Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 18 tháng 9 năm 2021

    Các cố vấn của Cơ quan Quản trị Dược phẩm-Thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 17/9 biểu quyết khuyến nghị tiêm mũi vaccine COVID tăng cường cho người trên 65 tuổi và những ai có nguy cơ cao bị bệnh nặng, sau khi phản đối việc tiêm tăng cường cho dân chúng đại trà.

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 18 tháng 9 năm 2021

    Toà Bạch Ốc đã loan báo sẵn sàng cho triển khai tiêm vaccine tăng cường vào tuần tới một khi giới hữu trách y tế chấp thuận việc này.

    FDA dự kiến sẽ sớm ra quyết định về vòng tiêm chủng tăng cường. Quyết định của FDA không bị ràng buộc bởi khuyến nghị của uỷ ban cố vấn nhưng các khuyến nghị đó sẽ được cân nhắc.

    Ủy ban Cố vấn Vaccine và Các sinh phẩm liên quan của FDA từ chối khuyến nghị tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba cho bất cứ ai trên 16 tuổi đã nhận mũi tiêm thứ nhì trước đó ít nhất nửa năm. Họ muốn có thêm dữ liệu an toàn, đặc biệt liên quan tới nguy cơ viêm cơ tim nơi người trẻ sau khi tiêm chủng.

    Ủy ban chấp thuận với tỷ lệ phiếu áp đảo, đồng ý khuyến nghị mũi tiêm thứ ba nơi người cao niên và có nguy cơ cao vì bằng chứng cho thấy họ có rủi ro bị COVID nặng và có nhiều khả năng bị mai một miễn dịch sau các vòng tiêm đầu.

    Các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ sẽ họp vào ngày 22-23/9 để thảo luận các khuyến nghị thêm xem ai cần mũi tiêm tăng cường.

    Mỹ định mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer để tặng thế giới

    Mỹ có kế hoạch mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer để hiến tặng cho thế giới, tờ Washington Post loan tin ngày 17/9 dựa vào hai nguồn thạo tin ẩn danh.

    Kế hoạch này sẽ được loan báo công khai đầu tuần tới trùng hợp với thời gian diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, theo nguồn tin này.

    Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến dịch tiêm chủng toàn cầu như một phương cách đánh bại virus và Mỹ dự trù tổ chức một hội nghị thượng đỉnh COVID-19 trực tuyến bên lề cuộc họp của Đại hội đồng.

    Hoa kỳ đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ các mục tiêu chấm dứt đại dịch COVID-19, bao gồm đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào năm sau, theo một dự thảo tài liệu của Mỹ mà Reuters trông thấy.

    Chi tiết của thỏa thận mua vaccine vừa kể chưa được chung quyết, tờ Washington Post nói.

    Chưa có bình luận tức thì của Tòa Bạch Ốc và Pfizer về tin này.

    Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine của Cuba

    Hôm thứ Sáu 17/9 Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine Abdala của Cuba cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid.

    Vaccine Abdala sản xuất tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA; được bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB), Cuba.

    Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị phê duyệt vaccine này.

    Vaccine Abdala mỗi liều 0.5 ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của nCoV, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.

    Cuối tháng 8, Cuba hứa cung ứng lượng lớn vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Tập đoàn dược phẩm sinh học quốc gia Cuba (BioCubaFarma) hồi cuối tháng 6 thông báo vaccine Covid-19 tiêm ba mũi Abdala đạt hiệu quả 92.28% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

    Cuba phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Abdala sản xuất trong nước từ ngày 9/7. Cuba đang nghiên cứu 5 loại vaccine. Hồi tháng 5, họ bắt đầu tiêm chủng cho người dân bằng cách sử dụng hai trong số này, là vaccine Abdala và Soberana 2, ngay cả trước khi chúng chưa được phê duyệt.

    Như vậy, Abdala là vaccine Covid-19 thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. 7 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam gồm: AstraZeneca, SputnikV, Johnson & Johnson, Moderna, Pfizer, Sinopharm và Hayat-Vax.

    Ấn Độ: Gần 90% cư dân Mumbai có kháng thể COVID

    Tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ.

    Gần 90% cư dân Mumbai, thủ đô tài chánh của Ấn Độ, có kháng thể COVID-19, theo cuộc thăm dò công bố ngày 17/9.

    Cuộc khảo sát huyết tương lần thứ năm, vốn xét nghiệm kháng thể của người dân, được thực hiện từ tháng 8 đến đầu tháng 9 với 8.674 người tham dự. Trong số này có gần 65% đã được tiêm chủng.

    Cuộc thăm dò cũng cho thấy số người có kháng thể COVID-19 thuộc phái nữ nhiều hơn phái nam, 88,29% so với 85,07%.

    Số huyết thanh cao hơn đáng kể nơi những người đã tiêm chủng 1 hay 2 liều vaccine COVID-19 so với những người chưa chích ngừa, theo cuộc thăm dò của công ty Brihanmumbai Municipal Corporation (BMC).

    Trung tâm tài chính đông đúc Mumbai của Ấn Độ được ca ngợi trong năm nay vì chặn đứng được đợt hai đại dịch tốt hơn những đô thị khác trong nước.

    Báo cáo được đưa ra giữa những quan ngại về việc xuất hiện đợt dịch lần ba. Ấn Độ báo cáo có thêm 43.403 ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc ngày 17/9.

    Trong khi đó tại Mỹ, trung bình trong bảy ngày gần đây, Mỹ có 146.00 ca COVID, 11.165 người nhập viện và 1.448 người chết vì COVID, theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Rochelle Walensky, ngày 17/9.

    CDC sẽ đầu tư 2,1 tỉ đô la để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế tránh khỏi COVID-19 và những bệnh truyền nhiễm trong tương lai, bà Walensky tuyên bố.

    Số tiền tài trợ này đến từ 1.900 tỉ đô la trong Kế hoạch Cứu nước Mỹ của ông Biden được thông qua vào tháng Ba để giải quyết đại dịch.

    Thành phố München hồi sinh sau ba đợt dịch COVID-19

    Nhờ chích ngừa mà cuộc sống ở thành phố München (Munich) đang trở lại bình thường.

    Cho đến ngày 17 Tháng Chín đã có gần 1.8 triệu lượt người dân ở Munich được chích ngừa (926,800 lượt chích mũi đầu tiên và 870,810 lượt chích mũi thứ hai).

    Ủy ban Tiêm chủng Thường trực (STIKO) khuyến nghị chích vaccine cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên. Tỷ lệ chích ngừa của Munich, tính trên dân số từ 12 tuổi trở lên, là 70.3% cho lần tiêm chủng đầu tiên và 66.0% cho lần tiêm chủng thứ hai (tính trên tổng dân số Munich là 62.3% / 58.5%). Hiện Munich đang có 3,155 ca mắc bệnh. Tổng số trường hợp tử vong từ trước tới nay là 1,298 ca.

    Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương CTTPP

    Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu các thủ tục tham gia một hiệp ước thương mại tự do có tên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), gồm 11 quốc gia.

    Tiền thân của CTTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership – TPP) do Hoa Kỳ dẫn dắt và được ký kết vào ngày 4 Tháng Hai năm 2016 tại Auckland, New Zealand sau năm năm đàm phán với mục đích hội nhập 12 nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc. Nhưng cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ khỏi TPP ngay trong tuần lễ cầm quyền đầu tiên của ông vào Tháng Giêng 2017; 11 nước còn lại vẫn tiếp tục phê chuẩn hiệp định dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản và hình thành CTTPP vào Tháng Mười Hai 2018.

    Ý tưởng nòng cốt của hiệp định TPP là hình thành một khu vực tự do kinh tế rộng lớn vận động theo những nguyên tắc của thị trường tự do, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, bảo đảm quyền của nhà kinh doanh và người lao động, bảo vệ môi trường và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc không được mời tham gia TPP vì dù có quy mô lớn, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng các “tiêu chuẩn chất lượng cao” của hiệp định TPP. Thế nhưng sau khi Hoa Kỳ rút ra và TPP biến thành CTTPP, một số nguyên tắc đã bị loại bỏ. Việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP bị các chuyên gia kinh tế đánh giá là làm mất một cơ hội để ngăn chặn cung cách làm ăn chỉ theo lợi nhuận của Bắc Kinh và nhường sân chơi kinh tế khu vực cho ảnh hưởng của Trung Quốc.

    Và Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội. Trong bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương qua video vào Tháng Mười Một năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc “sẽ cân nhắc thuận lợi” việc gia nhập CPTPP.

    Hôm Thứ Năm 16 tháng Chín 2021, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã trình bày đơn xin gia nhập CTTPP cho người đồng cấp New Zealand Damien O’Connor và thảo luận về quá trình sắp tới qua điện thoại.

    New Zealand đóng vai trò là cơ quan lưu chiểu cho CPTPP, chịu trách nhiệm xử lý các nhiệm vụ hành chính khác nhau của hiệp ước, chẳng hạn như các yêu cầu gia nhập.

    Trung Quốc cũng đang nỗ lực để bắt đầu thực thi từ ngày 1 Tháng Giêng tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership -RCEP), một hiệp ước thương mại gồm 15 thành viên là các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á do Trung Quốc dẫn dắt. Điều này và việc xin gia nhập CPTPP là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình, loại bỏ dần các ảnh hưởng và nguyên tắc thương mại của Hoa Kỳ trong trật tự kinh tế toàn cầu.

    Tuy nhiên, nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc xung đột thương mại với Úc và tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, một thành viên khác. Để trở thành thành viên chính thức của CTTPP, Trung Quốc cần có sự đồng ý của tất cả 11 thành viên hiện nay.

    Pháp tuyên bố đã hạ được thủ lĩnh ISIS-GS

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo về cái chết của Al-Sahrawi vào Thứ Tư, ngày 15 tháng 9 năm 2021, gọi vụ giết người là “một thành công lớn” đối với quân đội Pháp sau hơn tám năm chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan ở Sahel. Macron đã tweet rằng al-Sahrawi “đã bị vô hiệu hóa bởi các lực lượng Pháp” nhưng không cho biết thêm chi tiết – Hình ảnh không ghi ngày tháng do Rewards For Justice cung cấp cho thấy Adnan Abu Walid al-Sahrawi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo ở Greater Sahara, đã bị truy nã: Rewards For Justice

    Thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Greater Sahara (GS) đã chết vì vết thương do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đâm vào một chiếc mô tô vào tháng trước ở miền Nam Mali, trong một chiến dịch do Pháp dẫn đầu với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, EU, Malian và Nigerien.

    Bản tin AP hôm Thứ Năm, 16 Tháng Chín cho biết, chính phủ Pháp không tiết lộ cách họ xác định người chết đúng là Adnan Abu Walid al-Sahrawi, thủ lĩnh ISIS-GS. Chưa có nguồn tin độc lập nào xác định được chuyện này.

    Pháp tuyên bố vụ giết người là một chiến thắng lớn chống lại các phần tử thánh chiến ở châu Phi và biện minh cho những nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan trong nhiều năm ở Sahel. Các quan chức chính phủ Pháp mô tả Al-Sahrawi là “kẻ thù số Một” trong khu vực, đồng thời cáo buộc ông ta ra lệnh hoặc giám sát các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ, nhân viên cứu trợ của Pháp và khoảng 2,000-3,000 thường dân châu Phi – hầu hết trong số họ là người Hồi giáo.

    Các chuyên gia rất vui mừng trước tin tức lớn này, nhưng cảnh báo rằng ISIS-GS có thể tìm thấy một thủ lĩnh mới và mối đe dọa bạo lực thánh chiến vẫn còn cao. Alexandre Raymakers, nhà phân tích cấp cao về châu Phi của công ty tình báo rủi ro Verisk Maplecroft cho biết:

    “Cái chết của Al-Sahrawi chỉ có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động của ISIS-GS trong thời gian ngắn, chứ không thể làm tê liệt nhóm cực đoan này vĩnh viễn.”

    Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói với các phóng viên tại Paris rằng, thông tin tình báo thu thập được từ việc bắt giữ các chiến binh ISIS-GS hồi đầu năm nay cho phép Pháp thâm nhập vào các khu vực cụ thể nơi Al-Sahrawi có thể ẩn náu.

    Al-Sahrawi đang đi trên một chiếc mô tô với một người khác, thì bị máy bay không người lái của Pháp tấn công ở rừng Dangalous gần biên giới Niger vào ngày 17 Tháng Tám.

    Pháp sau đó đã cử một đội gồm 20 lực lượng mặt đất đặc biệt tới khu vực để xác minh danh tính của những người bị trúng đạn, và xác định rằng khoảng 10 thành viên ISIS-GS đã thiệt mạng, bao gồm cả Al-Sahrawi.

    Không có nhận xét nào