Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Đức Hạo Nhiên - Bệnh kiêu ngạo cộng sản

    Tính kiêu ngạo có lẽ có từ khi con người biết sống như một cộng đồng, nhưng tính kiêu ngạo cộng sản thì chỉ có khi đảng cộng sản ra đời.

    Nó mang thuộc tính của bệnh kiêu ngạo, nhưng còn tệ hơn nữa, nó mang “tính cộng sản”. 

    Không phải những người không ưa cộng sản đã ‘phát minh’ ra chứng bệnh kiêu ngạo cộng sản mà chính người cộng sản đã tìm ra cái bệnh đó, và người đầu tiên đặt tên cho nó là Lenine. Ông Hồ Chí Minh cũng thường phê phán bệnh kiêu ngạo cộng sản, và ngày nay  được lặp đi lặp lại trên miệng các quan lớn cộng sản chứng tỏ căn bệnh càng ngày càng phát triển trong đảng, như bệnh dịch covid-19.

    Triệu chứng của người mắc bệnh kiêu ngạo thường thấy gồm hách dịch,  kiêu căng,  vênh váo, tự mãn, táo tợn, chuyên quyền, khoe khoang, khinh người, độc đoán, tự cao tự đại, xấc xược, tự cho mình biết hết, là vô địch chúa tể. Nhiều người, đặc biệt giới lãnh đạo chop bu mang tính kiêu ngạo, có đủ các triệu chứng kể trên, kèm theo tính đạo đức giả và có biệt tài đóng kịch. Một đảng mang tính kiêu ngạo thì các triệu chứng trên trở thành thuộc tính được che đậy tài tình, tinh vi, khéo léo. Tính kiêu ngạo một khi tăng lên đến tột đỉnh, họ tự xem mình là chúa tể,  là Thượng Đế. Đảng là một tôn giáo.

    Sau ngày 30.4.75 khi chiếm được Saigon, khẩu hiệu: “ĐCSVN vô địch” được treo đến tận khắp hang cùng ngõ hẻm. Thái độ kiêu ngạo cộng sản khi chiến thắng như cao hơn, to béo hơn tính kiêu ngạo của anh chàng võ sĩ thượng đài huênh hoang trước đối thủ thất bại của mình. Không lạ gì khi người cộng sản luôn cao giọng phải chiến thắng với những lời lẽ mang tính ‘khói lửa’, cái lò của Nguyễn Phú Trọng có thể đốt cháy cả cành cây tươi là một ví dụ cho tính kiêu ngạo cộng sản của ông Tổng Bí Thư.

    Các lãnh tụ  cộng sản Việt Nam mang tánh kiêu ngạo giống một số chính trị gia trên thế giới như  Hitler, Mao Trạch Đông, Stalin, Khrushchev, Kim Jong Un.. với những lời lẽ rổn rảng khoe khoang về xã hội, chính đảng của họ không khác những tay quảng cáo thuốc cao đơn hoàn tán trên xe đò chạy lục tỉnh. 

    Chẳng riêng người cộng sản có chức quyền cao mới kiêu ngạo, một anh đảng viên ngây thơ  cũng có thể tỏ ra kiêu ngạo hết cỡ trước đám ‘quần chúng chưa giác ngộ’. Ngay khi được học lớp đối tượng đảng rồi đến lúc được kết nạp, được đảng nâng lên thành phần tinh hoa của dân tộc, có trách nhiệm với vận mệnh của toàn nhân loại, anh hay chị ta được dạy tham chiến, phải chiến thắng, dẹp bỏ những giai cấp kẻ thù của nhân dân, của đảng để đem dân tộc, thậm chí toàn thế giới đến chốn đại đồng. Trách nhiệm của anh, chị ta vô cùng to lớn, khác thường, không có họ và các đồng chí, không thể có một thế giới hòa bình, thịnh vượng, tự do dân chủ. Họ tin rằng đảng và chính họ là bình đẳng và công lý, có quyền đứng trên tất cả để phán xét, kết tội. Những màn đấu tố trong cải cách ruộng đất là điển hình tánh kiêu ngạo cộng sản trong đội cải cách ruộng đất: “Nhất đội nhì giời”. 

    Ông Hồ Chí Minh khi còn sống cũng vô cùng kiêu ngạo khi xưng Bác với  mọi người trong nước, khi để mặc đàn em hết lời tụng ca ‘Cha Già Dân Tộc’. Mỉa mai thay, ông luôn phê bình bệnh kiêu ngạo cộng sản. Ông tưởng nhầm tính kiêu ngạo được chữa trị bằng loại thuốc phê và tự phê, nhưng nó không những không chữa được bệnh mà còn có nhiều phản ứng phụ và càng ngày càng biến người cộng sản thành dị dạng. Kiêu căng, tự ái, hiếu chiến khiến họ thường xuyên cảnh giác trước những cơ hội cho phép đồng chí qua mặt trong mọi hoàn cảnh, lại càng khó chịu khị bị đem ra phê bình, hết lần này qua lần khác trước đồng chí, đồng đội. 

    Người ta đặt câu hỏi tại sao tam trụ triều đình gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ phải  cùng lúc tham gia  Đảng ủy Công an Trung ương và Thường vụ Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025. Phải chăng những người lãnh tụ cao nhất đảng sợ sự chia rẽ của 3 người này hay trong và giữa hai lực lượng tối cao, quân đội, công an có thể làm tan vỡ đảng. 

    Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ nhất khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bí thư Quân ủy Trung ương, chủ trì hội nghị đã 2 lần kêu gọi quân ủy trung ương đoàn kết.  Tại Đảng ủy Công an Trung ương, ông cũng lại kêu gọi đoàn kết như vậy. Sự mất đoàn kết luôn hiện diện trong các đảng viên, và chắc chắn là nguy hiểm nhất giữa các đảng viên cấp cao. Ông HCM nói sự đoàn kết trong đảng quan trọng như con ngươi của mắt. 

    Khác với tính kiêu ngạo là tính liên kết. Người cộng sản thường kêu gọi sự đoàn kết trong đảng. Kêu gọi đoàn kết càng nhiều, càng lớn tiếng bao nhiêu, lại càng chứng tỏ họ muốn che dấu sự tách rời phe phái  trong đảng bấy nhiêu. Mất đoàn kết trong đảng có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ nhất do tính kiêu ngạo, đố kỵ, kèn cựa của các đảng viên mang căn bệnh kiêu binh, kiêu ngạo cộng sản. Không những chia rẽ trong đảng, người cộng sản còn chia rẽ họ với nhân dân.

    Có thời gian người cộng sản kêu gọi đảng viên, cán bộ ‘tam cùng’, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Đó là thời gian tệ hại nhất của người dân chịu đựng chế độ. Nó không thể hiện sự đoàn kết với dân, chữa lành tánh kiêu ngạo của đảng viên, nhưng các người cộng sản giống như những con sâu đục xoáy, trú ẩn trong thân cây, rình mò, moi móc chia rẽ hàng xóm láng giềng, hủ hóa với vợ con chủ nhà.

    Đã bao nhiêu đảng viên trí thức chia tay với đảng khi đụng phải tánh kiêu ngạo cộng sản của các đồng chí lãnh đạo, chẳng khác nào cắt đứt quan hệ lãng mạn với một người tình luôn coi dưới mắt mình không có ai. Với những người này, ĐCS quay ngược lại đổ vấy cho họ bằng cách lấy lời HCM buộc tội: “Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”. 

    Tuy vậy để tiêu diệt sự chống đối, coi thường lẫn nhau và để bảo vệ chỗ ngồi của minh, cấp trên trong đảng dậy cấp dưới đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy định của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quy định 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… Có như vậy mới đấu tranh có hiệu quả để chống lại căn bệnh kiêu ngạo, công thần, nói và làm không nhất quán.

    Từ lúc đọc cương lĩnh, cho đến lúc gia nhập đảng, nhận trách nhiệm lãnh đạo toàn thể giới vô sản tiêu diệt hết kẻ thù của giai cấp, mong mỏi xây dựng một  thiên đường hạ giới, đảng viên nghiễm nhiên mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Họ biết căn bệnh kiêu ngạo cộng sản rõ hơn ai hết. Họ lại càng biết bệnh kiêu ngạo đã biến họ thành những con người “khác thường” với đủ tật xấu. 

    Nhưng hình như họ đam mê cái bệnh quái gở đó, quyết không thể rời nó. Đó là đường dẫn đến quyền lực, danh vọng, tiền bạc và sự tồn tại. Và một khi rời được bệnh kiêu ngạo cộng sản thì họ không còn là người cộng sản nữa. Biết bao nhiêu người đã thức tỉnh rời khỏi đảng, tự cách ly mình khỏi bệnh kiêu ngạo công sản để giữ được nhân cách con người.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-benh-kieu-ngao-cong-san/

    Không có nhận xét nào