Header Ads

  • Breaking News

    Trần Nhật Kim - VIỆT NAM: Nền Độc Lập Bị Bỏ Lỡ

    Tôi chọn hãng máy bay Singapore Airlines để về thăm gia đình. Vào thời gian này, chưa có đường bay thẳng từ Washington DC tới Sài Gòn, nên phải theo lộ trình: Washington DC tới New York bằng máy bay hãng Delta Airlines, sau đó chuyển sang Singapore Airlines, ghé Frankfurt (Đức) khoảng hơn 1 giờ đồng hồ trước khi tiếp tục bay tới Singapore. Tại Singapore, tôi chuyển máy bay để về Sài Gòn.

    Chiếc máy bay Singapore Airlines 747 rời phi trường Frankfurt tiếp tục bay đoạn đường dài 12 giờ 30 phút tới phi trường Changi, thủ phủ của đảo quốc Singapore. Tôi đã xử dụng nhiều hãng máy bay trên các đoạn đường dài, nhưng phải công nhận Singapore Airlines là hãng máy bay đã làm hài lòng du khách, nhất là các tiếp viên trẻ trong bộ đồng phục trang nhã, vui vẻ, năng động và rất hiếu khách.

    Tôi ghé phi trường Changi (Singapore) đã 2 giờ đồng hồ, một phi trường rộng đẹp và rất sạch, để chờ chuyến bay về Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên trước một Singapore phát triển mà chỉ trong một thời gian ngắn đã dẫn đầu các nước thuộc Đông Nam Á.

    *

    Theo lịch sử lập quốc, Singapore với tên gọi chính thức là “Cộng hòa Singapore”. Năm 1819, chính trị gia người Anh Stamford Raffles đã thành lập ra Singapore hiện đại với vai trò là một trạm mậu dịch của Công ty Đông Ấn Anh. Anh quốc giành được chủ quyền với đảo vào năm 1824 và Singapore trở thành một trong các “khu định cư eo biển” của Anh quốc vào năm 1826.

    Singapore bị Đế quốc Nhật chiếm đóng trong Thế chiến II. Năm 1963, Singapore tuyên bố độc lập từ Anh quốc và hợp nhất với các cựu lãnh thổ của Anh quốc để hình thành Liên bang Malaysia, nhưng hai năm sau Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia. Trong giai đoạn này, Singapore là một xứ sở không có tài nguyên thiên nhiên cũng như quân đội, nguồn nước uống cũng phải trông vào Malaysia nên thiếu thốn đủ mọi phương diện. Vậy mà hiện nay, Singapore phát triển nhanh chóng và được công nhận là một trong bốn con Rồng châu Á cùng với Hàn quốc, Hong Kong và Đài Loan, có thu nhập bình quân theo đầu người trong danh sách 10 nước hàng đầu trên thế giới.

    Trước khi ông Stamford Raffles tới Singapore vào năm 1819, số người sống trên đảo có khoảng 1.000 người đa phần là người Malaysia bản địa cùng với một số người Hoa. Năm 1860 dân số Singapore vượt quá 80.000 và trở thành một trong ba thương cảng chính tại Đông Nam Á (với: Manila của Philipines và Batavia (Jakarta) ở đảo Java). Singapore là một nước Cộng hòa Nghị Viện đa đảng. Tên gọi tiếng Anh là Singapore bắt nguồn từ tiếng Mã Lai Singapura, theo danh từ Hán Việt gọi là Tân Gia Ba. Dưới sự chiếm đóng của Đế quốc Nhật, Singapore bị đổi tên thành Syonanto.

    Cuộc bầu cử vào tháng 5-1959, Singapore trở thành một nước tự trị và ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên. Năm 1963, Singapore được trả độc lập mà không cần chiến tranh giải phóng. Thống đốc William Allmand Codrington Goode giữ vai trò nguyên thủ quốc gia đầu tiên. Người kế nhiệm là Yusof bin Ishak trở thành Tổng thống đầu tiên của Singapore vào năm 1965. Dân số của đảo quốc lên tới 5 triệu người, trong đó có gần 2 triệu người sinh tại nước ngoài mà ba phần tư là người Hoa, sau đó là người Mã Lai, Ấn Độ. Trong giai đoạn này, chính phủ Singapore đã loại bỏ các tổ chức chính trị và cá nhân bị liệt vào thành phần có cảm tình với phong trào Cộng sản tại Singapore.

    Từ 1959 đến 1965, Singapore không có chiến tranh, mặc dù đất nước gặp nhiều khó khăn vì thiếu tài nguyên, nhưng với viễn kiến của Thủ tướng Lý Quang Diệu, kinh tế của Singapore phát triển rất thuận lợi. Singapore xử dụng 4 sinh ngữ chính là: tiếng Anh, tiếng Mã lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil.

    Việc xử dụng tiếng Anh là sinh ngữ chính cũng gây nhiều tranh cãi vào lúc đầu, vì gần phân nửa dân số là người Hoa. Nhưng theo ông Lý Quang Diệu, đảo quốc sẽ liên kết với các quốc gia trên thế giới qua ngôn ngữ, nên việc chọn tiếng Anh là sinh ngữ chính có điểm lợi vì tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Ông cho rằng, Singapore đã may mắn được nước Anh cai trị và để lại di sản tiếng Anh. Nếu đảo quốc bị Pháp cai trị như Việt Nam, sẽ phải bỏ tiếng Pháp để học tiếng Anh hầu giao tiếp với thế giới. Và chính vì ngôn ngữ khác biệt, Trung quốc gặp trở ngại trong việc thu hút nhân tài.

    Về phát triển kinh tế, ông Lý Quang Diệu nhận định: Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế năng động nhất. Sau giai đoạn suy thoái và các cuộc chiến tranh, cũng như sự trỗi dậy của các quốc gia công nghệ, chỉ cần một thời gian ngắn Hoa Kỳ đã phục hồi được vị trí dẫn đầu thế giới. Hơn nữa, nhờ đường lối phát triển, nước Mỹ đã thu hút nhiều nhân tài trên thế giới tới phục vụ cho quốc gia này.

    *

    Nhìn lại Việt Nam, sau Thế chiến II, Việt Nam được độc lập khi Nhật đầu hàng đồng minh. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời với quốc ca và quốc kỳ “Mầu Vàng ba sọc đỏ”. Mầu vàng mang ý nghĩa là mầu truyền thống, xuất hiện từ thời Bà Trưng, Bà triệu đem quân đánh đuổi kẻ thù phương Bắc. Lá cờ với 3 vạch đỏ cũng tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc, 3 miền Trung Nam Bắc một nhà, xóa tan ý tưởng chia rẽ xuất hiện từ thời Pháp thuộc.

    Bản “Tuyên ngôn Độc Lập” được Hoàng Đế Bảo Đại công bố Ngày 11-3-1945 nhằm 3 mục tiêu: Hủy bỏ Hòa Ước Giáp Thân năm 1884 ký kết giữa Triều đình Huế với nước Pháp – tuyên bố Việt Nam Độc lập – đứng chung với khối Đại Đông Á trong chương trình phát triển chung. Với nội dung:

    …Ngày hôm sau, 12 tháng 3 năm 1945, tôi cho mời viên Đại sứ Yokoyama và trao cho ông bản Tuyên ngôn độc lập này:

    “…Chiếu tình hình thế giới nói chung và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.

    Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường, để xứng đáng là một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường hướng của bản Tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nền thịnh vương chung.

    Vì vậy, chính phủ Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước này, hầu đạt mục đích nói trên.

    Khâm thử.

    Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại”

    Sau khi công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập, vua Bảo Đại giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập nội các. Danh sách nội các của Thủ Tướng Trần Trọng Kim được Bảo Đại phê chuẩn ngày 17-4-1945 và ra mắt quốc dân tại nhà Hát Lớn, Hà Nội ngày 19-4-1954.

    Lợi dụng thời cơ khi Tổng đoàn Công chức tổ chức biểu tình để chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim ra đời tổ chức trước nhà hát lớn Hà Nội ngày 17-8-1945, lực lượng Việt Minh trà trộn vào đám đông người biểu tình, tay cầm “cờ đỏ sao vàng” khích động người dân chống Pháp. Việt Minh cướp đoạt chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim và thúc đẩy cuộc chiến “chống Pháp”. Sự chiếm đoạt được chính quyền do một hành động gian manh.

    Sau khi cướp chính quyền của Thủ Tướng Trần Trọng Kim ngày 17-8-1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2-9-1945 và thành lập nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quốc kỳ “Cờ đỏ sao vàng”. Người ta nghi ngờ xuất xứ của lá cờ đỏ sao vàng chỉ là bản sao, vì hình dáng giống như cờ của tỉnh Phúc Kiến đã xuất hiện tại Trung Hoa từ năm 1933. Lá cờ này được ông Hồ mang về từ Trung quốc và xuất hiện tại hang Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng vào năm 1941. Điều này đã lộ rõ bản chất “Độc lập” khi thành lập nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được tuyên truyền rầm rộ trong bản Tuyên ngôn ngày 2-9-1945.

    Trên cương vị Hoàng Đế, tên tuổi của Bảo Đại được các quốc gia nể vì, nên bản Tuyên Ngôn ngày 11-3-1945 đã mang ý nghĩa quan trọng cả về mặt pháp lý lẫn quan hệ ngoại giao trong hoàn cảnh bất ổn của thế giới. Nhất là nội dung của bản Tuyên ngôn có tính xây dựng và nhân bản, phù hợp với ước vọng độc lập của người Việt cũng như nhu cầu hòa bình của các thuộc địa sau chiến tranh.

    Bản Tuyên Ngôn của Hồ Chí Minh ra đời ngày 2-9-1945, sau bản Tuyên Ngôn của Hoàng Đế Bảo Đại hơn 5 tháng. Nhất là tình hình thế giới đã thay đổi khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Pháp không còn là mục tiêu để Hồ Chí Minh hô hào “toàn dân chống Pháp”, trong lúc tên tuổi Hồ Chí Minh chưa ai biết đến, ngoại trừ đám tay chân thân tín của ông.

    Bản Tuyên Ngôn chưa ráo mực, Hồ Chí Minh qua chiêu bài “bài Phong – đả Thực” phát động một cuộc đấu tranh giai cấp tắm máu các thành phần quốc gia, đã sát hại 172.008 người dân vô tội bị quy là “bọn địa chủ cường hào ác bá”. Thành phần đảng phái Quốc gia cũng chung số phận với chính sách “nhổ cỏ nhổ tận gốc – giết lầm hơn bỏ sót”. Thay vì kiến thiết xứ sở sau chiến tranh, Hồ Chí Minh đã phát động cuộc chiến Nam– Bắc kéo dài 20 năm (1954-1975), khiến đất nước rơi vào cảnh lầm than nghèo đói.

    Về Nguyễn Tất Thành, người lãnh đạo đảng cộng sản tại Việt Nam, thường được phô trương “Ra đi tìm đường cứu nước”, nhưng thực ra, vì thiếu phương tiện sinh sống, ông xin làm phụ bếp dưới tầu thủy Latouche-Tréville của Pháp vào năm 1911. Năm 1917 ông được giới thiệu vào đảng Xã Hội Pháp. Năm 1920 ông dự hội nghị Tours và được Manuilsky, đại biểu đảng cộng sản Nga, giới thiệu qua Nga vào cuối năm 1923. Ông được huấn luyện để trở thành một cán bộ chuyên nghiệp của Cộng sản Quốc tế (CSQT). Năm 1924, ông được CSQT phái sang Trung Hoa với nhiệm vụ thành lập các chi bộ cộng sản tại Việt Nam và một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á.

    Năm 1930, ông bị bắt tại Hương Cảng vì hoạt động cộng sản. Sau khi được tha, ông bị gọi về Moscow- Nga để tái huấn luyện trong ba năm tại đại học Lenin và trở thành một điệp viên chuyên nghiệp được trả lương của CSQT. Năm 1938, ông được phái qua hoạt động tại vùng Hoa Nam, Trung quốc. Ngày 19-5-1941, ông thành lập “Mặt Trận Việt Minh” tại hang Pắc Bó, tỉnh Cao bằng để thúc đẩy cuộc chiến. Sự thay tên đổi họ tên từ Nguyễn Tất Thành sang Hồ Chí Minh vào năm 1942 vẫn còn là một nghi vấn.

    Năm 1945, ông tổ chức đảo chính cướp chính quyền tại Hà Nội dưới lớp vỏ “Dân Chủ Cộng Hòa” để che đậy những hành động tàn bạo dối trá, xây dựng một chính quyền bằng bạo lực. Sự lừa gạt hiện ra trong Hiến pháp khi đánh đồng đảng với nhân dân: “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo”. Nhưng thực tế, nhân dân chỉ là một thứ nô lệ, làm việc không công cho đảng.

    Ông Hồ đã huấn thị các cán bộ áp dụng nghệ thuật tuyên truyền: “Một điều sai nhắc lại nhiều lần sẽ trở thành đúng”. Và tệ hại hơn nữa khi dùng phương pháp mất nhân tính này để nhồi sọ các thế hệ tuổi trẻ: “Tuổi trẻ như tờ giấy trắng, nhuộm xanh ra xanh, nhuộm đỏ thành đỏ”, biến họ thành những công cụ cuồng tín, hy sinh cho đảng và vì đảng. Hành động tẩy não, đổi trắng thay đen, giả dối, bóp méo lịch sử theo kế sách “đốt sách giết học trò” của Trung cộng, đã trở thành kim chỉ nam của chế độ cộng sản tại Việt nam.

    Sự yếu kém về kinh tế của Bắc Việt thật dễ hiểu. Trong lúc miền Nam đặt trọng tâm vào sản xuất hầu nâng cao mức sống của người dân, thì miền Bắc lại tận dụng sức người, mang quân đánh phá miền Nam. Sản phẩm của miền Bắc không đáp ứng nhu cầu xã hội, nên hoàn toàn dựa vào viện trợ của các nước cộng sản, mà phần lớn từ Trung cộng, như ông Hồ đã cầu xin Mao Trạch Đông giúp viện trợ để đánh chiếm miền Nam.

    Vào thời gian này, Nghị Quyết 1514 (XV) ngày 14-12-1960 với sự đồng thuận của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, tất cả các thuộc địa của châu Âu, châu Á, châu Phi được hoàn trả quyền tự trị và độc lập…Các nước gần Việt Nam như Mã Lai, Indonesia, Myanmar, Brunei,Singapore… đều được độc lập mà không cần gây chiến với Thực dân.

    Cuộc chiến Nam-Bắc đã để lại nhiều di hại về người và của cho đất nước:

    * Về phía VNCH:

    Sử gia Rudolph Joseph Rummel (1932 – 2014) ghi lại con số thương vong của VNCH trong cuộc chiến Nam-Bắc Việt Nam:

    – Tử trận và mất tích: 316.000
    – Bị thương: 1,170.000.

    * Về phía VNDCCH:

    – Tử trận và mất tích: 1.100.000 (300.000 bộ đội còn ghi nhận là mất tích)
    – Bị thương: 600.000
    – Thường dân (Theo bộ Lao động, Thương binh và Xã hội):

    – Tổn thất nhân mạng: 4.000.000
    – Mang thương tật: 2.000.000
    – Nhiễm hóa chất: 2.000.000

    *

    Sau cuộc di cư vĩ đại của hơn 1 triệu người miền Bắc vào miền Nam năm 1954, một quốc gia non trẻ mang tên “Việt Nam Cộng Hòa” đã được thành lập với sự lãnh đạo của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, nguyên là một trong 4 Thượng Thư dưới triều Vua Bảo Đại. Ông biết rõ bản chất thực dân của Pháp áp đặt lên Bảo Đại, nên đã từ chức Thượng Thư sau 3 tháng. Ông cũng hiểu ý đồ của cộng sản thế giới muốn nhuộm đỏ miền Nam và các quốc gia thuộc Đông Nam Á châu.

    Trong thời gian đầu cầm quyền, từ 7-7-1954 đến tháng 5-1955, ông Ngô Đình Diệm phải ổn định nơi ăn chốn ở cho hàng triệu người từ miền Bắc bỏ nhà bỏ của để vào miền Nam tránh họa cộng sản. Mặc dù trong thời gian này, chiến tranh du kích của miền Bắc đã gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của miền Nam.

    Hơn nữa, đã không có sự trợ giúp của ông Bảo Đại còn phải đối diện sự chống đối của Pháp, cũng như các cuộc xung đột với Bình Xuyên, giáo phái và thành phần nằm vùng của cộng sản miền Bắc mà người cầm đầu là Hồ Chí Minh và đảng cộng sản. Sau khi thiết lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, ông cũng phải bảo vệ chủ quyền của xứ sở. Ông đã thành công đưa miền Nam Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập.

    Ngày 26-10-1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thông báo kết quả “trưng cầu dân ý”, thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3-1956, Quốc hội Lập hiến được bầu và thông qua bản Hiến Pháp vào tháng 7-1956. Bản Hiến pháp được ký ban hành ngày 26-10-1956 với “Tam quyền phân lập”. Giá trị tinh thần tự do, dân chủ của một quốc gia non trẻ ngày càng vững mạnh, giúp người dân tin tưởng, cũng như gây ảnh hưởng tốt đẹp trên trường Quốc tế.

    Sau thời gian bị tàn phá bởi chiến tranh từ 1945-1954, miền Nam từ Bến Hải đến Cà Mâu được tái thiết nhanh chóng. Đường bộ và đường sắt được sửa chữa, tu sửa cầu cống hư hỏng hay làm mới, đồng ruộng bỏ hoang được trồng trọt lại, xây cất thêm trường học mới để đón nhận học sinh. Chính sách “cải cách điền địa” được thực hiện khiến lúa gạo gia tăng, từ 2 triệu tấn trong năm 1954-55 lên hơn 3 triệu tấn vào năm 1957. Đường xe lửa từ Sài Gòn ra Huế được hoàn chỉnh, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa khánh thành năm 1961. “Kế hoạch 5 năm” từ 1957-1961 đã kỹ nghệ hóa miền Nam. Lúa gạo tăng 4 triệu tấn, cao su 70.000 tấn…Miền Nam bắt đầu xuất cảng không những gạo, cao su mà còn nhiều mặt hàng khác. Nhiều nhà máy dệt, nhà máy giấy, các viện bào chế dược phẩm, nhà máy ván ép, nhà máy điện được trang bị máy móc và kỹ thuật tối tân. Nhà máy xi măng Hà Tiên sản xuất ngày một gia tăng. Mỏ than Nông Sơn đã cung ứng sản phẩm theo nhu cầu phát triển của miền Nam. Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất 160 MW khởi công tháng 4-1961 hoàn thành tháng 12-1964…

    Về giáo dục cũng được ưu tiên. Đến năm 1961, số trường và số học sinh tiểu học tăng gấp đôi so với năm 1957. Số trường và học sinh trung học tăng gấp 3. Đại học công và tư được xây dựng tại một số tỉnh để đáp ứng nhu cầu do số sinh viên ngày một gia tăng.

    Các quốc gia Tự do đặt Đại sứ Quán tại Sài Gòn, Thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa. Sách báo, tài liệu nghiên cứu, kể cả về chủ thuyết công sản, được phổ biến rộng rãi, bầy bán tự do, đã nâng cao sự hiểu biết của người dân về tinh thần quốc gia dân tộc. Người dân tự do tìm hiểu tin tức thế giới qua các đài ngoại quốc.

    Chính sách “Cải cách điền địa” của Đệ Nhất Cộng Hòa giúp nhân dân miền Nam no ấm. Quốc sách “Người cầy có ruộng” của Đệ Nhị Cộng Hòa, do Sắc lệnh số 003/60 được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành ngày 26-3-1970. Theo sắc lệnh này, số điền địa bị truất hữu sẽ cấp không cho tá điền chưa có đất. Chương trình “hữu sản hóa” đã lan rộng trong mọi ngành nghề như ngành xe Lambretta, xe chở khách công cộng… do Tổng Liên Đoàn Lao Công và Công Đoàn Tự Do thực hiện. Người dân thực sự làm chủ tài sản của mình.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, nước “Việt Nam Cộng Hòa” đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, có vị thế trên trường quốc tế. Miền Nam đã đẩy mạnh công cuộc phát triển mọi phương diện từ kinh tế đến xuất khẩu, từ quốc phòng đến giáo dục… khiến đời sống người dân được ổn định, ấm no. Nhìn vào thành quả kinh tế của VNCH năm 1960, tính theo GDP (Gross Domestic Product) so sánh với vài nước Á châu, được ghi nhận theo bảng xếp hạng:

    -

    Singapore: 395$US,
    -Malaysia: 299$US,
    -Philippnes: 257$US,
    -VNCH (South Vietnam): 223$US,
    -Nam Hàn (South Korea): 155$US,
    -Thailand: 101$US,
    -China: 92$US,
    -India: 84$US,
    -VNDCCH (North Vietnam): 73$US.

    Riêng XHCN Việt Nam, vì vận tốc gia tăng thấp hơn các quốc gia khác trong vùng, nên tiếp tục đứng hạng chót, không những không đuổi kịp bất cứ nước nào, mà ngày càng tụt hậu. (Nguồn: Trần Đăng Hồng, PhD)

    Tại miền Bắc, chính sách “Cải cách ruộng đất” được mệnh danh là “Long Trời Lở Đất” này làm khánh tận miền Bắc và chính sách “Đấu tố”, người làm tố chủ, con tố cha vợ tố chồng, như trường hợp ông Trường Chinh đấu tố chính mẹ ruột: “Bà là mẹ tôi, nhưng nó là địa chủ”. Các hành động trên làm đảo lộn đạo lý dân tộc và chia rẽ tận gốc rễ nền tảng đạo đức của miền Bắc.



    Tiếp theo “Cải cách ruộng đất”, chính sách “Trăm Hoa Đua Nở” đã tù đầy, kỷ luật thành phần trí thức nhà văn nhà báo và thiêu hủy toàn bộ sách báo có từ nhiều thế hệ, lệ thuộc văn hóa Trung Hoa. Đảng đã bóp méo, sửa lại lịch sử của Tổ Tiên khiến văn hóa Việt tại miền Bắc trở lên “trên không chằng, dưới không rễ”. Tin tức hoàn toàn lệ thuộc vào thông tin của đảng và loa phát thanh tại địa phương. Trung bình 10 người dân chia nhau đọc một tờ Nhân Dân hay Cứu Quốc, là những sản phẩm của đảng. Người dân bị cấm nghe đài ngoại quốc, xử dụng đài phát thanh tư nhân cũng bị hạn chế. Khiến người dân trở thành “mù lòa” trước hoàn cảnh đen tối của xã hội.

    Sau ngày 30-4-1975, tài sản công cũng như tư của miền Nam bị tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản miền Bắc chiếm đoạt. Sau thời gian mở cửa, số tiền do người Việt hải ngoại gửi về lên tới hàng trăm tỷ Mỹ kim, một ngân khoản không hoàn trả, nhưng vẫn không vực dậy được một đất nước bên bờ vực phá sản, vì nạn tham nhũng cửa quyền. Các thành phố lớn mang bộ mặt mới nhưng bỏ mặc nông thôn. Một sớm một chiều, quốc gia nằm trên vựa thóc từ vùng Châu Thổ sông Hồng đến vùng mầu mỡ Đồng Tháp miền Nam, trở thành đói nghèo dưới chế độ cộng sản. Bữa cơm phải trộn Bo Bo, một thực phẩm miền Nam dùng để nuôi trâu ngựa.

    Sài Gòn vốn là cửa ngõ giao thương với quốc tế, đã không thể vực dậy một đất nước bên bờ vực phá sản vì chính sách bế quan tỏa cảng, đoạn giao với các quốc gia Tự do, chỉ giao tiếp lệ thuộc vào các nước cộng sản, vốn không giầu hơn miền Bắc bao nhiêu.

    Sau ngày 30-4-1975, chính sách đốt sách và tù đầy tại miền Nam khiến đất nước càng tụt hậu. Thành phần những sĩ quan và người phục vụ cho chính quyền VNCH bị đưa đi cải tạo, và gia đình họ bị đẩy tới tới vùng kinh tế mới hầu chiếm đoạt tài sản. Mặt Trận Giải phóng miền Nam, một công cụ của đảng bị khai tử vào năm 1977. Sự đặc quyền cho người miền Bắc vào các chức vụ lãnh đạo béo bở tại miền Nam càng chia rẽ và gây hiềm khích Bắc – Nam. Nạn “ô dù” tràn lan khắp nơi, từ thượng tầng đến hạ tầng tổ chức, các quan tham mặc sức bóc lột dân nghèo và chiếm hữu tài sản quốc gia.

    *



    Qua Nghị Quyết 1514 (XV) ngày 14-12-1960 của Đại Hội đồng LHQ về việc hoàn trả nền độc lập của các thuộc địa. (Resolution adopted by General Assembly 1514 (XV). Declaration on the Granting of Independence to Colonial Countries and Peoples), miền Bắc đã để mất cơ hội hòa bình toàn vẹn cho Việt Nam khi khơi dậy cuộc chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945-1954), tiếp theo là 20 năm chiến tranh Nam Bắc (1954-1975), gây chia rẽ dân tộc.

    Từ lời hứa của Hồ Chí Minh khi xin Mao Trạch Đông viện trợ để đánh miền Nam: “đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng dù phải đốt sạch dẫy Trường Sơn”, đến giọng điệu của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”, đã chứng tỏ hành động gây chiến tranh không phải để giải phóng dân tộc khỏi áp bức, mà chỉ thể hiện lòng trung thành của kẻ tôi đòi với CS Quốc Tế.

    Nhìn vào hành động trên của giới lãnh đạo đảng CS Hà Nội, ta nhận ra lý do tại sao Việt Nam không phát triển sau hơn 4 thập niên thống nhất. Theo chỉ số GDP cho hay Việt Nam còn rất nghèo, sẽ không bao giờ đuổi kịp Philippines, Indonesia, Thái Lan chứ đừng mơ tưởng bắt kịp Malaysia, Nam Hàn hay Singapore.

    Một câu hỏi đặt ra, tại sao Việt Nam không phát triển như Singapore, một đất nước có cùng hoàn cảnh như Việt Nam hay những quốc gia trong vùng đã từng thua kém Việt Nam Cộng Hòa trước kia, trong lúc chúng ta có đủ phương tiện “tiền rừng bạc biển”, mà ngày càng tụt hậu? Có phải vì giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn không từ bỏ các giáo điều cộng sản, trong khi các nước Đông Âu, kể cả Nga sô, đã loại bỏ chế độ cộng sản bạo tàn ra khỏi chính sách quốc gia của họ để trở thành dân chủ giầu mạnh, như Ba Lan ngày nay.

    Điều này đưa đến một nhận định về ngày 30-4-1975 mà miền Bắc thường ca tụng là ngày đại thắng không tiền khoáng hậu của đảng, nhưng thực chất:

    “Pháp chiếm Việt Nam không ai vượt biên,
    Nhật chiếm Việt Nam không ai vượt biên,
    Mỹ chiếm Việt Nam không ai vượt biên,
    Miền Bắc “Giải Phóng” miền Nam có 2 triệu người vượt biên.”

    Dù Sài Gòn có bị đổi tên thành Hồ Chí Minh sau ngày 30-4-1975, nhưng khát vọng Tự Do, Dân Chủ của “Người Sài Gòn” luôn bừng cháy trong lòng họ. Trong tâm tư của người miền Nam, sự rời xa quê hương vào ngày 30-4-1975 chỉ là tạm thời, vì “Sài Gòn” vẫn là lẽ sống, là nhịp thở trong trái tim của họ, và đón chờ ngày thanh bình, với nếp sống Tự do – Dân chủ trở lại trên quê hương.

    Điều này luôn nhắc nhở:

    Cộng Sản chỉ có thể làm người miền Nam tạm rời bỏ quê hương, nhưng không thể chiếm đoạt quê hương trong trái tim của họ.

    Trần Nhật Kim

    Không có nhận xét nào