Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Anh Tuấn - 10 điều rút ra từ sự ra đời của Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh 3 bên /giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) ngày 15/9/2021 - PHẦN I

    AUKUS có phiên âm khá thú vị (ô kis) - "Hôn nhau cái nào" - đến mức Tổng thống Biden cũng cảm thấy thích thú khi phát âm tên liên minh mới trong bài diễn văn đánh dấu sự ra đời của AUKUS.
     

    Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS thì hoàn toàn nghiêm túc, chả "lãng mạn" chút nào, là kết quả những nỗ lực thương lượng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng trước đó của quan chức cấp cao 3 nước trước khi AUKUS chính thức ra đời ngày 15/9/2021 vừa qua.

    Tạm rút ra 10 nhận xét nhanh từ sự ra đời của AUKUS như sau:

    1. Liên minh, liên minh và liên minh. Đây là điểm nhấn và cũng là cách làm khác biệt của chính quyền Biden so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Từ sau khi lên cầm quyền, Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, tuy nhiên các thành tố của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì hầu như được Chính quyền Biden giữ nguyên vẹn, chỉ có khác nhau về cách tiếp cận và cách thức thực hiện.

    Nếu như Trump tìm cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, trong khi tạo sức ép liên tục đổi với các đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc... thì Biden lại khéo léo xây dựng liên minh mới, củng cố liên minh cũ, thiết lập "cách chơi" là trật tự dựa trên cơ sở luật lệ và luật pháp quốc tế để "trói" không chỉ địch thủ, mà cả đồng minh lẫn đối tác, trong đó Mỹ đóng vai người "cầm cương", lãnh đạo.

    Sự ra đời của AUKUS nằm trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên chiến lược an ninh, đối ngoại số 1 của mình là Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có việc củng cố các trụ cột của chiến lược đó là QUAD (Nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), quan hệ của Mỹ với 5 đồng minh trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia), quan hệ của Mỹ với ASEAN và các đối tác quan trọng như Indonesia, Việt Nam và Singapore...

    2. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại số 1 của Mỹ, vượt trên cả khu vực Trung Đông. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung bài phát biểu của Tổng thống Biden, cũng như trong Tuyên bố chung của 3 nước đánh dấu sự ra đời của Hiệp định Đối tác AUKUS.

    Và sự ra đời của AUKUS chính là nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách được đề ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Tổng thống Biden nhấn mạnh: 3 nước phải có đủ khả năng thích ứng với môi trường chiến lược khu vực hiện nay cũng như các thay đổi trong tương lai. Và tương lai của 3 nước cũng như tương lai của thế giới phụ thuộc vào sự trường tồn và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong những thập kỷ sắp tới.

    3. Lần đầu tiên chính quyền Biden đề cập chính thức và ở cấp cao các thứ bậc ưu tiên trong quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, các liên minh hay quan hệ trong khuôn khổ đa phương được xếp ở hàng đầu, trong đó AUKUS vừa ra đời nhưng được xếp ngay vị trí đầu tiên, tiếp đó là ASEAN rồi đến QUAD. Trong quan hệ song phương, quan hệ với 5 đồng minh quân sự lâu đời (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia) được xếp ở vị trí đầu tiên, tiếp đó là các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rồi mới đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, nhưng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    4. Có thể nói không quá lời, AUKUS chính là liên minh quân sự chính thức và đa phương đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái bình dương trong thế kỷ 21. Các liên minh quân sự ra đời trước đó ở khu vực là Hiệp định quân sự giữa 5 quốc gia FPDA, Five Powers Defense Agreement (gồm Anh, Australia, Brunei, Malaysia và Singapore), ra đời năm 1971, tức cách đây 50 năm. Và lần đầu tiên sau 67 năm kể từ khi tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) ra đời năm 1954, Mỹ mới khởi xướng và tham gia một liên minh quân sự đa phương mới ở khu vực.

    Đây là bước đi đầu tiên và có thể khởi đầu cho sự ra đời tiếp theo của các liên minh an ninh - quân sự bán chính thức hoặc chính thức ở khu vực trong tương lai. Tháng 8/2021, tức chỉ 1 tháng trước khi AUKUS ra đời, các quan chức cấp cao của Nhóm Bộ tứ (QUAD) đã lần đầu tiên họp và thảo luận về hợp tác an ninh biển. Điều này là chỉ dấu cho thấy hợp tác trong QUAD đang có sự chuyển hướng, nhấn mạnh nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh, đặc biệt là an ninh biển, trong hợp tác của mình.

    5. An ninh biển là điểm nhấn, là ưu tiên quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực, dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương hay trong khuôn khổ đa phương như QUAD, AUKUS trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

    Cả 3 thành viên AUKUS đều là các cường quốc biển, có lợi ích gắn bó với việc giao thương và đi lại tự do trên biển. Việc tăng cường hợp tác hải quân, một thành tố quan trọng của hợp tác an ninh biển, sẽ giúp cả ba nước Mỹ, Anh và Australia tăng cường sức mạnh tập thể để đối phó có hiệu quả hơn với các thách thức đến từ biển.

    Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Australia, một đất nước rộng lớn, có chiều dài gần 36.000 km bờ biển, tiếp giáp với hai đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có gần 80% dân số sống ở khu vực ven biển, trong khi Australia lại là quốc gia có tiềm lực hải quân yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất trong ba thành viên AUKUS.

    (Hết Phần I)

    Liên quan đến thỏa thuận mua tàu ngầm, Paris quyết định triệu hồi Đại sứ Pháp tại Canberra và Washington DC về nước



    Trong một động thái ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong quan hệ của Pháp với hai đồng minh thân cận là Mỹ và Australia, ngày 17/9 BNG Pháp quyết định triệu hồi Đại sứ của mình tại Canberra và Washington DC về nước để tham khảo ý kiến và chưa cho biết ngày hai Đại sứ này quay trở lại.

    Điều này cho thấy sự bực tức của Chính quyền Macron trước việc một thỏa thuận mua bán tàu ngầm đã được ký giữa Pháp và Australia, nhưng sau đó lại bị Canberra và Washington DC bắt tay nhau "lật ngược".

    Trong một bài xã luận, Le Monde, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp, cho biết: “Đối với bất kỳ ai còn nghi ngờ, Chính quyền Biden không khác gì Chính quyền Trump về điểm này: "Nước Mỹ trên hết", dù là trong lĩnh vực chiến lược, kinh tế, tài chính hay y tế. ‘Nước Mỹ trên hết’ là đường lối dẫn dắt chính sách đối ngoại của Nhà Trắng ”.

    Điều này gợi nhớ lại quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Mỹ trong giai đoạn 1966-67, tức 55 năm trở về trước. Nước Pháp của chính quyền Tổng thống De Gaulle khi đó quyết định rút nước Pháp khỏi cơ cấu quân sự của NATO - cơ cấu yêu cầu bắt buộc phải có một viên chỉ huy người Mỹ trong bất kỳ hành động quân sự nào của NATO. Tiếp đó, Pháp đã trục xuất tổng hành dinh và các đơn vị của NATO ra khỏi đất Pháp.

    Không có nhận xét nào