Header Ads

  • Breaking News

    Nạn ‘lạm phát sân bay’ tại các tỉnh thành: chính phủ cần phải xem xét kỹ

     

    Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vào ngày 14/1 đã có đề xuất với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, xin ý kiến xây dựng sân bay lưỡng dụng Técníc Hớn Quản.

    Nạn ‘lạm phát sân bay’ tại các tỉnh thành: chính phủ cần phải xem xét kỹ

    Ông Nguyễn Xuân Phúc được báo chí nhà nước đưa tin dẫn lời rằng sẽ giao Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị theo quy định của Luật Quy hoạch.

    Đến ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể lại nói chưa nghe nói về sân bay này và cũng chưa tiếp nhận văn bản nào từ Chính phủ và địa phương.

    Dù vậy, theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bình Phước, cho truyền thông trong nước hay Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho sở chuẩn bị nội dung báo cáo, cũng như mời đơn vị tư vấn để báo cáo về kế hoạch thực hiện lập dự án sân bay Técníc Hớn Quản vào sáng ngày 25/2.

    Không riêng Bình Phước, mà nhiều tỉnh thành khác cũng đưa ra đề xuất xây dựng sân bay tại địa phương như Hà Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, An Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Lai Châu...

    Người ta nghĩ mỗi một tân lãnh đạo có một cái gì mới nổi bật và trong điều kiện hiện nay, sân bay là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch nên các địa phương đều hỏi xây sân bay, người ta nói là nạn ‘lạm phát sân bay’. - PGS.TS Ngô Trí Long

    Trao đổi với RFA tối 2/3, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định:

    “Người ta nghĩ mỗi một tân lãnh đạo có một cái gì mới nổi bật và trong điều kiện hiện nay, sân bay là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch nên các địa phương đều hỏi xây sân bay, người ta nói là nạn ‘lạm phát sân bay’. Chính vì vậy bây giờ phải xem xét cụ thể, không phải anh nào yêu cầu là được.”

    Đồng quan điểm vừa nêu, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong một lần trả lời Đài RFA vào ngày 1/4/2019 lập luận:

    “Nhưng các ông làm theo nhiệm kỳ, không phải làm suốt đời, ông không phải lo suốt đời, ông chỉ thích có sân bay để phục vụ nhiệm kỳ ông ấy tốt, thì ông có lợi. Còn sau này tính toán ra không hiệu quả thì ông về hưu rồi, là tâm lý nhiệm kỳ, ông nào cũng muốn thời gian mình làm cán bộ mở mang việc này việc kia, nhưng vấn đề ai trả nợ công trình ấy, ai theo dõi từ đầu chí cuối mà thu, tính toán hiệu quả công trình ấy? Thì lại là nhân dân.

    Còn các ông ấy nhiều khi lãnh đạo chừng vài năm lại về hưu. Ngoài ra mình chưa nói đến khả năng tiêu cực, ông có nhiều công trình thì ông cũng có lợi. Ông có nhiều công trình thì có nhiều đầu tư vào, thì ông cũng có cái lợi nhất định, nhất là nếu tiêu cực thì càng có lợi cho ông ấy.”

    Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vào tối 2/3, với tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động đến du lịch, khách sạn, hàng không như hiện nay, không phải mọi sân bay ở Việt Nam đều phát huy tác dụng. Ông phân tích thêm:

    “Đây là điều khó xử cho chính phủ. Hiện nay một số địa phương muốn mở sân bay trong khi đó khoảng cách giữa các sân bay là quá gần, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các sân bay.”

    Theo thông tin được báo Lao Động đăng tải, hiện chỉ có 6 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài trên tổng số 22 sân bay trên địa bàn cả nước đang hoạt động sinh lãi.
     

    Trong khi đó, 16 sân bay còn lại đều đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động.

    Do đó, việc xem xét phê duyệt yêu cầu xây dựng sân bay của nhiều địa phương là vấn đề cần phải được xem xét kỹ.

    PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận thẳng thắn rằng thực tế các địa phương xây sân bay phần lớn là lỗ. Cụ thể, theo những con số thống kê được đưa ra, 6/22 tương đương trên 25% sân bay có lãi trong khi còn lại 75% không có lãi.

    Vì vậy ông Long cho rằng nếu các tỉnh cứ đòi đầu tư trong khi ngân sách có hạn thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống của nền kinh tế:

    “Trong khi đó nguồn lực, nguồn tài chính có hạn là mình phải biết đầu tư vào đâu, đầu tư trọng điểm để tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu và đầu tư có hiệu quả. Phải suy nghĩ đó là một cơ sở, một động lực, một mạch máu giao thông vô cùng quan trọng, kết nối tất cả hoạt động, ví dụ du lịch, sản xuất, tiêu dùng.”

    Trong năm 2020 vừa qua, ngành hàng không được đánh giá bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh SARS-CoV-2 nên hàng loạt đường bay quốc tế đã phải đóng cửa dẫn đến tình trạng sân bay quốc tế tĩnh lặng.

    Dù Việt Nam được nói kiểm soát khá tốt tình trạng lây lan của COVID-19 phần nào giúp đường bay quốc nội tiếp tục hoạt động, đẩy cao hiệu suất sân bay nội địa, nhưng theo ý kiến các chuyên gia, không thể để nạn ‘lạm phát sân bay’ diễn ra tràn lan.

    PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng những đề xuất xây sân bay tại các địa phương, tránh trường hợp cả 63 tỉnh thành trên cả nước đều có sân bay. Ông đề xuất:

    “Để phê duyệt địa phương nào có sân bay thì theo quan điểm của tôi là phải xây dựng tiêu chí xem xây dựng sân bay thì cần tiêu chí gì, trên cơ sở tiêu chí đó thì người ta mới quyết định nơi nào có, nơi nào không và sân bay loại nào quốc tế hay nội địa. Đây là vấn đề đang xem xét, đang bàn luận cụ thể."

    Tôi nghĩ rằng cái này cần có một quy hoạch cả nước, cần đưa ra thảo luận, có chuyên gia độc lập đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó có kết luận để tránh việc sẽ có quá nhiều sân bay mà hiệu quả không như chúng ta mong đợi. - TS. Lê Đăng Doanh

    TS. Lê Đăng Doanh cũng hy vọng chính phủ Hà Nội sẽ có quyết định sáng suốt và hiệu quả để tránh việc Việt Nam sẽ có quá nhiều sân bay mà không được sử dụng có hiệu quả trong thời gian tới:

    “Tôi nghĩ rằng cái này cần có một quy hoạch cả nước, cần đưa ra thảo luận, có chuyên gia độc lập đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó có kết luận để tránh việc sẽ có quá nhiều sân bay mà hiệu quả không như chúng ta mong đợi.”

    Không phải đến nay vấn nạn nhiều tỉnh thành đề xuất có sân bay riêng mới nảy sinh; cách đây gần năm năm, vào tháng 11 năm 2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn thuộc đơn vị Thành phố Đà Nẵng, đã lên tiếng cảnh báo “thử hỏi 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 26 sân bay, trong đó có 10 sân bay quốc tế, thì gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển. Điều này khiến cho lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng và các tỉnh, thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm”.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào