Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 08 tháng 8 năm 2021

    Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ

    Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày kể từ ngày mai 09/08/2021 tại một căn cứ huấn luyện chiến thuật ở khu tự trị Ninh Hạ miền tây bắc Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách đối phó với Mỹ.

    Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Trong khi bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh, nội dung rèn luyện cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công điện tử và thông tin, cũng như các tập dượt tấn công chung khác.

    Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là vào cuối tháng Tám này, khu vực Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc cũng là nơi tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại Hội Thể Thao Quân Đội Quốc Tế do Nga chủ xướng. Quân Đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.

    Vào tháng Chín tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

    Được đặt tên là “Sứ mệnh hòa bình-2021”, cuộc điễn tập của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg phía tây nam nước Nga.

    Theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh Tế Cao Cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Matxcơva, các cuộc tập trận kể trên sẽ diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Matxcơva cùng giảm quy mô các hoạt động quân sự chung vì đại dịch. Thế nhưng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái, một cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019.

    Mỹ vượt Trung Quốc giành ngôi vị nhất về số huy chương tại Olympic Tokyo và Úc đứng hạng thứ 6


    Cuộc đua giành ngôi vị nhất toàn đoàn tại Olympic Tokyo 2020 diễn ra quyết liệt cho đến phút cuối.

    Trong ngày thi đấu cuối cùng tại Olympic Tokyo, đoàn thể thao Mỹ đã giành được thêm 3 huy chương vàng (HCV), vượt quat Trung Quốc trên bảng tổng sắp huy chương.

    Theo đó, đội tuyển bóng rổ nữ của Mỹ giành chiến thắng dễ dàng trước chủ nhà Nhật Bản trong trận chung kết với tỷ số cách biệt 90-75.

    Đây là chiếc HCV thứ 9 của bóng rổ nữ tại các kỳ Olympic và cũng là lần thứ 7 liên tiếp các cô gái xứ cờ hoa đứng ở vị trí cao nhất trên bục huy chương.

    Bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020


    Ngoài môn bóng rổ, tay đua Jennifer Valente cũng đem về cho Mỹ thêm 1 HCV ở nội dung Omnium đua xe đạp lòng chảo.

    Ở trận chung kết bóng chuyền nữ, tuyển Mỹ đã thắng Brazil 3-0 để đoạt thêm tấm HCV thứ 3 cho đoàn thể thao Mỹ hôm nay.

    Dù thất bại trong hai trận chung kết quyền Anh hạng nhẹ và siêu nặng, nhưng với 3 tấm HCV, Mỹ thắng tổng cộng 39 HCV, 41 HCB và 33 HCĐ, chính thức giành ngôi vị nhất toàn đoàn Olympic Tokyo.

    Trong khi đó, Trung Quốc dù dẫn trước Mỹ 2 HCV sau khi kết thúc ngày thi đấu hôm qua, nhưng với việc thất bại ở trận chung kết quyền Anh hạng trung nữ hôm nay, họ đã chính thức để Mỹ vượt mặt. Trung Quốc khép lại kỳ Thế vận hội năm nay với 38 HCV, 31 HCB và 18 HCĐ, xếp thứ nhì chung cuộc.

    Đây là lần thứ 10 trong lịch sử và là lần thứ 3 liên tiếp Mỹ nhất toàn đoàn tại một kỳ Olympic. Số HCV mà Mỹ giành được ở Olympic 2020 kém xa 2 kỳ thế vận hội gần nhất (cùng 46 HCV ở Olympic 2016 và 2012). Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa một lần đoạt ngôi nhất toàn đoàn khi Olympic được tổ chức ở quốc gia khác.

    Đây là thế vận hội thành công thứ nhì trong lịch sử của Úc, sau Thế Vận Hội Athens 2004 (17 HCV, 16 HCB, 17HCD). Đây là niềm tự hào và cũng là niềm vui lớn của tất cả người Úc trong lúc đất nước này đang phải đối phó vất vả với dịch bệnh và phân nửa dân số của Úc đang bị phong tỏa.

    Olympic Tokyo 2020 : Khép lại kỳ Thế Vận Hội đầy thử thách

    Thế Vận Hội : cuộc đua tài của sức mạnh và vẻ đẹp. Ảnh minh họa : Vận động viên bơi nghệ thuật Pháp Charlotte Tremble thi đấu tại Tokyo, ngày 02/08/2021. AFP - ATTILA KISBENEDEK


    Buổi lễ bế mạc trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo ngày đã khép lại kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 32. Olympic ToKyo 2020 sẽ đi vào lịch sử là một kỳ thế vận hội thành công về cả thành tích thể thao đồng thời thể hiện quyết tâm ý chí của con người vượt qua thách thức của dịch bệnh.

    Sau gần một thập kỷ chuẩn bị, một năm phải hoãn lại và nhiều tháng phấp phỏng lo âu vì trận đại dịch Covis-19, cuối cùng hai tuần sôi động thi đấu của hơn 10 nghìn vận động viên trên khắp thế giới tại Tokyo đã trôi qua ra êm đẹp, không xảy ra sự cố lớn nào.

    Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 ở Nhật Bản sẽ đi vào lịch sử với rất nhiều diễn biến ấn tượng và thành tích thi đấu, nhưng có lẽ nét đặc biệt nhất là diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới cũng như tại nước chủ nhà tổ chức sự kiện.

    Nỗi lo cho kỳ Thế Vận Hội an toàn trước dịch bệnh là thách thức lớn nhất cho ban tổ chức và các vận động viên. Dịch bệnh ngăn cổ động viên đến thưởng ngoạn những trận tranh tài. Dịch bệnh chia cắt vận động viên với người hâm mộ. Các cuộc thi đấu vẫn diễn ra nhưng trong bối cảnh và điều kiện an toàn vệ sinh phòng dịch đặt lên hàng đầu. Mặc dù vậy các cuộc so tài của các vận động viên vẫn diễn ra rất gay cấn và hấp dẫn.

    Đến lúc này giới quan sát đều có chung nhận định, nước chủ nhà và Ủy Ban Olympic Quốc tế đã nỗ lực cao nhất để Thế Vận Hội thành công cho dù phải hy sinh kinh tế.

    Tu sĩ Phật giáo trở thành nạn nhân của chính quyền quân sự Myanmar


    Sáu tháng sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, người dân quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục sống trong lo sợ trong bối cảnh hỗn loạn kéo theo sau cuộc đảo chính. Không chỉ người dân mà cả các nhà sư Phật giáo cũng trở thành nạn nhân của chính quyền quân sự Myanmar. Theo tờ Buddhist Door, ít nhất 23 nhà sư được cho là đã bị giam giữ, một số người trong số họ đã bị tra tấn.

    Nhà sư Yazina là một ví dụ. Ông là một nhà sư và giáo viên tại Tu viện New Masoeyin ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar, Mandalay. Ông kể rằng mình đã tích cực biểu tình chống lại cuộc đảo chính trong hơn ba tháng, trong bối cảnh hàng trăm thường dân trên khắp đất nước mất mạng và hàng nghìn người bị bắt.

    Ông Yazina nhớ lại “Chúng tôi vừa rời khỏi tu viện thì họ đến và bắt đầu nổ súng. Tất cả mọi người đã bỏ chạy một cách hoảng loạn. Tôi đã cố gắng nhảy lên một chiếc xe máy để chạy trốn nhưng họ dùng ô tô tông vào tôi”.

    Nhà sư cho biết, sau đó ông đã bị ba người lính đánh liên tục trước khi bị bắt giam, bị buộc cởi áo và đưa đến trung tâm thẩm vấn tại Cung điện Mandalay. Tại đây, nhà sư Yazina cùng nhiều dân chúng phản đối quân đội đã bị tra tấn.

    Một ví dụ khác. Ông Eainaka là một nhà sư khác cũng bị quân đội bắt giữ tại một cuộc biểu tình ở thành phố Mogok, miền bắc Myanmar. Sau đó, ông bị kết tội kích động và bị kết án ba năm tù.

    Myanmar là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo Nam tông, nơi 88% dân số là Phật tử.


    Theo nhà sư Min Thone Nya, các nhà sư già và có ảnh hưởng đã bị nhắm mục tiêu kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu. Ông nói: “Nếu họ thực sự muốn bảo vệ ‘chủng tộc và tôn giáo của chúng tôi’, họ sẽ không bắt giữ các nhà sư đáng kính vì lý do như thế này”.

    Trụ trì Tu viện Myawaddy Mingyi, Ariyabiwuntha, ở Mandalay là nhà phê bình thẳng thắn đối với quân đội. Ông đã bị bắt vào tháng Hai, khi cuộc đảo chính mới bắt đầu. Vào thứ Hai vừa qua, ông đã được trả tự do.

    Ông nói với Đài Á Châu Tự Do “Khoảng 20 cảnh sát đã đến tu viện để bắt giữ [tôi]. Như thường lệ, họ nói muốn tôi đi cùng để gặp sĩ quan cấp trên của họ. Họ giam tôi tại đồn cảnh sát qua đêm và ngày hôm sau họ đọc lệnh… rằng tôi bị buộc tội phỉ báng theo điều khoản 500”.

    Ông kể lại “Mặc dù họ không tống tôi vào tù, một nhà sư vẫn là một nhà sư bởi vì chúng tôi đã xuất gia. Quần áo không làm thay đổi địa vị của tăng lữ. Chúng tôi giảng về công lý, dân chủ và nhân quyền phù hợp với Giáo pháp, như những biện pháp tốt cho mọi người. Nhưng họ xem đó là hoạt động chính trị. Nhiệm vụ của Tăng đoàn là dy mọi người làm những điều đúng đắn và tránh điều ác. Không dễ để đối đầu với [một] chế độ độc tài, nhưng chúng ta phải lên tiếng vì lợi ích của đất nước”.

    Vào ngày 31 tháng 7, Tổ chức phi chính phủ Giám sát Nhân quyền có trụ sở tại New York đã lên tiếng chỉ trích việc chính quyền quân đội đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình và giam giữ những người bất đồng chính kiến.

    Trung Quốc cử 680 xe khử trùng đến Trịnh Châu ‘đại chiến’ virus

    Sound of Hope đưa tin, ngày 7 tháng 8, tại Trịnh Châu, nơi đang bùng phát dịch COVID-19, chính quyền đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khá hà khắc.

    Theo đó, các cộng đồng dân cư ở Trịnh Châu thực hiện quản lý khép kín; tạm ngừng các tuyến vận tải hành khách; giảm số lượng xe buýt trong thành phố; bắt đầu đợt xét nghiệm axit nucleic quốc gia thứ ba; điều động hơn 680 xe khử trùng đến phun khử khuẩn các con đường của thành phố. Toàn bộ thành phố Trịnh Châu bước vào trạng thái “đóng cửa” không báo trước.

    Theo thông tin từ báo chí trong nước, từ 22h ngày 6/8 đến 5h ngày 7/8, hơn 680 phương tiện và hơn 3.200 người đã được điều động để phun khử khuẩn hơn 1.700 tuyến đường trên địa bàn TP. Ngoài ra, ga xe lửa, các con đường xung quanh bệnh viện, trung tâm mua sắm lớn đều được chú trọng phun khử khuẩn.

    Chính quyền yêu cầu toàn thành phố Trịnh Châu thực hiện quản lý khép kín trong các cộng đồng dân cư, giảm lưu lượng người, giảm số lượng xe buýt đô thị và nghiêm cấm các loại hoạt động tụ tập.

    Cơ quan chức năng cũng thông báo bắt đầu từ chiều 7/8, thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm axit nucleic đợt 3.

    Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy vào sáng sớm ngày 7/8, trên một con đường ở Trịnh Châu, 4 chiếc xe khử khuẩn cỡ lớn nối đuôi nhau phun thuốc khử khuẩn trên đường.

    Được biết, cuộc họp báo về phòng chống dịch bệnh của thành phố Trịnh Châu ngày 5/8 đã báo cáo ghi nhận tổng cộng 112 người nhiễm COVID-19 trong đợt dịch hiện tại, trong đó 19 người đã được xác nhận và 93 người không có triệu chứng.

    Vì ĐCSTQ luôn che đậy sự thật, thế giới bên ngoài thường đặt câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu chính thức. Cư dân mạng cho rằng số người nhiễm bệnh ở Trịnh Châu hiện tại có thể ngang với số người chết trong trận lũ lụt ở đường hầm Kinh – Quảng và đây sẽ luôn là một ẩn số.

    Báo cáo LHQ: Triều Tiên vẫn phát triển hạt nhân, phi đạn trong năm 2021


    Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo trong nửa đầu năm 2021 vi phạm các chế tài quốc tế và bất chấp tình hình kinh tế đang tồi tệ hơn của đất nước, theo một đoạn trích của một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc mà Reuters đã xem qua vào ngày thứ Sáu.

    Báo cáo, được một ban giám sát viên chế tài độc lập soạn thảo trình cho Ủy ban Chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nói Bình Nhưỡng “tiếp tục tìm kiếm vật liệu và công nghệ cho các chương trình này ở nước ngoài.”

    “Dù nước này đang tập trung vào tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của mình,” các giám sát viên chế tài kết luận.

    Phái bộ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về báo cáo của Liên Hợp Quốc.

    Quốc gia Châu Á bị cô lập này đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào năm ngoái trong khi đại dịch virus corona hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận giao thương và viện trợ của nước này, gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đã gánh chịu các chế tài quốc tế.

    Vào tháng 6, lãnh tụ Kim Jong Un nói đất nước đang đối mặt với tình hình lương thực “căng thẳng” và phụ thuộc nhiều vào vụ thu hoạch năm nay.

    “Các phát biểu của CHDCND Triều Tiên cho thấy một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng trong nước, dù việc phong tỏa COVID-19 có nghĩa là tác động tương đối của các chế tài đối với tình hình nhân đạo có thể đã giảm,” các giám sát viên Liên Hợp Quốc viết.

    “Với giao thương bị đình đốn vì phong tỏa và vụ thu hoạch năm ngoái bị ảnh hưởng nặng nề vì lũ lụt, triển vọng hiện tại của toàn thể dân số CHDCND Triều Tiên là kém.”

    Triều Tiên đã chịu các chế tài của Liên Hợp Quốc từ năm 2006 vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của họ. Hội đồng Bảo an đã đều đặn tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn tài trợ cho các chương trình này.

    Trong số các biện pháp trừng phạt được áp dụng có lệnh cấm xuất khẩu than đá và các mặt hàng khác và cấm nhập khẩu dầu mỏ.

    “Việc xuất khẩu qua đường biển than đá và các mặt hàng bị chế tài khác từ CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục, nhưng ở mức độ giảm nhiều. Việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ được báo cáo với ban giám sát đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm,” theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.

    Bình Nhưỡng cũng tiếp tục tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế và người lao động Triều Tiên tiếp tục kiếm tiền ở nước ngoài để sử dụng cho các chương trình của nhà nước, các giám sát viên chế tài của Liên Hợp Quốc cho biết, nói thêm: “Các quan chức ở nước ngoài tiếp tục chịu áp lực phải tạo ra các nguồn thu.”

    Các giám sát viên nói họ đang tiếp tục điều tra sự dính líu của Triều Tiên trong hoạt động trên mạng toàn cầu và sự hợp tác của các học giả và các trường đại học Triều Tiên với các viện khoa học ở nước ngoài, “tập trung vào các nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong các chương trình WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt).”

    Các giám sát viên chế tài của Liên Hợp Quốc trước đây báo cáo rằng Triều Tiên đã đánh cắp hàng trăm triệu đôla bằng các vụ tấn công mạng.

    Mỹ giờ ghi nhận trung bình 100.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày


    Mỹ đang ghi nhận trung bình 100.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày, quay trở lại một cột mốc mà nước này từng chứng kiến trong đợt tăng vọt ca nhiễm hồi mùa đông. Con số này cũng là lời nhắc nhở ảm đạm về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khắp cả nước.

    Vào cuối tháng 6, Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 11.000 ca bệnh mỗi ngày. Bây giờ con số là 107.143.

    Mất khoảng chín tháng để Mỹ vượt qua con số 100.000 ca trung bình vào tháng 11 trước khi đạt đỉnh khoảng 250.000 ca vào đầu tháng 1. Số ca nhiễm xuống mức thấp nhất vào tháng 6 nhưng mất khoảng sáu tuần để quay trở lại trên 100.000, dù vacccine đã được tiêm cho hơn 70% dân số trưởng thành.

    Số người tử vong mới hàng ngày trung bình bảy ngày cũng tăng, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Con số này đã tăng trong hai tuần qua từ khoảng 270 người chết mỗi ngày lên gần 500 người mỗi ngày tính đến ngày thứ Sáu.

    Virus đang lây lan nhanh chóng trong những nhóm dân chưa được tiêm chủng, đặc biệt là ở miền Nam, nơi các bệnh viện đang tràn ngập bệnh nhân.

    Các quan chức y tế lo ngại rằng các ca bệnh sẽ tiếp tục tăng cao nếu nhiều người Mỹ không tiêm vacccine.

    “Các mô hình của chúng tôi cho thấy nếu chúng tôi không tiêm chủng cho mọi người, chúng ta có thể chứng kiến tới vài trăm ngàn ca mỗi ngày, tương tự như đợt tăng vọt vào đầu tháng 1,” Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ Rochelle Walensky nói trên CNN trong tuần này.

    Số lượng người Mỹ nhập viện vì virus cũng tăng vọt và tình hình trở nên trầm trọng đến mức nhiều bệnh viện đang ráo riết tìm giường cho bệnh nhân ở những nơi hẻo lánh.

    Các quan chức ở thành phố Houston nói làn sóng ca bệnh COVID-19 mới nhất đang đẩy hệ thống chăm sóc y tế địa phương đến gần “điểm tới hạn,” dẫn đến việc một số bệnh nhân phải được chuyển ra khỏi thành phố để được chăm sóc y tế, bao gồm một người phải được đưa đến bang North Dakota.

    Bác sĩ David Persse, quan chức y tế của Sở Y tế Houston và giám đốc dịch vụ y tế khẩn cấp, cho biết một số xe cấp cứu đã chờ hàng giờ để thả bệnh nhân xuống tại các bệnh viện ở khu vực Houston vì không có giường. Ông Persse nói ông lo sợ điều này sẽ kéo dài thời gian phản hồi các cuộc gọi y tế 911.

    “Hệ thống chăm sóc y tế hiện tại gần như đang ở điểm tới hạn ... Trong khoảng ba tuần tới, tôi không thấy tình hình bớt trầm trọng hơn tại các khoa cấp cứu,” ông Persse nói vào ngày thứ Năm.

    Cuối tuần trước, một bệnh nhân ở Houston phải được đưa đến North Dakota để được chăm sóc y tế. Một bé gái 11 tháng tuổi mắc COVID-19 và bị co giật hôm thứ Năm được vận chuyển từ Houston đến bệnh viện cách đó 170 dặm (274 km) ở Tem ple.

    Ở bang Missouri, 30 xe cấp cứu và hơn 60 nhân viên y tế sẽ được bố trí trên toàn bang để giúp vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đến các khu vực khác nếu các bệnh viện gần đó quá đầy không tiếp nhận họ được, Thống đốc Mike Parson thông báo ngày thứ Sáu.

    Pháp: Gần 240.000 người biểu tình chống “chứng nhận y tế”, ca Covid "nguy kịch" tăng


    Số người chống “chứng nhận y tế” tiếp tục tăng trong cuộc biểu tình cuối tuần thứ 4 liên tiếp trên khắp nước Pháp, với khoảng 237.000 người tham gia trong ngày 07/08/2021, tăng 33.000 người so với tuần trước. Trong lúc hàng trăm nghìn người biểu tình bảo vệ quyền tự do cá nhân, chống “độc tài dịch tễ”, số ca điều trị nguy kịch tại bệnh viện, cũng như số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng.

    Theo AFP, các cuộc biểu tình chống “chứng nhận y tế” và bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng đã thu hút khoảng 17.000 người ở Paris, 37.000 người ở vùng PACA (từ Nice đến Marseille) hay 3.500 người ở đảo Réunion với nhiều thành phần khác nhau, từ lính cứu hỏa đến nhân viên y tế hoặc những “người Áo Vàng” (Gilets Jaunes) đến cử tri cực hữu.

    Từ ngày 09/08, “chứng nhận y tế” sẽ được mở rộng đến những hoạt động gần như thường nhật của người dân Pháp : nhà hàng, quán bar-cà phê, phương tiện công cộng đường dài… sau khi đã được áp dụng từ ngày 21/07 ở các địa điểm văn hóa, giải trí tập trung trên 50 người.

    Nếu không có chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận vừa khỏi Covid-19, bất kỳ ai muốn vào những khu vực trên đều phải có xét nghiệm PCR âm tính. Tuy nhiên, thay vì yêu cầu người không tiêm chủng phải có xét nghiệm âm tính trước 48 tiếng, chứng nhận này sẽ được nới lỏng thành 72 tiếng, theo phát biểu ngày 08/08 của bộ trưởng Y Tế Pháp với nhật báo Le Parisien.

    Chính phủ không giấu mục đích áp dụng “chứng nhận y tế” là nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng. Hiện có khoảng 66% người dân Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vac-xin ngừa Covid-19. Tình hình dịch vẫn không khả quan, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè : Số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn dao động từ 22.000 đến 25.000. Số ca tử vong không cao như những đợt dịch trước (32 người trong vòng 24 giờ), nhưng số ca nguy kịch có chiều hướng tăng, hơn 1.500 ca tính đến tối 07/08, tăng 50% so với cách đây một tuần.

    Các bệnh viện tại tỉnh hải ngoại Guadeloupe ở vùng Caribê đã bị quá tải vì bệnh nhân Covid cần trợ thở. Cùng với Martinique, tỉnh Guadeloupe bị phong tỏa từ ngày 04/08. Đảo Réunion ở Ấn Độ Dương cũng bị phong tỏa bán phần và giới nghiêm từ ngày 31/07.

    Hơn 1000 người dân Thái Lan xuống đường phản đối ứng phó yếu kém của chính phủ trước đại dịch COVID-19


    Hơn một nghìn người biểu tình Thái Lan phản đối cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19 đã đụng độ với cảnh sát ở Bangkok vào thứ Bảy (ngày 7/8), trang Reuters cho hay.

    Khoảng 100 cảnh sát trong trang phục chống bạo động đã phong tỏa một con đường gần Tượng đài Chiến thắng ở thủ đô và sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để ngăn chặn một cuộc tuần hành tới Tòa nhà Chính phủ, văn phòng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

    Krisana Pattanacharoen, phát ngôn viên cảnh sát, nói với các phóng viên rằng: “Hơi cay và đạn cao su được sử dụng để kiểm soát đám đông. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì trật tự”.

    Hàng chục người biểu tình bị chở đi trên xe máy và xe cứu thương. Trung tâm Y tế khẩn cấp Erawan cho biết ít nhất hai dân thường và ba sĩ quan đã bị thương.

    Một người biểu tình nói rằng: “Chúng tôi muốn Prayuth từ chức vì mọi người chưa được tiêm vắc-xin. Chúng tôi không có việc làm và thu nhập, vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài phản đối”.

    Khoảng 6% dân số trong khoảng 66 triệu người của Thái Lan đã được tiêm phòng đầy đủ và hầu hết đất nước, trong đó có cả thủ đô Bangkok đang bị phong tỏa với lệnh giới nghiêm ban đêm. Chính quyền cũng cấm Tụ tập hơn năm người.

    Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống chính phủ trong những tuần gần đây đã được tổ chức bởi một số nhóm, bao gồm cả các đồng minh chính trị cũ của Prayuth, khi sự thất vọng ngày càng gia tăng về việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế.

    Hôm thứ Bảy, Thái Lan đã báo cáo kỷ lục gần 22.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày và 212 ca tử vong.

    Võ Thái Hà tổng hợp


    Không có nhận xét nào