Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày 1 tháng 5 năm 2021

    Cảnh tượng tại New Delhi hệt như ngày tận thế!
    Điểm tin thế giới ngày 1 tháng 5 năm 2021

    Trong những ngày qua Ấn Độ chìm trong khủng hoảng khi chứng kiến số ca nhiễm virus cúm Vũ Hán hàng ngày trên 300.000 ca, khiến hệ thống y tế ở quốc gia này sụp đổ, hầu hết gia đình ở các vùng dịch ở Ấn Độ đều có thành viên đang vật lộn với virus. Rất nhiều người phải bất lực nhìn người thân ra đi vì không thể cầu cứu bất kỳ ai.

    Trong một cuộc phỏng vấn với báo Guardian, bà Pia Desai, 40 tuổi, sống ở New Delhi đã mô tả hình ảnh thảm khốc khi đại dịch quét qua thành phố này.

    Bà nói: “Mọi gia đình tôi biết đều đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cảnh tượng tại New Delhi như thể tận thế. Lia máy quay vào bất cứ đâu người ta cũng có thể nhìn thấy ai đó đang cầu xin thuốc men, xin hỗ trợ giường bệnh, thức ăn, huyết thanh. Dù có là ai thì lúc này bạn cũng không có giường bệnh”.

    Bà Desai đang trong ngày thứ 10 tự cách ly với gia đình, sau khi bà và chồng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Bà gần như không cảm nhận mùi hay vị, nhưng vẫn cho rằng mình là người may mắn.

    Bà nói: “Mẹ chồng của bạn thân tôi phải thở máy ở Bệnh viện Delhi, chúng tôi chạy khắp nơi để tìm loại thuốc phù hợp. Giới chức trách nói rằng họ đang phân phối, nhưng hoàn toàn không có thiết bị hay thuốc điều trị nào có sẵn. Chúng tôi đã lùng sục trên mạng xã hội để tìm kiếm giúp đỡ. Tuy nhiên, thuốc mà chúng tôi cần chỉ có thể tìm thấy ở chợ đen với giá cực cao”.

    Mẹ chồng của bạn bà đã qua đời vào sáng 28/4. Thế nhưng, gia đình vẫn chưa thể mai táng vì các lò hỏa táng thông báo họ đã kín chỗ, nhiều thi thể đã phải chờ đợi ở đó trong hai ngày.

    Câu chuyện của Desai và người bạn của bà chắc chắn không phải là những trường hợp duy nhất đang xảy ra tại tâm dịch Delhi . Theo dữ liệu của Worldometer, hiện Ấn Độ đã có hơn 19 triệu ca nhiễm, hơn 211.000 trường hợp tử vong, số trường hợp hồi phục mới chỉ hơn 15,6 triệu người.

    Chuyên gia cảnh báo người Ấn Độ về rủi ro khi cố tạo oxy tại nhà


    Các bác sĩ và nhà khoa học ở Ấn Độ đang cảnh báo về những nguy cơ nghiêm trọng khi người dân cố gắng tạo oxy y tế tại nhà trong bối cảnh Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy trầm trọng trong trận chiến chống lại dịch Covid-19, theo Reuters.

    Dữ liệu của Google Trend cho thấy các tìm kiếm cho cụm từ “cách tạo oxy tại nhà” đạt đỉnh vào ngày 23 tháng 4 khi cuộc khủng hoảng Covid trở nên tồi tệ hơn ở Ấn Độ. Các video cùng chủ đề này trên YouTube đã thu được hàng trăm nghìn lượt xem. Các video hướng dẫn cách tạo ra oxy thông qua các phương pháp như điện phân đã xuất hiện ngày càng nhiều.

    A Ravikumar, thư ký Hiệp hội Y tế Ấn Độ cho miền nam bang Tamil Nadu, nói với Reuters: “Có một phương pháp đã được khoa học chứng minh để sản xuất oxy y tế thông qua các thiết bị tập trung. Bất kỳ phương pháp nào khác để thử tạo ra khí ở nhà đều có nhiều rủi ro như khả năng hít phải khí độc và nổ”.

    Tarun Bhatnagar, một nhà khoa học tại Viện Dịch tễ Quốc gia ở Chennai, gọi những nỗ lực tạo ra oxy tự chế là “phương pháp chưa được thử nghiệm và không đáng tin cậy”.

    Nhiều bệnh viện ở Ấn Độ đang từ chối nhận bệnh nhân vì thiếu oxy. Điều đó đã dẫn đến việc các phương pháp chữa trị viêm phổi Vũ Hán “tự chế” được lan truyền trên mạng xã hội. Đã có video cho thấy những người đàn ông hít hơi nước từ nồi áp suất hoặc ấm đun nước để tiêu diệt virus Vũ Hán.

    LHQ không nhất trí về tuyên bố chung Myanmar, chủ yếu do Nga-Trung
     

    Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 30/4 không đồng lòng về một thông cáo chung đối với cuộc khủng hoảng tại Myanmar sau một cuộc họp kín, các nhà ngoại giao đổ lỗi cho Bắc Kinh và Nga vì đã đưa ra các phản đối và thúc đẩy những nội dung văn từ mà họ đề xuất.

    Phiên họp do Việt Nam triệu tập để trình bày những kết luận từ hội nghị thưởng đỉnh mới đây của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Indonesia. ASEAN sẽ chỉ định một đặc sứ để giúp giải quyết khủng hoảng do cuộc đảo chánh ngày 1/2 của quân đội Myanmar gây nên.

    Trong cuộc họp, Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, người đang thị sát khu vực, báo cáo về cuộc gặp với lãnh đạo phe đảo chánh, Tướng Min Aung Hlaing, được tổ chức bên lề hội nghị ASEAN.

    Các nhà ngoại giao cho biết yêu cầu của vị đặc sứ này muốn được đến thăm Myanmar một lần nữa bị khước từ.

    Trong cuộc họp, Brunei, hiện là chủ tịch ASEAN, đưa ra ý kiến về một chuyến đi thăm chung của đặc sứ Liên hiệp quốc và người tương nhiệm phía ASEAN tới Myanmar.

    Một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, do Anh soạn thảo, không được sự ủng hộ hoàn toàn của Hội đồng.

    Một bản sao AFP có được cho thấy bản thảo đó định đưa ra “sự ủng hộ hoàn toàn đối với vai trò trung tâm của ASEAN” và khuyến khích một chuyến thăm như vậy của bà Schraner Burgener “càng sớm càng tốt.”

    Dự thảo tuyên bố nói các thành viên Hội đồng Bảo an “một lần nữa mạnh mẽ lên án bạo động chống lại người biểu tình ôn hòa” và “nhắc lại lời kêu gọi quân đội tự chế tối đa.”

    Tuy nhiên các nhà ngoại giao cho hay Trung Quốc và Nga bác dự thảo của Anh và đề nghị bản thảo của họ, vốn không thể chấp nhận đối với đa số Hội đồng Bản an.

    Hôm 30/4 diễn ra các cuộc thảo luận về việc hòa nhập hai dự thảo tuyên bố, các nhà ngoại giao cho hay.

    Có gần 760 thường dân bị cảnh sát và quân đội Myanmar giết chết trong ba tháng qua, theo Hội Hỗ trợ Tù Chính trị.

    Hội đồng quân nhân đưa ra con số 258 người chết, tính đến ngày 15/4, và tố cáo người biểu tình “bạo loạn” tham gia những “hành động khủng bố”.

    Mỹ ra chính sách mới về ngoại giao ‘thực tiễn’ với Triều Tiên


    Tổng thống Joe Biden đã xác định một phương án mới áp lực Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Phương án này sẽ thăm dò ngoại giao nhưng không tìm cách mặc cả với lãnh đạo Kim Jong Un, Tòa Bạch Ốc tuyên bố ngày 30/4.

    Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho báo giới biết các giới chức Mỹ đã hoàn tất một tháng xem xét về chính sách đối với Triều Tiên.

    Hoàn tất phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn là mục tiêu, nhưng theo bà Psaki, bốn Tổng thống Mỹ trước đây đã không thể đưa Bình Nhưỡng đến ngưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân.

    Chính sách của ông Biden nhắm tìm phương án trung dung giữa các chính sách mà những người tiền nhiệm gần đây nhất của ông Biden đã theo đuổi.

    “Chính sách của chúng tôi sẽ không chú trọng đến chuyện đạt được một cuộc mặc cả lớn lao, cũng sẽ không dựa vào kiên nhẫn chiến lược,” bà Psaki nói.

    Thay vào đó, Mỹ sẽ theo đuổi một “phương pháp thực tiễn đã được hiệu chuẩn, mở ngỏ và thăm dò ngoại giao với” Triều Tiên và tạo “tiến bộ thực tiễn” làm gia tăng an ninh của Mỹ và đồng minh, bà Psaki cho biết.

    Cho tới nay, Triều Tiên vẫn từ chối giao dịch ngoại giao với chính quyền Biden. Bình Nhưỡng muốn Mỹ và đồng minh gỡ bỏ các chế tài kinh tế liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

    Bà Psaki không cho biết chi tiết về những bước kế tiếp nào của chính quyền Biden có thể vượt quá những cuộc thảo luận với đồng minh.

    Hiện có những quan ngại là Triều Tiên có thể trở lại thử vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đã phóng hai phi đạn bị nghi là phi đạn đạn đạo vào vùng biển gần Nhật Bản hồi tháng Ba.

    Tòa Bạch Ốc không cho biết liệu có nhượng bộ để mang Triều Tiên trở lại hòa đàm hay không.

    Covid-19: Ấn Độ khởi động chiến dịch chích ngừa cho toàn bộ người lớn


    Hôm nay, 01/05/2021, Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn bộ khoảng 600 triệu người lớn của nước này, nơi số ca nhiễm mới lại phá kỷ lục với 400.000 người trong vòng 24 giờ.

    Tuy nhiên, ngay trước khi được phát động, chương trình chích ngừa Covid-19 của Ấn Độ đã gặp nhiều vấn đề. Nhiều bang, trong số đó có những bang bị dịch nặng nhất, đã thông báo thiếu vac-xin, chưa kể những trục trặc kỹ thuật trên trang web đăng ký chích ngừa, những tranh cãi về thủ tục hành chính, nhầm lẫn về giá cả...

    Theo hãng tin AFP, cho đến nay, đã có 150 triệu người được chích ngừa Covid-19, tức là 11,5% dân số Ấn Độ, nhưng chỉ mới có 25 triệu người được chích 2 liều.

    Hôm nay, theo số liệu của bộ Y Tế, Ấn Độ đã có thêm 401.993 ca nhiễm trong vòng 24 giờ, mức cao nhất thế giới cho đến nay. Chỉ trong tháng 4, quốc gia có 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận thêm 7 triệu ca nhiễm. Số ca tử vong tính cho đến hôm nay là gần 212 ngàn người.

    Tuy số ca nhiễm và số ca tử vong liên tục phá kỷ lục như vậy, nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số thì vẫn thấp hơn ba lần so với mức đỉnh điểm ở Pháp trong đợt dịch đầu tiên.

    Tuy vậy, có một thực tế là tại Ấn Độ, các nguyên nhân của những ca tử vong ít khi nào được nêu lên và trong thời gian dịch bệnh thì lại càng ít được báo cáo. Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis giải thích:

    "Bình thường, chỉ có 18% ca tử vong được báo cáo ở Ấn Độ và nguyên nhân của cái chết được ghi nhận. Như vậy là do vấn đề hành chính này, 1 phần 5 số ca tử vong vì Covid-19 không được thống kê.

    Thêm vào đó, việc xét nghiệm rất kém: theo các nghiên cứu gần đây, chỉ có 3% ca nhiễm ở Ấn Độ chính thức được ghi nhận dương tính, so với tỷ lệ 25% ở châu Âu. Mà nếu một người không được ghi nhận là dương tính với virus corona thì không thể chính thức được báo cáo là chết vì Covid-19.

    Ngoài ra, các giới chức vẫn cố tình báo cáo càng ít ca tử vong vì Covid càng tốt, những ca kia được ghi nhận là chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Hemant Shewade, một nhà nghiên cứu và tiến sĩ về y tế cộng đồng, giải thích vì sao không thể so sánh với tỷ lệ tử vong ở châu Âu:

    'Chúng ta không thể so sánh các quốc gia tùy theo số ca tử vong được báo cáo, bởi vì ở Pháp, việc thống kê các ca tử vong là gần như hoàn hảo, và nếu có sai sót thì sẽ được sửa ngay.

    Ở Ấn Độ, hệ thống này rất kém và người ta không bao giờ sửa sai. Ví dụ như bang Goujarat chỉ ghi nhận có 20 ca tử vong trong một ngày, trong khi cùng ngày đó, có đến 300 thi thể được hỏa thiêu theo đúng các quy định về phòng chống Covid ! Như thế đủ để thấy tầm mức của việc khai báo rất thấp số ca tử vong !'.

    Theo nhà nghiên cứu này, tỷ lệ tử vong tính trên dân số ở Ấn Độ ít ra là cũng cao bằng Brazil.”

    Mỹ: Florida soạn luật phạt mạng xã hội vì 'cấm cửa' các chính trị gia


    Một dự luật mới gây tranh cãi nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ 'cấm cửa' các chính trị gia đã được cả hai viện trong cơ quan lập pháp của Florida thông qua.

    Dự luật hiện phải được ký bởi đồng minh của Trump, Thống đốc Ron DeSantis.

    Luật cho phép các công ty công nghệ tạm khóa tài khoản, nhưng chỉ trong 14 ngày và có thể phạt các công ty này tới 250.000 đô la mỗi ngày nếu vi phạm luật.

    NetChoice, một nhóm khuyến khích tự do ngôn luận trên internet, đã làm chứng chống lại đạo luật này vào tháng trước.

    Donald Trump đã bị Twitter cấm và bị Facebook và YouTube đình chỉ hoạt động sau vụ bạo loạn Đồi Capitol chết người vào tháng Giêng.

    Kể từ khi rời nhiệm sở, Donald Trump đã dành nhiều thời gian ở Florida và được cho là thân thiết với ông DeSantis, cũng như các thành viên Đảng Cộng hòa cấp cao khác của Florida.

    Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng luật này có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

    Tháng trước, Steve DelBianco, giám đốc điều hành của NetChoice, cho biết trong khi làm chứng chống lại dự luật: "Hãy tưởng tượng nếu chính phủ yêu cầu một nhà thờ cho phép các bình luận của người dùng hoặc quảng cáo của bên thứ ba về phá thai được đăng trên mạng xã hội của họ."

    Điều đó sẽ vi phạm Tu chính án thứ nhất [đảm bảo quyền tự do ngôn luận], [dự luật này] cũng vậy, vì nó cũng sẽ buộc các mạng xã hội lưu trữ nội dung họ mà đáng lẽ ra không cho phép."

    Mặc dù dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện vào thứ Năm, nhưng có khả năng các công ty công nghệ sẽ phản đối nó trước tòa - nói rằng dự luật vi phạm quyền của Tu chính án đầu tiên của Mỹ.

    Dự luật bao gồm một điều khoản miễn trừ cho một công ty "sở hữu và vận hành một công viên hoặc khu phức hợp giải trí" - điều này cho phép Disney được miễn trừ khỏi dự luật này.

    Florida là nơi có công viên giải trí Disney World.

    NBC Miami đưa tin một số nhà làm luật coi điều này là "đạo đức giả".


    "Nếu Facebook mua một công viên giải trí, liệu điều đó có ngăn cản chúng tôi có thể điều chỉnh những gì xảy ra trên Facebook không?" Andrew Learned, một thành viên đảng Dân chủ của Hạ viện Florida, đặt câu hỏi.

    "Vì vậy, nếu họ mua một công viên giải trí và đặt tên cho nó là Zuckerland và ông ấy đáp ứng định nghĩa về công viên giải trí theo quy chế của Florida, thì có," Đại diện Đảng Cộng hòa Blaise Ingoglia nói.

    Joe Biden cấp cho ngành phá thai số tiền gấp 19 lần Obama


    Trùng với ngày thứ 100 ông Biden ngồi ghế tổng thống, ngày 28/4, Hội đồng Nghiên cứu Gia đình phát hành báo cáo “Theo dõi Chính quyền Biden”. Báo cáo cho biết ông Biden đã tìm cách huy động được ít nhất 479,9 tỷ đô la trợ cấp cho các doanh nghiệp phá thai, nhiều gấp 19 lần khoản tài chính mà Tổng thống Obama có được để hỗ trợ lĩnh vực bị lên án này, theo Life News.

    Trong số 479,9 tỷ đô la mà các doanh nghiệp phá thai nhận được, có tới 467,8 tỷ đô được chính quyền Biden trích từ gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ đô. Phần tiền còn lại được ông Biden huy động thông qua các lệnh lệnh điều hành.

    Để so sánh, trong vòng 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Obama, ông chỉ huy động được 24,7 tỷ đô la trợ cấp cho các kế hoạch phá thai bằng việc ký một dự luật.

    Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Gia đình Tony Perkins cho biết: “Vào ngày thứ 100 trong vai trò của mình, rõ ràng là Tổng thống Biden không chỉ quay trở lại các chính sách ủng hộ phá thai của chính quyền Obama và loại bỏ nhiều chính sách ủng hộ sự sống của chính quyền Trump, mà còn mở rộng tài trợ phá thai vượt xa cấp độ của bất kỳ nhân vật quản trị nào trước đây”.

    Ông Perkins cho biết thêm: “Trong 100 ngày chạy nước rút của mình cho Cánh tả, Tổng thống Biden đã buộc những người đóng thuế trở lại quan hệ đối tác với ngành công nghiệp phá thai, cả trong và ngoài nước. Ông ta đã nói rõ rằng ông ta không coi trọng phẩm giá vốn có của cuộc sống con người. Hành động của ông ta phủ nhận sự thật rằng mọi sinh mệnh người, [dù] được sinh ra và chưa được sinh ra, đều có phẩm giá vốn có và đáng được tôn trọng”.

    Ông Perkins tiếp tục: “Như Thượng nghị sĩ Tim Scott đã lưu ý trong phát biểu của ông tối qua sau bài phát biểu của Biden, đây là một tổng thống đã không làm được điều mà ông đã hứa. Thay vào đó, Tổng thống Biden đã ưu tiên chi tiền thuế của người dân để phá thai, khiến Obama trở thành người [cực tả] ôn hòa [hơn] khi so sánh [với ông Biden]”.

    Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Tôi sẽ không bao giờ cúi đầu trước Tập Cận Bình

    Ông Keith Krach, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời TT Trump, trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ gần đây nói rằng, ông sẽ không cúi đầu trước Tập Cận Bình, và thông điệp mà ông muốn gửi tới lãnh đạo ĐCSTQ là thế giới không tin tưởng ông ta, theo VOA Chinese.

    Vào tháng 9/2020, ông Krach đã đến Đài Loan để tham dự lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, trở thành quan chức đương nhiệm cấp cao nhất của Bộ Ngoại Mỹ đến thăm Đài Loan sau hơn 40.

    Vào tháng 1/2021, ông Krach, cùng với cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo và hơn 20 quan chức chính quyền Trump, đã bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt với cáo buộc “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ, Hồng Kông và Ma Cao”.

    Nói về lệnh trừng phạt của Bắc Kinh, ông Krach nói: “Đó là một huân chương danh dự, nhưng tại sao tôi phải phản ứng khi tôi có thể hành động? Tôi sẽ không cúi đầu trước Tổng Bí thư Tập, và tôi nghĩ những người khác cũng không nên.”

    Ông nói thêm: “Các biện pháp trừng phạt của ông [Tập Cận Bình] đối với tôi không ảnh hưởng đến tôi, nhưng nó đã gửi một thông điệp tới chính quyền Biden và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới rằng ông ta không đáng tin cậy và sẽ gây ra hậu quả.”

    Về quan hệ Mỹ-Trung, ông Krach nhận định: “Tất nhiên tôi luôn có hy vọng, nhưng tôi cũng nghĩ rằng Tổng Bí thư Tập đã thực sự gia cường tính hiếu chiến của mình, mặc dù họ nói, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, nhưng thực tế không phải vậy. Đây là một trò chơi có tổng bằng không [bên được, bên mất]”.

    Trước mối lo ngại chính quyền Trung Quốc có thể sẽ ra lệnh xâm lược Đài Loan, ông Krach nói rằng: “Tôi nghĩ là có thể”.

    Trước câu hỏi Hoa Kỳ có nên tẩy chay Thế vận hội Mùa đông vào năm 2022 ở Bắc Kinh vì những hành động đàn áp nhân quyền tàn bạo ở Tân Cương hay không?, cựu thứ trưởng Krach cho biết: “Diệt chủng đang xảy ra ở đó […] Ủy ban Olympic Quốc tế từng nói, này, hãy tổ chức Thế vận hội nhân đạo, nhưng điều đó là đạo đức giả”.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào