Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 15 tháng 8 năm 2021

     Võ Thái Hà tổng hợp

    Mike Pompeo chỉ ra hai mục tiêu TT Biden cần làm để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan

    Cựu ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo hôm 14/8 trong một bài bình luận trên Fox News cho rằng chính quyền Biden đang lúng túng trong việc xử lý vấn đề Afghanistan. Ông chỉ rõ việc này chỉ xoay quanh đúng hai mục tiêu.   

    Trước tiên, ông Pompeo cho biết, cần giảm bớt các mối đe dọa từ vấn nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan ở quốc gia này và bảo đảm rằng Mỹ đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự lặp lại của sự kiện 11/9 cách đây 20 năm. Thứ hai, ông cho rằng, cần đưa những người lính, phi công và thủy quân lục chiến hồi hương về nhà để có thể tập trung vào vấn nạn khủng bố trên toàn cầu và tập trung vào Trung Quốc. 

    Và từ những mục tiêu này, ông cho biết chính quyền Trump đã bắt đầu xúc tiến các cuộc gặp trực diện với Taliban, theo đó đặt ra các điều kiện cần phải đáp ứng cho sự rút quân của tất cả lính Mỹ tại đây. Và ông Pompeo cho biết ông đã trực tiếp tham gia đàm phán những việc này.

    Vị cựu ngoại trưởng lưu ý, chính quyền Trump không tin tưởng Mullah Barader, nhà đàm phán hàng đầu của Taliban và những thượng cấp của nhân vật này. Ông cho biết, nhóm của ông không cần phải làm vậy vì họ đã nói rõ cái giá phải trả nếu bên phía Taliban vi phạm lằn ranh đỏ được phía Mỹ đặt ra, và đặc biệt phía Mỹ khi đó không phải đi cầu xin Taliban như hiện tại. Và cách làm khi đó, từ Tổng thống Trump trở xuống đều xuyên suốt một thái độ, là chính quyền đã thông báo cho phía Taliban cái giá phải trả cho những hành vi xấu tiềm năng của họ.   

    Ông Pompeo cũng cho biết, kể từ ngày 29/2/2020, ngày mà phía chính quyền Trump ký thỏa thuận đầu tiên với Taliban, không có lấy một người Mỹ nào bị lực lượng khủng bố này giết hại. Không có dù chỉ một người. Nhưng ngày nay, chính quyền Biden lại phải đang cầu xin phía Taliban đừng giết hại các nhà ngoại giao của phía Mỹ khi họ đánh chiếm quốc gia Trung Đông này. Ông Pompeo nhận định, hành động thiếu sức mạnh và sự răn đe của chính quyền hiện tại không chỉ đơn giản thể hiện sự yếu kém, mà còn bộc lộ nguy hiểm tiềm ẩn.  

    Ông Pompeo còn cho biết, phương thức giữ an toàn cho người Mỹ tại khu vực chiến địa này khi đó là sự răn đe – các vị dám đặt một người Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm, thì chúng tôi sẽ đến làng của các vị, tìm các vị và  toàn bộ đơn vị của các vị, rồi mang đến cho các vị một ngày thật tồi tệ cho đến khi các vị phải cầu xin chúng tôi dừng lại. Hãy nghĩ về cách thức chúng tôi xử lý thiếu tướng Qassem Soleimani, cựu tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nhân vật đã bị Mỹ tiêu diệt hồi đầu năm 2020.

    Ngược lại, khi so sánh với tình hình hiện tại, ông Pompeo cho rằng có vẻ như Nhóm của Biden chưa lên kế hoạch một cách đầy đủ, và họ trông họ có vẻ hoảng loạn và quẫn trí. Ông cảnh báo điều này sẽ kích động Taliban và khuyến khích sự tiến công của Al Qaeda.  

    Ông cho rằng việc chính quyền Biden đưa hơn 3.000 lính Mỹ trở lại Afghanistan sau khi đã rút quân là một hành động cho thấy khả năng lập kế hoạch và lãnh đạo kém khi khai triển một chiến dịch vốn đã được chính quyền Trump thiết lập để thành công. 

    Ông tin tưởng rằng quân đội Mỹ hiểu rõ sứ mệnh được đặt ra: bảo vệ nước Mỹ trước một cuộc tấn công từ Afghanistan. Nhưng ông đặt câu hỏi rằng, liệu chính quyền hiện tại liệu có ý chí thực thi sứ mệnh đó và kết thúc một cách có trật tự cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan trong khi vẫn duy trì khả năng răn đe Taliban trước các cuộc tấn công vào quân đội và đại sứ quán Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang dần rút quân hay không?

    Cựu ngoại trưởng cũng nhấn mạnh thực chất  mối đe dọa ở Afghanistan không chỉ đến từ Taliban, mà nó cũng xuất phát từ việc Taliban cung cấp chỗ trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố như Al Qaeda.

     

    USS Gerald R. Ford hoàn tất thử nghiệm chống chấn động, không hề sợ các cuộc tấn công

     

    Việc Hải quân Hoa Kỳ thực hiện thành công thử nghiệm chống chấn động cho Hàng không Mẫu hạm USS Gerald R. Ford như một thông điệp mạnh mẽ gởi đến hai nước đối đầu là Nga và Trung Quốc rằng, Mỹ không hề sợ các “hỏa tiễn sát thủ” của họ.

    Trong một thông báo hôm Thứ Hai, Hải quân Hoa Kỳ cho biết, cuộc thử nghiệm cho sự va chạm toàn bộ hàng không mẫu hạm hạt nhân mới nhất và tiên tiến nhất của Hoa Kỳ đã hoàn thành ngoài khơi biển Florida vào hôm Chủ Nhật, 8 Tháng Tám.

    Hai cuộc thử nghiệm trước đó được thực hiện vào ngày 18 Tháng Sáu, và 16 Tháng Bảy.

    Các quan chức mô tả cuộc thử nghiệm va chạm – nơi Hải quân cho khối chất nổ nặng 40,000 pound phát nổ ở vùng nước gần thân tàu để kiểm tra cả con tàu và các hệ thống của nó – là một thành công. Không có thương tích lớn, không có hỏa hoạn và không có ngập lụt sau vụ nổ với va chạm khủng khiếp này.

    Tác động của số chất nổ này tương đương với một trận động đất ba độ Richter.

    Thuyền trưởng Paul Lanzilotta, Sĩ quan chỉ huy của hàng không mẫu hạm, nói với các phóng viên trong một cuộc gọi vào Thứ Hai: “Chúng tôi không có tai nạn thảm khốc nào trên con tàu, không có tình huống nào xấu xảy ra. Tất cả những điều đó là khá quan trọng”.

    Cuộc thử nghiệm chống chấn động này được thực hiện nhằm kiểm tra độ cứng khi va đập của tàu và khả năng duy trì hoạt động trong môi trường chiến đấu mô phỏng sử dụng bom đạn thật.

    Thuyền trưởng Lanzilotta cho biết thêm, trực thăng đáp xuống hàng không mẫu hạm này “trong vòng vài phút” sau khi phát nổ, trong khi các hoạt động trên boong vẫn diễn ra bình thường.

    The Economic Times trích lời Brian Metcalf, một quan chức Hải quân cho biết: “Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng con tàu sẽ có thể chịu được những cú va đập mạnh mẽ, và tiếp tục hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt.”

    Nhà bình luận kiêm cựu giảng viên quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói:

    “Một lý do khác của cuộc thử nghiệm này là để gởi thông điệp tới Trung Quốc và Nga rằng các hàng không mẫu hạm Mỹ, có khả năng phục hồi rất cao, và họ không lo lắng về vũ khí chống hạm thông thường của đối phương”.

    Ông Zhongping nói thêm: “Vụ nổ 40,000 pound chất nổ lớn hơn nhiều so với bất kỳ đầu đạn đơn lẻ nào của hỏa tiễn hoặc ngư lôi thông thường”.

    Tuy nhiên, theo ông Zhongping, cuộc thử nghiệm này không đánh giá được khả năng chống lại một cuộc tấn công trực diện. Ông nói:

    “Hỏa tiễn siêu thanh cũng có thể mang vũ khí xung điện từ được kích nổ trên cao và gây thiệt hại cho hàng không mẫu hạm, hoặc có thể đưa nó ra khỏi vùng chiến đấu”.

    Báo cáo cho biết Trung Quốc đã phát triển hỏa tiễn chống hạm – “sát thủ hàng không mẫu hạm” DF-21D và DF-26 – được cho là đã đồng loạt tấn công khi di chuyển cách xa hàng ngàn cây số trên Biển Đông trong cuộc thử nghiệm của họ vào năm ngoái.

    Nga cũng đang thử nghiệm hỏa tiễn hành trình chống hạm siêu thanh – Zircon – có thể đạt tốc độ tối đa. Nó đã bắn trúng mục tiêu mặt đất, trong một vụ thử vào tháng trước.

    80.000 người Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trước và sau chiến tranh

    Cũng tại châu Á, L’Express nói về việc tìm kiếm hàng ngàn người Hàn Quốc bị Bình Nhưỡng bắt cóc. Nhờ các tài liệu lịch sử và những nhân chứng, năm nhà điều tra của một tổ chức phi chính phủ ở Seoul tìm cách lập danh sách khoảng 80.000 người bị chính quyền cộng sản phương bắc bắt đi.

    Đó là các viên chức, dân biểu, cảnh sát, nhà báo bị mất tích trong thời gian chiếm đóng ngắn ngủi của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh 1950-1953. Khoảng mấy chục ngàn người lính Hàn Quốc bị bắt làm tù binh và đưa sang miền bắc bị Bình Nhưỡng coi là « lính đào ngũ ». Nhưng Son Myung Hwa, chủ tịch hiệp hội tù binh chiến tranh Hàn Quốc, lớn lên ở Bắc Triều Tiên kịch liệt phản đối, cho biết cha của bà bị bắt và bị đối xử như nô lệ, con cái lớn lên mang « lý lịch xấu » không được vào đại học. Sau nhiều lần toan tự tử, rốt cuộc bà đào thoát được sang miền nam.

    Ngoài ra còn có 516 người Hàn Quốc khác bị bắt cóc trong thời hậu chiến. Một trong những vụ đình đám nhất là chuyến bay YS-11 của Korean Air năm 1969, bị buộc hạ cánh xuống Bắc Triều Tiên và 50 hành khách bị bắt, sau đó 39 người được thả.

    Vì hầu hết các vụ bắt cóc xảy ra trong thập niên 50, con cái các nạn nhân nay đều đã lớn tuổi, các điều tra viên càng lo ngại những tài liệu mà gia đình lưu giữ bị thất lạc. Họ đã tập hợp được 20.000 hồ sơ, xếp loại theo : tù binh chiến tranh, thường dân bị bắt cóc trong và sau cuộc chiến, mất tích trong chế độ Bắc Triều Tiên. Riêng về các nạn nhân không còn tung tích ở Bắc Triều Tiên, chỉ có thể dựa vào các nhân chứng đào thoát từ miền bắc, nhưng những người này thường ngại nói vì sợ gia đình còn ở lại bị liên lụy.

    Cuba dần xa khỏi chủ nghĩa xã hội ?

    Tại đất nước cộng sản khác là Cuba, The Economist coi việc chính quyền La Habana cho thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ. « Một bước ngắn để dần dà rời khỏi chủ nghĩa xã hội »,

    Ngày 06/08, Hội đồng Nhà nước Cuba thông qua một dự luật rất được chờ đợi, một tháng sau khi hàng ngàn người dân rầm rộ xuống đường đòi tự do. Khoảng 380 người biểu tình vẫn còn bị giam giữ chờ ngày ra tòa. Loan báo này có thể phần nào nhằm đánh lạc hướng vụ đàn áp. Tại đảo quốc có tỉ lệ nhiễm Covid thứ tư thế giới, người dân khó thể quên được dù không có xăng cho xe gắn máy, xe cứu thương, lò hỏa táng nhưng vẫn có đầy đủ cho những chiếc xe buýt và xe tải chất đầy lực lượng đặc nhiệm đến trấn áp biểu tình.

    Tuy vậy, cải cách này theo chiều hướng tốt vì tư nhân nay có thể lập ra công ty vừa và nhỏ và được tuyển dụng nhân viên, thay vì tư doanh kiểu gia đình. Một nhà tư vấn tỏ ra hào hứng với hy vọng nảy sinh được sức sống mới bên cạnh lãnh vực quốc doanh kém hiệu quả, tuy nhiên thủ tục lập doanh nghiệp vẫn rắc rối, vì « Cuba vẫn là Cuba ».

    Courrier International dịch lại bài viết trên The Atlantic của một giáo sư người Cuba 38 tuổi nay định cư tại Mỹ, cho biết ông « nhìn thấy chế độ suy sụp từ bên trong ». Sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba rơi vào khủng hoảng, gần 35.000 người dân tìm cách vượt biển trong đó có những người không bao giờ đến nơi. Ngày nay một thế hệ mới lớn lên không có cái bóng bao trùm của Fidel Castro, những bài diễn văn xã hội chủ nghĩa không còn thuyết phục được họ. Những người cầm quyền phải biết mở cửa cho tự do hóa trước khi quá trễ, với nguy cơ Nhà nước sụp đổ và nội chiến.

    Còn ai muốn một hiệp ước nguyên tử với Iran ?

    Courrier International tuần này lý giải làm thế nào « Sống với tình trạng khí hậu nóng bức », L’Obs nói về cuộc sống hài hòa giữa đôi lứa và cá nhân,còn chủ đề của L’Express là việc vận động hành lang của ngành y học thay thế. Le Point đặt vấn đề « Nếu các nước Bắc Phi chao đảo ».

    Nhìn sang Trung Đông, trong bài « Nguyên tử Iran, còn ai muốn một hiệp ước ? » Le Point nhận định về một cuộc chiến tranh không tuyên bố nhưng không kém phần ác liệt giữa Iran và các đối thủ Israel, Hoa Kỳ và các vương quốc vùng Vịnh.

    Tại Iran, người phụ trách chương trình nguyên tử bị ám sát một cách bí ẩn, những vụ nổ không thể giải thích tại các cơ sở hạt nhân và dầu khí, chưa kể cấm vận chưa từng thấy của Mỹ bóp nghẹt kinh tế nước này. Ngoài ra, các vụ tấn công tàu dầu liên tiếp xảy ra tại vùng vịnh Pécxich, phe này tố cáo phe kia. Tuy nhiên ai đã khởi đầu không mấy quan trọng, vấn đề là căng thẳng đang ở mức tối đa và có thể biến thành xung đột khó kiểm soát bất kỳ lúc nào.

    Không còn hy vọng chính quyền Mỹ quay lại với hiệp ước nguyên tử Iran (JCPOA). Dù đã có ít nhiều tiến bộ trong đàm phán giữa Washington và Teheran qua trung gian Châu Âu, Nga và Trung Quốc, nhưng tất cả đều ngưng lại để chờ bầu cử tổng thống Iran, và bây giờ phải xem tân tổng thống Ebrahim Raissi hành động thế nào. Phe thì muốn tái thương lượng với Mỹ để giảm nhẹ cấm vận, phe khác cho rằng phải đối đầu với Washington và xích lại gần với Nga, Trung Quốc.

    Về phía Mỹ cũng không rõ ràng. Không chỉ phe Cộng Hòa phản đối thỏa thuận, mà một số nhân vật Dân Chủ quan trọng cũng vậy. Bởi vì hệ quả đầu tiên là chuyển giao hàng tỉ đô la cho Iran mà Hoa Kỳ luôn coi là Nhà nước khủng bố. Đàm phán hiện đang bế tắc. Tạm thời, bảo đảm duy nhất cho hòa bình là ý thức của Iran và sự yếu kém về quân sự của nước này : Cộng hòa Hồi giáo Iran rõ ràng không muốn tự sát.

    Sài Gòn: Phát hiện hàng ngàn khẩu trang, máy thở oxy, bộ kít xét nghiệm COVID-19 nhái, có nguồn từ Trung Quốc

    Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ lượng lớn hàng hóa, vật tư y tế không hóa đơn, chứng từ tại hai quận Bình Tân và quận Tân Phú. Trong đó, có hàng ngàn khẩu trang, mặt nạ thở oxy… có dấu hiệu giả mạo, nguồn gốc từ Trung Quốc.
    Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ lượng lớn hàng hóa, vật tư y tế không hóa đơn, chứng từ tại hai quận Bình Tân và quận Tân Phú. (Ảnh: hochiminh.dms.gov.vn)

    Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) ngày 12/8 tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với container chứa hàng hóa đặt trên rơ-mooc có đầu kéo mang số hiệu CAIU8577984 (rơ-moóc số 51R-092.85 và đầu kéo số 51D-044.47) dừng đậu trong khuôn viên Kho 601 (số 601-603-605 Quốc Lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân).

    Lực lượng chức năng phát hiện nhiều kiện hàng hóa bên ngoài không có thông tin tên/số điện thoại.

    Số hàng hóa gồm 13.828 đơn vị sản phẩm như: mặt hàng máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy, thực phẩm bao gói sẵn, quần áo may sẵn, phụ tùng xe gắn máy, phụ kiện điện thoại… các loại, các hiệu, do Trung Quốc và Mỹ sản xuất.

    Toàn bộ số hàng hóa thuộc sở hữu của bà Bảo Nguyễn Thị Thùy, sinh năm 1990. Trên bao bì hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tài liệu liên quan đến chất lượng.

    Phía chủ cơ sở cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trong số đó có nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

    Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

    Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 14 tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Thương mại Quốc Tế Tín Thực tại quận Tân Phú (TP.HCM) phát hiện công ty kinh doanh thiết bị y tế các loại do Trung Quốc sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không có số lưu hành và hóa đơn, chứng từ.

    Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 80 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 và 36 máy đo nồng độ oxy trong máu có dấu hiệu vi phạm với tổng giá trị là 15 triệu đồng.

    Trước đó, tại Công ty TNHH Quốc tế Phùng Anh (địa chỉ số 21 đường 4B, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng tạm giữ 2.280 chiếc khẩu trang 3M 1860 xuất xứ Trung Quốc, 3.325 bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 Humasis COVID-19 Ag Test – xuất xứ Hàn Quốc và 3.000 cái mặt nạ thở oxy xuất xứ Trung Quốc với tổng trị giá là 548,6 triệu đồng.

    Tại Chi nhánh Công ty TNHH TM DV xuất nhập khẩu N.H.B (tại địa chỉ số 75-77 đường G7, khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), lực lượng chức năng phát hiện 300 chiếc khẩu trang 3M 9001V chưa xuất trình hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; 20 máy tạo oxy và 3.400 cái khẩu trang bảo hộ lao động N95 là hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

    Nghiên cứu Nhật Bản: Biến thể Lambda có thể kháng lại vắc-xin

    Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện biến thể Lambda (được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8/2020) có khả năng chống lại các kháng thể trung hòa do vắc-xin tạo ra để đối phó với virus Corona mới, theo trang Epoch Times.

    Theo một bản báo cáo được công bố gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 3 đột biến có trong protein gai (spike) của biến thể giúp nó vượt qua các kháng thể, còn 2 đột biến khác khiến cho virus dễ lây lan hơn.

    Biến thể Lambda (còn được gọi là C.37) chỉ mới được công nhận là mối đe dọa toàn cầu tiềm tàng trong những tháng gần đây (dù đã được phát hiện vào tháng 8/2020), với việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng Lambda là một biến thể cần quan tâm vào ngày 17/6 sau khi chủng này xuất hiện đồng thời ở một số quốc gia.

    Ở Peru, chủng Lambda chiếm khoảng 82% số các ca nhiễm mới. Trong khi đó, Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Mexico đều đã xác nhận nhiều trường hợp nhiễm biến thể này.

    “Đáng chú ý, tỷ lệ tiêm chủng ở Chile tương đối cao; tỷ lệ những người đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 là [khoảng] 60%”, các nhà nghiên cứu cho biết.

    Họ cảnh báo: “Tuy nhiên, một đợt bùng phát lớn số ca mắc COVID-19 đã xảy ra ở Chile vào mùa xuân năm 2021, qua đó cho thấy rằng biến thể Lambda có thể thành thạo trong việc lẩn tránh khả năng miễn dịch kháng virus tạo ra từ việc tiêm chủng”.

    Tại Mỹ, biến thể Lambda cho đến nay đã lây nhiễm cho gần 1.000 người và một số chuyên gia tin rằng chủng này ít gây ra mối đe dọa hơn biến thể Delta, hiện chiếm ít nhất 80% tổng số ca mắc mới ở nước này.

    Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cảnh báo rằng với việc Lambda được WHO dán nhãn là một biến thể cần quan tâm, thay vì một biến thể đáng lo ngại, mọi người có thể sẽ không nhận ra đây là một mối đe dọa đang hiện hữu (so với các chủng khác).

    Nhà virus học của WHO, Jairo Mendez-Rico, nói với tờ DW vào cuối tháng trước nói rằng mặc dù chủng virus này có tỷ lệ lây nhiễm cao, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Lambda có tính “sát thương” cao.

    Mendez-Rico cho biết rằng cần có thêm dữ liệu để so sánh biến thể mới này với các chủng hiện có khác như Gamma và Delta, đã được WHO phân loại là các biến thể đáng lo ngại.

    Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cấp cao Kei Sato đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) nói với hãng Reuters rằng ông tin “Lambda có thể là một mối đe dọa tiềm tàng đối với xã hội nhân loại”.

    Không có nhận xét nào