Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Nối vòng tay lớn trong đại dịch

    Tôi là người xa xứ nhưng ngóng tin và lo lắng cho mọi người bên nhà trong đại dịch. Theo như trải nghiệm về quản lý đại dịch ở Canada nơi tôi ở trong hơn một năm qua, thời gian đóng cửa ở quê ta không chắc là ngắn hạn. Ở đây, ban đầu thì dự tính đóng cửa hai tuần, rồi thì hai tuần thành 1 tháng, rồi mở cửa lại một vài tuần, các ca nhiễm mỗi ngày gia tăng, rồi thì đóng lại. Chu trình nầy cứ thế lập đi lập lại qua hơn một năm. Lấy người mà nghĩ đến ta, tôi sợ rằng tình trạng đóng cửa bên nhà rồi thì cũng có thể kéo dài. Tuy vậy, với biến thể delta hiện tại đang phổ biến ở quê nhà, chu trình nầy có thể sẽ ngắn hơn rất nhiều do khả năng lây lan tỏa rộng của biến thể và biến thể nầy “đi” qua một “dân số” nhanh hơn các biến thể trước rất nhiều. Thế thì trong cái rủi ro, cũng có những tia hy vọng nhỏ!

    Có một loạt vấn đề tôi muốn chia xẻ với bên nhà để mong bên nhà cẩn trọng trong cách nghĩ và cách làm trong khoảng thời gian quyết định sắp tới với những chuyển đổi của tình hình đại dịch.

    Trước tiên, vướng mắt dịch là một rủi ro (có thể xảy ra hoặc không xảy ra cho từng người), nhưng làm xáo trộn xã hội gây nên đói và gian nan vô tận khi lũ lượt về quê tránh dịch lại là sự thật mà rất nhiều người dân phải gánh chịu. Dân cần lên tiếng để lãnh đạo hiểu rõ sự khác biệt giữa rũi ro và thực tế. Dân cần lên tiếng vì lãnh đạo sống trong một thế giới ảo. Thí dụ như ngày 5 tháng 7, Nguyễn Phú Trọng sống trên mây khi tuyên bố là “Trong không khí cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước những thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” (1). Trên thực tế là các ca nhiễm mỗi ngày tăng từ 1.051 ca vào ngày 5 tháng 7 lên đến 10.774 vào ngày 27 tháng 7 (2). NPT là lãnh đạo cả nước mà hoàn toàn không dựa gì cả vào dữ liệu để làm việc!

    Dân cần lên tiếng để nhắc lại cho NPT biết là cái “thành công rực rỡ của Đại hội” cũng đồng nghĩa với vụ đi bầu quốc hội hình thức trong cả nước dẫn đến việc gia tăng cấp số nhân của các ca nhiễm hằng ngày (3). NPT phải chịu trách nhiệm về mức lây lan của đại dịch hiện nay (4).

    Ở Canada, quản lý đại dịch là việc làm về quản lý y tế công cọng. Quản lý đại dịch không phải là việc “chống dịch như chống giặc”. Dân cần lên tiếng để NPT và đảng thấy rõ sự khác biệt về cách quản lý y tế công cọng và cách đánh giặc. Thiếu hiểu biết về sự khác biệt nầy dẫn đến cách quản lý đại dịch ngớ ngẩn hiện nay. Các thí dụ cụ thể là “bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm (5); xe chở băng vệ sinh, tã bỉm bị chặn vì 'không phải thiết yếu' (6); và việc “Bộ tư lệnh TP.HCM kiến nghị các tỉnh tổ chức cho dân về quê, tránh đi tự phát” sau khi nhiều địa phương ngăn chận không cho dân về quê tránh dịch (7). Những ví dụ nầy cho thấy cách sự lúng túng của đảng trong việc quản lý đại dịch, thể hiện sự bất lực trong việc quản lý đất nước mà đại dịch đã góp phần phơi bày sự thật nầy về cách làm việc của đảng. Ngày nào dân còn giữ im lặng thì ngày ấy đảng còn tàn phá đất nước và xã hội.

    Quản lý y tế công cọng thì cần dữ liệu. Không có dữ liệu thì không nên làm. Tại sao? Vì làm mà không có dữ liệu là việc mình làm có hệ quả như đã định thì các hệ quả ngoài mong muốn có hại nhiều trên số đông người dân. Quản lý y tế công cọng cần sự xét nghiệm cẩn trọng xem việc làm can thiệp có hiệu quả tốt xấu như thế nào, cái lợi có thập phần nhiều hơn cái hại hay không. Làm sao để xét nghiệm? Trừ các trường hợp hạn hữu, tôi nghĩ chắc rằng kỹ năng xét nghiệm các cách quản lý đại dịch không phải là kỷ năng chuyên môn của đảng viên hay “Bộ tư lệnh TP.HCM”.

    Làm sao để xét nghiệm? Dữ liệu về quản lý đại dịch là gì? Các dữ liệu nầy thường bao gồm dữ liệu được thu thập trong thực tế, chẳng hạn như số ca hàng ngày, vị trí bùng phát, dữ liệu liên quan đến truy tìm tiếp xúc, số lượng nhập bệnh viện, số tải trong phòng chăm sóc cấp cứu, sức tải của bệnh viện, số người được tiêm vắc xin, số người có nguy cơ được điều trị dự phòng và số người nhiễm đang được điều trị, các cách và liều lượng điều trị, cũng như các dữ liệu khác. Các dữ liệu nầy là cần thiết để những người quản lý dịch bệnh có thể hiểu được bức tranh toàn cảnh về đại dịch và tác động của việc lây nhiễm và các cách thức ngăn chận dịch bệnh đối với dân và hệ thống y tế.

    Thường thì các dữ liệu nầy cũng bao gồm các dữ liệu tạo ra từ các thử nghiệm qua mô hình toán học về lợi hại của cách thức quản lý đại dich, như phong tỏa các thành phố, đóng chợ đóng trường, cấm họp chợ ngoài trời, cấm dân về quê, ngăn làng ngăn xóm, cắt đứt vận chuyển hàng hóa, cấm dân dịch chuyển, và giới nghiêm không cho dân ra ngoài sau 6 giờ chiều, cùng nhiều cách làm khác có thể. Việc xử dụng các mô hình đại dịch để xét nghiệm cách phòng chống dịch và quản lý dịch bệnh không chỉ phổ thông ở các nước phương Tây và Bắc Mỹ mà cũng rất thịnh hành ở Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn, Hồng Kông, và Đài Loan. Tôi có thể lầm lẫn, nhưng tôi ít nghe nói về việc xử dụng dữ liệu trong cách “chống dịch như chống giặc” của đảng.

    Hiện nay dân đã phản biện, phản biện và phản biện không ngừng trên mạng. Có vẽ như dân mình đã thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, và tăng cường kiến thức của họ về cách quản lý đại dịch bằng cách đọc và học hỏi về cách chống dịch ở nhiều nước khác nhau. Các báo như Việt Nam Thời Báo, Tiếng Dân, Luật Khoa và những báo lề trái khác (mà tôi không hiểu nhiều) đã làm việc không ngừng nghĩ để đem thông tin đến cho dân. Việc dân để ý đến việc chung là điều may mắn trong những đau khổ và chịu đựng qua đại dịch! Chỉ tiết là các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động và các báo lề phải khác vẫn còn “tự bịt mắt”, “tự khóa tai”, và“lấy miếng ăn làm chính” để chỉ tiếp tục đăng những tin tức “giả tạo” theo chỉ thị của “trên”! Trái với cách làm việc của thông tin lề phải, dân mình có vẻ như đã “lột xác” trong tư duy, kiến thức, thái độ và hành vi qua đại dịch (8).

    Xin nhớ rằng để có thể chế chính trị và xã hội phục vụ cho quyền lợi của đa số dân, thì dân phải để ý đến việc chung. Theo cách tôi thấy bên Canada nầy, thì dân họ tích cực trong việc lên tiếng và phản biện về những điều chính phủ làm, nhứt là khi chính phủ làm sai. Nói chung, viễn ảnh bị bầu ra rìa mỗi 4 hay 5 năm khiến cho chính phủ họ phải lắng nghe và điều chỉnh việc làm để thể hiện lòng mong muốn của dân. Tôi nghĩ nếu dân mình cũng chú ý đến việc chung thì viễn ảnh của Việt Nam mỗi người một phiếu để bầu ra đại diện thực sự và tạo dựng chính phủ làm việc vì dân và cho dân là có thể khả thi trong thời gian tới. Nếu được như thế thì đại dịch cũng để lại một di sản không nhỏ cho đất nước!

    Trở lại việc quản lý đại dịch, ngoài việc dùng dữ liệu để quyết định và hoạch định cách làm, việc quản lý đại dịch ở các nước phần lớn là liên hệ đến việc đo lường và theo dõi diễn biến của đại dịch. Nếu bạn đóng cửa toàn diện trong hơn hai tuần mà lúc mới đóng cửa ngày 9 tháng 7 thì số ca mỗi ngày là 1.798 ca và hơn 3 tuần sau số ca tăng lên 7.717 ca vào ngày 27 tháng 7 (2) thì việc theo dõi diễn biến và điều chỉnh cách quản lý đại dịch phải như thế nào? Việc điều chỉnh nầy không phải chỉ diễn ra trong giới lãnh đạo quản lý dịch bệnh mà còn phải minh bạch giải thích và thông tin cho dân để tạo đồng thuận phần nào trong xã hội. Với việc dân phản biện không ngừng trên mạng, nhân sự lo về quản lý dịch bệnh phải bắt đầu học cách làm việc trong một thể chế khi dân là chủ thực sự và cán bộ phải chịu trách nhiệm trước dân. Qua rồi cái thời mà NPT và đảng sống trong mơ như đã diễn đạt ở trên (1).

    Đại dịch phơi bày sự tàn bạo của chế độ đảng xây dựng trong hơn 70 năm qua. Tương phản với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, xã hội mà đảng giàn dựng là một xã hội bóc lột, bóc lột toàn dân để phục vụ một giai cấp đỏ. Không có an sinh xã hội! Không có cơ hội thăng tiến cho mọi người (trừ những người có ông ngoại vắc xin!)! Đảng cướp tài sản của dân bất cứ khi nào đảng viên và cán bộ thấy thích làm như vậy! Đảng làm việc theo cách ra chỉ thị, mặc mẹ hậu quả của chỉ thị lên dân! Đảng trục lợi bằng cách bóc lột cùng cực người lao động không hộ khẩu trong các đô thị lớn, mặc nhiên tạo ra những giai cấp mới trên đất nước. Đảng tàn phá đồng thuận trong xã hội với sự kỳ thị giai cấp, nào là toàn bộ ưu tiên cho giai cấp đỏ và kỳ thị với nhiều mức độ khác nhau về giai cấp có hộ khẩu, giai cấp công nhân làm việc kiệt sức không hộ khẩu, giai cấp dân oan mất đất mất tài sản, dân nghèo, dân lý lịch không tốt, dân dám lên tiếng phản biện việc đảng làm, và dân nạn nhân môi trường và thay đổi khí hậu toàn cầu mà đảng bỏ mặt không chăm lo!

    Ở nơi tôi đang ở bên Canada, chỉ cần một số nhỏ người trong các giai cấp nạn nhân nầy cũng đã đủ để xảy ra các cuộc xuống đường quyết liệt cho đến khi có thay đổi chính phủ. Không lý gì mà dân ta lại không thể làm như dân ở những nước dân chủ, nhất là với sự thức tỉnh hiện nay khi đại dịch phơi bày sự bất lực của hệ thống chính trị để quản trị đất nước (9).   

    Thế thì làm sao để đi lên trong tận cùng của sự đau khổ? Việc cấp thiết nhất là đòi hỏi bảo đảm lương thực cho mọi người, giàu nghèo như nhau trong những tuần và tháng tới. Đảng thu thuế chính thuế phụ rất nhiều trong biết bao năm qua. Đảng đã và đang tẩu tán tài sản ra nước ngoài mỗi năm hơn 10 tỉ đô la Mỹ (10). Bây giờ là lúc dân nên đòi hỏi đảng phải cung cấp và đảm bảo lương thực cho mọi người. Hãy đòi hỏi đảng mở các địa điểm phát lương thực căn bản cho mọi người nếu họ cần và họ muốn lấy trong thời gian đại dịch sắp tới. Các địa điểm nầy phải mở cửa 24 tiếng mỗi ngày và phải đầy đủ lương thực mà dân muốn và chỉ định.

    Làm sao để đòi hỏi? Dân cần nối vòng tay lớn trên mạng để việc dân đòi hỏi đảm bảo lương thực có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Tôi xin gợi ý là những người trẻ là những người đi đầu trong phản biện không ngừng trên mạng về đòi hỏi đảm bảo lương thực cho người cần lương thực trong cách ly. Những người trẻ có mức hiểu biết và kỷ năng để đi đầu trong việc đòi hỏi lương thực nầy. Họ là mũi dìu khởi đầu cho một cuộc “cách mạng màu” trên mạng! Tôi gợi ý như thế bởi vì đảng sẽ lên cơn sốt mỗi khi nghe đến viễn ảnh của một cuộc cách mạng màu! Đảng nên lắng nghe những điều tôi gợi ý bên dưới vì đây là những điều đảng không muốn nghe!

    Đảng có bò đỏ, lực lượng 47 và một hệ thống công cụ thống trị rất lớn. Dân cần nối vòng tay lớn tạo nên những liên minh trải rộng cùng nhau đòi hỏi lương thực cho dân cần lương thực trong cách ly. Những người trẻ có thể đứng lên để đi đầu theo cách xuống đường của những người trẻ ở Hồng Kông những năm trước. Chúng ta cần những nhà hoạt động xã hội dũng cảm như những người trẻ dấn thân ở Hồng Kông, tỷ dụ như Joshua Wong, Agnes Chow và Nathan Law, cùng những người trẻ dấn thân khác.

    Giới trung lưu trong xã hội hiện nay đã và đang giúp đỡ dân nghèo cũng sẽ lên tiếng cho đảm bảo lương thực trong đại dịch. Giới trung lưu theo tôi hiểu từ xa là những doanh nhân sở hữu những cơ sở dịch vụ và sản xuất. Họ cũng bao gồm những cán bộ và đảng viên lên tiếng cho quyền lợi chung thay vì quyền lợi của giai tầng lãnh đạo thiểu số. Họ cũng bao gồm những dân oan mất đất mất nhà đã có kinh nghiệm lâu dài về tự tổ chức để đi khiếu kiện về bất công xã hội. Giới trung lưu cũng có thể bao gồm những người lên tiếng cho quyền lợi của dân để đòi hỏi bình đẳng xã hội, như những người có học, những nghệ sĩ, văn sĩ và những người viết blog, cùng những người trí thức khác.

    Liên minh dân tộc nầy cũng cần những người đấu tranh để làm giảm bớt tác hại của thảm họa môi trường, những người với quá trình đấu tranh như những người tiên phong trong chuyện kể về thảm họa Formosa, thảm họa sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long và những lũ lụt quét bất ngờ ở Sài gòn, miền Trung và Cao Nguyên. Nối vòng tay lớn cũng cần bàn tay của những người tiên phong trong đấu tranh chống Trung Cộng xâm lược và ảnh hưởng quá đáng của Trung Cộng trong nền kinh tế ở quê nhà. Liên minh dân tộc mà càng rộng và càng ồn ào trên mạng, với đe dọa xuống đường thì có thể mang lại bảo đảm lương thực cho những người cần lương thực để họ có thể bình an trong cách ly.

    Tôi nghĩ một liên minh dân tộc như vậy với việc đe dọa xuống đường thì sẽ có kết quả không ít, chắc cũng làm NPT và đảng mất ăn mất ngủ! Nhưng thực tế là chúng ta cần bảo đảm lương thực và sức khỏe cho mọi người xuyên qua đại dịch. Vài giòng góp ý và tôi xin chúc mọi người cẩn trọng và may mắn!

    Nguồn:

    Số 1. https://baodantoc.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-khai-mac-hoi-nghi-lan-thu-3-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-1625477081081.htm

    Số 2. COVID-19 Map - Johns Hopkins Coronavirus Resource Center. https://coronavirus.jhu.edu

    Số 3. https://vietnamthoibao.org/vntb-bung-phat-covid-19-dang-lam-gi/

    Số 4. VNTB – Trách nhiệm cuối cùng về phòng dịch Covid thuộc về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. https://vietnamthoibao.org/vntb-trach-nhiem-cuoi-cung-ve-phong-dich-covid-thuoc-ve-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong/

    Số 5. https://tuoitre.vn/vu-banh-mi-khong-phai-la-luong-thuc-tinh-uy-khanh-hoa-yeu-cau-xu-ly-nghiem-2021072011281755.htm

    Số 6. https://vnexpress.net/xe-cho-bang-ve-sinh-ta-bim-bi-chan-vi-khong-phai-thiet-yeu-4331958.html

    Số 7. https://tuoitre.vn/bo-tu-lenh-tp-hcm-kien-nghi-cac-tinh-to-chuc-cho-dan-ve-que-tranh-di-tu-phat-20210728171949242.htm

    Số 8. Nguyễn Đan Quế. Không phải đổi mới, không phải cách mạng, mà là… https://www.voatiengviet.com/a/khong-phai-doi-moi-khong-phai-cach-mang-ma-la/3619359.html

    Số 9. Thiên hạ luận: Hệ thống chính trị đang bất lực? https://vietnamthoibao.org/vntb-thien-ha-luan-he-thong-chinh-tri-dang-bat-luc/

    Số 10. https://www.ozy.com/around-the-world/vietnam-tops-list-for-worlds-illicit-financial-flows/95871/

     

     

    Không có nhận xét nào