Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 13 tháng 8 năm 2021

    Philippines – Liên Âu khẳng định tầm quan trọng của tự do lưu thông ở Biển Đông

    Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn (còn gọi là "đường lưỡi bò") tại Biển Đông bị Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye bác bỏ trong phán quyết năm 2016 về vụ kiện của Philippines. UNCLOS/CIA

    Theo trang tin ABS-CBN, ngày 12/08/2021, trong cuộc họp trực tuyến với đại diện Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Philippines, Manila một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cho rằng các bất đồng phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế.

    Hiện Philippines đóng vai trò điều phối viên các quan hệ ASEAN – EU. Cuộc họp trực tuyến do phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Philippines tổ chức.

    Thứ trưởng ngoại giao Philippines Maria Theresa Lazaro phụ trách các vấn đề ASEAN cho biết Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình trong các vùng biển có tranh chấp.

    Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận về quan điểm đối với các vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong vùng Biển Đông và những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bà Lazaro cũng tỏ hy vọng sẽ sớm hoàn tất được Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế, để làm cơ sở duy trì hòa bình và phát triển khu vực trong tương lai.

    Trang tin của kênh truyền hình Philippines nhắc lại : Bắc Kinh vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng hải cảnh và các tầu cá để khẳng định chủ quyền của họ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, bên trong vùng Biển Tây Philippines (tên Manila gọi Biển Đông), vùng đặc quyền kinh tế của nước này, cũng như tại các vùng biển tranh chấp chủ quyền với các nước và vùng lãnh thổ như Brunei, Việt Nam, Đài Loan hay Malaysia tại Biển Đông.

    Liên quan đến cuộc chiến chống Covid, đại diện Philippines tỏ hy vọng EU sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước ASEAN, đặc biệt trong việc chia sẻ vac-xin.

    Về phần mình, đại sứ EU tại Philippines, Luc Veron, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu luôn duy trì và phát triển các cam kết thương mại và an ninh đối với khu vực Đông Nam Á.

    Taliban tấn công vũ bão, Mỹ và Anh đưa quân vào để sơ tán nhân viên


    Hoa Kỳ và Anh hôm thứ Năm 12/8 cho biết sẽ gửi hàng nghìn binh sĩ đến Afghanistan để bảo vệ và giúp sơ tán nhân viên, trong lúc Taliban tấn công vũ bão.

    Lầu Năm Góc sẽ tạm thời cử thêm khoảng 3.000 binh sĩ trong vòng 48 giờ để giúp sơ tán nhân viên đại sứ quán.

    Anh quốc sẽ triển khai khoảng 600 quân để giúp công dân nước này và các phiên dịch viên địa phương di tản.

    "Quân đội sẽ ở đó để giúp việc giảm bớt nhân sự một cách có trật tự và an toàn. Tôi hy vọng rằng quân đội sẽ giúp đỡ trong các hoạt động di dời này nhưng sân bay quốc tế Hamid Karzai vẫn mở cửa, các chuyến bay thương mại tiếp tục cất cánh và hạ cánh tại sân bay. Vì vậy, quân đội không phải là phương cách duy nhất để vào hoặc ra khỏi Afghanistan," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hôm thứ Năm.

    Price bác bỏ quan điểm cho rằng đây là khúc dạo đầu cho một cuộc sơ tán.

    Ông nói: "Đây không phải là một cuộc sơ tán hoàn toàn."

    Trong khi đó, phía nam và phía tây của Kabul, các thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan đang có nguy cơ bị Taliban chiếm giữ.

    Nhóm Hồi giáo tuyên bố quyền kiểm soát Herat gần với biên giới Iran, và có lo ngại Taliban sắp sửa chiếm luôn Kandahar ở phía nam.

    Tại Kandahar, một chỉ huy Taliban nói với Reuters rằng hầu hết các khu vực của thành phố nằm dưới sự kiểm soát của Taliban nhưng giao tranh vẫn diễn ra.

    Nếu Kandahar rơi vào tay các chiến binh, đây sẽ là tổn thất lớn nhất đối với lực lượng an ninh Afghanistan.

    BBC đưa tin Taliban đã chiếm giữ các thành phố Ghazni và Herat hôm thứ Năm.

    Việc chiếm lấy Ghazni quan trọng về mặt chiến lược làm tăng khả năng Taliban có thể chiếm thủ đô Kabul.

    Herat, đã bị bao vây trong nhiều tuần, cũng là một chiến thắng lớn cho Taliban. Đây là thành phố lớn thứ ba của Afghanistan, nằm trên các tuyến đường thương mại cổ xưa quan trọng và được coi là cửa ngõ vào Iran.

    Hoa Kỳ và Đức đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Afghanistan ngay lập tức.

    Đức đã đe dọa sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính hàng năm trị giá 500 triệu USD cho Afghanistan nếu Taliban giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước.

    Hàng nghìn người đang sống trong các trại tạm bợ ở Kabul sau khi chạy trốn khỏi lực lượng nổi dậy Taliban

    Taliban lấn lướt

    Hôm thứ Tư, Afghanistan đã thay thế Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Wali Mohammad Ahmadzai, người mới chỉ giữ chức vụ này từ tháng Sáu.

    Gần một phần ba trong số 34 thủ phủ của đất nước hiện nằm dưới sự kiểm soát của Taliban.

    Ngay cả khi Taliban cai trị đất nước trước đây, họ không bao giờ kiểm soát toàn bộ miền bắc. Lần này, họ tỏ ra quyết tâm chiếm miền bắc hoàn toàn trước khi chuyển sự chú ý sang Kabul.

    Lực lượng nổi dậy đã di chuyển với tốc độ nhanh, chiếm giữ các vùng lãnh thổ mới gần như hàng ngày, khi quân đội Mỹ và các nước khác rút lui sau 20 năm có mặt.

    Giao tranh ác liệt cũng được báo tại thành phố Kandahar hôm thứ Tư. Taliban tuyên bố đã chiếm nhà tù của thành phố, mặc dù điều này chưa được xác nhận.

    Ở thành phố Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh Helmand, các chiến binh đã chiếm trụ sở cảnh sát.

    Hơn 1.000 dân thường đã thiệt mạng ở Afghanistan trong tháng qua, theo LHQ.

    Taliban, kiểm soát hầu hết Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, bị lật đổ vì chứa chấp trùm khủng bố al Qaeda Osama bin Laden sau ngày 11/9/2001.

    Nhóm này muốn đánh bại chính phủ do Mỹ hậu thuẫn và áp đặt lại luật Hồi giáo nghiêm ngặt.

    Các tay súng Taliban có thể cô lập thủ đô Kabul của Afghanistan trong 30 ngày nữa và có thể chiếm lấy thủ đô này sau 90 ngày nữa, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Reuters hôm thứ Tư dẫn nguồn tin tình báo Mỹ.

    Cùng ngày 11/8, báo Mỹ Washington Post cũng dẫn lời các nguồn giấu tên nói Mỹ đánh giá Kabul sắp sụp.

    Theo tờ báo này, một quan chức giấu tên nói rằng quân đội Hoa Kỳ đánh giá sự sụp đổ có thể xảy ra trong vòng 90 ngày. Những người khác nói với báo rằng sụp đổ có thể xảy ra trong vòng một tháng.

    Tất cả đều là các nguồn không nêu tên nhưng thông điệp gửi ra cho các cơ quan truyền thông lớn là rất rõ, rằng chính quyền Mỹ có vẻ không tin rằng Kabul có thể cầm cự quá vài tháng nữa.

    'Chiến đấu vì tổ quốc'

    Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi chính phủ Afghanistan "chiến đấu cho tổ quốc" trong lúc Taliban tiếp tục đẩy mạnh tấn công.

    Taliban được cho là hiện kiểm soát 65% đất nước.

    Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào tối thứ Ba rằng: "Các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tập hợp lại với nhau."

    "Họ phải chiến đấu cho chính họ, chiến đấu cho quốc gia của họ," Joe Biden nói.

    Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, hôm thứ Tư đã đến tỉnh Balkh bị bao vây để tìm kiếm sự hỗ trợ của hai lãnh chúa ở đó nhằm đẩy lùi cuộc tiến công của Taliban.

    Người biểu tình Thái Lan đụng độ với cảnh sát trong cuộc tuần hành đến tư dinh thủ tướng




    Cảnh sát chống bạo động rượt đuổi người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok và ngày11/8/2021.

    Cảnh sát Thái Lan đã đụng độ với những người biểu tình vào ngày 13/8 sau khi hàng trăm người bất chấp lệnh cấm tụ tập để biểu tình ở trung tâm Bangkok, nơi họ cố gắng thực hiện cuộc tuần hành đến dinh thủ tướng để yêu cầu ông từ chức vì cuộc khủng hoảng COVID-19, theo Reuters.

    Cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su từ một đường cao tốc trên cao để đáp trả những người biểu tình đang cố gắng kéo sập các container đã được sử dụng làm rào chắn vào ngày đối đầu thứ ba trong tuần này.

    Các nhà hoạt động từ nhóm Thalufah do thanh niên lãnh đạo tuyên bố sẽ biểu tình một cách ôn hòa sau khi các cuộc biểu tình trong tuần này phải chấm dứt vì bị cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán, khi họ thúc ép ông Prayuth rời khỏi chức vụ.

    Người biểu tình đổ lỗi cho ông Prayuth không biết cách xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Thái Lan, giữa lúc số ca nhiễm virus corona mới lại lập kỷ lục vào ngày 13/6.

    Các nhà chức trách cảnh báo bất kỳ hình thức biểu tình nào đều vi phạm quy định phòng chống COVID-19, và nói rằng họ đã buộc tội 300 trường hợp liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây.

    Phong trào biểu tình do thanh niên Thái Lan lãnh đạo đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi trong nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình lớn và thường xuyên vào năm ngoái. Theo Reuters, phong trào đang lấy lại động lực giữa lúc Thái Lan diễn ra đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu dịch.

    Một số lãnh đạo chủ chốt của phong trào hiện vẫn bị giam giữ chờ xét xử với tội danh gây rối và các tội danh khác.

    Nguồn gốc Covid: Bắc Kinh phản đối WHO mở điều tra mới tại Trung Quốc


    Theo AFP, ngày 13/08/2021, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mở cuộc điều tra mới tại nước này để tìm kiếm nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong khi đó một chuyên gia của tổ chức nêu giả thuyết "bệnh nhân số 0" là một nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán.

    Hôm qua (12/08), Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã kêu gọi các nước, chủ yếu là Trung Quốc, công bố « mọi dữ liệu về virus » để mở điều tra sâu hơn về nguồn gốc virus, trong đó có giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Hôm nay, Bắc Kinh nhắc lại lập trường của họ từ nhiều tháng qua rằng « cuộc điều tra chung hồi đầu năm nay là đủ và đòi hỏi Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu là có ẩn ý chính trị ».

    Tại cuộc họp báo trực tuyến, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tuyên bố : « Chúng tôi phản đối việc chính trị hóa việc nghiên cứu nguồn gốc virus và phản đối việc hủy bỏ báo cáo chung » giữa Trung Quốc với WHO. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới mở một cuộc điều tra mới sâu rộng hơn.

    Hồi tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã phải chấp nhận cho một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Vũ Hán điều tra. Bản báo cáo của các chuyên gia, được soạn thảo chung với các đồng nghiệp Trung Quốc, đã không đưa ra được kết luận cuối cùng về nguồn gốc virus. Theo ông Peter Embarek, trưởng đoàn điều tra quốc tế của WHO tại Vũ Hán đầu năm nay, vào lúc đó giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của thành phố Trung Quốc, nơi phát hiện những ca Covid-19 đầu tiên từ cuối năm 2019, rất ít được chú ý.

    Trong một phim tài liệu mang tiêu đề « Bí mật của virus - Một người Đan Mạch đi tìm sự thật ở Trung Quốc » phát trên truyền hình Đan Mạch ngày hôm qua 12/08, nguyên trưởng đoàn điều tra quốc tế của WHO tại Vũ Hán lần đầu tiên đưa ra các chỉ trích khá gay gắt nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Vị chuyên gia này cho rằng khả năng một nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán nhiễm virus khi lấy mẫu từ loài dơi tại hiện trường là có thể xảy ra. Theo ông, nhóm điều tra của ông đã rất khó có thể thảo luận với các nhà khoa học Trung Quốc về giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.

    Đoàn chuyên gia của WHO đã được phép thăm 2 phòng thí nghiệm có nghiên cứu trên loài dơi. Tại những nơi này, các chuyên gia quốc tế được nghe giới thiệu, được đặt câu hỏi, nhưng không hề được tham khảo bất kỳ tài liệu nào. Ông cho biết thêm là trong vùng Vũ Hán không hề có dơi sống hoang dã. Những người tiếp cận được những con dơi bị nghi mang virus SARS-CoV-2 chỉ có thể là những nhân viên phòng thí nghiệm của thành phố.

    Trận đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc, cho đến nay đã khiến hơn 4 triệu người trên thế giới thiệt mạng. Hơn một năm qua, nguồn gốc của virus gây ra đại dịch này vẫn là một bí ẩn.

    Lãnh đạo Apple Daily thay nhau ra tòa Hồng Kông

    Hai trong số những người điều hành Apple Daily, tờ báo ủng hộ dân chủ cuối cùng của Hồng Kông, sẽ quay lại tòa án vào hôm nay vì các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia. Tổng biên tập Ryan Law và giám đốc điều hành Cheung Kim-hung bị buộc tội bắt tay với thế lực nước ngoài. Bằng chứng chính là các bài báo kêu gọi các biện pháp trừng phạt lên chính quyền Hồng Kông. Ông chủ tờ báo, ông trùm truyền thông Jimmy Lai, cũng đang chờ xét xử về tội danh đó. Tương tự là sáu nhân viên khác đang ngồi tù hoặc tại ngoại.

    Apple Daily đã đình bản từ tháng 6 sau khi bị đóng băng tài sản và nhân viên bị bắt. Nhiều người Hồng Kông vẫn còn thương tiếc tờ báo cũng như sự tự do chính trị tương đối mà nó mang lại. Nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc và phe ủng hộ ở Hồng Kông không nghĩ vậy. Đảng tuyên bố tờ báo là một “công cụ tuyên truyền” cho “các lực lượng bài Trung và gây bất ổn” trong và ngoài nước. Do đó có thể dự đoán các nhân vật này sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc.

    Bùng nổ giá nhà gây lo ngại


    Nhiều người Mỹ lo lắng về lạm phát giá tiêu dùng. Nhưng liệu họ có nên lo lắng hơn về giá bất động sản cũng đang tăng cao? Nhờ lãi suất cực thấp, giá nhà ở Mỹ đã tăng 11% – kể cả khi đã điều chỉnh theo lạm phát giá tiêu dùng – trong 12 tháng tính đến tháng 5. Chỉ số giá nhà toàn cầu của The Economist, với thông tin từ 26 quốc gia, cho thấy giá trị thực đã tăng trung bình 7,1% so với năm dữ liệu có sẵn gần nhất.

    Các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, dĩ nhiên không an tâm với màn tăng giá chóng mặt này, vì nó có thể gây vỡ bong bóng dẫn đến mất ổn định tài chính. Hồi tháng 6 Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, ngân hàng của các ngân hàng trung ương, cho biết kể từ đầu đại dịch giá nhà tăng nhiều hơn dự đoán từ các yếu tố cơ bản, chẳng hạn như chi phí đi vay hay tiền thuê. Giá đang cao hơn 20% so với mức trung bình dài hạn khi so với giá thuê tại 15 trên 25 thị trường mà The Economist có dữ liệu; và ở 10 trên 23 thị trường khi so với thu nhập hộ gia đình.

    Biden mở rộng chương trình bảo hiểm y tế của Obama


    Mất việc làm do đại dịch gây nhiều khó khăn. Nhưng mất việc ở Mỹ có nhiều rủi ro hơn hẳn, vì ở nước này bảo hiểm y tế hầu như do chủ lao động đóng. Tổng thống Joe Biden — rõ ràng không muốn tình trạng thất nghiệp làm tăng số người không bảo hiểm — đã can thiệp hợp lý. Ông tăng trợ cấp tạm thời cho những người thu nhập thấp có mua bảo hiểm qua các sàn giao dịch của Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng (ACA), đứa con tinh thần của Tổng thống Barack Obama. Ông Biden cũng kéo dài thời hạn đăng ký đến hết tuần này. Vốn không đủ điều kiện nhận trợ cấp, một số người có thu nhập trung bình cao hơn 4 lần so với mức nghèo liên bang (106.000 đô la cho một gia đình bốn người) giờ đây đã có thể tham gia chương trình. Và nó sẽ mang lại lợi ích cho khoảng vài triệu người.

    Động thái của ông Biden là lần mở rộng ACA lớn nhất cho đến nay. Đảng Dân chủ muốn các khoản trợ cấp này là vĩnh viễn. Song khoảng 30 triệu người Mỹ vẫn chưa có bảo hiểm. Một nửa số đó đủ điều kiện nhận bảo hiểm miễn phí nhưng có lẽ không biết vì chính phủ không chạy nhiều quảng cáo. Đó là một vấn đề về thông tin, chứ không phải về chi phí.

    Tình trạng Mexico sau 500 năm thành lập


    Nhiều nhà sử học ghi nhận Mexico hiện đại ra đời cách đây 500 năm trước, khi Tây Ban Nha chinh phục thủ đô Tenochtitlán vĩ đại của người Aztec (Mexico City ngày nay). Nó sụp đổ đã kéo theo cả đế chế. Dĩ nhiên Mexico vẫn ghi nhớ sự tàn bạo của chế độ thực dân. Nhưng song song đó cũng tôn vinh sự đa dạng văn hóa mà chế độ đó tạo ra, đặc biệt là mestizaje, tức những người ra đời từ sự kết hợp của người bản địa và người châu Âu.

    Mexico là độc nhất trong số các nước thuộc địa Tây Ban Nha với việc xây dựng được một hệ tư tưởng chính thức tôn trọng kết hôn đa sắc tộc như thế. Tuy nhiên nếu như ngày xưa người Tây Ban Nha – cùng với các đồng minh địa phương – đàn áp người bản địa (hay giết chết họ bằng cách làm lây lan đậu mùa), thì ngày nay những người Mexico da trắng thượng lưu vẫn sống tốt hơn hẳn các đồng bào da màu nghèo hơn.

    Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã chỉ ra sự bất bình đẳng này. Nhưng ngoài vài cử chỉ mang tính biểu tượng như yêu cầu Tây Ban Nha xin lỗi vào năm 2019 hay thay đổi một vài tên đường, ông không làm gì nhiều để giải quyết nó.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào