Header Ads

  • Breaking News

    VietTuSaiGon - Khi đất nước thành đứa bé béo phì


    Sau nhiều biến cố, kể từ những năm sau 1975 đến nay, dường như Việt Nam có phát triển, thậm chí có phì đại về mặt tiền bạc, ở đây tôi không muốn nói đến nợ quốc gia hay các khoản tham nhũng hoặc những gian dối trong xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như quản lý kinh tế vĩ mô… Mà tôi muốn nói đến một sự thật khác: Việt Nam có phát triển về kinh tế, con người trở nên rủng rẻng tiền bạc, trừ một bộ phận không nhỏ đồng bào miền núi, thiểu số, vùng quê hẻo lánh còn nghèo khổ ra, số còn lại là phát triển, thậm chí rất phát triển về kinh tế. Và song hành với việc phát triển kinh tế của một bộ phận nhân dân có thể đại diện cho quốc gia này là sự chậm trưởng thành, thậm chí đứng yên tại chỗ về văn hóa, giáo dục. Điều này khiến Việt Nam trở thành đứa bé béo phì.

    Vì sao?

    Bởi nếu nói Việt Nam không phát triển kinh tế, nợ công chồng chất, tham nhũng tràn lan thì chỉ mới đúng một nửa. Phải nhìn vào bữa ăn, cách tiêu xài và thu nhập của từng cá nhân, từng gia đình. Chỉ riêng giới công nhân, lao động, họ nhận lương ở mức dao động từ ba triệu đồng đến sáu triệu đồng mỗi tháng, tùy vào thâm niên làm việc cho công ty, nhưng họ vẫn có khả năng làm nhà, mua đất vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Đương nhiên, để có những khoản chi phí bất thường này, họ chỉ có thể làm những việc bất thường trong một quốc gia bất thường với một cơ chế quản lý kinh tế và chính trị cũng bất thường.

    Và nếu ngân sách không có thì lấy đâu ra tham nhũng, nếu quốc dân thiếu thốn, không có tiền thuế thì lấy đâu ra ngân sách? Nghiệt nỗi, đất nước như một cơ thể, nếu chỉ béo tốt về thể xác mà thiếu hẳn tinh thần và hoạt động lành mạnh thì rõ ràng đây là đứa trẻ béo phì hay người lớn béo phì. Và người ta nhìn thấy được gì đằng sau, thậm chí ngay trên gương mặt béo tốt ấy?

    Sự nông cạn, hời hợt, lấy đồng tiền làm mục tiêu cuộc đời hầu như chi phối toàn bộ giới trẻ.

    Con người, kể cả số đông người đã có tuổi, người cao niên dường như xem xét giá trị của người khác và của bản thân thông qua vật dụng, vật dục.

    Người ta nói với nhau về hạnh phúc bằng tình dục và ngoại tình, bằng khả năng giường chiếu và tiền bạc.

    Văn hóa đọc hầu như mất dấu cho dù đó là việc đọc trên cá trang mạng. Hầu như các kênh giải trí, phim sex, phim xã hội đen và phim đánh đấm được sử dụng, truy cập nhiều nhất.

    Với trẻ con, hầu như các youtube về giới tính, trò chơi vô bổ, ăn nói tục tĩu, bạo lực hoặc ăn quà vắt có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc đã phủ sóng khắp mọi ngõ ngách.

    Với chính phủ, động thái suốt năm mươi năm nay trước quốc tế là: Xin, xin và xin.

    Thói quen ăn xin từ chính phủ cho đến người dân đã tạo ra một sinh quyển ăn mày, bất chấp và chịu nhục, chịu đấm ăn xôi.

    Chính phủ đi xin viện trợ nước ngoài, với quốc dân thì lúc nào cũng lu loa rằng chúng ta phát triển kinh tế vượt bậc, thần thánh… nhưng bước ra là đã thấy mở miệng xin.

    Người dân dường như cũng đã nhiễm thói quen xin ăn, xin bất kì lúc nào có cơ hội, thậm chí xem các khoản cho giống như lộc của vua.

    Đương nhiên, nếu làm một phép so sánh giữa người ăn xin và người lao động hay bán vé số thì có vẻ như thu nhập của người ăn xin lúc nào cũng cao gấp đôi, ba lần hai nhóm kia. Nhưng bù vào đó, hai nhóm kia có liêm sỉ, danh dự và để giữ tự trọng, họ không chấp nhận ăn xin, ngược lại, kẻ ăn xin (xin lỗi những người mất khả năng lao động) một cách có tính toán, bài bản thì bao giờ cũng khá, thậm chí giàu có.

    Cho đến lúc này, dường như mọi thứ vật dục của người Việt Nam đã đạt được ngưỡng phát triển. Nhưng phát triển chứ không tiến bộ.

    Bởi sự tiến bộ phụ thuộc vào ngưỡng văn hóa, các giá trị tinh thần và quan trọng nhất là cái lõi tư tưởng của một dân tộc. Việt Nam cho đến lúc này không có cái lõi đó, nói cho cùng là nhà nước, đảng lãnh đạo và đại bộ phận nhân dân xem tiền bạc, vật dục là cái lõi, là kim chỉ Nam phát triển và là mục đích, chân lý của cuộc đời.

    Nếu nhìn lại một thanh niên của ngày hôm nay với một thanh niên của trước đây ba mươi năm, có thể khẳng định nhanh rằng thanh niên của trước đây ba mươi năm tiến bộ hơn thanh niên bây giờ.

    Bạn có thể đặt câu hỏi rằng thanh niên trước đây ba mươi năm đâu có biết sử dụng internet, đâu có biết tivi màu, làm gì có xe hơi, làm gì có tiền tỉ, làm gì có đi du lịch nước ngoài và ở khách sạn hạng sang, làm gì đeo đồng hồ Rolex…? Có hàng ngàn câu hỏi khi so sánh, bởi thanh niên trước đây ba mươi năm còn phải chuyền tay nhau cái đồng hồ Seiko của Nhật để đeo chụp hình làm loe, còn phải mượn bộ áo quần để đi đám cưới, thậm chí dép Lào là thứ của quí…? Thế nhưng, có cái gì không quan trọng bằng việc dùng nó như thế nào và ứng xử với nó ra sao trước nhân loại.

    Thanh niên trước đây 30 năm nghèo hơn, nhưng hành xử có văn hóa hơn, ít nhất cũng tôn trọng người già, hiếu đạo, không vì vật chất mà giết người, biết đọc sách, biết ước mơ và biết phụng sự cho đất nước khi có thù xâm lược. Còn thanh niên bây giờ, hưởng thụ, phá phách, nông cạn, ích kỉ, tuy còn trẻ nhưng có thể sẵn sàng phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, xem tình dục là thứ gì đó thuộc về chân lý, bất chấp đạo đức, càng giàu tiền thì càng vô đạo đức, làm càng quấy, mất tính người…

    Như vậy, chỉ một phép so sánh nhỏ lùi ba mươi năm đã thấy sự thụt lùi đáng kể về mặt đạo đức, văn hóa, con người. Nếu thụt lùi tiếp năm mươi năm hay hơn thế nữa thì càng kinh ngạc hơn bởi dường như thời đó, con người hành xử đẹp đẽ biết nhường nào, thời đó người ta sống có văn hóa và hành xử chính nhân, trung chính biết nhường nào. Do đâu?

    Bởi vì nền giáo dục, cơ chế chính trị và các qui phạm đạo đức của thời vàng son ấy bị chặt đứt, bị dẹp bỏ, đập nát từ những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975 đến nay. Và thứ chủ nghĩa lấy vật dục làm kim chỉ Nam đã chi phối toàn bộ đời sống dân tộc suốt nửa thế kỉ nay trên sau biến cố 1975. Nền giáo dục hiện tại là một thứ giáo dục vật chất, vô hồn, nông cạn và hời hợt, nếu không muốn nói nó là thứ giáo dục phi nhân tính.

    Bởi lẽ, việc đào tạo, quá trình giáo dục con người, suy cho cùng cũng gần giống với việc sản xuất một chiếc máy thông minh, nghĩa là việc này gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng chính là các giáo trình, giáo án, các công thức toán, kiến thức sinh học, vật lý…. Phần mềm chính là biểu tượng nhà giáo, hình ảnh người thầy và những bài học về tâm hồn, về tương lai nhân loại.

    Một học sinh chỉ được dạy toàn kiến thức và kiến thức, đúng sai tốt xấu chưa bàn nhưng liên tục nhồi nhét và chạy đua, phần mềm lại là thành tích, các kích hoạt về tranh đua và đặc biệt là sự xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức của giáo viên đã vô hình trung thổi một thứ virus tàn phá toàn bộ con người, nhân phẩm.

    Thế hệ sau sẽ hơn thế hệ trước. Đương nhiên đây là chân lý, nếu thế hệ trước được đào tạo, giáo dục trong một nền giáo dục nhân bản, nhân ái thì thế hệ sau cũng sẽ phát triển trên nền tảng này. Ngược lại, nếu thế hệ trước bị nhồi nhét một mớ kiến thức cùng với lòng thù hận, đố kị và ích kỉ thì thế hệ sau còn ghê gớm hơn về điều này. Hơn nữa, khi vật dục phát triển, nó cũng cho ra những phần cứng có dung lượng lớn hơn và nguy cơ phát tán virus cũng khủng khiếp hơn.

    Việt Nam đã trải qua quá lâu, hơn nửa thế kỉ trong thứ giáo dục đầy thú tính và trong hành xử chính trị mất tính người, lấy khẩu hiệu, hô hào làm màn che nhân tính và lấy tranh chấp, vật dục làm đà phát triển nên đến hôm nay, đương nhiên kinh tế phải phát triển, chắc chắn phải là vậy. Nhưng tiến bộ thì không có, thậm chí đang thụt lùi.

    Và điều này cũng cho thấy, nếu không có dịch cúm Vũ Hán thì chúng ta cũng đã nhiễm dịch mất nhân tính từ rất lâu. Cái giá của một đất nước mất nhân tính là khi còn thịt, còn rượu thì anh em, khi hết rượu, còn thịt thì mạnh đứa nào đứa nấy ngoạm, khi thịt hết thì cầm cục xương lên mà phạng vào đầu nhau cho bõ ghét.

    Vì sao chúng ta ra nông nỗi này? Đây là câu hỏi mà đảng cầm quyền đã cố tình bỏ qua rất lâu. Nếu không kịp tỉnh thức, có lẽ mối nguy khó bàn! Bởi chúng ta đang là đứa bé béo phì!

    https://www.rfavietnam.com/node/6858

    Không có nhận xét nào