Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 26 tháng 5 năm 2021


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Biden gặp Putin giữa tháng Sáu tại Thụy Sĩ

    Tổng thống Nga Vladimir Putin từ Matxcơva dự Thượng đỉnh về khí hậu qua truyền hình do tổng thống Mỹ Joe Biden (trên màn hình) chủ trì hôm 22/04/2021 AP - Alexei Druzhinin

    Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau ngày 16/06/2021 tại Genève, Thụy Sĩ. Trên đây là thông báo của Nhà Trắng và điện Kremlin hôm qua, 25/05. Cuộc gặp đầu tiên trong nhiệm kỳ của Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương tiếp tục căng thẳng trong hàng loạt hồ sơ, từ can thiệp bầu cử Mỹ, tin tặc, vũ khí hạt nhân, nhân quyền, đến nhiều xung đột khu vực.

    Trả lời báo giới hôm qua, người phát ngôn của phủ tổng thống Mỹ, bà Jen Psaki, cho biết « lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận hàng loạt chủ đề cấp bách, hai bên cố gắng tái lập mối quan hệ ổn định và dự kiến được ». Phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ nhấn mạnh là Ukraina và Belarus sẽ là các chủ đề được thảo luận. Washington cũng nhấn mạnh là Matxcơva là một đối tác cơ bản trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, và đặc biệt trong việc tái khởi động các đàm phán với Iran và Bắc Triều Tiên.

    Về thượng đỉnh Biden – Putin, theo điện Kremlin, hai nguyên thủ sẽ thảo luận về quan hệ song phương, những vấn đề liên quan đến « ổn định hạt nhân chiến lược », và các vấn đề khác, trong đó có hợp tác chống đại dịch Covid, và các xung đột khu vực.

    Trên Twitter, tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin khẳng định ông « rất vui mừng » với việc Thụy Sĩ sẽ là nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Nga. Nguyên thủ nước chủ nhà bày tỏ hy vọng là hội đàm song phương « sẽ bổ ích cho hai quốc gia và cộng đồng quốc tế ». Năm 1985, thành phố Genève từng đón tiếp thượng đỉnh giữa tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Sáng kiến tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Nga lần này được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước, ngày 13/04/2021.

    Hãng tin Anh Reuters cho hay, theo nhiều nguồn tin Hoa Kỳ, thượng đỉnh Biden - Putin không hề là một « phần thưởng » đối với tổng thống Nga, mà là một phương thức hiệu quả hơn để kiểm soát quan hệ song phương, đang trong giai đoạn khó khăn, và sẽ tiếp tục là như vậy. Nhà Trắng cho biết không chờ đợi sẽ có một đột phá quan trọng tại thượng đỉnh này. Washington muốn tránh gây ấn tượng là tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách « làm lại từ đầu » quan hệ với đồng nhiệm Nga Vladimir Poutin, diễn đạt mà nguyên thủ Mỹ thường sử dụng từ khi nhậm chức. Ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống đảng Dân Chủ đã tỏ rõ sự cứng rắn với chính quyền Nga, nhằm khẳng định một chiến lược hoàn toàn khác với chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, bị cáo buộc tỏ ra quỵ lụy trước ông chủ điện Kremlin. Hồi tháng 3/2021, tổng thống Biden còn gọi người đồng cấp Nga là « kẻ giết người ». Nguyên thủ Mỹ khắng định quyết tâm đối thoại với Nga, nhưng cũng hứa hẹn sẽ có các biện pháp trừng phạt mạnh, nếu Matxcơva « tiếp tục can thiệp vào nền dân chủ Mỹ ».

    Về phía Matxcơva, trả lời Reuters, nhiều quan chức cao cấp Nga cho biết họ xem thượng đỉnh này là một cơ hội để trực tiếp biết được quan điểm của tổng thống Hoa Kỳ. Reuters dẫn lại một nguồn tin thân cận với điện Kremlin cho hay các thông điệp mà chính quyền Biden đưa ra, kể từ khi ông Biden vào Nhà Trắng cho đến nay, là « đầy mâu thuẫn ». Chính quyền Nga đặc biệt bất bình với các trừng phạt Mỹ đưa ra tháng trước, nhằm trả đũa các hành động « can thiệp vào bầu cử Mỹ » tháng 11/2020. Matxcơva bác bỏ cáo buộc này. Tổng thống Nga cũng khó chịu trước việc Hoa Kỳ ủng hộ các nhà tranh đấu dân chủ tại Nga và Belarus, cũng như các áp lực của Washington đối với trường hợp ông Alexei Navalny, nhà đối lập hàng đầu của điện Kremlin.

    Chuyển động Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày 25 tháng 5 năm 2021

    Mỹ đưa hai máy bay không người lái MQ-4C Triton từ Guam đến hoạt động tạm thời tại Nhật Bản

    Hải quân Mỹ đang điều động tạm thời 2 máy bay không người lái MQ-4C từ Guam đến Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực giám sát hàng hải. Các máy bay đã hoạt động tại Guam hơn một năm nay này sẽ hạ cánh ở Misawa vào thứ Bảy. Misawa là Cơ sở Hàng không Không quân nằm gần mũi phía bắc của đảo Honshu nơi tổ chức các hoạt động trên không của Hải quân bao gồm cả máy bay trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon. 

    “Nó cho phép chúng tôi có bức tranh hoàn chỉnh hơn về những gì ở ngoài kia, cả trên biển và trên không”, Phó đô đốc James Kilby, Phó Chỉ huy trưởng phụ trách các chiến dịch hải quân phục vụ yêu cầu và năng lực chiến đấu, phát biểu trước Tiểu ban Dự báo và Hải quân của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 18/5/2021.

    Hải quân Mỹ đã triển khai hai chiếc MQ-4C Triton đến Guam vào đầu năm 2020, chậm hơn gần một năm so với dự kiến ban đầu. Đây là lần đầu tiên, các máy bay không người lái của Mỹ hoạt động từ một địa điểm khác trên Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm tra khả năng tại các vùng biển “nóng hơn” và các yếu tố môi trường khác nhau.

    Trong thông cáo báo chí đầu tháng Năm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chiếc máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ cũng sẽ tới Nhật Bản.

    Đài Loan tiết lộ cơ cấu lại quân đội hướng tới phi tập trung quân đội

    Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói với các nhà lập pháp rằng Đài Loan sẽ tổ chức lại cơ cấu chỉ huy của Quân đội để nhấn mạnh các hoạt động chung giữa các quân chủng và cung cấp cho các chỉ huy khu vực sự linh hoạt hơn trong hoạt động trong trường hợp xảy ra xung đột.

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia khẳng định mối quan hệ an ninh trước thách thức Trung Quốc, cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng ba bên với Hoa Kỳ

    Hôm thứ Tư ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Dutton nhậm chức vào tháng Ba vừa rồi.

    Hai bên khẳng định cam kết phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua tăng cường mối quan hệ hai bên chặt chẽ hơn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.

    Hai bộ trưởng cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng ba bên với Hoa Kỳ trong nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến hướng tới một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

    Vào giữa tháng 5, khinh hạm HMAS Ballarat của Hải quân Hoàng gia Australia đã bắt đầu theo dõi và giám sát các hoạt động hàng hải bất hợp pháp ở vùng biển xung quanh Nhật Bản, trong đó có các hoạt động của tàu Bắc Triều Tiên, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Đây là hoạt động thứ năm của các tàu Hải quân Hoàng gia Úc kể từ năm 2018.

    Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn Quốc: Biden muốn Hàn Quốc có đường lối cứng rắn với Trung Quốc – một vấn đề nhạy cảm đối với Hàn Quốc

    Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn tại Washington, Mỹ đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ủng hộ ngôn từ mạnh mẽ trong tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về Trung Quốc. Đây được coi như một phần trong chiến lược hợp tác với các đồng minh để chống lại Trung Quốc, theo Financial Times dẫn nguồn tin từ 5 người được cho là có thông tin nội bộ. Ông Moon là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai gặp Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu 21/5/2021 vừa rồi.

    Nhưng theo những người có thông tin về các cuộc đàm phán hai bên, Moon không muốn đưa vào tuyên bố chung ngôn ngữ có thể kích hoạt phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Tuyên bố chung sau đó đã thể hiện sự thống nhất lập trường của hai nước đối với vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên tuyên bố đã tránh trực tiếp nhắc đến Trung Quốc trong khi khẳng định mối quan hệ Mỹ – Hàn có tầm quan trọng vượt xa hơn vấn đề Triều Tiên. Tuyên bố đề cập đến việc hợp tác để đưa Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc và Tầm nhìn của Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phù hợp với nhau, đồng thời tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và năng động. Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt.

    Tàu khu trục Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan và tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa. Lần đầu tiên Mỹ tuyên bố trực tiếp phản đối yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa

    Ngày 20/5/2021, Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Mỹ đã đi vào lãnh hải nước này ở Biển Đông một cách bất hợp pháp và bị trục xuất. Tuyên bố được đưa ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG 54, thuộc lớp Arleigh Burke) đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20/5 sau khi di chuyển qua Eo biển Đài Loan vào hai ngày trước đó.

    Đây là lần thứ 34 kể từ tháng 10/2015, Mỹ đưa các tàu chiến di chuyển gần các thực thể tại Biển Đông trong đó tiếp cận bãi cạn Scarborough 2 lần, Côn Đảo 1 lần, quần đảo Trường Sa 15 lần và quần đảo Hoàng Sa 16 lần. Ngoài ra, tàu chiến của Anh HMS Albion cũng từng di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 8/2018.

    Tuyên bố của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam cho rằng Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc và phá hoại hòa bình, ổn định của khu vực khi đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà không xin phép, đồng thời cho biết các tàu và máy bay Trung Quốc đã trục xuất tàu Mỹ khỏi khu vực. Trước đó, phía Trung Quốc cũng đã tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và việc USS Curtis Wilbur đi qua Eo biển Đài Loan là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.

    Ham đội 7 của Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và cho biết USS Curtis Wilbur “khẳng định các quyền và tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa nơi mà Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền. “USS Curtis Wilbur không bị trục xuất khỏi lãnh thổ quốc gia nào” và “USS Curtis Wilbur đã tiến hành Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) này phù hợp với luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế”, tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết.

    Ngoài ra, “Hoa Kỳ cũng phản đối tuyên bố năm 1996 của Trung Quốc về các đường cơ sở thẳng bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Bất kể bên nào có chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, các đường cơ sở thẳng không thể được vẽ một cách hợp pháp xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa”, trích thông báo trên website của Hạm đội 7.

    Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ triển khai chiến dịch tự do hàng hải nhằm phát thông điệp không công nhận yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, vốn được coi là không phù hợp với luật quốc tế, trong các chiến dịch lần trước, Hoa Kỳ chỉ có tuyên bố chung chung là thách thức “các yêu sách biển quá mức”. 

    Chiến dịch lần này là lần đầu tiên, Hải quân Hoa Kỳ đã nói rõ ràng là phản đối yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc trong một thông cáo chính thức.

    HMS Queen Elizabeth và Nhóm tàu sân bay tấn công hoàn thành diễn tập lần cuối trước khi triển khai nhiệm vụ tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

    Một lực lượng gồm 20 tàu chiến, 3 tàu ngầm và 150 máy bay đã tham gia cuộc tập trận đa quốc gia do Anh dẫn đầu nhằm kiểm tra phản ứng của Nhóm tàu sân bay tấn công Anh đối với một loạt các tình huống khủng hoảng và xung đột.

    Cuộc tập trận dự kiến kéo dài hai tuần này là một phần của cuộc tập trận quân sự hai năm một lần mang tên “Chiến binh Kết hợp” (Joint Warrior). Trong cuộc tập trận này, Hải quân Hoàng gia, Không quân Hoàng gia, Lục quân Anh và Bộ Chỉ huy Chiến lược Anh – cùng với các đối tác NATO và Úc – tiến hành các cuộc tập trận trên bộ, mạng và không gian. Đây là cuộc thử nghiệm cuối cùng của Nhóm tàu sân bay tấn công trước khi bắt đầu triển khai hoạt động lần đầu tiên vào cuối tuần này. Chuyến đi lần này kéo dài bảy tháng qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương và đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tương tác với hơn 1/5 quốc gia trên thế giới.

    Hàng không mẫu hạm mới của Anh, HMS Queen Elizabeth, sẽ dẫn sáu tàu Hải quân Hoàng gia, một tàu ngầm Hải quân Hoàng gia, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ và một tàu khu trục nhỏ từ Hà Lan trong lần triển khai này.

    Vào ngày thứ Bảy 22/5/2021, Nữ Hoàng Anh đã có chuyến thăm tàu HMS Queen Elizabeth trước ngày nhóm triển khai tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm “thể hiện với những người bạn ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin vào luật biển quốc tế” theo cách không đối đầu, theo lời của Thủ tướng Anh Boris Johnson. 

    Trước đó, tại Hội nghị Cường quốc Biển ngày 19/5/2021, Hải quân Anh cũng cho biết “tàu HMS Tamar và HMS Spey sẽ đi từ phía Tây vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tham gia với Nhóm tàu sân bay tấn công trong chặng đường dài. Tamar và Spey sẽ ở lại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tham gia cùng các khinh hạm Type-31 trong tương lai,” trong nỗ lực của Hải quân Anh đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương.

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: Nhật Bản dỡ bỏ mức trần 1% GDP đối với chi tiêu quốc phòng

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nói với Nikkei Asia Review rằng Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng vượt quá giới hạn thông thường là 1% tổng sản phẩm quốc nội. Ông viện dẫn sự cần thiết phải chống lại Trung Quốc về mặt quân sự, đặc biệt là ở quần đảo Senkaku, là lý do phá vỡ thông lệ lâu đời.

    Tuyên bố báo hiệu rằng Nhật Bản đã sẵn sàng loại bỏ mức trần 1% GDP lâu nay cho chi tiêu quốc phòng hàng năm và phản ánh ý định của nước này trong việc tăng cường khả năng quốc phòng của chính mình, như Thủ tướng Suga Yoshihide đã hứa với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước.

    Hoa Kỳ kêu gọi WHO điều tra ‘minh bạch’ về nguồn gốc của Covid

    Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra hôm thứ Ba (25/5) đã hối thúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đảm bảo giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 là “minh bạch”, theo BBC.

    Phát biểu trong cuộc họp cấp bộ trưởng của WHO, ông Becerra cho biết các chuyên gia quốc tế nên được phép đánh giá nguồn gốc của coronavirus.

    Không nhắc tên Trung Quốc, nhưng ông Becerra nói rõ rằng Hoa Kỳ mong đợi sự nghiêm khắc hơn từ giai đoạn tiếp theo của bất kỳ cuộc điều tra nào.

    Ông Becerra nói: “Đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của chúng ta một năm qua mà còn cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

    Ông nói thêm: “Giai đoạn 2 của nghiên cứu nguồn gốc Covid phải được thực hiện với các điều khoản tham chiếu minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và cung cấp cho các chuyên gia quốc tế sự độc lập để đánh giá đầy đủ nguồn gốc vi rút và những ngày đầu của đợt bùng phát.”

    Cũng trong ngày thứ Ba, Tòa Bạch Ốc nói rằng họ mong đợi từ WHO một “đánh giá dựa trên chuyên gia về nguồn gốc của đại dịch mà không bị can thiệp hoặc chính trị hóa”.

    Theo BBC, các báo cáo truyền thông Mỹ cho thấy ngày càng có nhiều bằng chứng về việc virus này có thể xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

    Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2019 tại Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.

    Kể từ đó cho tới thời điểm này, đã có hơn 167 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 3,4 triệu trường hợp tử vong đã được báo cáo trên toàn thế giới.

    Nông dân Ấn Độ đã biểu tình được nửa năm bất chấp đại dịch

    Hôm nay, để đánh dấu sáu tháng biểu tình, các công đoàn nông dân đang tiếp tục kêu gọi chống chính phủ Narendra Modi. Họ tiếp tục yêu cầu bãi bỏ các cải cách nông nghiệp đã được thông qua vào năm ngoái và đang củng cố lực lượng của họ với các máy kéo vừa xong vụ thu hoạch. Bằng một cách nào đó, họ vẫn duy trì được các trại biểu tình xung quanh Delhi trong suốt làn sóng covid thứ hai. Hiện đã có 300.000 người Ấn Độ chết vì covid-19 – thấp hơn nhiều con số thực tế. Số ca lây nhiễm mới trong ngày đã qua đỉnh, giảm từ trên 400.000 xuống dưới 200.000 vào hôm qua.

    Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chính phủ đã yêu cầu nông dân giải tán vì nguy cơ “siêu lây nhiễm” của họ. Các đảng đối lập đã ký một lá thư ủng hộ phong trào. Tuy nhiên, vì đã chỉ trích chính phủ khuyến khích mít tính và vận động bầu cử và một lễ hội Hindu vào tháng 3, nên nếu lần này họ ủng hộ tụ tập đông người thì sẽ rất khó coi. Giới nông dân coi cuộc đấu tranh này là một vấn đề sinh tử. Song một số đồng minh lại muốn họ ở nhà.

    Cựu tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hầu tòa

    Sau nhiều năm né tránh và trì hoãn, hôm nay Jacob Zuma sẽ ra hầu tòa. Cựu tổng thống Nam Phi đối mặt với 18 cáo buộc liên quan đến một thương vụ mua vũ khí được chính phủ ký vào cuối những năm 1990, trong đó có cáo buộc ông nhận hối lộ của Thales, một công ty quốc phòng Pháp. (Cả ông và công ty đều phủ nhận các cáo buộc.)

    Năm 2005, ông mất chức phó tổng thống sau khi cựu cố vấn tài chính của ông bị bỏ tù vì các tội danh liên quan đến thương vụ này. Nhưng ông Zuma phản công, đánh bại tổng thống Thabo Mbeki để lên làm lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền, từ đó hủy các cáo buộc đối với chính ông và trở thành tổng thống. Nhiệm kỳ 2009-2018 của ông chìm trong tham nhũng quy mô lớn khi thân hữu của ông bòn rút các kho bạc và công ty nhà nước.

    Kể từ lúc vụ việc được phục hồi vào năm 2018, ông Zuma đã nộp nhiều đơn phản đối, làm sự việc càng thêm đình trệ. Cuối cùng thì ông cũng phải ra tòa vào hôm nay. Nhiều người Nam Phi hy vọng đây không phải phiên tòa cuối của ông.

    Vụ kiện Apple và Epic chờ phán quyết

    Hôm thứ Hai, Apple và Epic Games, nhà sản xuất trò chơi nổi tiếng Fortnite, đã đưa ra lập luận cuối cùng của họ trong một phiên tòa được theo dõi sát sao. Vấn đề đặt ra là liệu sự kiểm soát chặt chẽ của Apple đối với phần mềm được phép trên iPhone và khoản hoa hồng 30% Apple nhận trên các khoản thanh toán trong ứng dụng có phải là hành vi lạm dụng quyền lực phản cạnh tranh hay không. Giám đốc Apple Tim Cook đã có một trải nghiệm không mấy vui vẻ khi làm nhân chứng hồi tuần trước. Lúc bị luật sư của Epic thẩm vấn, ông đã nói không biết gì về các khía cạnh cơ bản trong hoạt động kinh doanh của công ty, chẳng hạn như mức lợi nhuận chính xác của App Store.

    Nếu Epic chiến thắng, Apple có thể phải cho phép các công ty khác chạy các cửa hàng ứng dụng đối thủ trên điện thoại của chính họ, như đã xảy ra trên Android. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các hãng máy chơi game với mô hình kinh doanh “vườn có tường bao quanh” tương tự như Microsoft, Nintendo và Sony. Hai bên đang chờ phán quyết. Dù tòa ngả về bên nào thì người thua cũng sẽ kháng cáo.

    Syria bầu cử tổng thống

    Rất ít lãnh đạo có thành tích như Bashar al-Assad. Tổng thống Syria nắm quyền qua một thập niên chiến tranh đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, chứng kiến một phần ba đất nước bị mất quyền kiểm soát vào tay các cường quốc nước ngoài, và khiến những người vẫn sống dưới quyền ông phải lay lắt trong cảnh đổ nát.

    Nhưng ông sẽ thắng cuộc bầu cử hôm nay. Những người ủng hộ ông đi ngoài đường phố và hô vang “Bashar là Chúa”. Các chủ cửa hàng bị buộc mua và treo các các áp phích ủng hộ ông Assad. Trong khi hai ứng viên đối thủ của ông ít được xuất hiện hơn.

    Tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ khá cao. Các cử tri lo sợ mất khẩu phần ăn nếu bị phát hiện không đi bỏ phiếu, còn những người tị nạn ở Lebanon sợ mất quyền trở về nếu họ không bỏ phiếu tại đại sứ quán ở Beirut. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giả hiệu này cản trở nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi với một cuộc bầu cử tự do và công bằng, vốn sẽ giúp xác nhận tình thế mong manh của nhà độc tài. Đối với ông Assad, chỉ cần còn tồn tại đã là chiến thắng.

    Việt Nam : Năm tháng đầu năm: Thiệt mạng vì tai nạn giao thông gấp 60 lần số chết vì COVID

    Trong 5 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông (TNGT) giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, số người chết vẫn lên đến 2.650 người. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 25/5.

    Tin trích đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, trong năm tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/5/2021), trên cả nước đã xảy ra hơn 5.000 vụ TNGT, giảm 326 vụ, khiến 2.650 người chết, giảm 11 người và làm bị thương 3.700 người, giảm 177 người so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ủy ban này cũng cho biết, trong năm 2020, Việt Nam có 6.700 người chết vì TNGT và đây là  lần đầu tiên trong 10 năm con số này của Việt Nam giảm xuống dưới mức 7.000 người/năm.

    Tình hình này được Chính phủ Việt Nam đánh giá là một chuyển biến tích cực nhưng trong con mắt người dân, đây vẫn là những con số  thương tâm, cao gấp nhiều lần số thiệt hại về người mà bệnh dịch COVID gây ra. Nhẩm qua có thể thấy, số người chết vì TNGT trong năm tháng qua ở Việt Nam cao gấp 60 lần số người chết vì COVID kể từ đầu mùa dịch. Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng việc giảm số vụ và thiệt hại tai nạn giao thông trong thời gian qua cũng một phần là do sự giảm sút các hoạt động kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh.

    Không có nhận xét nào