Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Nam - Xã hội dân sự: nhìn từ ‘sự kiện chích ngừa Covid’

    Chuyện không điều phối được một buổi hẹn chích ngừa cho vài ngàn người một cách khoa học là chuyện không có gì lạ …

    Họ có thể là các thành viên của Group Quản trị và khởi nghiệp, họ có thể đang làm việc cho các cơ sở tư nhân, nơi mà họ được trả lương để làm việc có hiệu quả, chứ không phải để vâng dạ.

    “Bên ngoài người dân đang chờ rất đông, yêu cầu phía bên trong tiêm nhanh lên”, một cán bộ gọi lớn vào trong nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM.

    Nhà thi đấu Phú Thọ mỗi ngày đón tiếp được 8.000 người đến tiêm vắc xin. Đây là điểm tiêm vắc xin Covid-19 có công suất lớn nhất của Sài Gòn tính đến hiện tại.

    Liên quan đến vấn đề trên, ở cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25-6, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự và chỉ đạo khá chung chung là TP.HCM phải hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin nhưng phải đảm bảo an toàn, giãn cách và không để tái diễn tình trạng tập trung đông người tại nhà thi đấu Phú Thọ.

    “Sắp tới, TP.HCM sẽ nhận thêm một lượng lớn vắc xin ngừa Covid-19 nên phải tổ chức tiêm chủng cho tốt. TP.HCM đang trong thời điểm phải chạy đua tạo miễn dịch cộng đồng” – ông Trương Hòa Bình nói.

    Một chút về ông Trương Hòa Bình, người cấp hàm Trung tướng Công an, từng là Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó Giám đốc Công an TP.HCM.

    Trong chặng đường sự nghiệp của mình, ông Trương Hòa Bình có những thời kỳ công tác ở lĩnh vực tư pháp Việt Nam, bao gồm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    Trong thời gian làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, ông Trương Hòa Bình thụ lý vụ án Năm Cam, tham gia xét xử vụ án từ ngày 25 tháng 02 năm 2003 đến ngày 05 tháng 06 năm 2003; tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Những năm với công tác Viện trưởng, tuy không dài nhưng ông Trương Hòa Bình đã để lại nhiều tiếng vang và niềm tin của đông đảo người dân khi thực thi một cách rất kiên quyết nền tư pháp đầu thế kỷ XXI.

    Dông dài như vậy để muốn nói rằng dù ở tư cách nào trong quá khứ: Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó Giám đốc Công an TP.HCM – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho thấy ông đều hiểu rất rõ về giá trị và sức mạnh của xã hội dân sự.

    Ông hoàn toàn có thể mạnh miệng để đưa ra ý kiến là chính quyền TP.HCM cần sử dụng xã hội dân sự cùng chung tay trong việc chích ngừa phòng Covid.

    Bàn cụ thể hơn về sử dụng xã hội dân sự, một bác sĩ chuyên khoa ngoại, kiêm nhiệm vai trò quản lý một bệnh viện tư nhân ý kiến như sau ở vụ chích ngừa tại nhà thi đấu thể thao Phú Thọ. Ông phân tích:

    “Một số bạn đổ lỗi cho bên y tế. Không, theo phân công phân nhiệm thì y tế lo phần chích ngừa. Nhiêu đó thôi cũng đủ “ná thở” rồi. Kế hoạch của bệnh viện tư nhân kia là 4 đội, cuối cùng phải gom góp hết nhân viên, làm thành 10 đội.

    Còn 1 phòng khám đa khoa tư nhân kia, kế hoạch phân công 1 đội, cuối cùng cũng phải ‘set-up’ tới 4 đội, vét sạch sành sanh nhân viên. Mà biên chế 5 người theo qui định của Sở Y tế là chưa đủ nữa, nên 10 đội không phải là 50 nhân viên, 4 đội không phải là 20 nhân viên, mà phải hơn.

    Đã vậy, việc đi chích như vậy không được nhà nước trả công.

    Tôi không biết ở các cơ sở công lập thì thế nào, nhưng chắc chắn là nhân viên ở các cơ sở tư nhân là làm việc với tinh thần thiện nguyện. Chủ các cơ sở tư nhân cũng thường phải hỗ trợ thêm cho nhân viên của mình.

    Ngay cả một số nhân viên đi chích ngừa cho người dân, mà bản thân họ cũng còn chưa được chích ngừa. Cho nên, những ai, kể cả những lãnh đạo cao cấp, trước giờ cho rằng người ta ra tư nhân là chảy máu chất xám, là vì tiền, thì hãy tự xem lại mình.

    Thực ra thì việc sắp xếp người đến chích sao cho khoa học không khó. Cái khó là giao việc đó cho ai. Có giao việc cho người có trách nhiệm với công việc hay không, có giao việc cho người có chút ít khả năng điều phối hay không? Hay là giao việc cho người mà xưa giờ chỉ biết ngồi chờ cấp trên sai bảo, chỉ biết chỉ đâu đánh đó, vâng vâng dạ dạ cho đẹp lòng cấp trên?

    Tôi nghĩ, ở TP.HCM, chắc chí ít cũng có cả vài chục ngàn, thậm chí là vài trăm ngàn người có khả năng điều phối những việc như vậy. Họ có thể là các thành viên của Group Quản trị và khởi nghiệp, họ có thể đang làm việc cho các cơ sở tư nhân, nơi mà họ được trả lương để làm việc có hiệu quả, chứ không phải để vâng dạ.

    Tôi cũng đã từng có những nhân viên, mà khi cho họ nghỉ, tôi phải nói, rằng tôi không trả lương cho họ để tôi, hay cấp trên trực tiếp của họ làm việc thay họ.

    Trong một môi trường mà sự năng động là không được phép, hoặc chỉ là được phép ở ngoài miệng, trong một môi trường mà nhất nhất phải phụ thuộc vào ý chỉ của cấp trên, cấp trên thì lại phụ thuộc vào cấp trên nữa…

    Trong một môi trường mà đấu đá bè phái được coi trọng hơn là hiệu quả công việc, thì chuyện không điều phối được một buổi hẹn chích ngừa cho vài ngàn người một cách khoa học là chuyện không có gì lạ”…

    https://vietnamthoibao.org/vntb-xa-hoi-dan-su-nhin-tu-su-kien-chich-ngua-covid/

    Không có nhận xét nào