối quan ngại mạnh mẽ của chúng tôi với Bắc Kinh về tình trạng đáng lo ngại khi chính quyền Trung Quốc liên tục đe dọa các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm cả Đài Loan”.

    Người phát ngôn này cũng cho hay, sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với Đài Loan là “vững chắc”. Họ nói thêm rằng “chúng tôi sẽ sát cánh cùng với bạn bè và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng chung, an ninh và các giá trị của chúng tôi và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở – và điều đó bao gồm việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ không chính thức của chúng tôi với Đài Loan dân chủ”.

    Vào ngày 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “chính phủ Trung Quốc không có chỗ cho sự thỏa hiệp”, và “chúng tôi kêu gọi chính quyền mới của Hoa Kỳ hiểu đầy đủ về mức độ nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan”, và “Thay đổi hoàn toàn các hoạt động nguy hiểm của chính quyền trước đó là “vượt qua ranh giới” và “chơi với lửa”.

    Tokyo đã thúc giục phía Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Đặc biệt, ông Kishi bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ về các hoạt động gia tăng của các lực lượng tuần duyên Trung Quốc gần đây”.

    Pháp : Áp lực bệnh nhân Covid-19 càng lúc càng đè nặng lên chính phủ


    Thêm 45.000 ca dương tính với virus corona trong 24 giờ qua bất chấp các biện pháp giới nghiêm và phong tỏa nhắm vào một phần ba dân số, tình hình tại Pháp không khả quan. Kể từ 12 giờ đêm nay có thêm ba tỉnh cũng bị phong tỏa nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan.

    Theo thống kê được bộ Y Tế Pháp công bố hôm 25/03/2021, trong 24 giờ qua đã có thêm 45.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc và 8 % những ca xét nghiệm dương tính với virus corona. Cùng lúc số người phải điều trị tại các phòng hồi sức đặc biệt sắp đạt ngưỡng cao nhất được ghi nhận tại Pháp hồi tháng 11/2020. Số bệnh nhân phải nhập viện và tử vong vẫn tăng đều đặn. Tại khu vực Paris và các vùng phụ cận, 80 % các trường hợp phẫu thuật đều đã bị dời lại để dành ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

    Đáng quan ngại không kém là hiện tượng giới trẻ dưới 18 tuổi bị lây nhiễm. Bộ Giáo Dục cho biết trong tuần, số học sinh bị nhiễm tăng lên 40 % so với hồi tuần trước. Trên toàn quốc có hơn 21.000 học sinh dương tính với virus corona, hơn 3.200 lớp học phải đóng cửa. Một số đại diện công đoàn và chính giới đề nghị một số giải pháp như đóng cửa trường học, cho học sinh nghỉ vào dịp mùa xuân sớm hơn dự kiến và nhất là tăng tốc việc tiêm chủng chống Covid-19 cho các giáo chức.

    Trong tình cảnh nói trên tối qua chính phủ Pháp thông báo đưa thêm ba tỉnh (Rhône, Aube và Nièvre) vào danh sách những vùng bị phong tỏa.

    Cơ quan đặc trách về y tế khuyến cáo chính phủ cho phép từ nha sĩ đến bác sĩ thú y nhập cuộc, cùng với giới y tá, bác sĩ, nhân viên cứu hỏa, quân đội thay phiên nhau chích ngừa cho dân chúng.

    Tổng thống Macron tối qua nêu lên khả năng ban hành thêm những biện pháp mới trong những tuần sắp tới nhằm đối phó với « làn sóng dịch thứ ba » đang dâng cao. Chủ tịch Hiệp Hội các thị trưởng của Pháp, François Baroin và chủ tịch Hội Đồng vùng Ile-de-France, bà Valérie Pécresse, kêu gọi chính phủ nhanh chóng siết chặt thêm các biện pháp phong tỏa, đóng cửa các trường học. Giới bác sĩ cũng đưa ra kêu gọi tương tự.


    Bangladesh kỉ niệm 50 năm lập quốc


    Khi Đông Pakistan tuyên bố độc lập vào ngày 26 tháng 3 năm 1971, họ có một dân số đông, nghèo và không gì khác. Sau cuộc chiến đẫm máu với Tây Pakistan khiến khoảng 500.000 đến 3 triệu người thiệt mạng, quốc gia trẻ tuổi này lại nghèo hơn nữa. Nửa thế kỷ trôi qua và Bangladesh đã vượt lên trước. Hiện nay một người dân trung bình ở Bangladesh giàu hơn nhiều so với một người dân trung bình ở Pakistan nhờ tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng.

    Trước đại dịch, con số này là 8% — nhanh hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp may mặc định hướng xuất khẩu với nhân công chủ yếu phụ nữ là động lực của nền kinh tế, trong khi các tổ chức phi chính phủ nội địa đã giúp cải thiện y tế và giáo dục. Tuy nhiên, các chính trị gia hầu như đều gây cản trở. Kể từ khi lên nắm quyền lần thứ hai cách đây 12 năm, Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed đã tìm cách biến Bangladesh thành một quốc gia độc đảng. Tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu được dịp tràn lan. Và thực trạng này rồi cũng sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Sẽ thật tiếc nếu bàn tay sắt của Sheikh Hasina làm tiêu tan triển vọng tốt đẹp của Bangladesh.

    Vương Nghị thăm Thổ Nhĩ Kỳ


    Khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay, nhiều người lo ngại việc cải thiện quan hệ Trung-Thổ sẽ gây bất lợi cho người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc Hồi giáo bị chính phủ Trung Quốc đàn áp. Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hàng chục nghìn người, từ lâu đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải im lặng hoặc dẫn độ họ. Trong những năm gần đây, hàng trăm người đã bị bắt và bị đe dọa trục xuất, theo các nhà hoạt động.

    Và Trung Quốc có thể đang dùng đại dịch để gia tăng áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng 100 triệu liều vắc-xin covid-19 của Trung Quốc. Song các chuyến hàng đang bị hoãn, làm dấy lên e ngại vắc-xin đang bị sử dụng để gây sức ép, chẳng hạn như việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ đã ký với Trung Quốc 4 năm trước. Ông Vương mới gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào hôm qua. Khi cánh báo chí rời căn phòng, có lẽ thỏa thuận dẫn độ đã được đặt ngay lên bàn đàm phán.

    Người Brazil vẫn hoài nghi virus

    Các số liệu thống kê rất tệ, còn lời phân bua thì gây phẫn nộ. Hôm thứ Tư, Brazil ghi nhận cái chết thứ 300.000 ở nước này vì covid-19. Số ca nhiễm mới theo ngày của họ cũng cao nhất thế giới. Một phần là vì lý do dịch tễ. P1, một chủng đặc biệt dễ lây lan có thể tái lây nhiễm những người từng mắc covid-19, đã lan khắp đất nước và khiến hệ thống y tế quá tải.

    Nhưng vấn đề lớn hơn chính là chính trị. Tổng thống Jair Bolsonaro đã dành thời gian trong đại dịch để ca ngợi các phương pháp chữa trị lạ lùng, chỉ trích lệnh phong tỏa, và tìm cách ngăn công bố dữ liệu. Các thị trưởng và thống đốc chịu trách nhiệm cho các hạn chế ở địa phương theo hệ thống liên bang của Brazil đã làm theo tổng thống, nhanh chóng mạnh tay khi đại dịch bùng phát nhưng cũng nhanh chóng nới lỏng hạn chế. Phải đến tận bây giờ, giữa một làn sóng dịch thứ hai đầy chết chóc, họ mới tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt. Song ông Bolsonaro tiếp tục xem thường đại dịch, và thái độ hoài nghi được nhiều người học theo của ông đã khiến người dân phản đối phong tỏa. Giá như có một loại vắc-xin cho tính hoài nghi của ông.

    Khối Mercosur 30 năm tuổi


    Ba mươi năm trước, tổng thống Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay đã ký Hiệp ước Asunción thành lập Mercosur, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do và liên minh thuế quan ở Nam Mỹ. Và khi những người kế nhiệm họ gặp nhau vào hôm nay, họ sẽ chẳng có gì đáng ăn mừng ngoài sự tồn tại của chính Mercosur. Thương mại trong khối tăng nhanh vào đầu những năm 1990, đạt đỉnh 25% tổng thương mại của các thành viên vào năm 1997. Giờ đây, con số đó chỉ còn 14%.

    Vì đại dịch, bữa tiệc sinh nhật sẽ được tổ chức online. Tổng thống cánh hữu của Brazil, Jair Bolsonaro, và người đồng cấp cánh tả người Argentina, Alberto Fernández, dường như bất đồng trên hầu hết mọi vấn đề. Trong khi đó Uruguay muốn có sự linh hoạt để tiến hành các thỏa thuận thương mại của riêng họ. Một mục tiêu lớn của Mercosur là thỏa thuận thương mại với EU đã thành công vào năm 2019. Nhưng có rất ít khả năng nó được phê chuẩn ở châu Âu trừ khi ông Bolsonaro ngừng khuyến khích phá rừng Amazon.

    Voi châu Phi chính thức bị phân loại nguy cấp


    Chẳng thích thú gì khi nằm trong “Sách Đỏ” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Tổ chức này biên soạn danh sách ấy để ghi lại tình trạng của các loài nguy cấp. Những cái tên nổi tiếng nhất trong đó bao gồm gấu trúc lớn và gấu Bắc Cực, cả hai đều được xếp vào loại “dễ bị tổn thương” – cùng với voi châu Phi, tuy nhiên chỉ đến ngày hôm qua. Bản cập nhật mới của Sách Đỏ phản ánh tình hình đang trở nên tồi tệ với những chú voi.

    Các bằng chứng di truyền gần đây đã chia loài này thành hai loài riêng biệt: voi xavan và voi rừng. Nhận ra sự khác biệt đó, IUCN đã nâng mức độ đe dọa của chúng lần lượt lên mức “nguy cấp” và “cực kỳ nguy cấp”. Một số quốc gia, chẳng hạn như Congo-Brazzaville và Gabon, đã chứng minh việc quản lý môi trường sống và trừng phạt săn trộm có thể giúp ổn định quần thể voi. Nhưng chiều ngược lại cũng đúng. Đàn voi rừng ở Bờ Biển Ngà đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu ngay cả các biểu tượng đa dạng sinh học này cũng không thể thoát hiểm, phần còn lại của Sách Đỏ sẽ phải lo lắng.

    Mỹ ký thỏa thuận ‘trấn an’ Đài Loan khi Trung Quốc ngày càng hung hăng


    Reuters đưa tin, Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận đầu tiên giữa hai bên dưới thời chính quyền ông Biden, về việc thành lập một Nhóm hợp tác Cảnh sát biển để phối hợp chính sách tại thời điểm mà các hành động trên biển của Trung Quốc gây ra lo ngại ngày càng tăng trong khu vực.

    Động thái từ phía chính phủ mới của Tổng thống Mỹ Biden được cho là một sự trấn an Đài Loan trước sự bành trướng của Trung Quốc đối với hòn đảo. Quốc đảo cũng đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên Đài Bắc.

    Đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đã ký thỏa thuận tại Washington hôm thứ Năm (25/3), văn phòng của bà cho biết trong một tuyên bố.

    We’re very excited to launch a new AIT-TECRO Coast Guard Working Group. The U.S. could not be prouder to work side-by-side with such a good friend as Taiwan to tackle the world’s challenges. pic.twitter.com/xq3WExGmQJ— EAP Bureau (@USAsiaPacific) March 25, 2021

    Bà Tiêu nhấn mạnh rằng “với tư cách là một bên liên quan có trách nhiệm trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Đài Loan sẵn sàng và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải”.

    Mặc dù Hoa Kỳ giống như nhiều quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của hòn đảo.

    Vào tháng Một, Trung Quốc đã lần đầu tiên thông qua một dự luật rõ ràng cho phép lực lượng hải cảnh của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, điều này đã gây lên lo ngại ở khu vực và ở Washington.

    Phía Trung Quốc tuyên bố rằng luật của họ là phù hợp với thông lệ quốc tế và luật này là cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của đất nước.

    Trên thực tế, Bắc Kinh đang có những tranh chấp chủ quyền hàng hải với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông.

    Chính quyền Biden lần đầu cho phép phóng viên vào cơ sở tạm giữ ở biên giới


    Sau hơn hai tháng cầm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên cho phép báo chí tiếp cận một cơ sở ở tạm giữ người di cư ở biên giới, theo Epochtimes.

    Một phóng viên và nhóm quay phim đã được phép tham quan một trung tâm tạm giữ người di cư ở thành phố Carrizo Springs, bang Texas. Đi cùng nhóm phóng viên này là các quan chức trong chính quyền và thành viên của Quốc hội.

    Đây là một trong ít nhất 5 cơ sở tạm trú được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) mở cửa để đối phó với tình trạng gia tăng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới Hoa Kỳ. Kèm theo đó, họ cũng chuyển đổi hai trung tâm hội nghị thành khu vực tạm giữ và yêu cầu Lầu Năm Góc tiếp nhận người nhập cư.

    Bức ảnh từ phóng viên và người quay phim cho thấy trong khu tạm giữ, quần áo của trẻ em được xếp gọn gàng thành chồng; khu vực bàn kê giống lớp học và khu vực nhà vệ sinh. Ngoài ra còn có hình ảnh trẻ em chơi đá bóng bên ngoài.

    Anh Gabe Gutierrez của NBC, phóng viên duy nhất được phép vào khu tạm giữ, cho biết anh đã nhìn thấy “rất nhiều trẻ em” nhưng anh không được phép trò chuyện với bất kỳ ai trong số các em. Nhóm tham quan cũng có thể đến khu vực tiếp nhận và ăn uống, cũng như phòng khám y tế trong cơ sở tạm giữ.

    Các quan chức đang tạm giữ 766 trẻ em trong cơ sở này, nơi có khả năng cung cấp chỗ ở cho 952 em. Cơ sở này được mở dưới thời chính quyền cựu TT Trump. Trong số những đứa trẻ bị tạm giữ, 108 em có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Những em có kết quả dương tính bị cách ly theo thời hạn chưa xác định.

    Tuy nhiên những hình ảnh này tương phản rõ rệt với các bức ảnh bị rò rỉ do dân biểu Dân chủ Henry Cuellar (bang Texas) và Dự án Veritas chia sẻ đầu tuần này.

    Những hình ảnh rò rỉ cho thấy tình trạng quá tải tại một cơ sở Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) ở thành phố Donna, bang Texas. Sau đó, chính cơ quan CBP cũng đã công bố những hình ảnh cho thấy trẻ em tựa vào vai nhau ngủ trong chiếc lồng trong suốt..

    Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas), người sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến cơ sở Donna, cho biết chính quyền Biden đã cố tình chọn lựa một phái đoàn truyền hình để đến Carrizo Springs.

    Ông Cruz cho biết trên Twitter rằng 18 thượng nghị sĩ sẽ đến cơ sở Donna vào thứ Sáu để xác nhận việc cơ sở này đã hoạt động ở công suất 1556%.

    Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên ở Washington rằng các quan chức “cam kết minh bạch và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan để tạo điều kiện cho giới truyền thông tiếp cận và nhìn thấy [khung cảnh bên trong] các cơ sở tạm giữ này”. Tuy nhiên cô nói có lo ngại về quyền riêng tư và lo ngại sức khỏe do đại dịch COVID-19.

    Giải thích về việc phóng viên chưa có quyền tiếp cận vào các cơ sở tạm giữ trẻ em của chính quyền Biden, chánh văn phòng của bà Jill Biden Julissa Reynoso nói:

    “Như quý vị có thể tưởng tượng, có trẻ em, trẻ vị thành niên, trong các trang cơ sở này. Là một người mẹ, tôi cũng sẽ cực kỳ lưu tâm và cẩn thận khi cho phép báo chí và các tác nhân bên ngoài khác đến cơ sở để phát sóng [báo cáo] về các điều kiện của những đứa trẻ”.

    Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) và Bộ An ninh Nội địa thông báo với Epoch Times qua email vào cuối ngày thứ Tư rằng tính đến ngày 23/3, gần 5.000 trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm đã bị Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ tạm giữ. Trong khi số lượng trẻ vị thành niên bị HHS tạm giữ là 11.551 em.

    Ông Biden đã chỉ đạo các quan chức ngừng trục xuất trẻ vị thành niên đi một mình khi vượt biên từ Mexico vào Hoa Kỳ. Các chuyên gia nói với Epoch Times rằng động thái này, cùng với các động thái đảo ngược chính sách của cựu TT Trump, đã góp phần làm gia tăng các vụ vượt biên bất hợp pháp vào nước Mỹ gần đây.

    Hơn 100.000 cuộc vượt biên đã được ghi nhận vào tháng Hai, tháng đầu tiên ông Biden nắm quyền.

    Đảng Cộng hòa và một số dân biểu Dân chủ như ông Cuellar và Filemon Vela (bang Texas) đã kêu gọi chính quyền ngay lập tức khôi phục các biện pháp quan trọng để bảo vệ biên giới, ví dụ như đưa một số trẻ vị thành niên về nước.

    Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền Biden hiện đang xử lý để những đứa trẻ được đoàn tụ với các người bảo lãnh, hầu hết là các thành viên gia đình của đứa trẻ đã sống ở Mỹ. Họ cho rằng họ đang tạo ra một hệ thống nhập cư “nhân đạo hơn”.

    Hôm thứ Tư, ông Biden đã khuyến khích Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn dắt các nỗ lực của chính quyền ông trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở biên giới.

    Bà Harris gọi cuộc khủng hoảng này là “một tình huống đầy thách thức”. Bà nói thêm, có nhiều yếu tố thúc đẩy mọi người di cư đến Hoa Kỳ và chính quyền sẽ thực thi luật pháp và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của làn sóng di cư.

    Phát hiện nhóm tin tặc Trung Quốc tấn công mạng Quốc hội Phần Lan


    Dịch vụ Tình báo và An ninh Phần Lan, được biết đến với tên viết tắt Supo, gần đây đã tiết lộ rằng nhóm tin tặc APT31 có thể chịu trách nhiệm về cuộc tấn công mạng vào Quốc hội Phần Lan vào mùa thu năm 2020, Vision Times đưa tin.

    Nhóm tin tặc APT31 được cho là có quan hệ với ĐCSTQ, muốn xâm nhập vào hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT) của Quốc hội Phần Lan. Tuy nhiên, cơ quan này không đề cập đến ĐCSTQ bằng tên hoặc chỉ ra mối liên hệ của APT31 với Bắc Kinh.

    “Supo đã cung cấp cho Quốc hội thông tin cho phép Nghị viện xác định các nỗ lực đột nhập có thể xảy ra tiếp theo. Quốc hội đã tuân theo các hướng dẫn mà họ nhận được và tăng cường hơn nữa bảo mật thông tin của mình. Bên cạnh việc cảnh báo Quốc hội, Supo cũng cung cấp thông tin cho Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Phần Lan (NCSC-FI), cơ quan quản lý an ninh mạng quốc gia, để cải thiện khả năng giám sát NCSC-FI”, Supo cho biết trong một thông cáo báo chí.

    Sau vụ việc, Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan (NBI) đã bắt đầu điều tra vụ tấn công mạng vào hệ thống thông tin của cơ quan lập pháp Phần Lan. Trong số dữ liệu bị xâm nhập có tài khoản email của một số nhà lập pháp. Hệ thống an ninh tại Quốc hội đã được nâng cấp kể từ sau cuộc tấn công.

    Tero Muurman, người phụ trách cuộc điều tra của NBI, nói rằng họ đang xem xét các cáo buộc của Supo chống lại APT31. Ông tuyên bố vụ tấn công được thực hiện là để truy cập thông tin thay mặt cho một nhà nước hoặc gây hại cho đất nước.

    Vì sao là Phần Lan

    Một trong những lý do chính khiến ĐCSTQ có vẻ rất quan tâm đến một quốc gia Bắc Âu như Phần Lan có lẽ là vấn đề Bắc Cực. Đài truyền hình Phần Lan YLE gần đây đã đưa tin rằng Viện Nghiên cứu Địa cực của Trung Quốc, được tài trợ bởi chính quyền Trung Quốc, đã cố gắng thuê hoặc mua một sân bay ở vùng Bắc Cực của Phần Lan vào năm 2018.

    ĐCSTQ muốn sử dụng nó cho các chuyến bay nghiên cứu đến các khu vực Bắc Cực. Quân đội Phần Lan đã nỗ lực bảo vệ sân bay vì nó nằm gần khu vực quân sự.

    Tháng trước, người đứng đầu Supo, ông Antti Pelttari đã cảnh báo rằng các quốc gia độc tài như Trung Quốc và Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Phần Lan như viễn thông, sân bay, năng lượng, đường sá, phân phối nước… Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đã công khai thể hiện sự quan tâm đến việc trở thành siêu cường toàn cầu, có nghĩa là ĐCSTQ cũng có thể tìm cách gây ảnh hưởng hoặc thống trị các quốc gia khác.

    Nó có vẻ đúng trong trường hợp của một quốc gia khác, là Hà Lan. Các dịch vụ tình báo như AIVD, NCTV và MIVD đã đưa ra một báo cáo đánh giá mối đe doạ nói rằng Hà Lan không chỉ là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng từ chính quyền Trung Quốc. Có vẻ như nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu và tiến sĩ Trung Quốc, các ứng cử viên học tập trong nước cũng có thể là gián điệp tiềm năng của ĐCSTQ. Báo cáo cảnh báo rằng việc hợp tác với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự thịnh vượng và an ninh của Hà Lan theo nhiều cách.

    Hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở Baltics

    ĐCSTQ nhắm vào khu vực Baltic của châu Âu cho các mục đích gián điệp và gây ảnh hưởng. Litva gần đây đã cấm công ty công nghệ Trung Quốc Nuctech kinh doanh tại các sân bay của họ. Công ty này đã thực hiện một cuộc kiểm tra bảo mật phần mềm và bị lực lượng phòng vệ mạng và cơ quan tình báo xếp vào danh sách mối đe dọa an ninh tiềm tàng.

    “Việc sử dụng thiết bị và công nghệ có xuất xứ từ Nga hoặc Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm gây ra những mối đe dọa cả ngắn hạn và dài hạn… Quyết định cấm Nuctech là một bước hướng tới mục tiêu chiến lược của chúng tôi — thoát khỏi các nhà cung cấp công nghệ không đáng tin cậy và loại bỏ các rủi ro bảo mật có thể xảy ra trước khi thiệt hại xảy ra”, Thứ trưởng Quốc phòng Litva, Margiris Abukevicius, nói với EUobserver.

    Không có nhận xét nào