Header Ads

  • Breaking News

    Remarks by President Biden Before the 76th Session of the United Nations General Assembly

     September 21, 2021 • Speeches and Remarks

    United Nations Headquarters
    New York, New York

    Nguyên văn đọc tại đây: Tòa Bạch Ốc

     


    10 điểm rút ra từ phát biểu của Tổng thống Biden trước Đại hội đồng Liên hợp Quốc ngày 21/9/2021

    Bắt đầu từ ngày 21/9, nguyên thủ của một loạt quốc gia đổ về New York (Mỹ) để tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp Quốc - một hoạt động quốc tế quan trọng nhất trong năm.

    Một trong những bài phát biểu được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất, và phòng họp lớn của Đại hội đồng cũng chật kín người nghe là bài phát biểu trong ngày khai mạc của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    Phát biểu của Tổng thống Joe Biden khá dài. Sau đây xin nhấn 10 điểm nổi bật nhất:

    1. Chủ đề xuyên suốt bài diễn văn là Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World) và cách thức chính quyền Biden và nước Mỹ sẽ theo đuổi trong hơn 3 năm còn lại của nhiệm kỳ Biden cũng như đặt nền tảng cho nước Mỹ trong những năm tiếp theo.

    2. Thông điệp của Biden là "Nước Mỹ đã quay trở lại với cộng đồng thế giới". Nước Mỹ dưới chính quyền Biden dứt khoát từ bỏ, không theo đuổi chính sách nước Mỹ trên hết của chính quyền CH tiền nhiệm và Biden không phải Trump.

    3. Tầm nhìn của nước Mỹ về thế giới hiện nay đã khác trước. Mỹ sẵn sàng bỏ lại các vấn đề của quá khứ (như cuộc chiến Afghanistan, dùng quân sự để giải quyết mâu thuẫn hay các vấn đề toàn cầu) mà sẵn sàng nhìn về tương lai. Để làm việc này, Mỹ bắt tay cùng các quốc gia đối phó với các thách thức chung như đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch, cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu, sự phát triển bất bình đẳng giữa các quốc gia...

    4. Biden cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa, vận mệnh của tất cả các nước trên thế giới gắn chặt với nhau và không nước nào cô đủ khả năng để giải quyết các thách thức toàn cầu. Do đó, các nước cần dẹp bỏ các khác biệt và cùng nhau hợp tác để xây dựng ngôi nhà chung, đối phó với các thách thức toàn cầu.

    5. Nước Mỹ sẽ sử dụng chủ yếu công cụ ngoại giao và sức mạnh mềm (kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật...) để hợp tác cùng các nước khác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ an ninh, phát triển đến biển đối khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng.

    Nước Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của mình, nhưng sức mạnh quân sự của Mỹ chỉ được sử dụng như biện pháp cuối cùng khi các công cụ ngoại giao và quyền lực mềm thất bại.

    6. Biden khẳng định Mỹ sẽ không phát động một cuộc Chiến tranh lạnh mới trên phạm vi toàn cầu. Đây là cách đề cập gián tiếp, tránh đụng chạm đến Trung Quốc hay Nga. Hàm ý của chính quyền Biden là lôi kéo Nga và Trung Quốc can dự có tính xây dựng vào việc xây dựng một trật tự toàn cầu mới, dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế, và tất nhiên dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

    Chắc chắn đây là điều Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, sẽ không thể chấp nhận. Do đó, xuyên suốt cả bài phát biểu của Biden đều mang hàm ý so sánh cách làm, cách thực hiện mục tiêu đối ngoại của Mỹ là hay hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn so với cách làm của đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc.

    7. Nhân quyền và các giá trị dân chủ vừa là mục tiêu Mỹ theo đuổi, vừa là công cụ của chính sách đối ngoại Mỹ. Chính quyền Biden sẽ sử dụng công cụ này mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ xây dựng liên minh với các đồng minh, đối tác chia sẻ các giá trị chung về dân chủ và nhân quyền để thực hiện các mục tiêu đối ngoại.

    8. Chống biến đổi khí hậu (đặc biệt là giảm khí phát thải CO2 - nguyên nhân chính làm khí hậu trái đất nóng lên), phát triển xanh, xử lý hài hòa câu chuyện phát triển và môi trường... là các ưu tiên quan trọng của chính quyền Biden. Để "nêu gương", ở trong nước, Chính quyền Biden sẽ tích cực vận động Quốc hội và người dân ủng hộ gói kích thích kinh tế lớn trị giá 4.000 tỷ USD để xây dựng nền tảng và hạ tầng xanh để nước Mỹ chuyển đổi và hướng tới tương lai.

    9. Chính quyền Biden là chính quyền hành động, chứ không phải nói suông. Khi nêu các ưu tiên chống Covid-19 hay chống biển đối khí hậu, Mỹ luôn có sáng kiến và nguồn lực hỗ trợ đi kèm.

    Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, Chính quyền Biden cam kết bỏ 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển. Trong việc chống Covid-19, mục tiêu của Chính quyền Biden là vaccine phải đến được với mọi người dân trên thế giới. Mỹ đã đổ 15 tỷ USD vào nỗ lực chống Covid-19 trên toàn cầu, cam kết đóng góp 500 triệu liều vắc xin trong khuôn khổ COVAX. Và ngay ngày 22/9, tức sau khi Đại hội đồng LHQ khai mạc 1 ngày, Mỹ sẽ chính thức khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh chống Covid-19 toàn cầu (Global 19 - Covid-19 Summit) để đi đầu, vận động các quốc gia chống lại thách thức toàn cầu này.

    10. Mỹ coi trọng các cơ chế đa phương và sẽ sử dụng các cơ chế đa phương để thúc đẩy tự do, dân chủ và thịnh vượng. Các cơ chế đa phương mà Chính quyền Biden nhấn mạnh là các cơ chế Liên hợp Quốc, các đồng minh truyền thống trong NATO, EU, Liên minh Châu Phi, Tổ chức các nước châu Mỹ, ASEAN, Nhóm Bộ tứ, Liên minh toàn cầu về vắc-xin (GAVI)...

    P/S: Ngay khi Tổng thống Biden phát biểu xong, một số nhà bình luận cho rằng về thực chất nước Mỹ của chính quyền Biden vẫn đặt ưu tiên, lợi ích của Mỹ lên cao nhất. Tuy nhiên, cách tiếp cận và xử lý vấn đề của chính quyền Biden hiện khác so với chính quyền tiền nhiệm, đó là thiên về can dự thông qua các cơ chế đa phương và sử dụng công cụ quyền lực mềm. Đây không hẳn là tầm nhìn mới, mà trước đó các chính quyền Dân chủ tiền nhiệm như Bill Clinton và Obama đã làm. Điều quan trọng khi đánh giá một chiến lược, một tầm nhìn mới không phải ở bước đi, cách làm, mà ở kết quả cuối cùng./.

    FB Hoàng Anh Tuấn

     

     

    Không có nhận xét nào