Header Ads

  • Breaking News

    Vũ Tường - Đảng chống lại dân: chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện tại (Phần 2


    13/8/2021

    Bản gốc: Tuong Vu, “The Party v. the People: The Rise of Anti-China Nationalism in Contemporary Vietnam,” Journal of Vietnamese Studies 9:4 (Fall 2014), 33-66

    Người dịch: Nguyễn Tiến Trung

    Phần 1: https://www.baoquocdan.org/2021/07/vu-tuong-ang-va-dan-chu-nghia-dan-toc.html

    Quan hệ lịch sử giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ nghĩa Dân tộc

    Thành lập vào năm 1930, ĐCSVN đã luôn luôn theo đuổi hai sứ mạng: giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các nghiên cứu học thuật trước đây nhìn những lãnh đạo cộng sản Việt Nam đầu tiên như là những người yêu nước, thứ hai mới là những người cộng sản. Như William Duiker lập luận, “những người cộng sản, như những nhóm quốc gia khác… trên tất cả, đã muốn tìm ra một giải pháp cho vấn đề quốc gia [chữ in nghiêng trong bản gốc]…  Chủ nghĩa Mác, như dân chủ hay chủ nghĩa phát xít, là một công cụ trong quá trình này.”³ 

    Mặc cho có nhiều sự khác nhau giữa những cá nhân lãnh đạo cộng sản, thái độ và chính sách của họ như là một nhóm đối với chủ nghĩa dân tộc phức tạp hơn rất nhiều và liên quan đến ba hình mẫu tổng quát có thể phân biệt rõ. 

    Hình mẫu kiên định đầu tiên là sự tố cáo lặp đi lặp lại của họ rằng chủ nghĩa dân tộc là một ý thức hệ phản động và tư sản. Thanh Niên, một tờ báo biên tập bởi Nguyễn Tất Thành (còn được biết đến dưới những cái tên Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc, và Hồ Chí Minh) ở miền Nam Trung Quốc vào giữa những năm 1920, đã bác bỏ chủ nghĩa yêu nước truyền thống gắn với một “đất mẹ” thiêng liêng, coi đó là một mánh lới vẽ ra bởi những nhà tư bản để lừa gạt giai cấp vô sản.⁴ 

    Những tuyên bố tương tự lên án chủ nghĩa dân tộc như là một ý thức hệ xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau. Trong khi chủ nghĩa yêu nước đã dẫn Nguyễn Tất Thành tới chủ nghĩa Lênin,⁵ là một người mới theo chủ nghĩa Lênin, ông than phiền vào năm 1922 rằng: 

    “Những người dân thường [ở các thuộc địa] không có khái niệm gì về đấu tranh giai cấp vì không có công nghiệp và thương mại cũng như các tổ chức của công nhân ở đó. Đối với người bản xứ, chủ nghĩa Bôn-sê-vic hoặc có nghĩa là hủy diệt hết mọi thứ hoặc là sự giải phóng khỏi sự cai trị của ngoại bang. Diễn giải đầu tiên khiến đám đông không có giáo dục và nhút nhát tránh xa chúng ta. Diễn giải thứ hai hướng họ tới chủ nghĩa dân tộc. Cả hai đều nguy hiểm.”⁶ 

    Trong chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo ĐCSVN đã tách biệt phong trào chống đế quốc mà họ luôn ủng hộ với chủ nghĩa dân tộc, cái mà họ thường xuyên lên án. 

    Ví dụ như vào năm 1962, Hà Nội đã về phe với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Khi đó Đảng Cộng sản Ấn Độ ủng hộ chính phủ Nehru và phê phán Trung Quốc. Hà Nội do đó đã phê phán những người cộng sản Ấn Độ vì đã “chìm sâu trong vũng bùn dân tộc tư sản bằng cách thông đồng với giai cấp tư sản Ấn Độ nhằm nói xấu một đảng cộng sản anh em.”⁷ 

    Để phản ứng với mùa xuân Praha năm 1968, một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã kêu gọi cảnh giác chống lại “mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc tư sản… mà sẽ có thể cô lập nước ta [khỏi những nước xã hội chủ nghĩa anh em] và đẩy chúng ta vào vòng tay của chủ nghĩa đế quốc.”⁸ 

    Năm 1981, cả Việt Nam và Liên bang Xô Viết bị tẩy chay bởi nhiều đảng xã hội chủ nghĩa và cộng sản vì Việt Nam chiếm đóng Campuchia còn Liên Xô thì chiếm đóng Afghanistan. Trong một tài liệu nội bộ, các lãnh đạo Việt Nam đã than phiền về “chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản” tồn tại trong phong trào cộng sản toàn cầu. Những người theo loại chủ nghĩa dân tộc này “đã làm méo mó chủ nghĩa Mác Lênin [và] tham gia vào giai cấp tư sản… trong việc phê bình sự giúp đỡ của Liên bang Xô Viết với Afghanistan và sự giúp đỡ của Việt Nam với Campuchia.”⁹

    Trong khi lên án ý thức hệ dân tộc, những người cộng sản Việt Nam đã không cho rằng lợi ích giai cấp và dân tộc là mâu thuẫn nhau hay loại trừ lẫn nhau. 

    Trong cuốn sách nhỏ xuất bản năm 1927, “Đường Kách Mệnh”, Nguyễn Tất Thành đã viết rằng ông muốn tiến hành một cuộc cách mạng mà không chỉ đánh đuổi người Pháp mà còn mang quyền lực tới cho nhân dân.¹⁰ 

    Năm 1936, các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong đã giải thích cho các đảng viên: “Chúng ta tin vào chủ nghĩa quốc tế, không phải chủ nghĩa dân tộc, nhưng trong bối cảnh đất nước dưới hai tầng bóc lột, chúng ta phải nâng cao tinh thần giải phóng dân tộc đồng thời gắn nó với lợi ích của nhân dân lao động [-có nghĩa là, chúng ta muốn cuộc đấu tranh của chúng ta] ra vẻ dân tộc ở bên ngoài nhưng là quốc tế ở bên trong.”¹¹ 

    Cũng như vậy, khi Tổng bí thư Trường Chinh chủ trương đấu tranh giai cấp ở nông thôn vào đầu những năm 1950 trong khi Việt Nam vẫn đang đánh Pháp giành độc lập, ông ta đã biện hộ cho chính sách này bằng cách lập luận rằng:

    Các cuộc cách mạng dân chủ dân tộc [chủ yếu] là các cuộc cách mạng nông dân. Các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chủ yếu là chiến tranh nông dân… Lãnh đạo nông dân đấu tranh chống phong kiến và đế quốc là đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc cùng một lúc. Đó là đấu tranh giai cấp trong một cuộc đấu tranh dân tộc và dưới hình thức của một cuộc đấu tranh dân tộc.¹²

    Khi chính quyền Bắc Việt tiến hành Kế hoạch Năm năm lần thứ nhất vào cuối những năm 1950, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố rằng “yêu nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội.”¹³ 

    Khi Hoa Kỳ leo thang chiến tranh trong những năm 1964-1965, Trường Chinh đã lập luận rằng cuộc chiến tranh này, dù kéo dài và khó khăn, là cần thiết để cách mạng Việt Nam tiến lên. Các mục tiêu cách mạng đã được xác định từ lâu, đó là “giành lại độc lập dân tộc, xây dựng nền dân chủ nhân dân, và tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.”¹⁴ 

    Sau chiến thắng của Hà Nội vào năm 1975, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tuyên bố:

    “Chủ nghĩa xã hội [hiện tại] là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam và là con đường tiến lên tất yếu của xã hội Việt Nam, phù hợp với quy luật [của chủ nghĩa Mác] về sự phát triển của xã hội loài người trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới… Kể từ khi Đảng chúng ta ra đời, chúng ta đã luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… Bây giờ Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một.”¹⁵

    Lưu ý rằng các mục tiêu dân tộc (độc lập và thống nhất) đã được nhắc đến đầu tiên và theo sau là các mục tiêu ý thức hệ (chủ nghĩa xã hội), nhưng sự nhấn mạnh thực sự là ở mục tiêu sau. 

    Thật sai lầm khi chối bỏ các lãnh đạo cộng sản Việt Nam là những người yêu nước, nhưng cũng sai lầm không kém khi cho rằng người cộng sản coi chủ nghĩa xã hội chỉ là một phương tiện để giải quyết vấn đề quốc gia. 

    Nguyễn Tất Thành đã nhấn mạnh rằng ông muốn một cuộc cách mạng toàn diện có thể đạt được hai mục tiêu, không chỉ là mục tiêu dân tộc. Trong suy nghĩ của Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, và Trường Chinh, giải phóng dân tộc chỉ đơn giản là hình thức bên ngoài, trong khi đấu tranh giai cấp mới là trái tim của cuộc cách mạng. 

    Công thức của Phạm Văn Đồng cho rằng chủ nghĩa yêu nước ngang bằng với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội khiến chủ nghĩa yêu nước phục vụ cho chủ nghĩa xã hội chứ không phải ngược lại. Trong cái nhìn của Lê Duẩn, chủ nghĩa xã hội vừa là phương tiện vừa là mục đích. 

    Chú thích

    William Duiker, Sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Dân tộc tại Việt Nam, 1900-1941 (Ithaca: Nhà xuất bản Đại học Cornell, 1976), 17.

    Huỳnh Kim Khánh, Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam 1925-1945 (Ithaca: Nhà xuất bản Đại học Cornell, 1982), 21. 

    Để xem bản dịch tiếng Anh, xem Hồ Chí Minh, “The Path that Led me to Leninism” (Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin) trong Decolonization: Perspectives from Now and Then (Quá trình giải thuộc địa: Những viễn cảnh từ bây giờ và sau đó), biên tập bởi Prasenjit Duara (New York: Routledge, 2004), 29-31. 

    Nguyễn Ái Quốc, “Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa”, L’Humanité (báo Nhân đạo), 25/5/1922,  lại trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, xuất bản lần 2, tập 1 (Hà Nội: Sự Thật, 2000), 63-64. Nguyễn Tất Thành là tên của Hồ Chí Minh trước khi ông tham gia vào chính trị. Cái tên Nguyễn Ái Quốc được sử dụng lần đầu trong bản yêu sách cho Việt Nam độc lập tại hội nghị Versailles năm 1919 bởi một nhóm gồm Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, và Nguyễn Tất Thành. Sau đó ông ta tự gọi ông ta là Nguyễn Ái Quốc, tạo ra nhận thức sai lạc rằng ông ta là tác giả duy nhất của tuyên bố lịch sử về chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Pierre Brocheux, Hồ Chí Minh: Một Tiểu sử,  qua Claire Duiker (New York: Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2007), 13. 

    Hùng Sơn, “Bàn về chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản”, Học Tập (tháng 8/1963):70-75.

    Trường Chinh, “Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi con đường Các Mác đã vạch ra,” Học Tập, (tháng 10/1968): 26.

    “Nghị quyết của Ban Bí thư số 36-NQ/TW”, 24/2/1981. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập (VKĐTT), tập 42 (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2005), 89.

    Bị Áp Bức Zân Tộc Liên Hợp Hội Tuyên Truyền Bộ, “Đường Kách Mệnh”, lần đầu xuất bản vào năm 1927 và in lại trong VKĐTT, tập 1 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2005). 

    “Chung quanh vấn đề chiến sách mới”, 30/10/1936. VKĐTT, tập 6 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2000), 151-152. ĐCSĐD là tên của ĐCSVN trong thời kì 1930-1945.

    “Báo cáo của Tổng bí thư Trường Chinh”, (có thể vào ngày 25/1/1953). VKĐTT, tập 14 (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2001), 53-54.

    Phạm Văn Đồng, “Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội”, Học Tập (tháng 8/1958):6-17.

    Trường Chinh, “Nắm vững mọi quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”, Học Tập (tháng 9/1965): 20.

    “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” VKĐTT, tập 37 (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2004), 500-501. Báo cáo được đọc bởi Lê Duẩn tại Đại hội Đảng lần thứ tư, 14/12/1976.

    https://usvietnam.uoregon.edu/dang-chong-lai-dan-chu-nghia-dan-toc-chong-trung-quoc-o-viet-nam-hien-tai-phan-2/

    Không có nhận xét nào