Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Trọng Luật - Đất nước Đa Nguyên

    Chủ nghĩa đa nguyên, trước hết, là một thế giới quan. Trong thế giới quan này, vạn vật có nhiều khởi nguyên, nhân loại không chỉ có một con đường tiến hóa, xã hội có thể hướng về nhiều lý tưởng khác nhau, con người không bắt buộc chỉ tôn thờ cùng một giá trị, và mỗi giá trị lại có thể được nhận diện và thực hiện dưới nhiều khía cạnh riêng biệt... Vì nhìn cuộc đời như thế nên người đa nguyên thường vẫn nhập thế với một đầu óc hết sức cởi mở. Cái tinh thần khai phóng ấy, ở Tây Phương có lẽ chưa ai đã diễn tả được trọn vẹn bằng Voltaire: «Tôi không biết có đồng ý được với anh hay không, nhưng tôi sẽ làm đủ mọi cách để anh có thể phát biểu ý kiến».
    Phạm Trọng Luật - Đất nước Đa Nguyên

    «Tôi không biết có đồng ý được với anh hay không,
    nhưng tôi sẽ làm đủ mọi cách để anh có thể phát biểu ý kiến»

    Áp dụng vào lãnh vực chính trị, chủ nghĩa đa nguyên còn là một thể chế, đó là chế độ dân chủ đa đảng. Bản chất của mọi xã hội là bao gồm nhiều tập hợp nhỏ hơn. Dựa vào nhận định đó như một tiền đề, người đa nguyên không kết luận rằng xã hội cần phải thay đổi bản chất, mà đòi hỏi xã hội phải được tổ chức thế nào để mọi đoàn thể sống trong đó đều có thể bênh vực những quyền lợi tinh thần hay vật chất cơ bản của mình. Trong chế độ đa đảng, mỗi chánh đảng thường đại diện chủ yếu cho những quyền lợi cục bộ của một tầng lớp xã hội. Tất cả vấn đề tổ chức trong một hệ thống chính trị đa đảng, do đó, là làm thế nào để, khi một đảng phái nắm được bộ máy nhà nước, những quyền lợi của các giai tầng khác vẫn không bị tiêu hủy.



    Ðặc điểm căn bản của phương thức tổ chức dân chủ đa nguyên, vì thế, là sự phủ nhận một thứ nhà nước toàn năng. Quyền hành của nhà nước phải được hạn chế, không những chỉ để bảo vệ những quyền lợi cục bộ khác, mà còn để tránh cho người công dân khỏi bị nhà nước đè bẹp. Hạn chế bằng nguyên tắc phân quyền, bằng sự tồn tại của xã hội dân sự như một thế lực đối trọng, và bằng sự công nhận mọi quyền tự do cá nhân. Không có nạn tập trung quyền hành vào tay bất cứ một cơ quan nhà nước nào; giữa nhà nước và người công dân, nhiều đoàn thể trung gian khác (đảng phái, nghiệp đoàn hay nhóm áp lực) phải được tự do hoạt động; giới hạn độc nhất cho sự thụ hưởng các quyền tự do của một người công dân là đừng xâm phạm vào quyền tự do của kẻ khác.

    Phủ nhận một thế giới quan duy nhất, một chánh đảng độc tôn, một nghiệp đoàn độc nhất, và một nhà nước tập quyền, đó là chân dung của chủ nghĩa đa nguyên, tóm tắt trong một vài nét chính. Câu hỏi mà tất cả chúng ta đều đang đặt ra là một chủ nghĩa như thế có thể mang lại những gì cho đất nước Việt Nam ngày hôm nay. Tất cả vấn đề là chúng ta - những người Việt Nam - còn muốn sống chung với nhau nữa hay không? Nếu câu trả lời còn ở thể xác định, chúng ta phải giải đáp thành công một số bài toán: một bài toán văn hóa - làm sao để các hệ tư tưởng đã đến Việt Nam có thể sống thanh bình với nhau, một bài toán chính trị - làm gì để giải kết những oán thù do chiến tranh và cuồng tín góp lại, và một bài toán tổng hợp - làm sao tìm ra một cơ sở đồng thuận để đưa tổ quốc từ ngõ cụt hiện nay vào con đường phát triển.

    2

    Ðến đây, thiết tưởng chúng ta cũng cần mở một dấu ngoặc nhỏ: đất nước là gì? Chúng tôi không có tham vọng trả lời thỏa đáng câu hỏi này, chỉ xin ghi lại ở đây một số giải đáp sẵn có, và nhắc lại một sự bỏ quên.

    Ðất nước là chủ quyền dân tộc; bao nhiêu thế hệ đã anh dũng đứng lên cho nền độc lập của tổ quốc, cho sự toàn vẹn của lãnh thổ. Ðất nước là cái «quốc hồn quốc túy»; bao nhiêu lớp tuổi khác đã nhiệt tình cầm bút chứng minh là dân tộc Việt Nam không chỉ có một nền văn hóa vay mượn. Ðất nước là những định chế được xây dựng trên đó; nhiều người đã kêu gào «mất nước» trước sự sụp đổ của chỉ một cơ đồ, một nhà nước, hay một chính thể... Có lẽ tất cả chúng ta ở đây đều đã từng đóng góp ít nhiều khắc khoải, công sức cho những cuộc đấu tranh cho «bên này» hay «bên kia» ấy. Chúng tôi kính cẩn nghĩ đến bao hy sinh, bao người đã gục ngã, khi viết những dòng này.

    Nhưng ngày hôm nay, nhìn sự điêu tàn của một nước - quê hương của chính chúng ta - trên lý thuyết, đã độc lập và thống nhất, đã kế thừa và phát huy vốn liếng văn hóa cũ, đã xây dựng được một thể chế ngang tầm với thời đại, chúng tôi chợt tự hỏi. Có thể chúng ta đã đặt ra những vấn đề rất đúng, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã bỏ quên một chân lý, tuy đơn sơ mà căn bản hơn nhiều: đất nước còn đơn giản là cộng đồng người Việt.

    Ðộc lập - thống nhất mà làm chi, khi cái hố sâu giữa những con người cùng một nòi giống lại xé rộng ra, khi những người cùng một tổ tiên lại đối xử với nhau còn tồi tệ hơn cả người ngoài? Có một nền văn hóa đặc thù để làm gì, khi cái «quốc hồn» ấy không làm nổi chất keo nối lại một nhịp cầu đã đứt? Vẽ vời thể chế này nọ làm chi, khi cái mặt trái của chúng chỉ là những «khu trù mật», những «ấp chiến lược», hay những «vùng kinh tế mới», những «trại cải tạo» do chính tay ta dựng lên? Hãy để cho giông bão cuốn phăng đi tất cả những tối tăm ấy. Nếu phải khóc thương, hãy dành nước mắt cho một cộng đồng, trải mấy nghìn năm, đã gồng gánh, dắt díu nhau vượt núi rừng Việt Bắc vào đến tận mũi Cà Mau !

    «Ta làm gì cho hết nửa đời sau?», cái nửa đời tha phương lánh nạn ? Chúng ta đang sống những ngày vỡ nước. Ðất nước đẹp như một bức tranh khắc trên đá quý, bức tranh chỉ vẽ nơi một kho tàng chôn giấu: kho tàng đó chính là tương lai của bao lớp tuổi sắp tới. Trong cơn cuồng nộ, ta đã đập tấm bản đồ thành trăm mảnh. Ðấu tranh cho tổ quốc ngày hôm nay, trước tiên, phải là kiên nhẫn, là thành tâm ngồi gắn lại trăm mảnh tình dân tộc đã lỡ phá vụn. Ðừng mơ màng một chánh nghĩa nào khác đáng giá hơn...

    3

    Ðầu tiên là bài toán văn hóa. Quê hương Việt Nam không có cái vinh hạnh là nơi đã sản sinh ra những nhà tư tưởng, những lý thuyết có tầm vóc thế giới. Nhưng đất nước đã là một bến đò thường là thân thiện, dù đôi lúc có ác cảm, đối với những luồng tư tưởng đã ghé lại dải đất này như một trạm nghỉ chân. Chúng ta đã thu nhận những học thuyết Khổng Mạnh và Lão Trang của Trung Hoa, đạo Phật của Ấn Ðộ, Kitô Giáo và chủ nghĩa Marx của Tây Phương. Khổng và Lão đã một phần nào đi vào tiềm thức tập thể, còn lại hai giáo hội (Phật Giáo, Kitô Giáo) và một chánh đảng (ÐCSVN) trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Nếu «yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng», chúng ta có ít nhất là ba (nếu không phải là năm) lý do để ly dị.

    Ấy thế mà, qua suốt trường kỳ lịch sử, cộng đồng người Việt vẫn tồn tại, hơn thế nữa, đã phát triển - như một thách đố, cho những đầu óc tính toán, những đạo quân xâm lăng. Tồn tại một cách không hoàn hảo, dĩ nhiên, qua sự thống trị của một hệ tư tưởng, qua những đụng chạm sát sạt với đổ vỡ. Trong quá khứ, Nho giáo đã giữ địa vị độc tôn từ thế kỷ thứ 13 cho đến hết nửa đầu thế kỷ thứ 19; đạo Phật cũng đã một thời kỳ gián tiếp nắm chánh quyền đời Lý, và được ưu đãi như quốc giáo. Ở nửa cuối thế kỷ thứ 20 này, Kitô Giáo cũng đã từng đóng vai trò hệ tư tưởng chính thức cho nhà nước VNCH, và chủ nghĩa Marx-Lênin cho nhà nước VNDCCH rồi CHXHCNVN.

    Nhìn lại lịch sử của những thời kỳ nhất nguyên lỏng lẻo hay chặt chẽ ấy, chúng ta có nhiều lý do để lo ngại. Những xung đột có dáng dấp của các cuộc thánh chiến đã xuất hiện với chính sách cấm và giết đạo của vua quan nhà Nguyễn thế kỷ trước, tiếp tục với cuộc chiến tranh Nam / Bắc - mà một nửa đã là tranh chấp ý hệ (nhân vị / cộng sản), và ngay trong nội tình miền Nam, với những va chạm giữa hai giáo hội Phật Giáo / Kitô Giáo (1963-1966). Ngay cả bây giờ, để đương đầu với chính sách loại trừ tôn giáo rất khôn khéo - vì được dự trù trong lâu dài - của nhà nước vô thần, vẫn còn xuất hiện đó đây những cương lĩnh chính trị muốn dựa vào một liên minh tôn giáo để chống lại chủ nghĩa cộng sản...

    Nhưng đọc lại lịch sử, chúng ta cũng không thiếu gì những lý lẽ để hy vọng. Một ông vua trọng đạo Phật, vào một thời kỳ mà Nho giáo chưa trở thành hệ tư tưởng chính thức, đã là người đầu tiên cho lập văn miếu để thờ Khổng Tử và chư hiền (Lý Thánh Tông, 1070). Một ông vua khác, ở vào thời vàng son của Khổng học, lại mở ra các khoa thi tam giáo, đặt viên đá đầu cho những công trình tổng hợp về sau (Trần Thái Tông, 1247). Gần gũi hơn, một người Kitô giáo đã dâng lên vua - một ông vua đầy ác cảm với đức tin của mình - những bản điều trần nổi tiếng để đất nước có thể tiến hóa (Nguyễn Trường Tộ, 1863-1871). Những vua hiền và tôi sáng ấy đã hành động, không như tín đồ của một tôn giáo mà đơn thuần như một người Việt Nam, vì họ biết nghĩ đến tiền đồ của cộng đồng, đến các thế hệ sau.

    Tổ tiên ta chưa bao giờ viết một văn bản nào về chủ nghĩa đa nguyên, nhưng ông cha ta vẫn luôn luôn giữ một tinh thần khai phóng: thành khẩn đón nhận mọi luồng tư tưởng, khi cần còn thắp đuốc đi tìm - đó là ý nghĩa của những cuộc hành trình thỉnh kinh Phật đời Lý. Nhưng song song với cái đầu óc cởi mở ấy, ông cha ta cũng thường nuôi dưỡng một tinh thần hoá giải làm đối trọng: trân trọng mọi học thuyết nhưng không làm tôi mọi cho chủ nghĩa, luôn luôn đặt nghĩa vụ đối với cộng đồng cao hơn bổn phận đối với lý tưởng. Dù theo Phật, theo Nho hay theo Jésus, họ đã là người Việt Nam trước hết. Cứ yêu tổ quốc và yêu chủ nghĩa, nhưng đừng bao giờ yêu lý tưởng hơn yêu cộng đồng dân tộc. Thông điệp mà tiền nhân để lại là cái truyền thống hai mặt đó.

    Bài toán văn hóa chỉ có thể, và trên thực tế, vẫn hằng được giải đáp bằng sự vận dụng hài hòa cả hai mặt trên. Một lần - chỉ một lần thôi - chúng ta đã trót quên tinh thần khai phóng; cái ngu ngốc của một thời bế quan tỏa cảng ấy, chúng ta đã phải trả bằng một giá khủng khiếp: gần một trăm năm nô lệ. Một lần - cũng chỉ một lần thôi - chúng ta đã lỡ khinh thường tinh thần hóa giải; cái mê muội của sự cuồng tín giáo điều này, chúng ta vẫn còn đang phải còng lưng trả góp với một giá thật kinh hoàng: hơn một triệu đồng bào đã bỏ xác oan ức trên rừng hay ngoài biển.

    Tựu trung, có một thứ còn quý hơn độc lập tự do, ấy là sự độc lập tự do tư tưởng. Ðó là bài học từ ngàn xưa lưu truyền, như một hạt giống quý, cần được học hỏi, gìn giữ và gieo trồng. Ðó cũng là điều tâm niệm của người đa nguyên: vũ trụ mênh mông hơn mọi thế giới quan. «Có nhiều thứ trên trời và dưới đất này hơn là anh có thể mơ nghĩ tới trong mớ triết lý của anh» (Shakespeare). Với sự chấp nhận tỉnh táo lý tưởng đa nguyên, thế hệ chúng ta có thể là lớp người đang đóng góp phần quyết định vào việc kế thừa và phát huy một bảo vật để giữ nước và đưa tổ quốc tiến tới.

    Vĩnh biệt tinh thần nhất nguyên, khi kế thừa vốn cổ, chúng ta cần nhập tâm một số sự kiện. Ngoài tấm lòng yêu nước, những người đấu tranh cho Việt Nam thường còn có một lý tưởng riêng. Chúng ta chỉ có thể làm hại và làm nghèo quê hương khi ta có tham vọng áp đặt cái riêng của mình làm cái chung cho cả nước. Hãy vĩnh viễn chấm dứt giấc mơ «quốc giáo», và xua ra khỏi ngôn ngữ của chúng ta lời phỉ báng «ngoại đạo». Không hổ thẹn mà hãnh diện làm «con của muôn phương», hãy xem đất nước là một thứ «ngã sáu hay ngã bảy văn hóa», một đại gia đình đủ rộng cho mọi lý tưởng. Hãy chấp nhận tình trạng kế cận hiện nay như một sự thai nghén: một ngày nào, một bộ óc vĩ đại của con cháu chúng ta sẽ tiếp tục những cố gắng tổng hợp còn sơ sài của cha ông - chúng tôi nghĩ đến đạo Cao Ðài - để hình thành một nền văn minh chưa đâu có...

    Vĩnh biệt tinh thần nhất nguyên, khi phát huy vốn cũ, chúng ta nhất định sẽ không quên định chế hóa truyền thống hai mặt khôn ngoan của người xưa. Không lập ra một đền Ðồng Cổ khác để bắt mọi người đến đấy tuyên thệ, chúng ta sẽ phấn đấu để ghi vào bản Hiến Pháp tương lai của quê hương một số điều khoản: 1) Tổ quốc Việt Nam là một quốc gia đa nguyên về mặt văn hóa: nó thành khẩn đón nhận mọi luồng tư tưởng, nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ một học thuyết nào như quốc giáo hay quốc học; 2) Tất cả những chủ nghĩa đã đến đất nước này đều bình đẳng với nhau, về quyền lợi - được tồn tại và phát triển tự do - cũng như về nghĩa vụ đối với cộng đồng - bảo vệ và thúc đẩy sự gắn bó và lớn mạnh của dân tộc Việt.

    4

    Bài toán thứ hai thuộc lãnh vực chính trị. Tổ quốc Việt Nam đã có cái bất hạnh là nơi tích lũy hầu hết những mâu thuẫn đối kháng của thế kỷ thứ 20: mẫu quốc / thuộc địa, đế quốc / nhược tiểu, tư bản / cộng sản... Những hờn căm của một cuộc chiến tranh mù quáng chưa kịp lắng xuống, đã nổ bùng những oán hận của một thứ hòa bình đui mù. Nếu đất nước là cộng đồng dân tộc, quê hương chưa bao giờ bị đe dọa trầm trọng như ngày nay: lần này, hiểm họa diệt vong không đến từ bên ngoài mà từ bên trong, từ một chất độc đang ngấm ngầm hủy hoại thân thể. Con đường cứu nước chỉ có thể là sự giải độc, là hành động để chấm dứt những oán thù giữa người Việt Nam với nhau.



    Có một giá trị gọi là công lý. Nếu trách nhiệm về những tội trạng trong thời chiến tranh có thể san sẻ giữa các phe tranh chấp, thì kẻ cầm quyền phải đơn phương chịu trách nhiệm về những tội ác vi phạm trong thời bình. Lập một danh sách những người phải đưa ra trước công lý là điều khá dễ dàng; đưa được bọn tội phạm ra tòa bao hàm một thay đổi chính trị sâu rộng. Như ở bao kịch máu khác, kẻ đã gieo gió không nhất thiết phải là người gặt bão: bọn chủ mưu có thừa phương tiện để tẩu thoát, kẻ ngồi lại chịu trận muôn đời vẫn là bọn người thừa hành. Công lý chỉ là một thứ nước sơn khi nó không trừng trị những tên tội phạm đích thực mà lại gây ra căm thù nơi những nạn nhân không đáng hứng chịu. Chất độc chỉ lan tràn và ăn sâu thêm.

    Có một giá trị khác gọi là công tâm. Khi oán thù đã mang kích thước của một thứ cộng nghiệp, nếu nghĩ đến chuyện chung, vấn đề không còn là trừng trị những kẻ phạm tội, mà là sự sống còn của cả tập thể. Hãy lập một phiên tòa tượng trưng nếu cần - kiểu các tòa án Russell ngày nào, hãy cắn răng vuốt mắt cho những người thân đã nằm xuống. Và tự an ủi mình với sự khôn ngoan của người xưa: « đừng lấy độc trả oán, nhiều người yêu chuộng những biện pháp thích đáng hơn cả công lý » (Hérodote). Ngày hôm nay, những biện pháp thích đáng đó có thể là: không quên đi những tội ác, chúng ta nhường cho sử gia và các thế hệ sau vai trò xét xử; nhận lãnh trách nhiệm hòa giải dân tộc, chúng ta đơn phương chặt đứt cái vòng hận thù oan nghiệt, góp sức xây dựng lại cộng đồng.

    Nhìn lại lịch sử của các thời kỳ nhất nguyên chặt chẽ, chúng ta có nhiều lý do để lo ngại hơn là hy vọng. Có một luật chơi của chế độ phong kiến (và phong kiến nối dài): lãnh thổ thuộc về dòng họ nào (chánh đảng nào) đã chiếm lĩnh được ngôi báu (nhà nước) sau mỗi cuộc binh đao, nhất là một cuộc chiến tranh giải phóng. Có một luật chơi của kẻ chiến thắng: « nhổ cỏ tận gốc » (chủ nghĩa lý lịch), san phẳng mồ mả hay lấy sọ địch thủ làm đồ phóng uế (hạ nhục tập thể). Có một luật chơi của kẻ chiến bại: cầu viện « thiên triều » (cũ hay mới), cõng rắn cắn gà nhà (xưa: Trần Ich Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Anh; nay: Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Văn Linh). Bên cạnh từng ấy thí dụ tiêu cực, gương sáng của câu chuyện đốt tráp đời Trần Nhân Tông, nếu quả là điển hình của một triều đại huy hoàng, không đủ để chúng ta trông cậy vào một truyền thống hòa giải.



    Lịch sử của những ngày nhất nguyên suy yếu, nếu mở ra một vài triển vọng, cũng tạo ra khá nhiều tình cảnh ngang trái. Khi Nho học đang bước dần vào buổi hoàng hôn, Nguyễn Ðình Chiểu (1822 -1888) sáng tác « Lục Vân Tiên », để đề cao trung hiếu tiết nghĩa, và « Dương Từ, Hà Mậu », nhằm công kích đạo Phật và nhất là đạo Kitô như một nguy cơ cho đất nước. Trong cùng một hoàn cảnh, Nguyễn Trường Tộ (1827-1871) soạn thảo nhiều bản điều trần cách mạng dâng vua. Nếu Nguyễn Ðình Chiểu thương khóc những nghĩa sĩ Cần Vương, Văn Thân bằng các bài văn tế đứt ruột, có lẽ Nguyễn Trường Tộ chẳng có bao nhiêu cảm tình đối với hai phong trào này. Trong khi Nguyễn Ðình Chiểu vẫn kiêu hãnh « Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn có mắt ông cha không thờ » (« Ngư Tiều Vấn Ðáp »), trong số những người bị sỉ vả là « ngoại đạo » - thậm chí bị ám chỉ là « việt gian » - có Nguyễn Trường Tộ. Và cả hai đều là những người yêu nước !

    Vĩnh biệt tinh thần nhất nguyên, điều mà chúng ta phải làm ngày hôm nay là phấn đấu để xóa bỏ những luật chơi của một quá khứ đầy hận thù và phản trắc, là đóng góp vào việc mở ra một kỷ nguyên hoà giải giữa những đứa con cùng một cha một mẹ, quốc gia / cộng sản, tư bản / vô sản, kinh / thượng, nông dân / thị dân, trong nước / ngoài nước... Với tinh thần đa nguyên, ý thức là lòng yêu nước thường không phải là một con đường thẳng tắp duy nhất, mà có thể đi xuyên qua nhiều hoàn cảnh sinh sống, chính kiến hay lập trường, mơ ước và lý tưởng đôi khi trái ngược với nhau, chúng ta phấn đấu để bắc lại một nhịp cầu thông cảm cho những Nguyễn Ðình Chiểu và Nguyễn Trường Tộ của thế kỷ thứ 20, và của tất cả những thế kỷ tới.

    Tựu trung, có một thứ còn quý hơn độc lập tự do, ấy là độc lập tự do trong một đất nước đoàn tụ - không phải trong một sự thống nhất đất đai hời hợt mà trong tâm khảm của mỗi người dân Việt. Ðó phải là bài học, đau đớn nhưng vô giá, từ cảnh tượng điêu tàn của tổ quốc ngày hôm nay.

    Giới hạn vào mâu thuẫn sâu rộng nhất lấy làm điển hình ở đây, con đường hòa giải phải bắt đầu bằng sự xóa bỏ những thành kiến do lăng kính của chủ nghĩa và của mấy mươi năm đối kháng để lại, ở người quốc gia cũng như ở người cộng sản Việt Nam. Trước những cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ và hòa giải hòa hợp dân tộc, trong lòng chế độ và ngay cả trong nội bộ ÐCSVN, người quốc gia không thể nào tiếp tục duy trì một hình ảnh về những người đã đấu tranh dưới lá cờ cộng sản và ngay cả phần đông đảng viên ÐCSVN, như những kẻ thù « vô tổ quốc », dù hình ảnh ấy vẫn còn có cơ sở đối với cấp lãnh đạo Ðảng. Trước sự bỏ nước ra đi của hàng triệu đồng bào, người cộng sản cũng không thể nào tiếp tục phủ nhận sự tồn tại của những người Việt Nam chống

    cộng sản, và nhận định danh xưng « quốc gia » như chỉ là một nhãn hiệu dành cho bọn tay sai của thực dân và đế quốc, dù sự đồng hóa ấy không oan uổng đối với các tập đoàn đã cầm quyền một thời.

    Từ bỏ một quan điểm quá giản lược về đối phương chỉ mới là bước đầu. Nó chưa thể dẫn đến hòa giải, nếu những người trong cuộc không đóng góp vào việc tạo ra cho mình một hình ảnh khác. Trong viễn tượng này, chúng ta không có quyền khinh thường những cố gắng ly khai đối với một số lập trường đã trở thành khuôn mẫu xơ cứng ở cả đôi bên. Cần đánh giá cao những đòi hỏi hòa giải hòa hợp dân tộc, bất kể ngộ nhận và bạo hành, nơi những nạn nhân còn chưa lành lặn của chế độ. Cần đánh giá đúng mức những tiếng nói bênh vực con người, đề cao tình cảm đồng bào hay tinh thần yêu nước không đảng phái, nơi những người mà nhiệm vụ áp đặt là ca tụng giai cấp vô sản trong lòng chế độ. Ðấy là những ngọn đuốc soi đường trong đêm đen của oán thù.

    Chúng ta cần nhìn rõ một sự kiện: không bao giờ có thể có hòa giải giữa một bộ máy, nhất là một bộ máy thống trị, với những con người ; chỉ có thể có hòa giải giữa những con người với nhau. Và càng có nhiều tiếng nói độc lập, các bộ máy nhất nguyên sẽ càng suy yếu, càng có cơ sụp đổ, và do đó, càng có triển vọng thông cảm, chấm dứt hận thù giữa những người ôn hòa ở cả hai phía. Hãy trao tặng thật nhiều huy chương cho những anh hùng « đại thắng lợi » của ngày hôm qua và những chiến sĩ « đợi thắng lại » của một ngày mai nào đó chưa tới - họ cũng chỉ là chúng ta trong một thời kỳ -, nhưng khẩn thiết yêu cầu các ngài tự giải ngũ. Chịu khó bước qua một trang sử mới: quê hương không còn sức đâu chịu đựng một cuộc chiến tranh ý hệ khác ! Khẳng định và phổ biến thông điệp này phải là trọng trách của mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể đấu tranh ngày nay, trong địa bàn hoạt động của chính mình.

    5

    Cuối cùng là bài toán tổng hợp. Nó bao gồm tất cả mọi lãnh vực và chỉ có thể được giải đáp thành công nhờ sự hợp tác của tất cả mọi tổ chức và khuynh hướng văn hóa chính trị Việt Nam. Ðất nước không thể nào ra khỏi ngõ cụt để bước vào con đường phát triển, nếu chúng ta vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng, trong một tinh thần nhất nguyên đã lỗi thời, những quan điểm hoàn toàn đối lập về những bệnh trạng của quê hương và các phương thuốc chữa trị. Ði tìm một cơ sở đồng thuận mới để có thể thực tâm hợp tác với nhau, ấy là nội dung của yêu cầu hoà hợp.

    Ngay ở vào những thời kỳ nhất nguyên, khi đất nước lâm nguy, tổ tiên ta vẫn luôn luôn đi tìm một căn bản hòa hợp để quê hương có thể trỗi dậy. Ðiển hình sáng chói ở đây là hội nghị Diên Hồng ngày nào (1285). Dẫu biết là « giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh » nhưng khẳng định lại cái quyết tâm kháng chiến của cả nước bằng một ngày hội lớn - một bi kịch tâm lý tập thể, nếu nói theo thuật ngữ của môn tâm lý học hiện đại - vẫn là một việc làm không thừa; nó xứng đáng được được đánh giá như một sáng kiến thiên tài, của một triều đại xuất sắc. Ngoài tác dụng động viên nhất thời, biến cố ấy đã khắc sâu vào tâm thức của bao đời sau một chân lý thường dễ bị bỏ quên: « Trần Quốc Tuấn đánh tan Mông Cổ, Vì đồng bào lớn nhỏ một lòng »...

    Ngày nay, không bị đe dọa vì họa mất nước vào tay giặc ngoài, chúng ta lại vướng vào nạn vỡ nước - một hoàn cảnh chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử - vì hận thù, chủ nghĩa, tha hóa và cuồng tín bên trong. Hoàn cảnh đã khác, giải pháp cũng phải khác, nhưng yêu cầu hòa hợp vẫn là một. Trên căn bản nào tổ quốc sẽ tìm lại được một tấm lòng chung?

    Một trong những cơ sở hòa hợp, chúng tôi nhắc lại, vì đây là điều quan trọng nhất, là sự từ bỏ chiến tranh như phương pháp giải quyết những mâu thuẫn nội bộ của đất nước. Chiến tranh ở đây bao gồm cả hình thức chiến tranh xã hội - đấu tranh giai cấp như một chính sách của nhà nước. Dù nổ ra giữa hai quân đội hay hai giai cấp, chiến tranh chỉ có thể gây ra đổ vỡ tang tóc, và do đó, tích lũy thêm thay vì giải tỏa hận thù, đưa dân tộc đến hố thẳm của họa diệt vong. Hậu quả tất yếu của nó còn là mở cửa cho sự lũng đoạn của nước ngoài và đưa tổ quốc vào vòng lệ thuộc. Với tinh thần đa nguyên, chúng ta dễ chấp nhận sự bất đồng về quyền lợi hay về lập trường như điều tự nhiên, không bắt buộc phải được giải quyết bằng phương tiện cực đoan nhất, mà ngược lại, trong sự tôn trọng yêu cầu toàn vẹn của cộng đồng dân tộc.

    Cơ sở thứ hai là sự từ bỏ thói đi cầu viện nước ngoài, « đồng minh » hay « anh em ». Người ngoại quốc nào đến Việt Nam cũng chỉ vì quyền lợi của nước họ. Dựa vào thế lực bên ngoài, tư bản hay vô sản, để đàn áp người trong nước, dù dưới chiêu bài nào đi nữa (bảo vệ thế giới tự do hay chủ nghĩa xã hội đang bị đe dọa), nhìn từ quan điểm dân tộc, đều là những hành động phản trắc, về bản chất không khác mấy với cái trò hề lạy lục thiên triều để xin tấn phong ngày trước. Còn tiếp tục tin tưởng nước ngoài, mặc dù đã nhiều lần bị ruồng bỏ - tùy theo phe phái: Hoa Kỳ, Liên Xô hay Trung Hoa -, là một lối hành xử ngu xuẩn. Với tinh thần đa nguyên, chúng ta phấn đấu để xóa bỏ nghi kỵ và sợ hãi, giúp các tập hợp dân tộc tìm lại niềm tự hào làm con cháu của những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đời xưa, lấy lại đủ liêm sỉ và can đảm hầu chấm dứt, tức thì và vĩnh viễn, cái kiếp làm « đuôi chó » cho các nước lớn, nhất là khi những giống chó ấy lại biết, lúc cần thiết, cụp đuôi dàn xếp với nhau trên đầu chúng ta.

    Cơ sở thứ ba là sự thiết lập một chính thể dân chủ ở Việt Nam. Ðã 20 thế kỷ ròng rã, đất nước chưa hề sống một ngày dân chủ: chúng ta đã bước thẳng từ phong kiến vào lệ thuộc, rồi từ thuộc địa vào độc tài (gia đình trị, quân phiệt hay độc đảng). Nếu chế độ phong kiến còn để lại trong lịch sử một vài vị minh quân, đôi lúc cũng biết trân trọng ý dân, những chế độ độc tài kế tiếp ngày nay đã chỉ đưa đất nước vào chiến tranh (nội chiến, Kampuchea), lệ thuộc (Hoa Kỳ, Liên Xô, rồi Trung Hoa), và sự phá sản về mọi mặt. Với tinh thần đa nguyên, đóng góp phần quyết định vào việc mở ra một kỷ nguyên dân chủ, thế hệ chúng ta phấn đấu để định chế hóa chế độ cộng hòa đa đảng, ghi vào bản Hiến Pháp ngày mai: đất nước là của chung, nó không thuộc về một giai cấp hay một chánh đảng nào, dù là to lớn, đông đảo nhất, hay tài giỏi, công lao nhất. Không dừng lại ở đấy, chúng ta còn cam kết với nhau sẽ chân thành cộng tác nhằm tố cáo và lật đổ mọi mưu toan chuyên chính, chiếm đoạt những đặc quyền đặc lợi cho bất cứ một phe nhóm, đảng phái nào.



    Cơ sở thứ tư là sự tôn trọng nhân và dân quyền. Ở vào thời đại mà quyền làm người và làm công dân không ngừng được nới rộng trong các văn kiện quốc tế (quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, của người già cả và bệnh tật, những quyền lợi thuộc các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa), chúng ta không điên khùng tiếp tục một cuộc tranh cãi đã ngã ngũ, với sự sụp đổ của hầu hết những chế độ bóp nghẹt tự do. Tự do thật sự không bao giờ là sự phủ nhận những thắng lợi do con người đoạt được, dù chỉ là trên giấy tờ; nó chỉ có thể được xây dựng trên sự công nhận và cụ thể hóa những quyền tự do hình thức, bằng cách cố gắng đưa vào đời sống hàng ngày (vào nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc: cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn, làng xã, thành phố...) những quyền tự do dân chủ đã và đang lần lượt được long trọng ghi nhận trong các bản tuyên ngôn.

    Cơ sở thứ năm có thể là sự phác hoạ một đường lối phát triển không loại trừ một thành phần dân tộc hay một tầng lớp xã hội nào. Với tinh thần đa nguyên, chúng ta ý thức là mọi tập hợp bên trong cộng đồng, cũng như mọi cá nhân trong lòng tập hợp, đều có quyền tồn tại và mưu cầu hạnh phúc cho mình, thực hiện những giá trị tinh thần hay vật chất riêng tư. Chúng ta cũng đồng thời ý thức là những giá trị ấy nhiều khi mâu thuẫn với nhau, và do đó, có tiềm năng đưa đến những xung đột xã hội trầm trọng, đe dọa sự tồn tại của chính cộng đồng. Ðường lối phát triển đất nước trong tương lai, vì thế, phải được xây dựng trên sự dung hòa những nguyên tắc nhiều khi trái ngược, chủ yếu là giữa những quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của cộng đồng, giữa những đòi hỏi về tự do của tập thể này và yêu cầu hạn chế các bất công xã hội của một tầng lớp khác.

    Tựu trung, có một thứ còn quý hơn độc lập tự do, ấy là độc lập tự do trong một đất nước hồi sinh. Và sự sống lại đó chỉ có thể xuất phát từ một căn bản hòa hợp, một ý chí xây dựng lại cộng đồng, thông qua sự từ bỏ những giáo điều nguy hại cho tổ quốc, và sự chấp nhận những nhân nhượng cần thiết, nói cho cùng, chẳng có gì là quá đáng, bởi vì liên quan đến quyền sinh sống và tiến hóa của bao nhiêu đồng bào khác.

    6

    « Chế độ chính trị nào là thể chế tốt đẹp nhất? », có người đã đặt câu hỏi đó cho Solon, và nhà hiền triết này đã trả lời bằng một câu hỏi vặn: « Cho nước nào, và ở vào thời điểm nào? ». Một trong bảy hiền sĩ của cổ Hy Lạp, Solon (640 - 558 trước tây lịch) là người đã đặt những viên đá đầu tiên cho nền dân chủ của thành quốc Athènes, bằng một cuộc cải cách xã hội và chính trị sâu rộng. Cho Việt Nam và trước ngưỡng cửa của thế kỷ thứ 21, thể chế nào sẽ là chế độ thích hợp nhất? Nhìn qua những vấn đề trầm trọng mà quê hương phải giải quyết, có lẽ chế độ dân chủ đa nguyên (đa đảng) là giải pháp ít sai xấu nhất, nếu không phải là tốt đẹp nhất. Ðó là luận điểm mà bài phát biểu này có tham vọng xác lập.

    Nhưng chúng tôi sẽ không làm hết nhiệm vụ, nếu bài tham luận không đề cập đến mặt tiêu cực của con đường đa nguyên. Chủ nghĩa đa nguyên không phải là chiếc đũa thần; chế độ dân chủ đa đảng chỉ tạo ra một khuôn khổ để đấu tranh và kiến thiết đất nước. Nó giải quyết được những vấn đề quan trọng và cấp bách nhất, nhưng không có khả năng làm tan biến mọi khó khăn. Người đa nguyên, hơn ai hết, cần phải làm sáng tỏ những giới hạn ấy, không phải như một lý do để trốn chạy, mà như một thách đố cần phải vượt qua.

    Tự nó, phương thức tổ chức đa nguyên không có phép mầu ngăn cản sự xuất hiện của những trào lưu văn hóa thấp kém, những thế lực kinh tế phong kiến hay những khuynh hướng chính trị phát xít, tả khuynh hoặc hữu khuynh. Hơn nữa, trước câu hỏi cổ điển - có nên trao gửi tự do cho những kẻ thù của tự do ? - người đa nguyên thật sự, nếu trung thành với chọn lựa của chính mình, lại càng không có quyền đề xướng sự cấm đoán bất cứ một đoàn thể hay một tổ chức nào, vì bất đồng quan điểm. Một khi đã ngăn cấm được một khuynh hướng thì có thể loại trừ được những khuynh hướng khác. Nhưng khi đã tự cho mình cái quyền vừa làm quan tòa, vừa làm luật sư, vừa làm nguyên cáo, chúng ta sẽ vô tình mở rộng cửa sổ cho chủ nghĩa nhất nguyên trở về, sau khi đã xua đuổi nó ra bằng cửa chính. Có một thứ còn nguy hại hơn chủ nghĩa nhất nguyên công khai, đó là chủ nghĩa nhất nguyên trá hình. Ða nguyên không phải là con đường mà chúng ta có thể rụt rè chỉ đi một nửa...



    Tự nó, phương thức tổ chức đa nguyên cũng không thể nào ngăn chận, mà ngược lại, còn có tiềm năng thúc đẩy sự xuất hiện của một hệ thống chính trị quá phân tán thành những đảng nhỏ. Ở một số nước, chế độ đa đảng, trên thực tế, chỉ là một mạng lưới chi chít những phe nhóm chính trị, vừa không có khả năng lãnh đạo quốc gia, vừa không đủ tự tin để bước vào một liên minh rộng rãi hơn, vừa có ý đồ đổi chác sự tham gia của mình vào một khối đa số ở nghị trường lấy những đặc quyền đặc lợi. Giá trị của thể chế đa nguyên tùy thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của các đoàn thể và tổ chức thành viên, cũng như vào phẩm chất của người làm chính trị.

    Ðất nước rất cần một khuôn khổ đa nguyên, nhưng tổ quốc có thể cũng cần ngang ngửa một lớp người đấu tranh khác, không nhất thiết phải là mới hơn hay trẻ hơn, nhưng biết dấn thân với một tác phong đổi mới. Quá yêu quý lý tưởng, chúng ta như chỉ nhìn thấy sự tồi dở của địch thủ, bỏ quên cả nghĩa vụ phê phán các xã hội trong đó mình sống - cái xã hội « nhất đĩ, nhì lô, tam xi, tứ sến » thời trước hay cái xã hội « xấu hơn cả ngụy » ngày nay. Quá ham muốn thành công, chúng ta đã xao lãng nhiệm vụ dự báo những hậu quả khốc hại của một cuộc chiến tranh nửa giải phóng, nửa nội chiến, và một con đường xây dựng đất nước vừa cuồng tín, vừa giáo điều. Chúng ta phải gánh chịu một phần trách nhiệm không nhỏ trong tội đưa quê hương đến thảm cảnh vỡ nước ngày nay, bằng sự ấu trĩ của chính mình.

    Còn chừng non một thập niên nữa, thế giới sẽ bước sang thế kỷ 21. Ở mức độ cá nhân, năm thứ 21 là tuổi thành người. Thế kỷ 21 có thể rồi sẽ là tuổi trưởng thành của cả nhân loại: sẽ không còn nữa những tối tăm khiến ta đôi lúc không thấy hãnh diện làm người. Và cùng với thế kỷ, với loài người, với đất nước, chúng ta cũng sẽ trưởng thành. Với nhau.



    http://amvc.free.

    Không có nhận xét nào