Header Ads

  • Breaking News

    Cải cách tư pháp và chính sách đất đai: hai đề xuất căn bản cho Quốc hội

    Bức thư gửi đến Quốc hội Việt Nam khóa XIV có dẫn nội dung Điều 69 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

    Cải cách tư pháp và chính sách đất đai: hai đề xuất căn bản cho Quốc hội

    Do đó, CLB Lê Hiếu Đằng cho rằng kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIV có ý nghĩa quan trọng mà mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều hy vọng sẽ có sự đổi mới gì đó đáng gọi đổi mới và mang tính thực chất.

    CLB Lê Hiếu Đằng khẳng định rằng, nếu đường lối chính sách căn bản vẫn không thay đổi và mang tính đột phá cách mạng thì mọi thứ cũng sẽ đi vào bế tắc.

    Trao đổi với RFA tối 1/4, ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng nói rõ thêm mục đích bức thư gửi cho Quốc hội:

    “Cả hàng trăm, hàng ngàn chuyện phải giải quyết chứ không phải một, hai chuyện, nhưng bây giờ đi vào bắt đầu giải quyết cái gì mà có thể từ đó làm thay đổi từng bước xã hội Việt Nam và thể chế Việt Nam thì đi vào hai vấn đề cấp bách nhất là cải cách tư pháp và chính sách ruộng đất.”

    Phân tích rõ hơn về từng vấn đề vừa nêu, ông Lê Thân cho rằng Tư pháp Việt Nam hiện nay nằm trên một ý chí của một nhóm người hay một cá nhân chứ không dựa trên luật pháp đã được ban hành. Do đó:

    “Nếu không cải cách tư pháp thì chuyện oan sai cứ diễn ra suốt, nếu không có cải cách tư pháp thì tất cả cán bộ nhà nước, những người đảng viên tiếp tục là những ông vua trên từng mảng của mình. Cho nên bắt buộc phải cải cách tư pháp, không thể để theo kiểu hiện nay được.

    Chắc ai cũng biết rằng một bản án dựa trên những chứng cứ điều tra nhưng điều tra có sai sót thì ông đứng đầu ngành tư pháp cho rằng điều tra có sai sót nhưng bản chất vụ án không thay đổi. Khi nói như thế là đạp đổ ngành tư pháp.”

    Cả hàng trăm, hàng ngàn chuyện phải giải quyết chứ không phải một, hai chuyện, nhưng bây giờ đi vào bắt đầu giải quyết cái gì mà có thể từ đó làm thay đổi từng bước xã hội Việt Nam và thể chế Việt Nam thì đi vào hai vấn đề cấp bách nhất là cải cách tư pháp và chính sách ruộng đất. - ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng

    Thư gửi Quốc hội của CLB Lê Hiếu Đằng cũng nhắc đến tình trạng nhiều vụ án oan, nhiều “vụ án bỏ túi”…, nhất là những vụ có liên quan chính trị hoặc kinh tế mà trong đó có sự tranh chấp quyền lực giữa các phe phái.

    Bên cạnh đó, theo ông Lê Thân, tình trạng tư pháp không công bằng còn thể hiện qua việc khi luật sư ra cãi nhưng quan tòa cũng làm việc theo nghị quyết về một bản án có sẵn.

    “Vai trò luật sư không có, tức là vấn đề làm minh bạch bản án không có điều kiện thì làm sao xử án tốt. Ở Việt Nam bây giờ vai trò luật sư suy cho cùng cũng chỉ là tô điểm cho chế độ.”

    Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang cho rằng nếu muốn có tư pháp độc lập, Việt Nam cần thay đổi:

    “Tư pháp đó không thể dưới một đảng mà đảng đó đang nắm chính quyền. Bởi vì trong tranh chấp, mâu thuẫn xã hội giữa cá nhân người dân và tổ chức hay giữa người dân với chính quyền thì có thể người dân đúng, chính quyền sai nhưng ông tòa án lại là cấp dưới của chính quyền về mặt đảng và phải là đảng viên mới được là thẩm phán thì làm sao họ xét xử vượt mặt cấp trên trong đảng bộ?”

    Tổng kết của các cơ quan chức năng được CLB Lê Hiếu Đằng trích dẫn cho hay, có đến 80% các cuộc khiếu kiện của dân đều liên quan đến đất đai.


    Theo quan sát của CLB Lê Hiếu Đằng, từ thực tế cũng cho thấy, có khoảng 80% vụ việc bị xử lý kỷ luật đều dính tới quan chức các cấp từ địa phương đến trung ương, kể cả cấp thượng tướng, cấp ủy viên bộ chính trị, mà chức càng lớn, quy mô tham nhũng đất đai càng nhiều, càng phức tạp khó xử.

    Từ đó cho thấy rõ ràng từ chính sách vô lý về đất đai, đã làm mất lòng dân, làm tha hóa hỏng bét bộ máy nhà nước với mức độ vô phương cứu chữa.

    Ông Lê Thân nhận định rằng ruộng đất là nguồn gốc của tất cả mọi tham nhũng và là nguồn gốc của mọi bất công, nên muốn xã hội tốt hơn cần phải giải quyết vấn đề chính sách ruộng đất.

    “Hiện giờ luật đất đai là luật cướp đất, không phải là luật đất đai. Nếu không sửa luật đất đai thì ngày càng tham nhũng tràn lan, từ thấp đến cao, đâu cũng tham nhũng và người nông dân nói riêng, người dân nói chung luôn luôn bị thiệt thòi, bị cướp đất.”

    Với thực tế vừa nêu, ông Lê Thân khẳng định do chính sách đất đai hiện nay đã dẫn đến hệ quả là tạo điều kiện cho tham nhũng ngày càng gia tăng, không bao giờ chấm dứt bởi vì theo ông, hiện giờ tham nhũng dễ nhất là tham nhũng đất đai.

    Nhà hoạt động Trần Bang nêu ra nguyên nhân vì sao đất đai trở thành vấn đề nóng trong hàng chục năm qua:

    “Khi kinh tế phát triển thì đất có giá trị. Lúc đó luật đất đai cũng như quy định đất đai là sở hữu toàn dân trong Hiến pháp không còn phù hợp, thích ứng với nền kinh tế thị trường, vì với nền kinh tế thị trường thì tất cả mọi thứ đều là hàng hóa và phải có chủ sở hữu.

    Nếu vẫn để tình trạng sở hữu toàn dân thì khi nhà nước quy hoạch làm dự án gì đó thì nhà nước dùng sức mạnh của nhà nước, công an, quân đội, tòa án, tư pháp, chính quyền để cưỡng chế đất, giải phóng mặt bằng. Điều đó quá rõ ràng là một hình thức tước đoạt tài sản hợp pháp của một cá nhân hoặc tổ chức.”

    Bên cạnh việc cần cải cách tư pháp và chính sách sở hữu đất đai, CLB Lê Hiếu Đằng bày tỏ rằng Quốc hội cũng là cơ quan cần phải có sự thay đổi trong hoạt động, cụ thể là việc bầu cử.

    Theo đó, CLB Lê Hiếu Đằng đề xuất rằng Quốc hội nên đề nghị mỗi chức danh được đưa ra bầu cử thì phải có từ hai người trở lên để Quốc hội lựa chọn biểu quyết bằng phương thức bỏ phiếu kín.

    Ông Lê Thân giải thích về vấn đề này như sau:

    “Ra bầu chỉ có một người, ví dụ đưa ông Huệ ra bầu Chủ tịch Quốc hội một mình ông thì không bầu ông cũng trúng cử vậy bầu làm gì?

    Đòi hỏi cái tốt hơn thì không có nên họ phân hóa chuyện bầu cử đó nhưng ít nhất cho hai người để còn gọi là bầu. Hai người đó ít nhất khi người nào bầu được trúng thì họ thấy họ trúng là được bầu nên họ có trách nhiệm.”

    Quốc hội Việt Nam bắt đầu quy trình kiện toàn nhân sự cho nội các mới từ ngày 30/3 đến 8/4. Trong đó, chức Chủ tịch Quốc hội thuộc về ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ cũng đã có buổi lễ tuyên thệ vào sáng 31/3.

    Đến chiều ngày 1/4, Quốc hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình, đề nghị miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Quyết định này sẽ được thực hiện vào sáng 2/4.

    Truyền thông trong nước trước đó dẫn lời Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.

    Đây được nói là lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào