Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 26 tháng 6 năm 2021

    Mỹ cho phép dùng thuốc viêm khớp Actemra trị các ca COVID nặng

    Giới thẩm quyền y tế Mỹ chấp thuận cho thuốc trị viêm khớp Actemra của Roche được dùng khẩn cấp để chữa trị bệnh nhân COVID nhập viện.

    Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 24/6 cho biết đã cho phép Actemra được sử dụng khẩn cấp để chữa trị bệnh nhân nhập viện vì COVID, cả người lớn lẫn trẻ em.

    FDA nói thuốc này có thể được dùng chữa trị cho các bệnh nhân phải uống corticosteroids và cần bổ sung dưỡng khí oxy, cần máy thở hay cần đút ống thở, hay cần trợ giúp bằng phổi nhân tạo.

    Vẫn theo FDA, các cuộc nghiên cứu cho thấy Actemra giúp giảm bớt nguy cơ tử vong và tăng tốc hồi phục.

    Sự cấp phép cho sử dụng khẩn cấp căn cứ trên kết quả bốn cuộc nghiên cứu ngẫu nhiên, có kiểm soát, đánh giá Actemra trong việc chữa trị COVID trên 5.500 bệnh nhân nhập viện, hãng dược Roche cho hay.

    Dù việc tiêm chủng đang tăng tại những nơi như châu Âu và Mỹ đã làm giảm bớt nhập viện vì COVID-19, nhưng Actemra vẫn còn được sử dụng cho một số bệnh nhân nhập viện.

    Actemra không được phép sử dụng cho bệnh nhân COVID ngoại trú hoặc dùng như phương pháp chữa trị COVID, FDA nói.

    Năm ngoái FDA chấp thuận cho dùng thuốc chống virus, remdesivir, của công ty Gilead để chữa trị bệnh nhân nhập viện vì COVID, nhưng liệu pháp hỗn hợp Actemra-Remdesivir không làm giảm được thời gian nằm bệnh viện.

    ‘Hệ thống y tế Indonesia gần sụp đổ ‘ vì COVID gia tăng


    Ca nhiễm COVID đã gia tăng ở Indonesia, một quốc gia có 270 triệu dân, trong tuần qua, với hơn 2,05 triệu trường hợp được báo cáo tính đến thứ Bảy, và tỷ lệ lấp đầy giường bệnh đã tăng lên hơn 75% ở thủ đô Jakarta và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác.

    Indonesia cũng đang phải vật lộn với các chủng vi rút mới như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ.

    Tại Jakarta, số ca bệnh gia tăng đã buộc các bệnh viện phải dựng lều khẩn cấp, theo trang tin Detik dẫn lời các quan chức chính quyền tỉnh.

    Tại Medan, thành phố thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra, Tiến sĩ Inke Nadia D Lubis, thành viên của lực lượng đặc nhiệm COVID trong khu vực, cho biết trong sáu tháng qua, có tới 1.800 trẻ em bị nhiễm vi rút, trong đó có 14 trẻ đã chết.

    Hơn một phần ba các ca nhiễm được báo cáo là học sinh tiểu học, trong khi một phần tư là học sinh trung học, Detik dẫn lời Inke.

    Hôm thứ Sáu, Tổng thống Joko Widodo nói rằng nước ông đang đối mặt với một “tình huống bất thường”, cam kết sẽ đáp ứng bằng “các chính sách nhanh chóng và phù hợp”.

    Gần 1.000 nhân viên y tế Indonesia cũng đã chết vì virus kể từ khi đại dịch bắt đầu, hiệp hội y tế Indonesia xác nhận vào thứ Sáu có 401 bác sĩ tử vong.

    Trong tháng này, hơn 300 bác sĩ tiêm chủng và nhân viên y tế ở Trung Java đã bị phát hiện nhiễm COVID-19, với khoảng một chục người phải nhập viện.

    Sự gia tăng các ca bệnh nặng ở các nhân viên y tế được tiêm chủng đã đặt ra câu hỏi về loại mũi tiêm Sinovac do Trung Quốc sản xuất, mà Indonesia đang phụ thuộc rất nhiều để tiêm chủng cho hơn 180 triệu người vào đầu năm tới.

    ‘Gần sụp đổ ‘

    Người phát ngôn của hiệp hội y tế tỉnh, Eka Mulyana, cho biết các triệu chứng lâm sàng cho thấy căng thẳng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các ca bệnh ở Tây Java.

    “Ở Tây Java, tỷ lệ lấp đầy giường đã vượt quá 90%. Tỷ lệ của một số bệnh viện thậm chí còn hơn 100%, ”ông nói với các phóng viên.

    “Với tốc độ này, hệ thống y tế của chúng tôi gần như sụp đổ ”.

    Hàng chục cộng đồng trong chế độ nhiếp chính Kudus của Trung Java đã bị phong toả sau khi biến thể Delta được phát hiện trong các mẫu thử nghiệm địa phương, khiến số ca nhiễm vi rút tăng đột biến.

    Sự gia tăng này một phần được cho là do hàng triệu người đi từ khu vực đó ra khắp cả nước đa số theo đạo Hồi vào cuối tháng Ramadan, bất chấp lệnh cấm chính thức về việc đi lại hàng năm.

    Đại diện Kudus của hiệp hội y tế Indonesia, Ahmad Ipul Syaifuddin, cho biết việc di chuyển hàng loạt của người dân đã khiến không thể xác định nơi bắt đầu nguồn lây.

    “Chúng tôi không có manh mối về cách lần theo dấu vết và tìm ra người lây lan đầu tiên của các trường hợp Delta vì kết quả kiểm tra lấy mẫu được đưa ra khoảng ba tuần sau cuộc di chuyển hàng loạt, ”ông nói

    “Mẫu của tôi nằm trong số mẫu đã thử nghiệm cho biến thể Delta. Tôi đã bình phục và (đã) xét nghiệm âm tính, nhưng tôi vẫn bị ho ”.

    Trong khi đó, tờ Bưu điện Jakarta đưa tin, trong số những người gần đây bị nhiễm vi rút corona có một quan chức Indonesia giấu tên hiện đang ở Ý tham dự một hội nghị quốc tế.

    Quan chức này bị cách ly trong 10 ngày sau khi có kết quả dương tính khi đến thành phố cảng Catania của Sicilia, nơi các quan chức từ khắp nơi trên thế giới đang triệu tập một loạt cuộc họp cấp bộ trưởng G20.

    Mỹ bắt giữ hơn 1 triệu người vượt biên bất hợp pháp trong năm tài chánh 2021

    Tới nay, hơn 1 triệu di dân bất hợp pháp bị Mỹ bắt giữ tại biên giới Mexico trong năm tài khoá này, theo số liệu sơ khởi được chia sẻ với Reuters, một thách thức về di trú mà Tổng thống Joe Biden đang đối mặt.

    Với nhịp độ hiện nay, tổng số người bị bắt tại biên giới trong năm tài khoá chấm dứt vào ngày 30/9 tới đây sẽ cao nhất kể từ năm 2000, khi có gần 1,7 triệu di dân bất hợp pháp bị nhà cầm quyền Mỹ bắt giữ.

    Ông Biden, thuộc đảng Dân chủ nhậm chức cách đây 5 tháng, đã đảo chiều nhiều chính sách của người tiền nhiệm Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump.

    Đảng Cộng hòa đổ lỗi các chính sách của ông Biden làm tăng số người vượt biên bất hợp pháp trong những tháng gần đây.

    Các chuyên gia về di trú thì cho rằng nghèo khó, bạo động và thiếu an ninh lương thực là những yếu tố đẩy di dân từ Guatemala, Honduras và El Salvador bỏ nước ra đi.

    Một giới chức thuộc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nói với Reuters với điều kiện ẩn danh rằng nếu như năm 2000 đa số di dân bất hợp pháp chủ yếu là những người đàn ông Mexico, thì làn sóng di dân hiện nay lại đa dạng các thành phần, trong đó có nhiều người từ Trung Mỹ và các nước khác, khiến cho quá trình xử lý mất thời gian hơn.

    GAVI chi thêm quỹ để giao vaccine tới các nước nghèo

    Hội đồng quản trị của liên minh vaccine GAVI chấp thuận thêm 775 triệu đô la cho việc chuyển giao vaccine tới các nước có thu nhập từ thấp tới trung bình trong hai năm tới trong lúc đẩy mạnh triển khai tiêm chủng, GAVI loan báo ngày 25/6.

    Tổng cộng số tiền dành cho chi phí chuyển giao vaccine sẽ tăng lên thành 925 triệu đô la, GAVI cho biết sau cuộc họp hội đồng quản trị kéo dài hai ngày.

    Chương trình chia sẻ vaccine COVAX từ tháng Hai tới nay đã chuyển giao 90 triệu liều vaccine tới 132 nước, nhưng gặp các vấn đề về cung ứng kể từ khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu vaccine.

    GAVI cho hay mọi việc đang lấy lại đà tiến và ước tính mục tiêu chuyển giao 1,8 tỉ liều vaccine cho các nước nghèo sẽ đạt được trong quý đầu năm sau.

    Hội đồng quản trị GAVI cũng đặt những điều kiện mới về tiếp cận vaccine, vốn có thể khiến các nước có thu nhập trung bình nản lòng không tham gia khi yêu cầu các nước này, vào năm tới, sẽ phải trả tiền trước đầy đủ.

    Một tài liệu nội bộ cho thấy GAVI ước tính số thành viên tham gia chương trình vào năm tới có thể thu hẹp lại còn 120-130 nước, từ con số 190 nước như hiện nay.

    Sự thay đổi này có nghĩa là các nước tại châu Mỹ Latin, Trung Đông, và các nước như Nam Phi sẽ chịu phí tổn nhiều hơn mới tiếp cận được chương trình và sẽ phải vay tiền để đảm bảo có được vaccine.

    Tuy nhiên, điều kiện dành cho các nước nghèo nhất, đa số tại châu Phi và Đông Nam Á, sẽ được giữ nguyên. Các nước này hoặc được vaccine miễn phí hoặc phải chi trả rất ít.

    Mỹ: Tử vong vì COVID hầu hết ở những người không tiêm ngừa

    Gần như tất cả các ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ hiện nay là ở những người không tiêm ngừa, theo một phân tích của AP. Điều này minh chứng cho sự hiệu nghiệm của vaccine và cho thấy số ca tử vong mỗi ngày - hiện dưới 300 - có thể ở mức 0 nếu tất cả mọi người đủ tiêu chuẩn đều được chủng ngừa, hãng tin này nhận định.

    Phân tích, được thực hiện dựa trên số liệu có sẵn của chính phủ từ tháng 5, cho thấy số ca nhiễm “đột phá” - tức là đã tiêm ngừa nhưng vẫn nhiễm virus corona - ở những người được tiêm chủng đầy đủ chiếm ít hơn 1.200 ca trong số hơn 853.000 ca nhập viện vì COVID-19. Tỉ lệ này là khoảng 0,1%.

    Chỉ khoảng 150 trong số hơn 18.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng 5 là ở những người đã được tiêm ngừa đầy đủ, tương đương khoảng 0,8%.

    AP cho biết họ phân tích số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cung cấp. Bản thân CDC cũng chưa ước tính được số người đã tiêm ngừa đầy đủ chiếm bao nhiêu phần trăm trong số những ca nhập viện và tử vong, nói rằng có những hạn chế về số liệu.

    Trong số này: Chỉ có khoảng 45 bang báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh “đột phá”, và một số bang ráo riết tìm kiếm những trường hợp như vậy hơn những bang khác. Vì vậy số liệu có thể không cho thấy hết những trường hợp lây nhiễm đó, các quan chức CDC nói.

    Tuy nhiên, xu hướng tổng thể hiện ra từ số liệu tương tự như điều mà nhiều nhà chức trách y tế khắp nước Mỹ đang chứng kiến và điều mà các chuyên gia hàng đầu đang nói, theo AP.

    Đầu tháng này, Andy Slavitt, một cựu cố vấn của chính quyền Biden về COVID-19, nói 98% đến 99% người Mỹ chết vì virus corrona là những người chưa được chủng ngừa.

    Giám đốc CDC, Bác sĩ Rochelle Walensky hôm 22/6 nói rằng vaccine hữu hiệu đến mức “gần như mọi trường hợp tử vong, đặc biệt là ở người lớn, do COVID-19, tại thời điểm này, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.” Bà gọi những cái chết như vậy là “đặc biệt bi thảm.”

    Số người chết ở Mỹ đã giảm mạnh từ mức đỉnh điểm trung bình hơn 3.400 người một ngày vào giữa tháng 1, một tháng sau khi chiến dịch chủng ngừa khởi động.

    Khoảng 63% tất cả những người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine - những người từ 12 tuổi trở lên - đã được tiêm ít nhất một liều và 53% được tiêm đầy đủ, theo CDC. Trong khi vaccine còn khan hiếm ở hầu hết khắp thế giới, nguồn cung của Mỹ thừa thãi và nhu cầu sụt giảm mạnh đến mức các mũi tiêm nằm trơ không được dùng tới.

    Sự hoài nghi về tác động của vaccine là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người tỏ ra lưỡng lự với việc chích ngừa, theo bác sĩ Nguyễn Đông Châu, một chuyên gia về nội thương và tim mạch thuộc hệ thống bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas, nói.

    Ông cho biết trong số khoảng 30 bệnh nhân trên 65 tuổi được ông khám trong ngày 25/6, có khoảng sáu người vẫn chưa chích ngừa dù họ nằm trong nhóm tuổi được ưu tiên thứ nhất.

    “Họ cứ nghe những chi tiết là vaccine này chỉ được [Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm] chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp chứ chưa được chấp thuận hoàn toàn nên người ta nghĩ thuốc này làm quá nhanh, người ta không tin tưởng được, có thể sự nguy hiểm rất là cao,” bác sĩ Châu nói.

    “Thứ nhì, một số lại nói là người ta cứ ở nhà người ta sẽ không bị bệnh. Một năm qua người ta không bị bệnh thì bây giờ làm y như vậy thì cũng không bị bệnh, người ta cũng không chịu chích. Rồi một số khác thì người ta không tin tưởng thuốc vì ngày xưa cũng có một thời gian chính phủ Mỹ đã dùng người bệnh để thí nghiệm thuốc, nhất là những người dân gốc Phi châu.”

    Bác sĩ Châu nhận định sự hoài nghi của nhiều người đã trở nên nặng nề hơn vì sự chia rẽ chính trị trầm trọng suốt hơn một năm qua, với các chính trị gia thuộc cả hai đảng phái sử dụng khoa học để đả kích đối thủ và cách thức xử lý khủng hoảng.

    Chuyên gia y khoa đề xuất một giải pháp để gia tăng hơn nữa số người tiêm ngừa ở Mỹ: giao vaccine cho các bác sĩ gia đình để họ tiêm chủng, vì người dân có khuynh hướng nghe theo lời khuyên từ bác sĩ của chính họ thay vì từ các quan chức chính phủ.

    “Nếu mà tạo cơ hội cho người bệnh đi khám bệnh trở lại, gặp bác sĩ trở lại, đưa vaccine cho bác sĩ để họ dự trữ và chích cho người bệnh thì tôi nghĩ sẽ được nhiều hơn,” bác sĩ Châu nói.

    “Từ một năm nay, rất là ít người bác sĩ có được thuốc để tự mình chích cho người bệnh. Mình có thuốc thì mình sẽ khuyên người bệnh chích.”

    Mỹ đã tiêm 321.199.379 liều vaccine COVID-19 trong nước tính đến sáng 25/6, và đã phân phối 380.222.670 liều, CDC cho biết.

    Vẫn theo CDC, 178.491.147 người đã được tiêm ít nhất một liều, trong khi 151.615.554 người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến 25/6.

    Số liệu của CDC bao gồm vaccine hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như vaccine một liều của Johnson & Johnson, tính tới 6 giờ sáng ngày 25/6 (giờ miền Đông Hoa Kỳ).

    Bài viết dựa trên một số thông tin do AP cung cấp.

    Covid-19 : Biến thể Delta lây lan nhanh, nhiều nước thắt chặt trở lại các biện pháp chống dịch


    Sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta trong những ngày qua đã khiến chính quyền một số nước phải đình hoãn các biện pháp nới lỏng hạn chế, thậm chí tăng cường, thắt chặt trở lại các biện pháp phòng dịch Covid-19.

    Sau Anh Quốc, Bồ Đào Nha, đến lượt Úc và Israel hôm qua 25/06/2021 ban hành các quy định mới. Bắt đầu từ hôm nay 26/06/2021, Sydney, thành phố lớn nhất Úc, bị tái phong tỏa 15 ngày, trong khi đó Israel, một trong những nước dẫn đầu thế giới về chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, đã tái lập quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở những không gian khép kín.

    Còn ở Pháp, đối mặt với nguy cơ biến chủng Delta có thể làm bùng lên làn sóng dịch thứ tư và việc nhiều người, trong đó có các nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc trong các trung tâm dưỡng lão, vẫn ngần ngại không chích ngừa Covid-19, chính quyền Pháp hôm qua 25/06 nhắc tới khả năng ra quy định bắt buộc tiêm chủng ngừa virus corona, nhất là đối với đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

    Nhìn sang Tây Ban Nha, tình hình đặc biệt đáng lo ngại với sự xuất hiện một ổ lây nhiễm lớn chưa từng có, sau chuyến du lịch đến đảo của Balearas của nhiều sinh viên, khiến nhiều ngàn thanh niên tại 7 vùng trong cả nước hiện đang phải cách ly.

    Từ Madrid, thông tín viên Diane Cambon cho biết chi tiết :


    « Chính ở một buổi diễn nhạcReggaeton cực kỳ lớn tại đấu trường Palma de Mallorca và trong hàng trăm cuộc hội hè, liên hoan được tổ chức tại các khách sạn và trên các con tàu, mà khoảng 2000 sinh viên Tây Ban Nha trong một chuyến du lịch cuối khóa học đến đảo Baleares đã bị nhiễm Covid-19. Dường như các thanh niên này đã tham gia nhiều cuộc hội hè mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào, tức là không tôn trọng quy định về khoảng cách an toàn và không đeo khẩu trang.

    Thành phố Madrid đã phát hiện 350 ca dương tính trong tổng số 470 trường hợp trên toàn quốc. Ông Antonio Zapatero, lãnh đạo cơ quan Y Tế Madrid, phát biểu : “Chúng tôi chưa bao giờ có ổ lây nhiễm lớn đến như vậy kể từ đầu đại dịch. Họ không chú ý, không đeo khẩu trang, chính vì thế ổ lây nhiễm mới bùng lên."

    Đa phần sinh viên đều không có triệu chứng, nhưng điều tệ hại nhất là ổ lây nhiễm này bùng lên đúng thời điểm mùa du lịch sắp bắt đầu và người dân đảo Balearas đang háo hức chờ đón du khách quốc tế và du khách đến từ Anh Quốc. »

    Ngoại trưởng Blinken : Mỹ - Pháp có chung quan điểm về những mối đe dọa từ Trung Quốc


    Sau Đức, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Pháp và được đồng nhiệm Jean-Yves Le Drian tiếp đón ngày 25/06/2021. Trả lời nhật báo New York Times sau buổi làm việc cùng ngày với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, ông Blinken cho rằng Pháp và Mỹ có chung quan điểm về những mối đe dọa của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga ngày càng quả quyết.

    Chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Blinken, với tư cách là ngoại trưởng Hoa Kỳ, nằm trong khuôn khổ nỗ lực hồi sinh mối quan hệ với các đồng minh châu Âu, vốn dĩ trở nên căng thẳng dưới thời tổng thống Donald Trump. Trong buổi làm việc với đồng nhiệm Pháp, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến việc phải « phối hợp với nhau » mới có thể « mạnh hơn và hiệu quả hơn », cũng như mới « có cơ hội chứng minh rằng những nền dân chủ của chúng ta có thể tạo nên những kết quả thực sự ».

    Còn trong buổi trả lời phỏng vấn nhật báo New York Times, ông Blinken khẳng định Mỹ và Pháp « có chung quan điểm » trong quyết tâm kháng lại khả năng một thế giới do Trung Quốc lãnh đạo, một trật tự thế giới có thể sẽ « hoàn toàn phi tự do về bản chất ». Mục tiêu của hai nước « không phải là cản trở Trung Quốc » hay « cố kìm nén Trung Quốc », nhưng khi cần phải bảo vệ trật tự quốc tế mở và tự do thì « chúng tôi sẽ đứng lên ».

    Theo ông Blinken, « tổng thống Macron có cùng cách suy nghĩ đó và tập trung vào việc cần phải có những kết quả thực tế ». Tuy nhiên, vẫn theo New York Times, việc hai bên có chung quan điểm hơi gây bất ngờ vì tổng thống Pháp Macron nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến lược tự chủ của châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu vẫn coi « Trung Quốc là đối thủ mang tính có hệ thống » nhưng đối sách không kịch liệt như Hoa Kỳ.

    Trung Quốc phản pháo tuyên bố của ông Biden


    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 25/6 cáo buộc Washington “chỉ trỏ” vào công việc nội bộ của đặc khu Hong Kong sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Bắc Kinh bịt miệng các tiếng nói bất đồng quan điểm.

    Ông Triệu nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Hong Kong là của Trung Quốc và các vấn đề của Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có quyền chỉ trỏ vào việc này”.

    Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc để đáp trả tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily của tỉ phú Jimmy Lai bị đóng cửa. Tỉ phú Lai bị bắt theo Luật an ninh quốc gia Hong Kong và từng tiếp xúc với một số quan chức cấp cao của Mỹ.

    Trong tuyên bố ngày 24/6, ông Biden cáo buộc Bắc Kinh “bịt miệng các tiếng nói bất đồng quan điểm và trấn áp truyền thông độc lập” bằng các vụ bắt giữ, đe dọa và luật an ninh Hong Kong.

    Tổng thống Mỹ gọi Apple Daily là “pháo đài của báo chí độc lập Hong Kong” và mô tả việc đóng cửa nó là “một ngày buồn cho tự do truyền thông”.

    Về điều này, ông Triệu mô tả: “Quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ thật vô căn cứ”. Quan chức này nói thêm: “Mỹ nên tôn trọng sự thật, ngừng tạo cớ để cản trở lực lượng thực thi pháp luật Hong Kong hay minh oan cho những kẻ tình nghi”.

    Apple Daily là một cái gai đối với Bắc Kinh, khi thường xuyên chỉ trích chính phủ Trung Quốc và ủng hộ phe dân chủ ở Hong Kong.

    Việc đóng cửa tờ báo xảy ra sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên thành phố này vào năm ngoái.

    Ấn phẩm cuối cùng của tờ báo được xuất bản vào ngày 24/6. Nhiều người dân Hong Kong đã xếp hàng từ đêm hôm trước để mua những tờ báo cuối cùng của Apple Daily.

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 24/6 lên án việc tờ Apple Daily bị buộc đóng cửa, coi động thái này là đàn áp quyền tự do ngôn luận.

    Trên facebook, bà Thái nhắn nhủ đến những ‘kẻ độc tài rằng tự do giống như một cái cây’. Bà viết: “Nó có thể bị đốn hạ, nhưng hạt giống đã được gieo vào mọi ngóc ngách của mảnh đất. Luôn luôn có một vài hạt giống sẽ phát triển thành một cây lớn khác”.

    Đặt chân đến biên giới, bà Harris được người biểu tình đợi sẵn

    Ngày 25/6, phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đi tới El Paso, Texas, đây là chuyến thăm biên giới đầu tiên của bà Harris kể từ khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden giao trọng trách xử lý cuộc khủng hoảng di cư hơn 3 tháng trước đó.

    Tuy nhiên, khi bà đến, người dân đại phương đã không mở rộng vòng tay đón tiếp phó Tổng thống. Thay vào đó, Fox News cho biết bà Harris đã gặp những người biểu tình vẫy cờ và cầm biển hiệu ủng hộ cựu Tổng thống Trump cũng như khẩu hiệu “Que Mala” – một cụm từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “xấu xa như thế nào”.

    Các tấm biển khác hỏi bà Harris có bao nhiêu “bé gái cần bị cưỡng hiếp” trước khi chính quyền tuyên bố “biên giới là một cuộc khủng hoảng” và liệu phó tổng thống có thể “nghe thấy tiếng la hét của họ”. Một dấu hiệu khác cho biết “tinh thần của nước Mỹ bắt đầu từ biên giới.”

    Ứng cử viên đảng Cộng hòa, bà Irene Armendariz-Jackson trong cuộc phỏng vấn với El American cho biết: “Kamala, bà đã đến hơi muộn. Chúng tôi đã gặp phải cuộc khủng hoảng này trong nhiều năm. Chúng tôi cần các giải pháp, chúng tôi không cần bà diễu hành quanh trạm tuần tra biên giới”.

    Bà Harris đã bị chỉ trích gay gắt khi mất đến 93 ngày mới chịu đến biên giới sau khi được ông Biden giao trọng trách xử lý tình trạng gia tăng đột biến người di cư.

    Một nhân viên biên phòng giấu tên nói với Fox News rằng anh “không ngạc nhiên” khi bà Harris phải mất nhiều thời gian như vậy. “Tôi không ngạc nhiên. Bà ấy không nghĩ đây là vấn đề”.

    Một quan chức biên giới cấp cao giấu tên đã chỉ trích bà Harris vì đã đến thăm El Paso thay vì các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

    Quan chức này nói: “Nếu Phó Tổng thống Harris thực sự muốn đánh giá tình hình ở biên giới, bà ấy sẽ đến McAllen và các địa điểm dọc theo Thung lũng Rio Grande”.

    Trong khi đó, khi phát biểu trước báo giới, bà Harris tuyên bố chính quyền mới đã đạt được “tiến bộ vượt bậc” trong việc giải quyết làn sóng di cư trong thời gian qua. Đồng thời chỉ trích chính sách nhập cư dưới thời chính quyền Trump.

    Anh, Mỹ và EU ủng hộ Apple Daily, lên án cách làm của chính quyền Hồng Kông

    Aboluowang đưa tin, hôm thứ Năm (24/6), Apple Daily và Next Media của Hồng Kông đã bị buộc phải ngừng hoạt động. Điều này làm dấy lên mối quan ngại của các nước phương Tây về tự do ngôn luận tại đặc khu hành chính này.

    Về vấn đề này, hôm 23/6, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Ma Cao đã lên án hành vi đàn áp ngôn luận của chính quyền Hồng Kông. Cơ quan này tuyên bố trên Facebook rằng, tuyên ngôn Nhân quyền bảo đảm mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả các nhà báo hoặc thành viên của các phương tiện truyền thông. Và mạng Internet cũng là một trong những yếu tố quan trọng của tự do báo chí.

    Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố, chính quyền Hồng Kông đã nhân danh Đạo luật An ninh Quốc gia, sử dụng các phương pháp “kinh hoàng” để xử lý có chọn lọc đối với tờ báo Apple Daily.

    Cùng ngày 23/6, Văn phòng Liên minh châu Âu tại Hồng Kông và Ma Cao đã ra thông báo cho biết, việc Apple Daily ngừng hoạt động cho thấy rõ ràng rằng, Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt đã được sử dụng để bóp nghẹt quyền tự do và diễn đạt tin tức. Luật này đã hủy hoại nghiêm trọng một xã hội tự do, đa nguyên và cởi mở.

    Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab đã lên án việc chính quyền Hồng Kông buộc Apple Daily ngừng hoạt động và đàn áp quyền tự do ngôn luận là “ớn lạnh”. Ông phân tích, Luật An ninh Quốc gia đã trở thành một công cụ để hạn chế tự do và trừng phạt những người bất đồng chính kiến hơn là để duy trì trật tự công cộng. Ông kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện cam kết bảo vệ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh.

    Tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch của Anh cùng ngày ra tuyên bố, kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng thực hiện Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky để xử phạt các quan chức Hồng Kông và ĐCSTQ.

    Tờ New York Times đưa tin, ông Lê Trí Anh, người sáng lập Apple Daily từng đăng một bài báo vào ngày 29/5 năm ngoái, nói rằng ông đã thấy trước rằng mình sẽ bị bắt do Luật An ninh Quốc gia.

    Ông Lê Trí Anh viết, “Luật An ninh Quốc gia sẽ đánh dấu sự kết thúc của quyền tự do ngôn luận và nhiều quyền tự do cá nhân đáng trân trọng ở Hồng Kông. Hồng Kông đang chuyển từ pháp trị sang ‘lấy luật pháp mà trừng trị’, và tất cả các quy tắc mới của trò chơi đều do Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định.”

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào