Header Ads

  • Breaking News

    11 tháng 9 năm 2001 - Khủng bố kinh hoàng: Truyền hình náo loạn, cả thế giới sốc nặng

    Cả thế giới sửng sốt bởi vụ tấn công đẫm máu chưa từng có vào nước Mỹ ngày 11/09/2001, sau khi Khalid Sheikh Mohammed đã trình bày kế hoạch tấn công khủng bố với tên trùm, khiến náo loạn gây cả thế giới sốc nặng.
    Khủng bố kinh hoàng: Truyền hình náo loạn, cả thế giới sốc nặng

    Tấn công khủng bố vào nước Mỹ là điều không dễ dàng, nhất là với những cuộc tấn công quy mô lớn như vụ 11/9/2001. Al Qaeda đã mất nhiều năm lên kế hoạch và chuẩn bị cho cuộc tấn công.

    Sự kiện ngày 11/9 cũng được xem là một thất bại của tình báo Mỹ, khi không thể ngăn chặn vụ tấn công, dù họ đã nắm bắt được thông tin về âm mưu khủng bố nhắm vào Mỹ và đồng minh.

    AI LÀ NGƯỜI LÊN KẾ HOẠCH?

    Khalid Sheikh Mohammed là cố vấn thân tín của trùm khủng bố Osama bin Laden, ông ta được xem là kiến trúc sư cho cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001. Ngoài ra, ông ta còn là người lên kế hoạch cho phần lớn các vụ tấn công khủng bố của al Qaeda trong vòng 20 năm trở lại đây.

    Theo hồ sơ thẩm vấn Mohammed mà AP tiếp cận được, năm 1996, Mohammed đến gặp bin Laden thuyết phục trùm khủng bố chi tiền và đưa cho ông ta những người giỏi nhất để cướp 10 máy bay ở Mỹ và lao vào mục tiêu.

    Kế hoạch ban đầu là chọn 5 mục tiêu ở Bờ Đông và 5 mục tiêu ở Bờ Tây, nhưng bin Laden hoài nghi tính khả thi của kế hoạch này.

    Trùm khủng bố vẫn còn chần chừ và chưa quyết định sẽ tấn công khủng bố vào nước Mỹ, vì bin Laden cho rằng kế hoạch này quá tham vọng và quá phức tạp.

    Cũng trong năm 1996, bin Laden phát hành lời kêu gọi quân đội Mỹ rút khỏi Saudi Arabia - một động thái mà trùm khủng bố cho rằng có thể kích thích tinh thần của người Hồi giáo chống lại Mỹ.

    Năm 1998, nhóm thánh chiến Hồi giáo Ai Cập đã tiến hành 2 vụ đánh bom liều chết cùng lúc vào Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Nairobi. Thành công của 2 vụ khủng bố này đã tiếp thêm động lực cho bin Laden trong kế hoạch tấn công nước Mỹ.

    QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ

    Khoảng cuối năm 1998 hoặc đầu năm 1999, bin Laden triệu tập Khalid Sheikh Mohammed đến Kandahar, Afghanistan và đồng ý cho ông ta tiến hành kế hoạch thu nhỏ cho vụ không tặc nhắm vào nước Mỹ.

    Cuộc gặp có Khalid Sheikh Mohammed, bin Laden và cấp phó của hắn là Mohammed Atef. Trong khi Mohammed muốn tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, bin Laden lại ưu tiên Nhà Trắng, Điện Capitol và Lầu Năm Góc, vì trùm khủng bố tin rằng điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ chính trị của chính phủ liên bang Mỹ.

    Bin Laden đề cử 4 nhân vật chủ chốt để thực hiện vụ không tặc gồm Nawaf al-Hazmi, Khalid al-Mihdhar, Walid Muhammad Salih Bin 'Attash (Khallad) và Abu Bara al-Taizi.

    Al-Hazmi và al-Mihdhar là công dân Saudi Arabia nên dễ dàng xin thị thực vào Mỹ, trong khi Khallad và al-Taizi là công dân Yemen nên rất khó xin thị thực vào Mỹ. 2 tên này được giao nhiệm vụ phụ trách âm mưu tấn công khủng bố ở châu Á.

    Ngoài ra, bin Laden còn triệu tập Mohammed Atta và những thành viên khác thuộc chi nhánh al Qaeda ở Humburg, Đức và giao cho Atta chỉ huy trực tiếp vụ tấn công.

    Theo những người từng tiếp xúc với Atta, hắn là một người sùng đạo, nhưng không quá cuồng tín. Nhưng sau hắn khi hành hương đến thánh địa Mecca năm 1995 và khi trở về Đức đã trở thành một kẻ cuồng tín.

    Năm 1999, nhóm do Atta lãnh đạo đã đến Afghanistan để bắt đầu quá trình huấn luyện. Sau nhiều lần tiếp xúc với bin Laden, hắn cam kết trung thành với trùm khủng bố và bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch tấn công khủng bố.

    Trong quá trình ở Afghanistan, những tên không tặc được đào tạo các kỹ năng biệt kích, cách hòa nhập vào xã hội Mỹ, nghiên cứu lịch trình của các hãng hàng không và cách sử dụng danh bạ điện thoại.

    Đầu năm 2000, nhóm không tặc của al Qaeda do Atta làm thủ lĩnh bắt đầu nhập cảnh vào Mỹ và tìm cách đăng ký khóa học phi công lái máy bay thương mại. Atta cùng 2 tên khủng bố khác đã đăng ký thành công vào Huffman Aviation - một trường đào tạo máy bay cỡ nhỏ ở Venice, Florida.

    Đến cuối tháng 2/2001, cả ba tên khủng bố đều rời Huffman Aviation và được cấp phép lái máy bay cỡ nhỏ. Đến tháng 7/2001, 19 tên không tặc từ các nơi khác đã nhập cảnh vào Mỹ để chuẩn bị cho vụ tấn công

    Khoảng ba tuần trước khi vụ tấn công xảy ra, các mục tiêu được giao cho 4 đội với các mật danh là Khoa Luật (Điện Capitol), Khoa Mỹ thuật (Lầu Năm Góc) và Khoa Quy hoạch đô thị (Trung tâm Thương mại Thế giới).

    Những tên khủng bố biết rằng việc ép phi công lái máy bay tự sát theo ý chúng là điều không thể, nên chúng đã học lái máy bay để tự thực hiện điều đó.

    Một số ý kiến cho rằng việc al Qaeda chọn ngày 11/9 để thực hiện vụ tấn công thực hiện vụ vì nó giống với số 911 - số điện thoại thông báo các trường hợp khẩn cấp ở Mỹ.

    Tuy nhiên, Lawrence Wright, biên tập viên kỳ cựu của tờ New York Times cho rằng, bin Laden chọn ngày 11/9, vì ngày 11/9/1683 vua Ba Lan bắt đầu mở chiến dịch đánh bại đội quân Hồi giáo của Đế chế Ottoman đang cố gắng đánh chiếm Vienna.

    Đối với bin Laden đây là ngày mà phương Tây giành được thắng lợi đối với sự thống trị của Hồi giáo, bằng cách tấn công vào ngày này, trùm khủng bố hy vọng sẽ tạo ra một chiến thắng cho Hồi giáo, trong cuộc chiến giành quyền lực và ảnh hưởng trên toàn thế giới.

    19 tên không tặc trên các máy bay đã chết, trùm khủng bố bin Laden cũng đã chết sau cuộc đột kích của Mỹ năm 2011, trong khi đó, kiến trúc sư cho vụ tấn công Khalid Shaikh Mohammed vẫn đang bị giam tại nhà tù ở vịnh Guantanamo, chờ ngày xét xử.

    TOÀN CẢNH VỤ TẤN CÔNG KHỦNG BỐ 11/9

    19 tên không tặc đã cướp 4 máy bay thương mại, 2 chiếc lao vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, một chiếc lao vào Lầu Năm Góc và chiếc còn lại rơi trên cánh đồng.

    Sau nhiều năm lập kế hoạch, sáng sớm ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố bắt đầu triển khai kế hoạch tấn công. Chúng chia thành 4 nhóm nhỏ, 3 nhóm 5 tên và một nhóm 4 tên lên 4 chuyến bay từ 3 địa điểm khác nhau.

    Chúng đã chọn những chiếc máy bay cỡ lớn và có hành trình dài để cướp, vì những máy bay này phải bơm đầy nhiên liệu cho chuyến bay dài, từ đó trở thành quả bom hoàn hảo.

    Trung tâm Thương mại Thế giới

    Lúc 8h45 (giờ New York) ngày 11/9/2001, chiếc máy bay thương mại Boeing 767 của hãng American Airlines chở theo 20.000 gallon (khoảng 75.000 lít) nhiên liệu phản lực đã đâm vào tháp phía bắc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTO).

    Cú va chạm tạo ra một lỗ thủng lớn và đám cháy dữ dội ở tầng 80 của tòa tháp cao 110 tầng. Cú đâm máy bay ngay lập tức khiến hàng trăm người thiệt mạng, và hàng trăm người khác kẹt ở những tầng cao hơn.

    Việc sơ tán toàn bộ người ra khỏi tòa tháp đôi được triển khai ngay lập tức. Các phóng viên đưa tin tại hiện trường ban đầu nghĩ rằng đây là một vụ tai nạn kinh hoàng.

    18 phút sau, chiếc Boeing 767 thứ 2 xuất hiện trên bầu trời rồi đột ngột quay ngoặt về phía WTO và đâm thẳng vào tòa tháp phía nam ở tầng 60. Vụ va chạm gây ra vụ nổ lớn, lúc này người ta mới chợt nhận ra nước Mỹ đang bị tấn công.

    Hai tòa tháp cao 110 tầng đã sụp đổ khoảng 1 giờ 42 phút sau khi bị máy bay đâm vào, phá hủy toàn bộ kết cấu các tòa nhà trong khuôn viên WTO và làm hư hại đáng kể với các tòa nhà xung quanh.

    Vụ tấn công ở WTO khiến 2.763 người thiệt mạng, bao gồm 343 lính cứu hỏa và nhân viên y tế, 23 cảnh sát thành phố New York và 37 nhân viên an ninh của WTO.

    Lầu Năm Góc

    Khi hàng triệu người đang chăm chú theo dõi các sự kiện đang diễn ra ở New York, chiếc máy bay thứ 3 của American Airlines bay vòng qua trung tâm Washington trước khi lao vào phía tây của Lầu Năm Góc lúc 9h45.

    Cú va chạm từ chiếc máy bay Boeing 757 gây ra vụ cháy nghiêm trọng và làm sập một phần cấu trúc tòa nhà trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ.

    Chiếc máy bay đường như đã không lao xuống đúng vị trí mà những tên không tặc mong muốn, khi chỉ làm hư hại một phần của Lầu Năm Góc, chứ không phá hủy được tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới này.

    Vụ tấn công khiến 125 quân nhân và thường dân thiệt mạng, cùng với tất cả 64 hành khách, không bao gồm 5 tên khủng bố trên máy bay.

    Chiếc máy bay thứ 4

    Chiếc máy bay thứ 4 của hãng United Airlines xuất phát từ California đã bị cướp sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Newark Liberty ở New Jersey. Do chuyến bay cất cánh muộn hơn so với lịch trình, nên hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đã biết về vụ khủng bố ở New York.

    Những hành khách trên máy bay biết chắc rằng máy bay sẽ không quay về sân bay như những kẻ không tặc tuyên bố mà sẽ đâm vào một mục tiêu nào đó, một nhóm hành khách và tiếp viên hàng không quyết định nổi dậy.

    Nhóm hành khách đã chiến đấu với 4 tên khủng bố, không cho chúng đạt được mục đích, vì đằng nào họ cũng khó mà sống sót. Sau một hồi vật lộn chiếc máy bay mất kiểm soát và lao xuống một cánh đồng Shanksville ở miền tây Pennsylvania.

    44 người trên máy bay, không bao gồm 4 tên không tặc đã thiệt mạng. Cuộc nổi dậy của nhóm hành khách và sự hy sinh anh dũng của họ đã cứu nước Mỹ một thảm kịch khác có thể còn lớn hơn.

    Người ta không biết chắc mục tiêu của chiếc máy bay thứ 4 là ở đâu, nhưng một số nhà phân tích dự đoán nó có thể được lên kế hoạch tấn công Nhà Trắng, Điện Capitol, hoặc Trại David.

    Một số nhà phân tích tin rằng Điện Capitol là mục tiêu của chiếc máy bay thứ 4. Trước đó, Mohamed Atta - chỉ huy nhóm không tặc và Khalid Sheikh Mohammed - kiến trúc sư của vụ tấn công đều tin rằng Nhà Trắng là mục tiêu quá khó đối với chúng.

    Nhà Trắng được trang bị hệ thống vũ khí chống máy bay, chiếc máy bay có thể bị bắn hạ trước khi đạt tới mục tiêu. Điện Capitol có thể là mục tiêu dễ thở hơn đối với một vụ không tặc.

    Cũng có thông tin cho rằng ban đầu Khalid Sheikh Mohammed muốn tấn công khủng bố vào nhà máy điện hạt nhân ở Bờ Đông, nhưng sau đó chúng đã hủy ý tưởng này vì sợ mọi thứ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát với vụ rò rỉ phóng xạ.

    Không có nhận xét nào