Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông ngày Thứ sáu 17 tháng 9 năm 2021

    Hãng Antara đưa tin Bộ tư lệnh Hạm đội I của Indonesia sẽ tổ chức diễn tập sẵn sàng chiến đấu để đối phó với sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong vùng biển Natuna.




    I. Biển Đông, chuyển động quân sự

    1. Hàng Không Mẫu Hạm

    Tín hiệu từ máy bay CMV-22B Osprey hoạt động trên HKMH/ USS Carl Vinson gợi ý tàu này đã di chuyển ra Biển Philippines vào ngày 16.9.

    Trong khi đó, trang tin USNI News đưa tin HKMH/ USS Ronald Reagan đã rời Trung Đông di chuyển vào khu vực phụ trách của Hạm đội 7.

    Nghĩa là tàu này đã kết thúc sứ mệnh yểm trợ hoạt động rút quân khỏi Afghanistan và đang trên đường trở về khu vực Tây Thái Bình Dương.

    2. Trung Quốc tập trận

    Trung Quốc hiện tiến hành một số cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ và những vùng biển gần đảo Hải Nam (ảnh).


    Vào sáng nay 17.9, một máy bay trinh sát chuyên theo dõi tên lửa đạn đạo RC-135S Cobra Ball đã bay vào Biển Đông bay dọc bờ biển tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

    Cùng hoạt động tại khu vực này còn có máy bay trinh sát RC-135W Rivet Joint và một chiếc P-8A Poseidon của Mỹ.

    Tại phía bắc eo biển Đài Loan cũng ghi nhận sự xuất hiện của một máy bay không người lái MQ-4C Triton và một chiếc máy bay tuần tra EP-3E Orion.

    3. Indonesia - Trung Quốc

    Hãng Reuters đưa tin Indonesia triển khai 5 tàu hải quân đến vùng biển Natuna sau khi phát hiện tàu Mỹ và tàu Trung Quốc hoạt động tại khu vực này.

    Tư lệnh Hạm đội I của Indonesia Arsyad Abdullah:

    " Lập trường của Hải quân về Biển Bắc Natuna là rất kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong phạm vi quyền tài phán của Indonesia phù hợp với luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế đã được phê chuẩn, và không có sự khoan nhượng đối với bất kỳ vi phạm nào ở Biển Bắc Natuna."

    Trong khi đó, hãng Antara đưa tin Bộ tư lệnh Hạm đội I của Indonesia sẽ tổ chức diễn tập sẵn sàng chiến đấu để đối phó với sự hiện diện của tàu Trung Quốc.

    Trước đó, tờ Kompas đăng tải các clip và thuật lại lời kể của ngư dân Indonesia cho biết họ phát hiện 6 tàu Trung Quốc tại vùng biển Natuna, bao gồm tàu khu trục Type 052D Côn Minh (172) vào ngày 13.9.

    Những tàu này được phát hiện gần khu vực hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10 và giàn khoan Clyde Boudreaux.

    Chưa rõ 5 tàu còn lại là loại tàu gì nhưng truyền thông Indonesia cho hay sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc khiến họ rất bất an.

    Theo những thông tin tôi nắm được, ngoài tàu khu trục Côn Minh, trong thời gian qua Trung Quốc triển khai tàu hộ vệ Type 054A Hứa Xương (536), hai tàu hải cảnh 5305 và 4303. Tàu Hải cảnh 5305 luôn lượn lờ gần giàn khoan Clyde Boudreaux trong khi tàu 4303 hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 10.
     
    Trong thời gian từ 13 đến 15.9, tàu 5303 cũng di chuyển xuống khu vực này trước khi quay trở lại Đá Chữ Thập. Trong số đó, tàu Côn Minh nhiều khả năng có mặt tại khu vực để theo dõi nhóm tác chiến HKMH/ USS Carl Vinson trong ngày 13.9.

    Phản ứng trước những diễn biến trên, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani lên tiếng kêu gọi chính phủ không tiếp tục giữ im lặng.

    Trong một thông cáo ngày 16.9, bà Maharani yêu cầu chính phủ của Tổng thống Jokowi phải tỏ rõ thái độ, yêu cầu Trung Quốc giải thích và gửi công hàm phản đối.

    Trước đó, nghị sĩ Muhammad Farhan tiết lộ Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích sự xuất hiện của tàu Trung Quốc, nhưng Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối xác nhận việc này.

    4. Diễn biến khác

    Trung Quốc từ chối cho phép tàu chiến Bayern của Đức ghé thăm Thượng Hải trong chuyến triển khai đến Ấn Độ Dương Thái Bình Dương. - Reuters

    Phát ngôn viên Tuần duyên Nhật Bản cho biết vụ 7 tàu hải cảnh Trung Quốc, trong đó có 4 tàu trang bị pháo, đi vào vùng biển Senkaku vào ngày 30.8 là rất nghiêm trọng.

    Chính phủ Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối đến Trung Quốc về sự việc này. - Stripes

    Liên quan đến vấn đề Senkaku, trả lời phỏng vấn CNN ngày 16.9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo tuyên bố Tokyo sẽ đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc theo hình thức hạm đối hạm và hơn thế nữa nếu cần.

    II. Đối đầu chiến lược

    Ngày 16.9 chứng kiến ba sự kiện quan trọng có ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai.

    Mỹ, Anh và Úc thông báo khai sinh Đối tác an ninh ba bên.

    Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

    Liên minh châu Âu công bố chiến lược về Hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    1. Liên minh AUKUS

    Trong cuộc họp báo trực tuyến chung sáng 16.9 (giờ châu Á), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo khai sinh Đối tác an ninh ba bên (AUKUS) với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Một sáng kiến lớn của thỏa thuận này là Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

    Nó mang tính lịch sử bởi trước đây Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân tối mật với đồng minh đặc biệt là Anh và chuyện này đã diễn ra cách đây hơn 60 năm.

    Ngoài ra, những lĩnh vực hợp tác trong tương lai sẽ còn bao gồm những công nghệ mới nổi như mạng ảo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử...

    Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng sự hình thành của liên minh tập trung vào khía cạnh an ninh - quốc phòng này nhắm tới Trung Quốc.

    Về phía Anh, thỏa thuận này một lần nữa thể hiện quyết tâm Nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ, sau chuyến triển khai của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

    Thông cáo chung về liên minh Mỹ, Anh, Úc.

    Phát biểu của ba nhà lãnh đạo

    Cùng ngày, Úc cũng công bố chương trình mua sắm quốc phòng đồ sộ, bao gồm:

    Tên lửa Tomahawk cho tàu khu trục lớp Hobart.

    Tên lửa JASSM-ER cho chiến đấu cơ F/A-18 A/B Hornet và F-35A trong tương lai.

    Tiếp tục hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh với Mỹ.

    Tên lửa dẫn đường chính xác cho lục quân.

    Ngoài ra, thỏa thuận mới chắc chắn cũng sẽ chứng kiến sự tăng cường triển khai lực lượng của Mỹ đến những căn cứ của Úc trong tương lai, bao gồm tàu chiến, tàu ngầm.

    Trong ngày 16.9, các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Mỹ và Úc cũng đưa ra thông cáo chung sau cuộc họp 2+2 ở Washington.

    " Các Bộ trưởng khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và quốc tế. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng của các nước trong việc thực hiện các quyền và tự do hàng hải của họ ở Biển Đông, phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp theo luật quốc tế khác liên quan đến các quyền tự do này.

    Các Bộ trưởng bày tỏ ý định tăng cường hợp tác và tiến hành các cuộc diễn tập hàng hải với nhiều đối tác. Họ cũng quyết tâm làm việc với các đối tác để đối phó với các hoạt động của “vùng xám”. Các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại liên quan đến các yêu sách biển rộng lớn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) ở Biển Đông mà không có cơ sở pháp lý, kêu gọi CHND Trung Hoa thực thi luật pháp liên quan trong nước, bao gồm cả Luật An toàn Giao thông Hàng hải, theo cách nhất quán với UNCLOS và nhắc lại rằng Phán quyết Trọng tài 2016 là cuối cùng và ràng buộc pháp lý đối với các bên.

    Các Bộ trưởng nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với việc quân sự hóa các thực thể địa lý tranh chấp và các hành động gây mất ổn định khác, bao gồm cả việc sử dụng nguy hiểm lực lượng hải cảnh và dân quân biển, cũng như nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác."

    Thông cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đài Loan trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ ý định tăng cường quan hệ với Đài Loan, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế.

    2. Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

    Ngày 16.9, Trung Quốc thông báo chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

    Tuy nhiên, giữa việc nộp đơn xin gia nhập và gia nhập trên thực tế có khoảng cách khá xa, bởi Bắc Kinh phải sửa đổi rất nhiều quy định để phù hợp với CPTPP, một nhiệm vụ không hề dễ dàng dựa vào định hướng của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

    Ngoài ra, việc xin gia nhập cần phải có sự đồng ý của các thành viên, bao gồm hai nước Nhật Bản và Úc.

    Phản ứng trước động thái của Trung Quốc, Nhật Bản ngày 17.9 cho biết sẽ nghiên cứu cẩn thận xem Trung Quốc có đáp ứng các tiêu chuẩn hay không.

    Trong lúc này, nó là một động thái mang tính biểu tượng nhiều hơn. Những diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang xoáy vào khía cạnh kinh tế trong các liên kết, trong khi Mỹ chú trọng vào khía cạnh an ninh.

    Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh một thực tế là chính quyền Tổng thống Biden đang thiếu một khía cạnh kinh tế trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ.

    3. EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

    Trong một động thái vốn bị lu mờ bởi AUKUS, Liên minh châu Âu (EU) ngày 16.9 đã công bố Chiến lược về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

    " Thương mại: EU sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại với Úc và New Zealand, tìm kiếm một thỏa thuận với Ấn Độ và tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia đã có thỏa thuận thương mại, chẳng hạn như Hàn Quốc. EU cũng sẽ theo đuổi một thỏa thuận thương mại và đầu tư với Đài Loan.

    Biến đổi khí hậu: EU đặt mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ưu tiên sử dụng hydro tái tạo.

    Châu Đại dương: Hứa hẹn một sự hiện diện ngoại giao lớn hơn, EU hướng tới mục đích giúp duy trì UNCLOS để ngăn chặn đánh bắt quá mức trong khu vực, cung cấp chuyên môn trong việc bảo vệ các khu vực biển, dự báo thời tiết và hạn chế ô nhiễm biển.

    Số hóa: EU muốn bắt đầu đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore về hợp tác sâu hơn về luồng dữ liệu, đổi mới dựa trên dữ liệu và thúc đẩy hơn nữa thương mại kỹ thuật số. EU cũng muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ về các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo và mạng di động thế hệ thứ năm.

    Cơ sở hạ tầng: EU muốn hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và Áo về liên kết giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và hàng hải, cũng như đảm bảo rằng các ngân hàng phát triển và các cơ quan xuất khẩu liên kết chặt chẽ hơn khối này với châu Á. EU ngày 15.9 đã đưa ra một kế hoạch mới để cạnh tranh với chiến lược cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, mà họ gọi là "Cửa ngõ toàn cầu".

    An ninh và quốc phòng: EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, sẽ tìm kiếm mối quan hệ hàng hải chặt chẽ hơn với Úc, New Zealand, Indonesia và Nhật Bản, hứa hẹn nhiều chuyến triển khai hải quân hơn để tuần tra các tuyến đường thương mại mà Trung Quốc coi là của riêng mình. Khối này cũng đang cử cố vấn quân sự phục vụ các phái đoàn EU trong khu vực.

    Y tế: EU muốn giúp các nước nghèo hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp cận với vắc xin COVID-19. EU cũng muốn phát triển hợp tác để đảm bảo đường cung cấp thuốc và thiết bị y tế, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc."

    Trước đó, EU cũng phát động chương trình Global Gateway để cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào