Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc cam kết ngừng tài trợ các dự án điện than ở nước ngoài

      Xi Jinping _ UN

    Ông Tập Cận Bình phản bác quan điểm của Mỹ về dân chủ đối kháng với chuyên chế, và cam kết ngừng xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thường niên thứ 76, chiều 21 tháng Chín 2021. Ảnh Spencer Platt/Getty Images.

    Trong bài phát biểu được ghi hình trước gửi đến Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành nhiều thời gian để phản bác quan điểm của Mỹ mô tả chính phủ của ông là độc tài, cướp bóc và bành trướng, khẳng định Trung Quốc ủng hộ sự phát triển hòa bình cho tất cả các dân tộc và dân chủ “không phải là đặc quyền dành riêng cho một quốc gia.”

    Bài phát biểu của ông Tập được phát trước Đại Hội Đồng chiều nay thứ Ba 21 tháng Chín, vài giờ sau khi Tổng thống Biden phát biểu trực tiếp tại hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo 193 quốc gia của thế giới. Ông Biden củng cố quan điểm rằng thế giới đang phải lựa chọn giữa các quyền tự do dân chủ và mô hình chuyên chế, hàm ý nói tới chế độ toàn trị của đảng cộng sản Trung Quốc. “Tương lai thuộc về những người mang lại cho người dân của họ khả năng hít thở tự do chứ không phải những người tìm cách bóp nghẹt người dân của họ bằng một chủ nghĩa độc đoán bàn tay sắt. Những kẻ độc đoán trên thế giới tuyên bố thời đại dân chủ đã kết thúc, nhưng họ đã sai,” ông Biden nói.

    Cuộc cạnh tranh gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres mô tả là mối quan hệ bất thường giữa hai cường quốc thống trị thế giới, có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

    Ông Tập cũng bày tỏ sự tức giận của Trung Quốc trước việc Mỹ ký kết một hiệp ước an ninh mới với Úc và giúp Úc có được các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo công nghệ của Mỹ. Thỏa thuận đó đã khiến Pháp phẫn nộ và cũng đặt ra một thách thức quân sự mới đối với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

    Ông Tập nói, tranh chấp giữa các quốc gia “khó có thể tránh khỏi, cần được xử lý thông qua đối thoại và hợp tác trên cơ sở chất lượng và tôn trọng lẫn nhau”.

    Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc đã gia tăng dưới thời Tổng thống Biden khi chính quyền Mỹ tìm cách tăng cường vai trò của Hoa Kỳ trong tổ chức toàn cầu này sau bốn năm suy giảm dưới thời Tổng thống Donald J. Trump.

    ***

    Trong một thông tin có phần tích cực, ông Tập nói trước Liên Hiệp Quốc rằng nước ông sẽ ngừng thúc đẩy sự phát triển các dự án nhà máy điện than – loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới – ở nước ngoài, một bước quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu: “Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc phát triển năng lượng xanh và ít khí thải, và sẽ không xây dựng các dự án nhà máy điện chạy bằng than ở nước ngoài,” ông Tập nói, tuy vậy, không có nhiều chi tiết được tiết lộ.

    Trung Quốc hiện đang là nước phát ra lượng khí thải lớn nhất, là nhà sản xuất than lớn nhất và cho đến nay là nhà đầu tư lớn nhất vào các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, với tổng sản lượng điện than lên tới 40 gigawatt. Một trong những chính sách quan trọng của Trung Quốc là xuất cảng sang các nước kém phát triển các nhà máy điện than đã lỗi thời và không còn đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường của Trung Quốc.

    Các dự án nhiệt điện than của Trung Quốc đã vấp phải sự cản trở đáng kể của các nhóm xã hội dân sự ở các nước nghèo Bangladesh, Kenya và Việt Nam. 

    Trung Quốc cũng đang bị áp lực lớn về ngoại giao, yêu cầu nước này chấm dứt việc tài trợ các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, vì nó cản trở nỗ lực của thế giới đạt tới mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 về cắt giảm việc phát ra khí thải làm trái đất nóng lên. Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng việc giúp xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài. 

    Nhưng ông Tập không nói gì về các nhà máy điện than của Trung Quốc. Nước này đang xây dựng mạng lưới nhà máy nhiệt điện than lớn nhất trong biên giới của mình, và phần lớn điện của nước này vẫn sinh ra từ than đá. Ông Tập cũng không đưa ra cam kết mới nào trong việc giảm phát thải mà chỉ nhắc lại những cam kết năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ phát thải cao nhất trước năm 2030 và trở thành nền kinh tế không phát thải (carbon neutrality) vào năm 2060 – cam kết mà nhiều chuyên gia cho rằng không đủ tham vọng.

    Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc đốt than là nguồn phát thải carbon dioxide (CO2) lớn nhất, và sau đợt đại dịch nhu cầu về than sẽ tăng 4,5% trong năm nay, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao.

    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi tạm hoãn việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trong mọi bài phát biểu toàn cầu về biến đổi khí hậu.

    Trên toàn thế giới chi tiêu cho các dự án điện than đã giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2019. Và trong 20 năm qua, số nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động thì nhiều hơn số nhà máy mới xây dựng.

    Sài Gòn Nhỏ News


    Không có nhận xét nào