Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 12 tháng 8 năm 2021

    Belarus không chấp thuận đại sứ Mỹ, đòi Đại sứ quán Mỹ giảm nhân viên

    Bà Julie Fisher, người được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ ở Belarus.

    Belarus hôm thứ Tư 11/8 hủy bỏ việc họ chấp thuận người được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ và yêu cầu phía Mỹ cắt giảm nhân viên tại đại sứ nước này. Đây là động thái nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Washington.

    Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã giáng đòn trừng phạt mới vào Belarus hôm 9/8, là ngày kỷ niệm cuộc bầu cử hồi năm ngoái ở Belarus bị phe đối lập cáo buộc là gian lận. Đáp trả các cuộc biểu tình phản đối việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6, Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko đã đàn áp trên diện rộng khiến hơn 35.000 người bị bắt và hàng nghìn người bị cảnh sát đánh đập.

    Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào nhà sản xuất kali khổng lồ của Belarus, công ty mang lại doanh thu hàng đầu cho đất nước, bên cạnh đó là Ủy ban Olympic Quốc gia Belarus và 15 công ty tư nhân có quan hệ với chính quyền Belarus.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz hôm 11/8 lên án hành động của Hoa Kỳ là "sự thù địch trắng trợn và công khai" và thông báo quyết định hủy bỏ một thỏa thuận trước đây về việc bổ nhiệm bà Julie Fisher làm đại sứ Hoa Kỳ tại Belarus.

    Ông cho biết Belarus cũng yêu cầu Hoa Kỳ từ nay đến ngày 1/9 phải cắt giảm nhân viên đại sứ quán của họ ở Minsk xuống còn 5 nhà ngoại giao.

    “Xét đến các hành động của Washington nhằm ngừng hợp tác trên mọi lĩnh vực và bóp nghẹt kinh tế đất nước của chúng tôi, chúng tôi thấy không có lý do gì cần có sự hiện diện của khá đông các nhà ngoại giao tại cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ”, ông Glaz nói trong một tuyên bố.

    Mặc dù Belarus đã chấp thuận việc bổ nhiệm bà Fisher hồi tháng 12 làm đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Belarus kể từ năm 2008, nhưng nước này chưa bao giờ cấp visa nhập cảnh cho bà. Bà Fisher trong thời gian qua vẫn làm việc ở nước láng giềng Lithuania. Ở đó, bà duy trì liên lạc với bà Sviatlana Tsikhanouskaya, ứng cử viên chính của phe đối lập trong cuộc bầu cử ngày 9/8/2020 và đã bị buộc phải rời khỏi Belarus dưới áp lực của chính quyền.

    Bình luận về động thái của Belarus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng "Chính quyền Belarus phải chịu trách nhiệm về việc quan hệ Hoa Kỳ-Belarus trở nên xấu đi do họ không ngừng đàn áp công dân của họ". Ông Price lưu ý rằng chính quyền Belarus đã nhắm mục tiêu vào các nhóm công dân, giới truyền thông, vận động viên, sinh viên, những người làm nghề luật, và những người khác.

    Ông Price nói thêm: “Chính phủ Hoa Kỳ, Đại sứ Fisher, nhân viên tại đại sứ quán của chúng tôi ở Minsk sẽ tiếp tục ủng hộ nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus. Các nhà ngoại giao sẽ tiếp tục gắn bó với người Belarus, kể cả các nhà lãnh đạo của phong trào vì dân chủ, các chuyên gia truyền thông, sinh viên và các thành phần khác của xã hội dân sự cho dù họ ở đâu”.

    Giám đốc CIA Burns hội đàm tại Israel, tập trung vào Iran


    Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns có cuộc hội đàm tại Israel hôm 11/8 với Thủ tướng Naftali Bennett, trong đó vấn đề Iran chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự, Reuters dẫn một tuyên bố của Israel cho biết.

    Một tuyên bố do văn phòng của Thủ tướng Bennett đưa ra cho biết nhà lãnh đạo Israel đã hội đàm với ông Burns tại Tel Aviv, nơi “họ thảo luận về tình hình ở Trung Đông, trong đó nhấn mạnh đến Iran, và các khả năng mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác khu vực”.

    Thông báo về chuyến thăm của ông Burns, tuyên bố cho biết ông đã gặp ông David Barnea, tân lãnh đạo của cơ quan tình báo Mossad của Israel, để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran “và các thách thức khác trong khu vực.”

    Ông Burns, người tuyên thệ nhậm chức giám đốc CIA vào tháng 3, dự kiến sẽ gặp các quan chức Palestine, bao gồm cả Tổng thống Mahmoud Abbas, tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây.

    Việt Nam: ‘Vaccine là mấu chốt để cải thiện tình hình’


    Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 242.603.

    Doanh nhân từ Phòng thương mại Âu châu nói niềm tin kinh doanh nói chung có giảm nhưng không quá nhiều.

    Trả lời phỏng vấn với BBC qua email, ông Thue Quist Thomasen, CEO của YouGov Vietnam, là công ty chuyên về nghiên cứu thị trường và truyền thông số, cũng khuyến cáo chính phủ Việt Nam nên tìm cách kích thích nền kinh tế bằng cách tác động trực tiếp vào tiêu thụ hàng hóa.

    BBC: Là người đang sống và làm việc tại TP HCM, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát biến chủng Delta, ông thấy tình hình thế nào?

    Xét về mặt thông tin thì phía chính quyền đã và đang đưa ra các thông điệp rõ ràng và người dân cũng nhận thức khá đầy đủ được tình hình. May mắn là tại công ty của chúng tôi thì nhân viên đã và đang làm việc từ nhà. Thế nhưng có những người khác mà tôi biết thì họ bị mất thu nhập nhiều.

    Tôi tin là Chính phủ và mọi người cũng muốn giúp đỡ họ nhưng với cấu trúc tổ chức xã hội đã hình thành ở Việt Nam nơi mọi thứ phụ thuộc nhiều vào cấp cơ sở thì cũng có những cái khó.

    BBC: Là người thành viên Ban điều hành Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Vietnam) tổ chức có tới 600 doanh nghiệp thành viên, ông nhận thấy mức độ quan ngại của các doanh nghiệp trước diễn biến của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam thế nào?

    Đến nay Việt Nam đã tiêm được 11,4 triệu liều vaccine, trong đó tiêm một mũi là hơn 10,3 triệu liều, tiêm mũi hai là hơn 1 triệu liều.

    Làn sóng thứ tư của Covid-19 đã gây ra tình trạng phong tỏa kéo dài và gây gián đoạn đáng kể cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng.

    Tại Eurocham thì rõ ràng là niềm tin vào kinh doanh có sụt giảm tuy không mạnh lắm.

    Cái lợi của Việt Nam là đã chứng kiến được những gì xảy ra tại các nơi khác như Ấn Độ hay Indonesia nên luôn có một khoảng thời gian đủ dài để dự đoán những gì có thể xảy ra.

    Mặc dù Việt Nam hiện đang đứng thứ hạng thấp trong tỉ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 so với các nước trên thế giới nhưng thời gian gần đây đã tăng tốc rất nhanh và cải thiện rõ rệt, đặc biệt là địa bàn TP HCM. Tình hình có tốt được lên hay không phụ thuộc rất nhiều vào vaccine.

    BBC: Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ lãi suất ngân hàng để giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục tình hình. Ông đánh giá gì về các động thái này?

    Nếu chính phủ có thể tìm cách kích thích nền kinh tế bằng cách tác động trực tiếp vào tiêu thụ hàng hóa dịch vụ thì đó cũng là điều nên được thực hiện.

    Điều xảy ra là có sự gián đoạn đáng kể đối với khu vực sản xuất chế tạo mặc dù nhiều người tôi biết thấy rất lạc quan trong hoạt động xuất khẩu. Vấn đề của khu vực xuất khẩu lúc này là đảm bảo được hoạt động sản xuất để giao được hàng vì họ không thiếu đơn hàng.

    Cái mà Việt Nam có thể làm là học các bài học đã và đang được áp dụng tại các nước để có thể chống Covid và rồi mở lại kinh tế.

    Một loạt các bài học khác có thể triển khai như dùng ít tiền mặt hơn và mua sắm thông qua thương mại điện tử.

    Và có cơ chế giao hàng thế nào để bảo vệ tài xế, người mua trước nguy cơ nhiễm và làm lây nhiễm bệnh.

    Lạm phát tăng cao ở Ấn Độ


    Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào chỉ số lạm phát giá tiêu dùng của Ấn Độ. Rõ ràng là giá cả đang tăng nhanh, với giá bán sỉ tăng phi mã. Tương tự là những mặt hàng quan trọng đối với người dân, chẳng hạn như gạo và rau quả.

    Chỉ số CPI cao có thể buộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ phải điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo của họ. Vào tuần trước bằng một cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 5-1, ủy ban thiết lập tỷ giá của ngân hàng đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4%, từ đó nhắm mắt làm ngơ trước hai tháng liên tiếp CPI hàng năm trên 6%. Lãi suất chuẩn này rất quan trọng. Nếu giá cả tiếp tục cao hơn nó, RBI có nghĩa vụ phải hành động để giữ lạm phát ở mức từ 2% đến 6%.

    Ngân hàng trung ương Ấn Độ, cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, muốn dùng tiền rẻ để kích thích kinh tế, đã coi các đợt lạm phát tăng đột biến gần đây là “nhất thời” và do đó có thể bỏ qua. Song họ khó có thể bỏ qua một tháng lạm phát trên 6% nữa.

    Disney công bố kết quả kinh doanh quý


    Công ty giải trí lớn nhất thế giới trải qua cả tin tốt nhất và xấu nhất trong đại dịch. Các bộ phim của họ phải hoãn công bố vì rạp bị đóng cửa, trong khi các công viên giải trí cũng đóng và tàu du lịch phải ngừng chạy. Song, dịch vụ phát trực tuyến còn non trẻ Disney + lại đánh bại mọi dự đoán khi nhu cầu giải trí gia đình tăng vọt. Các nhà đầu tư cho rằng mặt tốt đang vượt trội mặt xấu, giúp cho giá cổ phiếu Disney kết năm 2020 cao hơn 25% so với hồi đầu năm.

    Báo cáo thu nhập quý công bố hôm nay sẽ đảo ngược hoàn toàn. Các công viên mở cửa lại. Còn “Black Widow” đang chiếu ra rạp (và cả trực tuyến, khiến nữ diễn viên chính Scarlett Johansson đâm đơn kiện vì khiến thất thu tiền vé). Các tàu du lịch đầu tiên cũng khởi hành từ Florida vào thứ Hai. Trong khi đó Disney +, ngôi sao trong đại dịch, có thể sẽ báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Đối thủ của nó, Netflix, đã bị giảm số người đăng ký tại thị trường Mỹ trong quý trước. Xem ra hôm nay các mảng làm ăn lâu đời hơn của Disney mới là nhân vật chính.

    Công bố điều tra dân số Mỹ


    Hôm nay Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ sẽ công bố vòng dữ liệu mới nhất của chuỗi điều tra dân số 10 năm một lần. Nó sẽ là mỏ vàng của các nhà nhân khẩu học, với thông tin dân số xuống tới tận cấp độ đơn vị địa lý nhỏ nhất. Nó sẽ cho thấy những khu vực nào của Mỹ đang trở nên đông dân hơn và đa dạng về chủng tộc hơn. Quan trọng nhất, dữ liệu sẽ là chỉ dẫn cho các bang vẽ lại các khu vực bầu cử quốc hội và cơ quan lập pháp bang của họ, mà theo đó phải có dân số tương đương nhau. Hiến pháp yêu cầu tái phân bổ khu vực bầu cử, nhưng các bang có toàn quyền quyết định đối với quá trình này, khiến nó chứa đựng nhiều bất cập.

    Hai vấn đề có thể hạn chế độ chính xác của dữ liệu. Một là tỷ lệ hoàn thành khảo sát thấp, vì covid-19 khiến cục phải tiến hành khảo sát trực tuyến. Thứ hai là việc cục quyết định bảo vệ quyền riêng tư của người trả lời bằng cách thêm “nhiễu” thống kê hoặc các lỗi nhỏ để khiến không thể xác định các cá nhân trả lời khảo sát.

    Thật ra các nhà vẽ bản đồ đơn vị bầu cử đã bắt đầu làm việc từ trước khi công bố dữ liệu. Đó là vì nếu không nhanh tay có thể bị trễ thời hạn phân chia lại đơn vị bầu cử.

    Zambia tiến hành bầu tổng thống


    Trong những năm 1990, Zambia là quốc gia đi tiên phong cho phong trào dân chủ châu Phi sau chiến tranh lạnh. Kenneth Kaunda, vị tổng thống lập quốc, người qua đời vào đầu năm nay, đã cho phép bầu cử đa đảng và từ chức đầy tự trọng khi thất cử vào năm 1991. Hàng chục nước khác đã noi theo tấm gương Zambia.

    Nhưng cuộc bầu cử hôm nay sẽ là một bước đi rời xa khỏi quyền tự do. Chính phủ của Edgar Lungu, người đương nhiệm từ năm 2015, đã dùng công quỹ tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông. Trong khi đó cảnh sát cấm ứng viên đối lập chính, Hakainde Hichilema, tiến hành chiến dịch tranh cử. Vào tháng 6 họ thậm chí còn nổ súng vào đoàn xe của ông này.

    Một phân tích dữ liệu khảo sát và thăm dò ý kiến của các học giả cho thấy đảng của ông Hichilema sẽ thắng hơn một nửa số phiếu phổ thông nếu tranh cử công bằng. Tuy nhiên các nhà hoạt động đối lập và giới quan sát lo ngại các quan chức bầu cử sẽ can thiệp kiểm phiếu. Nếu họ làm vậy, các bên có thể sẽ dắt nhau ra Tòa án Hiến pháp.

    Taliban chiếm thủ phủ tỉnh thứ 10 ở Afghanistan trong chiến dịch thần tốc

    Taliban chiếm thêm một thủ phủ tỉnh gần Kabul hôm thứ Năm 12/8. Đây là thủ phủ thứ 10 mà đội quân này chiếm được trong chiến dịch chớp nhoáng kéo dài một tuần qua trên khắp Afghanistan, giữa lúc Hoa Kỳ và NATO chuẩn bị rút quân hoàn toàn khỏi đất nước đó sau nhiều thập kỷ chiến tranh.

    Taliban vừa công bố trên mạng các đoạn video và hình ảnh cho thấy họ có mặt bên trong Ghazni, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Thành phố này chỉ cách Kabul 130 km về phía tây nam.

    Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang cố gắng tổ chức phản công dựa vào lực lượng đặc biệt của quốc gia, dân quân của các lãnh chúa, và lực lượng không quân của Mỹ trước khi Mỹ và NATO rút quân vào cuối tháng.

    Tuy bản thân thủ đô Kabul không bị đe dọa trực tiếp trong đợt tiến quân của Taliban, song chiến dịch thần tốc đáng kinh ngạc của phe này đặt ra câu hỏi rằng liệu chính phủ Afghanistan có thể duy trì quyền kiểm soát những phần đất còn lại của đất nước trong bao lâu. Phía chính phủ rốt cuộc có thể buộc phải rút lui để bảo vệ thủ đô và một số ít các thành phố khác, trong khi giao tranh đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nơi ở.

    Mohammad Arif Rahmani, một nhà lập pháp của Ghazni, cho biết thành phố đã rơi vào tay quân nổi dậy. Thành viên hội đồng tỉnh Ghazni Amanullah Kamrani cũng nói với AP như vậy, nhưng nói thêm rằng hai căn cứ ở ngoại ô thành phố vẫn do quân chính phủ nắm giữ.

    Kamrani cáo buộc rằng tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng của Ghazni đã thỏa thuận với Taliban để được rút chạy sau khi họ đầu hàng. Video và hình ảnh của phía Taliban cố tình cho thấy đoàn xe của viên tỉnh trưởng đi qua các chiến binh Taliban không hề bị dừng lại và đó là một phần của thỏa thuận. AP không thể kết nối ngay với hai quan chức kể trên để lấy ý kiến của họ.

    Việc mất Ghazni đánh dấu thêm một bước lùi chiến lược đối với các lực lượng chính phủ Afghanistan. Thành phố này nằm dọc Xa lộ Kabul-Kandahar, là con đường chính nối thủ đô Afghanistan với các tỉnh miền nam. Điều này có thể gây phức tạp cho việc tiếp tế và di chuyển các lực lượng chính phủ, cũng như ngày càng tách biệt thủ đô khỏi miền nam.

    Thời gian qua, với cuộc tấn công kéo dài một tuần, Taliban đã chiếm giữ 9 thủ phủ tỉnh khác trên khắp đất nước. Đa phần các thành phố đó ở góc đông bắc của đất nước, gây áp lực lên Kabul từ hướng đó.

    Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đến thăm Mazar-i-Sharif để khích lệ tinh thần quân đội chính phủ khi Taliban tiến sát thành phố này. Ông Ghani cũng sa thải tham mưu trưởng của quân đội Afghanistan. Dù Taliban liên tiếp giành thắng lợi, Tổng thống Joe Biden vẫn nói ông không hối tiếc quyết định rút quân của Mỹ. Đức và Hà Lan đã ngừng trục xuất người xin tị nạn không đủ tiêu chuẩn về Afghanistan, đảo ngược quan điểm trước đây của họ.


    Campuchia tiêm ngừa một nửa dân số nhờ tăng cường ngoại giao vaccine

    Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 cho một nửa dân số của mình, một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Á, dữ liệu chính thức cho biết hôm 11/8, với việc ngoại giao vaccine đóng một vai trò quan trọng trong thành công của nước này, theo Reuters.

    Thủ tướng Hun Sen hôm 10/8 cho biết Campuchia sẽ đạt được mục tiêu 10 triệu người được tiêm ngừa, sớm hơn kế hoạch khoảng 7 hoặc 8 tháng.

    Thanh niên Campuchia chờ tiêm vaccine Sinova ở Phnom Penh ngày 1/8/2021.

    Trong số hơn 16 triệu dân của Campuchia, có 8,3 triệu người đã tiêm ít nhất một liều, trong khi 6,4 triệu người trong số đó đã tiêm cả hai liều theo yêu cầu.

    Tỷ lệ này tương đương Malaysia với 49,4% dân số được tiêm liều đầu tiên, nhưng cao hơn so với 25% dân số được tiêm ở nước láng giềng Thái Lan và 12% ở Việt Nam.

    Cho đến nay Trung Quốc đã cung cấp 18,7 triệu liều vaccine cho Campuchia, trong đó 3,2 triệu liều được viện trợ, theo Đại sứ quán Trung Quốc.

    Trong tuần này, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cung cấp cho Campuchia thêm 4 triệu đôla hỗ trợ khẩn cấp sau khi tài trợ một triệu liều vaccine Johnson & Johnson thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX.

    Ông Sebastian Strangio, một tác giả và chuyên gia về mối quan hệ của Trung Quốc với Đông Nam Á, cho Reuters biết dù cố ý hay ngẫu nhiên, Campuchia đã làm tốt việc tiêm vaccine cho người dân trước sự cạnh tranh quốc tế.

    Ông Strangio cho biết qua email: “Campuchia cũng đã được hưởng lợi từ thực tế là một quốc gia đang phát triển, đủ điều kiện để tiếp cận với vaccine thông qua cơ chế COVAX”.

    Ông cho biết thêm: “Nhiều nhà quan sát bên ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, chắc chắn sẽ nhìn nhận sự tiến bộ về vaccine của Campuchia qua lăng kính mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Trung Quốc - và rõ ràng, món quà của Trung Quốc cũng lý giải được thành tựu của Campuchia”.

    Phương Tây đồng thanh lên án Trung Quốc xử các công dân Canada


    Bản án tù 11 năm mà chính quyền Bác Kinh tuyên phạt công dân Canada hôm qua, 11/08/2021, ngay lập tức đã dấy lên phẫn nộ từ Ottawa và cộng đồng quốc tế. Vụ bắt giữ nhân vật này ngay từ đầu đã bị tố cáo là cách mà Trung Quốc trả đũa vụ Hoa Vi để gây sức ép với chính quyền Canada.

    Ngay ngày hôm qua, ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, cũng như lãnh đạo Ngoại Giao EU Josep Borrell đã lên tiếng phản đối gay gắt phán quyết của tư pháp Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ đối với Canada, xem bản án này là cách trả đũa vụ bắt giám đốc tài chính của Hoa Vi tại Canada.

    Bộ Ngoại Giao Pháp cũng phản ứng ngay về bản án 11 năm tù vì tội gián điệp đối với công dân Canada Michael Spavor và án tử hình đối với Robert Lloyd Schellenberg vì tội buôn ma túy. Phát ngôn viên Ngoại Giao Pháp trong một thông cáo tuyên bố « Pháp lên án mạnh mẽ tính chất vô lối của các bản án này » và « khẳng định lại Pháp luôn phản đối án tử hình ».

    Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh trả tự do « ngay lập tức và không điều kiện » cho công dân Canada Michael Spavor. Trong một thông cáo ra hôm qua, lãnh đạo Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh : « Việc bắt giữ vô cớ các cá nhân để tạo áp lực đối với các chính phủ nước ngoài là hoàn toàn không thể chấp nhận được ».

    Về phần mình, Canada khẳng định sẽ kháng cáo. Thông tín viên RFI tại Québec Pascale Guéricolas tường trình:

    "Chính phủ Canada sẽ kháng cáo bản án đối với doanh nhân Michael Spavor mà thủ tướng Justin Trudeau đánh giá là hoàn toàn không thể chấp nhận và bất công.

    Bản án 11 năm tù cho ông Spavor được tuyên ngay ngày hôm sau kháng án của một công dân Canada khác bị bác. Đó là một bị cáo bị kết án tử hình vì tội buôn ma túy tại Trung Quốc.

    Theo các chuyên gia ngoại giao, thời điểm được chính quyền Trung Quốc chọn để thông báo phán quyết của tư pháp này không hề ngẫu nhiên. Thực tế, nhân vật số hai của tập đoàn viễn thông Hoa Vi hiện đang chờ tòa án Canada ra quyết định về việc dẫn độ sang Hoa Kỳ.

    Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018 đã dẫn đến vụ bắt giam ông Michael Spavor, khi đó đang sống nhiều năm ở Trung Quốc và vẫn thường xuyên qua lại Bắc Triều Tiên.

    Một công dân Canada khác là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao, cũng đang phải trả giá cho những rối ren giữa hai cường quốc hiện nay. Ông cũng bị giam tại Trung Quốc từ hai năm rưỡi nay và đang chờ tuyên án sau một phiên xử chóng vánh.

    Tổng thống Đài Loan đề xuất cơ chế đối thoại an ninh Đông Á

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đề xuất một cơ chế đối thoại an ninh Đông Á trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Nhật Bản Bungei Shunju vào hôm thứ Hai (9/8).

    Theo một báo cáo của UDN, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết, việc tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn giữa các đối tác Đông Á có cùng chí hướng là điều quan trọng, và Đài Loan phải cân nhắc hòa bình và thịnh vượng của khu vực, trong khi soạn thảo chiến lược an ninh quốc gia của mình.

    Bà Thái mô tả các hành động hiếu chiến của Trung Quốc có tác động gây mất ổn định đối với hòa bình khu vực. Bà nói thêm rằng, mối quan tâm nghiêm trọng của các quan chức Mỹ, Nhật Bản và các nền dân chủ khác, liên quan đến an ninh ở eo biển Đài Loan đang gửi một thông điệp tới một Trung Quốc bành trướng.

    Với sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa các đối tác an ninh của Đài Loan, Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác, ngoài việc thực hiện kiềm chế đối với các cuộc diễn tập quân sự của mình, bà nói.

    Bà Thái cho biết các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao năm nay, đã cho thấy các cường quốc công nghiệp lớn, đang coi trọng sự ổn định ở eo biển như thế nào, và điều này chứng tỏ Đài Bắc không có lỗi khi phá vỡ hiện trạng trong quan hệ với Bắc Kinh.

    Bà nói thêm rằng, ổn định xuyên eo biển là ưu tiên của cộng đồng quốc tế, và Đài Loan sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, cùng với các nước cùng chí hướng, trong việc xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tương lai.

    Bà Thái cũng cho biết các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đang đối mặt với thách thức duy trì quan hệ kinh tế khả thi với Trung Quốc, trong khi vẫn bảo vệ các lợi ích an ninh của họ. Bà nói rằng không có quốc gia nào có nhiều kinh nghiệm giải quyết tình huống khó xử đó hơn Đài Loan.

    Về điểm này, Tổng thống nói thêm rằng, điều quan trọng là các quốc gia phải vượt ra khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm, linh kiện và hệ thống phần mềm của Trung Quốc, và đa dạng hóa danh mục đầu tư và thương mại của họ.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào