Header Ads

  • Breaking News

    Tung một lúc 2 tỷ USD, Không quân Mỹ tính nhanh chóng ra đòn đáp trả "át chủ bài" của Nga?

    Các tên lửa hành trình Kh-101/102 là bản nâng cấp sâu từ dòng Kh-55 và đóng vai trò là "át chủ bài" của không quân chiến lược Nga hiện nay.

    Tung một lúc 2 tỷ USD, Không quân Mỹ tính nhanh chóng ra đòn đáp trả "át chủ bài" của Nga?

    Ít ngày trước, Không quân Mỹ (USAF) đã duyệt chi 2 tỷ USD cho nhà sản xuất Raytheon Technology để phát triển tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) mới.

    Raytheon Technology hiện đang giúp Lầu Năm Góc thiết kế và phát triển tên lửa "Long Range Stand Off - LRSO" (tạm dịch: Tên lửa Tầm xa Ngoài đường Chân trời).

    Dự kiến tất cả các công việc liên quan tới phát triển ALCM mới - để thay thế cho tên lửa AGM-86B từ những năm 1980 ​​- sẽ được hoàn thành vào tháng 2/2027 và chuyển sang giai đoạn tiếp theo là sản xuất hàng loạt.

    Được biết tên lửa LRSO được lên kế hoạch để trang bị cho các oanh tạc cơ chiến lược B-52 Stratofortress, B-2 Spirit và oanh tạc cơ chiến lược tầm xa B-21 trong tương lai.

    Quá trình phát triển tên lửa LRSO bắt đầu vào năm 2017, khi USAF trao cho Raytheon và Lockheed các hợp đồng sơ bộ trị giá 900 triệu USD để phát triển nguyên mẫu tên lửa.

    Vào năm ngoái - 2020, nguyên mẫu tên lửa LRSO của Raytheon đã được USAF lựa chọn.

    Cần lưu ý rằng không giống như các loại vũ khí khác - có khả năng nâng cấp trong tương lai - tên lửa LRSO phải đảm bảo tất cả các tính năng theo yêu cầu của Quân đội Mỹ ngay từ ban đầu.

    Hiện có rất ít thông số của loại vũ khí đang trong quá trình phát triển này được tiết lộ, tuy nhiên tên lửa LRSO được cho là phải đủ khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân công suất thấp, có tầm bắn lên tới 1.500 dặm (2.414 km).

    Trong tài liệu "The LRSO Cruiser Missile and its roles in future nuclear forces" (Tên lửa hành trình LRSO và vai trò của chúng trong lực lượng hạt nhân tương lai) của Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins, các tác giả Dennis Evans và Jonathan Schwalbe lưu ý:

    "LRSO có thể dài hơn khoảng 50% so với tên lửa JASSM-ER", tức là khoảng 21 feet (6,4 mét).

    Và khi so sánh với các tên lửa phóng từ trên không JASSM-ER, AGM-86 (Mỹ) và Kh-101/102 (Nga), các tác giả "cho rằng phạm vi tác chiến của tên lửa là 2.000 km có lẽ là đủ", và "đầu đạn chính xác 5 Kiloton sẽ hiệu quả cao với hầu hết mục tiêu".

    Được biết vào năm 2020, Hải quân Mỹ đã triển khai đầu đạn hạt nhân công suất thấp W72-2 mới có đương lượng nổ khoảng 5 Kiloton và nặng 95 kg.

    Đầu đạn thông thường là đủ để "đối phó Nga"?

    Trong tài liệu nói trên, các tác giả Dennis Evans và Jonathan Schwalbe lưu ý về khả năng trang bị đầu đạn thông thường thay vì đầu đạn hạt nhân công suất thấp của tên lửa LRSO để "đối phó với Nga" như sau:

    "Trong lĩnh vực vũ khí phi hạt nhân chiến lược (NSNM) và vũ khí hạt nhân công suất thấp, người Nga có lợi thế lớn về số lượng và công nghệ so với Mỹ. Ý nghĩa quân sự của sự chênh lệch này là không rõ ràng nhưng có thể sẽ trở nên quan trọng.

    Trong các chương trình vũ khí hiện nhận được tài trợ (của Lầu Năm Góc), LRSO có thể là lựa chọn hạt nhân khả thi nhất của Mỹ để răn đe hoặc đáp trả các cuộc tấn công sử dụng vũ khí chính xác - vũ khí hạt nhân công suất thấp của nước ngoài.

    Cần nghiên cứu thêm về việc liệu các loại vũ khí hạt nhân cải tiến của Hoa Kỳ có cần thiết để ứng phó với thách thức của Nga hay không.

    Khả năng phòng thủ tốt hơn, vũ khí thông thường tốt hơn, khả năng sẵn sàng và học thuyết tốt hơn, hoặc một số kết hợp của chúng có thể thích hợp hơn với vũ khí hạt nhân tốt hơn của Mỹ - các lập luận này cho thấy lợi ích đáng kể nếu tiếp tục chương trình LRSO".

    Không có nhận xét nào