Header Ads

  • Breaking News

    Trần Phương - Phật giáo miền Nam 1992 – 1994: Cuộc phản kháng cuối cùng


    Phản kháng, tù đày, đầy thương tích.

    Những hình ảnh về cuộc biểu tình đòi người ở Huế của các nhà sư vào ngày 24/5/1993, do máy quay của chính quyền ghi lại. Ảnh: Phim tài liệu về vụ việc.

    Tháng 4/1992, các nhà sư ở chùa Thiên Mụ tổ chức một tang lễ long trọng trong bầu không khí đầy căng thẳng. Người nằm trong quan tài là Hòa thượng Pháp chủ Thích Đôn Hậu. Ông là người vừa có tiếng nói với chính quyền, vừa có uy tín với cộng đồng Phật giáo.

    Các nhà sư căng thẳng không phải vì một số lượng lớn phật tử sẽ đổ về chùa dự lễ tang. Ho lo lắng không biết có hoàn thành được nguyện vọng của người đã khuất hay không: không ai được đọc điếu văn, kể cả đại diện chính quyền. [1]

    Khi qua đời, Hòa thượng Thích Đôn Hậu đang là tăng thống thứ ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ông nhậm chức vào năm 1979. Hai năm sau, ông được cử vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền hậu thuẫn nhưng ông đã từ chối nhậm chức. [2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam được lập ra để phủ nhận GHPGVNTN.

    Sự ra đi của Hòa thượng Đôn Hậu đã khơi mào cho một cuộc phản kháng công khai của các nhà sư.

    Sóng gió sau tang lễ

    Sáng ngày 30/3/1992, các nhà sư chùa Thiên Mụ bắt đầu tuyệt thực trước linh cữu của Hòa thượng Đôn Hậu. Một tấm bảng ghi: “Chúng tôi tuyệt thực để thỉnh cầu nhà nước CHXHCNVN nên tôn trọng lời DI HUẤN của THẦY chúng tôi”.

    Một vài giờ sau, một lãnh đạo cao cấp của giáo hội, người kế vị tăng thống GHPGVNTN theo chúc thư của Hòa thượng Đôn Hậu, bước lên những bậc thềm chùa Thiên Mụ tiến thẳng vào nơi quàn linh cữu. Hai bên lối đi, các nhà sư quỳ xuống nghinh đón ông. Vị hòa thượng cũng vừa kết thúc cuộc tuyệt thực của mình vì chính quyền ngăn ông đến dự lễ tang. Người đó là Hòa thượng Thích Huyền Quang. Tại lễ tang, ông đã công khai phản đối sự đàn áp của nhà nước đối với GHPGVNTN. [3]

    Hòa thượng Thích Huyền Quang (phải) nhận chúc thư và ấn tín giáo hội từ Hòa thượng Thích Nhật Liên. Ảnh: GHPGVNTN.

    Hai tháng sau, Hòa thượng Huyền Quang viết thỉnh nguyện thư gồm chín điều khiến chính quyền thêm phần khó chịu. Bức thư chỉ trích chính quyền cố tình chia rẽ giáo hội, khủng bố các nhà sư hàng giáo phẩm. Ông yêu cầu chính quyền trả lại tài sản của giáo hội, công nhận và cho giáo hội được quyền tự trị, thả các tù nhân tôn giáo và chính trị. [4]

    Theo Human Rights Watch, băng ghi âm tang lễ và thỉnh nguyện thư được gửi đến các ngôi chùa ở miền Nam. Công an bắt đầu bố ráp các nhà sư, ni cô, phật tử vì nghi ngờ họ phân phát các tài liệu này. [5]

    Vào lúc này, chính quyền bắt đầu một kế hoạch mới. Họ cho rằng chúc thư của Hòa thượng Đôn Hậu đã bị làm giả.[6]

    Ngày 5/12/1992, Đại đức Thích Trí Tựu, trụ trì chùa Thiên Mụ, người thân cận nhất của Hòa thượng Đôn Hậu được mời lên làm việc với chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đại đức Trí Tựu thuật lại rằng ông chủ tịch nói với ông có nguồn tin báo rằng chúc thư của Hòa thượng Đôn Hậu đã bị làm giả. Đại đức đáp lại: “Tôi xác nhận rằng chúc thư là nguyện vọng sau cùng của thầy chúng tôi. Tôi lấy mạng sống của mình đảm bảo cho chúc thư”. [7]

    Sáu tháng sau, Đại đức Thích Trí Tựu ra tòa vì dính líu đến một cuộc xuống đường của các nhà sư tại Huế.

    Huế: phản kháng và tù đày

    Ngày 5/6/1993 là một ngày đen tối của các nhà sư chùa Thiên Mụ. Ngày hôm đó hiếm khi được nhắc đến trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

    Công an đến chùa bắt giữ nhà sư trụ trì Đại đức Thích Trí Tựu cùng hai nhà sư Thích Hải Thịnh và Thích Hải Tạng. Ngày 10/6/1993, chính quyền cáo buộc chín phật tử là thành phần cực đoan khi đốt chiếc xe jeep của chính quyền. [8]

    Ngày 19/7/1993, công an bắt giữ thêm nhà sư Thích Hải Chánh cùng hai sa di chùa Thiên Mụ vì tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản nhà nước.

    Những vụ bắt giữ này liên quan đến một cuộc biểu tình được cho là lớn nhất sau năm 1975.

    Vào ngày 24/5/1993, các nhà sư từ chùa Thiên Mụ đã kéo đến trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế để giải cứu cho thầy của mình, Đại đức Trí Tựu, vốn đang bị thẩm vấn.

    Hình ảnh cuộc giải cứu Đại đức Thích Trí Tựu ngày 24/5/1993, quy tụ 40 nghìn người. Ảnh: Exodusforvietnam.com.

    Vụ giải cứu kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thu hút khoảng 40.000 người. [9] Một chiếc xe jeep của chính quyền đã bị phật tử đốt tại chỗ sau khi giải cứu Đại đức Trí Tựu đang ngồi trong xe. Dù cuộc biểu tình xảy ra bất thình lình nhưng chính quyền lại cho rằng đây là một cuộc bạo động có tổ chức.

    Ông “Nguyen Xuan Phong”, cán bộ của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội nói với báo Times Correspondent rằng lãnh đạo chùa Thiên Mụ đã cấu kết với các tổ chức chống cộng ở hải ngoại. [10] Một cán bộ ngoại giao khác ở thành phố Hồ Chí Minh khẳng định động cơ của các nhà sư là gây bất ổn xã hội và lật đổ chính quyền.

    Tháng 11/1993, các nhà sư chùa Thiên Mụ bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa kín. [11] Đại đức Trí Tựu bị tuyên án bốn năm tù giam vì tội cầm đầu cuộc bạo động. Một phật tử bị cáo buộc đốt xe thì nhận bản án bốn năm tù giam và phải chịu phạt khoản tiền tương đương 22.000 đô-la Mỹ. Sư Thích Hải Tạng bị tuyên án bốn năm tù giam, hai sư Thích Hải Chánh và Thích Hải Thịnh cùng bị tuyên án ba năm tù giam. Ngoài ra, có bốn phật tử bị tuyên án từ sáu tháng đến hai năm tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng.

    Xem chi tiết về cuộc phản kháng năm 1993 tại Huế: Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Cuộc đại nạn thật sự của Phật giáo. [12]

    Trục xuất nhà sư, phật tử đáp trả

    Vào năm 1993, một cuộc xung đột căng thẳng giữa các nhà sư và chính quyền nổ ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Theo Human Rights Watch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bổ nhiệm Hòa thượng Thích Hạnh Đức làm trụ trì chùa Sơn Linh từ năm 1982. [13] Nhưng cũng chính giáo hội đã khai trừ ông vào tháng 2/1993 sau khi ông công khai đọc lại bài phát biểu của Hòa thượng Huyền Quang tại lễ tang Hòa thượng Đôn Hậu, và công khai ủng hộ GHPGVNTN.

    Năm tháng sau quyết định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cán bộ địa phương đến chùa thi hành lệnh trục xuất Hòa thượng Hạnh Đức và các nhà sư vào ngày 9/7/1993. Một cuộc đối đầu bạo lực với những tường thuật khác nhau được báo chí quốc tế ghi nhận.

    Theo Murray Hiebert, phía nhà nước cho rằng những người ủng hộ Hòa thượng Hạnh Đức đã bắt một quan chức chính quyền làm con tin. Còn nguồn tin khác từ các phật tử thì cho rằng đám đông quá lớn khiến cho vị cán bộ không thể ra khỏi chùa. Các phật tử còn cho rằng công an, quân đội đã dùng vũ lực, hơi cay và đánh đập đám đông bằng dùi cui để xông vào chùa. [14]

    Tờ Tampa Bay Times cho biết công an, quân đội đã đối đầu với khoảng 2.000 phật tử ném đá, sau đó, trụ trì Thích Hạnh Đức cùng các nhà sư và phật tử bị bắt giữ. [15]

    Tháng 3/1994, chính quyền thông báo Hòa thượng Hạnh Đức bị tuyên án ba năm tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ”, “hoạt động trái pháp luật”, và “phân phát tài liệu thù địch với nhà nước”. Một phật tử tên “Thien Tho” bị tuyên 18 tháng quản chế tại gia với cùng tội danh. [16]

    Cuộc xuống đường hiếm hoi

    Tháng 8/1994, hãng tin AP cho biết một nhà sư đã bị chính quyền bắt giữ vì liên quan đến một cuộc biểu tình tại Sài Gòn. [17] Times Herald loan tin chính quyền đã bắt giữ khoảng 100 nhà sư trong cuộc biểu tình này. [18] 

    Đây là một cuộc biểu tình hiếm hoi mà người dân có thể thấy ở Sài Gòn sau năm 1975.

    Người lãnh đạo cuộc biểu tình là sư “Thich Giac Nguyen”, trụ trì chùa Long An, tỉnh Trà Vinh. Hãng tin AP cho biết sư Giac Nguyen đã dẫn một nhóm người theo ông tọa kháng trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố từ ngày 3/8 đến ngày 5/8/1994.

    Ngày 18/8/1994, chính phủ Việt Nam xác nhận đang giam giữ sư Giac Nguyen để điều tra về tội “thực hiện các hoạt động bất đồng chính kiến”. [19]

    Biểu tình ở chùa Báo Quốc

    Ngày 27/11/1994, tại chùa Báo Quốc (Huế) đã nổ ra một cuộc biểu tình dẫn đến việc ẩu đả giữa hai nhóm tăng ni. Một nhóm tăng ni đã mang thỉnh nguyện thư do các tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký tên phản đối chính sách tuyển sinh phân biệt đối xử và tuyên truyền chính trị trong chương trình giảng dạy tại trường.

    Năm 1994 là năm chùa Báo Quốc thành lập Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế. [20]

    Chùa Báo Quốc, thành phố Huế. Ảnh: Tấn Nhật/ visithue.vn.

    Theo Human Rights Watch, chính quyền cáo buộc nhóm tăng ni đã xông vào chùa Báo Quốc và làm bị thương các học tăng. [21] Một nguồn tin khác cho rằng hai nhóm tăng ni đã ẩu đả với nhau, có hai vị tăng trong nhóm mang thỉnh nguyện thư đã ném đá vào nhóm kia. Tuy nhiên, hai người ném đá được cho là bị một nhân viên an ninh cải trang thành nhà sư xúi giục.

    Một công an địa phương nói với AFP rằng cuộc ẩu đả là do tranh chấp giữa các nhà sư trong tỉnh. Đoạn băng ghi lại cảnh ẩu đả giữa các tăng ni đã được chính quyền phát lên truyền hình. [22]

    Nguồn tin của Human Rights Watch cho biết công an tại Huế đã truy tố hình sự Thích Phước Hùng thuộc chùa Phước Duyên và Thích Hạnh Đức thuộc chùa Linh Quang. Đây là hai người được cho là đã ném đá trong cuộc ẩu đả. [23]

    Hơn 20 năm tôn giáo đầy thương tích

    Chính quyền Việt Nam chỉ bắt đầu cân nhắc các chính sách tự do tôn giáo mới từ cuối thập niên 1980, khi Việt Nam bắt đầu hàn gắn quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tuy vậy, các chính sách này chỉ dành cho những chức sắc phục tùng chính quyền.

    Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, người được chính quyền Việt Nam coi trọng vì các nghiên cứu, đề xuất về chính sách tôn giáo, nói trên báo Los Angeles Times: “Kể từ năm 1989, chúng tôi có chính sách mới để tôn giáo được tự do hơn. Bây giờ đã có nhiều nhà thờ, chùa chiền hơn trước kia”. [24]

    Tuy nhiên, số lượng các ngôi chùa lại tỷ lệ nghịch với số lượng các nhà sư. Theo hãng National Geographic, từ năm 1975 đến năm 1994, số lượng các nhà sư ở Việt Nam đã giảm từ 30.000 người xuống còn khoảng 20.000 người. [25] Trong tổng số khoảng 500.000 tín đồ Tin Lành chỉ có khoảng 200 mục sư phục vụ, so với 500 mục sư trước năm 1975.

    Số lượng nhà sư ở Việt Nam giảm 10 nghìn người từ năm 1975 đến năm 1994. Ảnh minh họa: Báo Giác Ngộ.

    Năm 1981, một nhà sư ở thành phố Hồ Chí Minh nói với hãng tin United Press International (UPI): “Không có một người nào được xuất gia từ sau năm 1975”. [26]

    Tháng 10/1993, Viện Puebla, một tổ chức tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo có trụ sở ở Washington, D.C., lên án chính quyền Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, cả hai đều không nhận ra sự thiếu nhất quán trong việc tự do hóa nền kinh tế nhưng lại bịt miệng phe đối lập bằng mọi giá. [27]

    Viện này cho biết có khoảng 69 nhà sư, phật tử đang bị giam giữ vì các hoạt động tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng các nhà sư hay linh mục bị giam giữ là vì họ phạm pháp chứ không liên quan đến tôn giáo.

    Trong Báo cáo Nhân quyền năm 1995, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Việt Nam vẫn duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ các hệ thống tổ chức và hoạt động của các tôn giáo, chính quyền vẫn xem các tổ chức tôn giáo là mối đe dọa quyền lực đối với thể chế độc đảng của họ. [28]

    Tháng 3/1994, Sidney Jones, Giám đốc của Human Rights Watch khu vực châu Á nói trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ rằng Việt Nam giám sát các tôn giáo rất chặt chẽ. [29] Các quan chức Hà Nội thường kiểm duyệt các bài giảng, ngăn cấm cầu nguyện tập trung tại nhà, quyết định người nào sẽ trở thành chức sắc, yêu cầu các tăng ni, linh mục tham gia các tổ chức chính trị – xã hội của chính quyền.

    Năm 1995, Hòa thượng Quảng Độ nói với hãng tin Manchester Guardian Service: “Chúng tôi phải có quyền mở các trường Phật giáo để đào tạo tăng ni, để xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý Phật giáo”. [30]

    Đầu những năm 2000, hai lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Hòa thượng Huyền Quang và Hòa thượng Quảng Độ bị giam lỏng dài hạn tại Quảng Ngãi và thành phố Hồ Chí Minh.

    “Tôi không có hộ chiếu, không có giấy tờ, không chứng minh nhân dân. Tôi không là ai cả, hoàn toàn bị tách khỏi xã hội. Tôi không thuộc về Việt Nam. Ít ra trong tù tôi còn có số phạm nhân”, Thích Quảng Độ nói với San Jose Mercury News. [31]

    Nhưng nhà sư không có giấy tờ và không được phép thấy gì khác ngoài những bức tường ấy đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình tới chín lần. [32]

    Theo Nguyễn Văn Huy, năm 2013, GHPGVNTN chỉ còn giữ được khoảng 10% các cơ sở tôn giáo của mình so với năm 1975. Tất cả các cơ sở còn lại đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. [33]

    https://www.luatkhoa.org/2021/05/phat-giao-mien-nam-1992-1994-cuoc-phan-khang-cuoi-cung/

    Không có nhận xét nào