Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lê – Mấy ý kiến về một vài chi tiết lịch sử

    Những ngày qua, trên một trang Facebook thân hữu, có người đặt ra và thảo luận về danh xưng Đại Việt của nước ta vào thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là vào thời này, đất Đại Việt kéo dài đến đâu, vùng Đàng Trong có được kể là đất Đại Việt không? Mình không tham gia vào cuộc thảo luận vì đó là vấn đề khó đạt đến một sự đồng thuận tuyệt đối, mỗi người có cách suy nghĩ và lập luận của riêng mình, mặt khác các luận điểm nêu ra sẽ vượt quá khuôn khổ của một bình luận trên diễn đàn. Song, có 2 bạn gửi tin nhắn và đề nghị mình trình bày suy nghĩ về chuyện Đàng Ngoài, Đàng Trong và quốc hiệu Đại Việt, vậy xin có vài ý kiến sau:

    Nguyễn Lê – Mấy ý kiến về một vài chi tiết lịch sử

    1) VỀ DANH XƯNG ĐẠI VIỆT – Có một số chi tiết lịch sử cần được lưu ý:

    - Năm 1558, sau khi được anh rể là Trịnh Kiểm chấp thuận lời xin, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa với tư cách một trong 13 viên trấn thủ của 13 xứ thừa tuyên (như trấn và tỉnh sau này) trải dài trên cả nước lúc bấy giờ.

    Vào thời điểm đó, Trấn Quận công Bùi Tá Hán (có tài liệu chép là Trấn Quốc công) đang làm Trấn thủ xứ Quảng Nam, danh phận ngang với Nguyễn Hoàng. Phải 12 năm sau khi họ Bùi qua đời (1558-1570), Nguyễn Hoàng mới được Trịnh Kiểm cho kiêm nhiệm cả xứ Quảng Nam.

    Dù thế nào thì về mặt chính danh, đối với triều đình nhà Lê, Nguyễn Hoàng và con cháu ông, cho đến đời chúa Nguyễn cuối cùng, cũng chỉ là những quan chức trấn nhậm một vùng đất phía Nam, dưới sự lãnh đạo chung của triều đình nhà Lê

    - Cũng về chính danh, cho đến cuối đời Lê (1788), danh phận các quan chức mà chính sử triều Nguyễn về sau gọi là “chúa Nguyễn” cũng không sánh được với các chúa Trịnh. Kể từ thời Bình An vương Trịnh Tùng trở đi (1599), các chúa Trịnh đều được phong tước vương theo kiểu cha truyền con nối, trong khi đó, các chúa Nguyễn chỉ được phong tước Quận công, nhiều lắm là Quốc công, chỉ ngang với hầu hết các quan Trấn thủ khác trong nước.

    - Bản thân các chúa Nguyễn trước thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, cũng tự xem mình như thế. Trong các văn thư, giấy tờ, họ chỉ xưng tước Thái phó Quốc công, chức Tổng trấn Tướng quân, không xưng vương, xưng chúa bao giờ (Đại Nam Thực Lục – quyển 1 – NXB Giáo Dục – Hà Nội 2002, trang 150).

    Riêng năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quốc ấn có nội dung “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, và đây có lẽ là lần đầu tiên, từ chúa được chính thức ghi trong một quốc bảo. Song việc cũng chỉ có thế, Nguyễn Phúc Chu cũng chưa từng lên ngôi vương bao giờ.

    - Mãi đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát mới lần đầu tiên chính thức xưng vương hiệu (Võ vương), đặt để các qui định theo lề lối của vương triều. Song cho đến lúc đó, và mãi đến đầu triều Nguyễn (1802), các giấy tờ chính thức của các chúa Nguyễn vẫn sử dụng niên hiệu của vua Lê (Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng). Điều đó cho thấy rằng dẫu xưng vương, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát cũng chỉ xem mình là thần tử của vua Lê, trên danh nghĩa là hoàng đế, và chỉ tự xếp mình ngang hàng với chúa Trịnh mà thôi.

    Với những thực tế lịch sử trên, đặc biệt với việc chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, có thể xác định trong suốt thời kỳ xung đột giữa quân triều đình và quân của các chúa Nguyễn, cả đất nước lúc bấy giờ chỉ có một danh xưng Đại Việt, không có quốc hiệu nào khác.. Các chúa Nguyễn sau này có mở rộng bờ cõi đến đất Hà Tiên thì cũng chỉ với tư cách những thần tử của nhà Lê mà thôi.

    Điều rõ ràng nhất là khi niên hiệu (của vua Lê) được sử dụng thống nhất trong cả nước thì quốc hiệu cũng là quốc hiệu chung của cả nước.

    2) VỀ CÁCH GỌI ĐÀNG TRONG VÀ ĐÀNG NGOÀI -

    Trong chính sử, dù là của Đại Việt Sử ký Toàn thư thuộc nhà Lê, hay của Đại Nam Thực lục thuộc nhà Nguyễn, ta không đọc thấy hai cụm từ “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài”. Được biết từ “Đàng Ngoài” xuất hiện lần đầu tiên trong quyển Từ điển Việt Bồ La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1651. Cũng có thể hai từ này đã xuất hiện trong hai quyển từ điển Việt-Bồ- La của giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Bồ-Việt của giáo sĩ Antonio Barbosa ra đời vào đầu thập niên 1630, mà de Rhodes đã dựa một phần vào đó để soạn thảo quyển từ điển của ông, song vì hai quyển từ điển trên đã không còn dấu vết nên tạm thời xem hai từ “Đàng Ngoài” xuất hiện lần đầu trong quyển từ điển của de Rhodes.

    Tuy nhiên, hai từ này đã được de Rhodes định nghĩa khác với cách hiểu của các nhà viết sử vào các thế kỷ 19-20 và chúng ta ngày nay. Từ Đàng Ngoài do de Rhodes định nghĩa đã được tổ phiên dịch của Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM dịch như sau:

    “ĐÀNG NGOÀI: 4 tỉnh chung quanh thủ đô Đông Kinh. Đàng tlao (sic):Những tỉnh còn lại từ nước Đông kinh cho tới vương quốc Champa. Đàng tlên: Những tỉnh ở rừng núi (NXB Khoa học Xã hội 1991- phần 2, trang 83).

    Trong từ điển của de Rhodes, từ tl đọc là tr, ví dụ tle là “tre”, như vậy, có thể tạm hiểu “Đàng tlao” là “Đàng Trong” chăng? cũng như “Đàng Tlên” là “Đàng Trên”, nhằm chỉ các địa phương thuộc Tây nguyên ngày nay. Từ “tỉnh”, tổ phiên dịch đã dịch từ chữ “Prouincias” trong bản gốc từ điển của de Rhodes (Sđd, phần I, trang 201), chứ trên thực tế, từ này chỉ xuất hiện lần đầu vào đầu thập niên 1830, dưới thời vua Minh Mạng. Mặt khác, Đàng Ngoài trong từ điển của de Rhodes chỉ gồm có 4 “tỉnh”, tạm hiểu là 4 xứ, trong khi theo cách hiểu về sau, Đàng Ngoài bao gồm đến 11 xứ phía Bắc.

    Vì thế, dù hiểu thế nào thì định nghĩa chữ “Đàng Ngoài” của Alexandre de Rhodes cũng khác xa với cách hiểu và sử dụng hai cụm từ “”Đàng Ngoài” và “Đàng Trong” sau ông, nhằm chỉ hai vùng đất rộng lớn nằm hai bên con sông Gianh ở Quảng Bình.

    Như vậy, hầu như chưa có cơ sở rõ ràng để khẳng định rằng hai cụm từ trên xuất hiện lần đầu tiên vào thời điểm nào, do ai đặt ra trong lịch sử Việt Nam. Nếu cần suy diễn thì có thể suy diễn rằng trong ngôn ngữ hay trong cách viết của các nhà chép sử từ các thế kỷ 19-20, người ta đã từ cụm từ Đàng Ngoài xuất hiện lần đầu tiên năm 1651, trong từ điển của de Rhodes, để đặt ra cách gọi cho hai vùng đất của hai thế lực đang xung đột với nhau vào các thế kỷ 17-18 cho dễ hiểu.

    Mặt khác, khi viết về lịch sử thời kỳ phân tranh, các cây bút phương Tây (thương nhân, giáo sĩ, nhà nghiên cứu) đã dùng từ “Tonkin” để chỉ vùng đất phía Bắc sông Gianh do triều đình Lê-Trịnh kiểm soát và từ “Cochinchine” để chỉ vùng đất phía Nam sông Gianh do các chúa Nguyễn nắm giữ, và dựa vào đó mà các nhà viết sử người Việt về sau đã dịch thành hai cụm từ Đàng Ngoài và Đàng Trong chăng?

    Hi vọng các bạn yêu sử hay các nhà nghiên cứu tìm ra được một chứng cứ nào rõ ràng hơn về nguồn gốc hai cụm từ này.

    3) NHÀ TÂY SƠN CÓ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC KHÔNG?

    Cho rằng nhà Tây Sơn đã thống nhất đất nước là luận điểm của các sử gia XHCN để bằng mọi cách đề cao công trạng của phong trào này– một phong trào được họ xem là tiền thân hay biểu tượng “áo vải cờ đào” của phong trào CS vào thế kỷ 20. Thậm chí chiến thắng của hoàng đế Quang Trung trước mấy vạn quân Thanh kéo sang Thăng Long để diễu võ giương oai nhằm đưa vua Lê Chiêu Thống trở lại ngai vàng cũng đã vinh quang lắm rồi, song họ còn cố tình thổi phồng số quân Thanh lên mấy chục vạn để chiến thắng đó vĩ đại hơn nữa!

    Chắc mọi người chúng ta đều đồng ý với nhau rằng điều kiện tiên quyết để được xem là thống nhất đất nước là phải làm chủ toàn bộ đất nước. Nói khác đi, không thể gọi là thống nhất đất nước khi vào bất cứ thời điểm nào, vẫn còn có một vùng đất nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

    Như vậy, câu hỏi được đặt ra là nhà Tây Sơn đã có bao giờ làm chủ toàn bộ đất nước không?

    Họ tiến quân ra Bắc, mượn danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” để tiêu diệt chúa Trịnh vào năm 1786, song không thể lấy đó làm mốc thống nhất đất nước được, vì từ đó đến hết năm 1788, nhà Lê vẫn còn tồn tại, nghĩa là vẫn còn làm chủ - trên danh nghĩa là toàn bộ đất nước, còn trên thực tế thì ít nhất cũng từ Nghệ An trở ra. Còn nếu lấy năm 1789 là năm vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế, đánh tan quân Thanh, đồng thời chính thức xóa sổ nhà Lê, thì cũng không thể cho rằng ông đã thống nhất đất nước, vì từ tháng 7 âm lịch năm 1788, tức trước đó nửa năm, chúa Nguyễn Ánh đã làm chủ trọn vùng đất Gia Định và đang chuẩn bị tiến quân ra phía Bắc!

    Vậy thì, đã có thời điểm nào nhà Tây Sơn làm chủ trọn đất nước, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên để gọi là thống nhất đất nước không? Hỏi tức là trả lời vậy.

    4) VỀ MỘT VÀI NGỘ NHẬN LIÊN QUAN ĐẾN CHÚA NGUYỄN ÁNH-VUA GIA LONG

    Ngộ nhận về các chi tiết lịch sử liên quan đến chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long tập trung chủ yếu vào năm 1802, khi nhà Tây Sơn đã bị tiêu diệt hoàn toàn, một chương mới trong lịch sử nhà Nguyễn được mở ra. Có hai ngộ nhận chính:

    1) Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long

    2) Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long

    Thực tế lịch sử cho thấy sau khi Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương bị nhà Tây Sơn hạ sát vào năm 1777, năm 1778, Nguyễn Ánh đã được quần thần tôn xưng là Đại Nguyên súy Nhiếp quốc chính để kế tục sự nghiệp của tổ tiên.

    Đầu năm 1780, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi vương, “dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo …, nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê …” (Đại Nam thực lục – quyển I – sđd, trang 208). Từ thời điểm này, các nhà chép sử gọi ông là “chúa Nguyễn” hay “Nguyễn vương”.

    Như vậy, vào năm 1802, khi chính thức thống nhất đất nước, chúa Nguyễn Ánh đã là vua từ năm 1780 rồi, không có chuyện lên ngôi vua nữa, càng không có chuyện lên ngôi hoàng đế. Trong năm này, ông chỉ thực hiện một việc duy nhất, đó là bãi bỏ niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê (vua Lê Hiển Tông, đã thăng hà từ năm 1786) và lấy niên hiệu mới là Gia Long mà thôi (Đại Nam thực lục – quyển I – sđd, trang 491).

    Năm 1804, sứ thần Tề Bố Sâm của nhà Thanh sang đọc chiếu chỉ của hoàng đế nhà Thanh phong vương cho vua Gia Long và đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam.

    Viết về buổi lễ tiếp sứ thần nhà Thanh, chính sử cũng cho thấy chỉ nhằm ban quốc hiệu Việt Nam và phong vương cho vua Gia Long, không chép rõ là phong “Việt Nam quốc vương” nữa, thế mà có một số trang mạng chép ý như thật là nhà Thanh phong Gia Long làm “Nam Việt quốc vương”, thật không có gì đáng tiếc cho bằng!

    Hai năm sau (1806), vua Gia Long mới chính thức làm lễ lên ngôi hoàng đế. Tất nhiên điều này không có sự chấp thuận của Thanh triều, song dù có biết, họ cũng lờ đi như với các triều vua trước.

    Riêng về danh hiệu “Gia Long”, khi đề cập đến sự kiện đổi niên hiệu vào năm 1802, sách Đại Nam thực lục không hề có một dòng nào giải thích về ý nghĩa của chúng. Đáng tiếc là sau này, nhất là gần đây, có những suy diễn được công bố y như thật, trong đó suy diễn đáng ngờ nhất là cách giải thích hai từ Gia Long xuất phát từ hai cụm từ Gia Định và Thăng Long (!!!).

    Trong khi ở sách lịch sử chính thống, hay ít nhất các nguồn sử liệu có giá trị đương thời, không thấy có giải thích nào về chúng, thì mọi suy diễn cũng chỉ để …nghe chơi thôi. Có điều xin chớ để người đọc ngộ nhận sự suy diễn của mình là một thực tế lịch sử, như thế sẽ có hại cho kiến thức của cộng đồng, và có tội với tiền nhân.

    CÙNG CÁC BẠN: Các chi tiết lịch sử trên dễ dẫn đến ngộ nhận, thậm chí đang bị ngộ nhận, được người viết nêu lên với những cứ liệu cụ thể nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Tất nhiên, với những vấn đề đang có nhiều bất đồng, mọi đóng góp ý kiến dựa vào chứng cứ, sử liệu rõ ràng đều được hoan nghênh. Song với những bình luận vô căn cứ, chỉ nhằm chỉ trích suông, khích bác nhau, hay làm thương tổn người khác ý kiến với mình, người điều hành diễn đàn này buộc lòng phải có cách giải quyết phù hợp để giữ vững tính hiếu hòa và tinh thần tôn trọng lẫn nhau vốn là chủ trương chung bấy lâu nay của tất cả chúng ta.

    Không có nhận xét nào