Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 25 tháng 9 năm 2021

    Hôm thứ Năm, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã cảnh báo rằng, cần có hành động khẩn cấp để ngăn tình hình ở Myanmar leo thang thành “xung đột toàn diện”.

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 25 tháng 9 năm 2021

    Cảnh báo của bà Bachelet được đưa ra trong báo cáo mới của bà, trong đó nêu chi tiết các vi phạm phổ biến về việc quân đội chống lại người dân. Một số hành vi có thể cấu thành tội ác chống lại loài người hoặc, tội ác chiến tranh.

    Bà Bachelet đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn đối với tình hình ở Myanmar. Kể từ tháng 2, khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính quân sự, vòng xoáy bạo lực đã làm rung chuyển đất nước này. Và hiện giờ, tình hình ở Myanmar đang có dấu hiệu leo ​​thang “thành một cuộc nội chiến lan rộng”.

    Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, bà lưu ý, các cuộc đụng độ hiện nay “thường xuyên xảy ra” giữa người dân và lực lượng quân đội ở nhiều địa phương tại Myanmar.

    Đất nước này cũng đang đối mặt với tình trạng “nền kinh tế rơi tự do”, và tác động tàn phá của đại dịch COVID-19. Bà nhấn mạnh “[Đây là] một thảm họa nhân quyền không có dấu hiệu giảm bớt”.

    Các báo cáo gần đây của Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo rằng, hàng triệu người ở Myanmar đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, trong bối cảnh đói nghèo, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.

    Báo cáo cũng đề cập rằng, kể từ cuộc đảo chính, các nhà chức trách quân sự đã vi phạm phần lớn các quyền con người như vi phạm quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người; quyền được xét xử công bằng; quyền tự do ngôn luận và hội họp hòa bình…

    Kể từ cuộc đảo chính, hơn 1.100 người đã thiệt mạng. Các nhà chức trách quân sự cũng đã bắt giữ hơn 8.000 người, và ít nhất 120 người được cho là đã chết khi bị giam giữ.

    Bà Bachelet nói thêm rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực của chính quyền quân sự dừng các vi phạm [nhân quyền] này, cũng như thực hiện các khuyến nghị trước đó, để giải quyết vấn đề trừng phạt và cải cách lĩnh vực an ninh”.

    Bà Bachelet kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Đồng thời, bà cho rằng, điều cần thiết là phải ngăn chặn xung đột dân sự leo thang hơn nữa.

    Lãnh đạo Bộ Tứ họp tại Tòa Bạch Ốc


    Ngày 24/9, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã họp hội nghị thượng đỉnh ở Washington, trong bối cảnh các quốc gia này đều quan ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, hãng tin Reuters cho hay.

    Tổng thống Biden phát biểu khi bắt đầu cuộc họp rằng: Chúng ta là bốn nền dân chủ lớn với lịch sử hợp tác lâu dài. Chúng ta biết cách giải quyết các công việc. Và chúng ta đang vượt qua những thách thức”.

    Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng: “Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây, trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng ta mong muốn luôn không bị ép buộc, nơi chủ quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tiên tại Phòng Bầu dục, và sau đó nói với các lãnh đạo trong nhóm Bộ Tứ rằng một sáng kiến ​​vắc xin đã được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3 “đang trên đà sản xuất thêm 1 tỷ liều vắc-xin ở Ấn Độ để thúc đẩy tổng cung”.

    Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết cuộc gặp thể hiện tình đoàn kết mạnh mẽ giữa các nước và “cam kết vững chắc của họ đối với một … Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

    Trước đó, một quan chức cấp cao của Washington cho biết, nhóm Bộ Tứ dự kiến ​​sẽ công bố một số thỏa thuận mới, bao gồm thỏa thuận tăng cường an ninh chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn về mạng 5G và các kế hoạch giám sát biến đổi khí hậu.

    Trong cuộc họp báo ngày 23/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên dường như đã chỉ trích Bộ Tứ khi nói rằng, “Một nhóm khép kín, độc quyền nhắm vào các quốc gia khác sẽ đi ngược lại với xu thế thời đại và nguyện vọng của các nước trong khu vực”.

    Phát biểu của TT Biden tại Liên Hiệp Quốc: 4 nét đáng chú ý so với người tiền nhiệm


    Ngày 21/9/2021, Tổng thống Mỹ Biden đã có bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp Quốc lần thứ 76. So với phát biểu năm ngoái của người tiền nhiệm, phát biểu có 4 điểm đáng chú ý.

    1/Độ dài: phát biểu của Biden dài hơn 4.300 từ, dài gần 5 lần Trump năm ngoái (hơn 900 từ).

    2/ Ưu tiên:

    - Vấn đề an ninh phi truyền thống được nhắc đến đầu tiên, dung lượng nhiều hơn truyền thống.

    - Điều bất ngờ là Biden không hề nhắc đến an ninh biển, Biển Đông - Hoa Đông - Đài Loan hay tự do hàng hải (Trump ít ra có nhắc đến các hành vi của TQ làm tổn hại đến đại dương).

    - Thứ tự ưu tiên: COVID - khí hậu - nhân quyền - cân bằng lực lượng/trật tự quốc tế dựa trên luật lệ - khủng bố

    Trump cũng đưa COVID đầu tiên nhưng gắn COVID với chống Trung Quốc ngay lập tức.

    Trump đặt khủng bố ngay sau COVID và Trung Quốc chứ không để cuối, không nhắc đến khí hậu và chỉ nhắc đến nhân quyền 1 lần.

    3/ Đối tác:

    - Khu vực Ấn – Thái được đặt lên đầu tiên, đối tác được nhắc đến theo thứ tự EU/NATO/Quad/ASEAN. Có thể EU được đưa lên đầu để xoa dịu EU sau vụ AUKUS.

    - ASEAN có vẻ mờ nhạt, nhắc đến ngang hàng với AU và OAS, chỉ nhắc lợi ích kinh tế tại ASEAN chứ không có chiến lược

    - TQ không hề được nhắc đến (Trump nhắc 11 lần) nhưng có những nội dung hàm ý TQ : mất cân bằng thương mại, vi phạm nhân quyền, độc tài, Mỹ không muốn Chiến tranh Lạnh mới…

    - Về Liên hiệp Quốc, nếu như Trump thách thức hiệu quả LHQ, Biden lại nhấn mạnh tuân thủ và hợp tác trong cơ chế.

    4/ Biện pháp

    - Biden nhấn mạnh kỷ nguyên “ngoại giao không ngừng nghỉ” (relentless), biện pháp ngoại giao trước quân sự

    - Biden đưa ra cách thức mới để bảo vệ dân chủ nhưng không nói là gì

    - Biden chú trọng hợp tác, Mỹ không đi một mình, hợp tác là lời giải cho các thách thức, cộng đồng là cộng đồng toàn cầu trong khi Trump nhấn "Nước Mỹ trên hết".

    - Biden có một điểm giống Trump: vẫn đưa ra chính sách có màu "dân túy", có thể để tránh chỉ trích trong nước: đối ngoại phải có mục tiêu rõ ràng, được người dân Mỹ ủng hộ, bảo vệ đồng minh là bảo vệ lợi ích của Mỹ, chống biến đổi khí hậu là tạo việc làm cho Mỹ… Tuy nhiên, Biden cũng có nhắc đến các nội dung để ghi điểm với cả phe Cấp tiến (progressive), nhất là về khí hậu.

    - Biden dùng cơ hội này để quảng bá sáng kiến đầu tư cơ sở vật chất Build Back Better World với tiêu chuẩn cao, hàm ý cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

    Toàn văn 2 tuyên bố:

    https://www.whitehouse.gov/.../remarks-by-president.../

    https://it.usembassy.gov/remarks-by-president-trump-to.../

    Giám đốc tài chánh Huawei đạt thoả thuận hoãn truy tố với Mỹ


    Giám đốc Tài chánh của tập đoàn Huawei Trung Quốc, Mạnh Vãn Chu, đạt thỏa thuận với các công tố viên Mỹ, chấm dứt vụ án gian lận ngân hàng đối với bà, các công tố viên Mỹ loan báo ngày 24/9. Động thái này có thể cho phép bà Mạnh rời khỏi Canada, xoa dịu một mối căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ.

    Bà Mạnh bị bắt tại Phi trường Quốc tế Vancouver vào tháng 12/2018 theo trát của Mỹ và bị truy tố tội gian lận ngân hàng và gian lận chuyển tiền vì bị cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC về những trang bị viễn thông khi giao dịch với Iran.

    Reuters ngày 24/9 loan tin Mỹ đạt được một thỏa thuận hoãn truy tố với bà Mạnh. Thỏa thuận này chỉ có ảnh hưởng với bà Mạnh, Mỹ vẫn duy trì các cáo trạng nhắm vào công ty Huawei, theo hai nguồn thạo tin.

    Tại phiên tòa ở Brooklyn mà bà Mạnh tham dự trực tuyến từ Canada, Phụ tá Chưởng lý Mỹ David Kessler nói chính phủ sẽ tiến đến việc hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại bà Mạnh nếu bà tuân thủ tất cả mọi nghĩa vụ theo thỏa thuận. Ông nói thêm bà Mạnh sẽ được phóng thích không phải đóng tiền tại ngoại và Mỹ có kế hoạch rút lại yêu cầu Cananda dẫn độ bà.

    Bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, không nhận tội trong phiên tranh luận.

    Ngoài việc giải quyết tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, thỏa thuận vừa kể có thể mở đường cho việc phóng thích hai người Canada là doanh nhân Michael Spavor và một nhà ngoại giao trước đây là Michael Kovrig. Hai người này bị bắt giam tại Trung Quốc không lâu sau khi bà Mạnh bị câu lưu vào năm 2018. Vào tháng 8, ông Spavor bị kết án 11 năm tù về tội gián điệp.

    Bà Mạnh nói bà vô tội và chống lại việc Canada trục xuất bà sang Mỹ. Bà bị giam lỏng tại Vancouver và bị giám sát 24 giờ mỗi ngày bởi một công ty an ninh tư nhân, và bà phải trả tiền cho việc này theo thỏa thuận tại ngoại.

    TQ trả tự do công dân Canada sau khi 'công chúa' Huawei được thả


    Ông Michael Kovrig (phải) và Michael Spavor bị Trung Quốc giam giữ từ năm 2018

    Hai công dân Canada đã được Trung Quốc trả tự do và đang bay về Canada, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo.

    Ông Michael Spavor và Michael Kovrig bị buộc tội gián điệp vào năm 2018, ngay sau khi cảnh sát Canada bắt giữ Giám đốc điều hành Huawei, Mạnh Vãn Chu, theo lệnh của Mỹ.

    Bà Mạnh Vãn Chu đã rời Canada vào đầu ngày 25/9 sau một thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ.

    Việc giam giữ đã gây ra nhiều năm căng thẳng ngoại giao

    Giới chỉ trích cáo buộc Trung Quốc bắt giữ công dân Canada để trả đũa vụ bắt giữ bà Mạnh, sử dụng họ như một con bài thương lượng chính trị. Bắc Kinh phủ nhận mạnh mẽ điều này.

    Hai công dân Canada tới nay vẫn không nhận tội. Tại một cuộc họp báo, ông Trudeau cho biết họ đã trải qua "một thử thách khó khăn không thể tin được."

    "Đây thực sự là tin tốt lành cho tất cả chúng ta, rằng họ đang trên đường về nhà với gia đình", ông nói thêm. "Trong 1.000 ngày qua, họ đã thể hiện sức mạnh, sự bền bỉ, và kiên cường."

    Thủ tướng cho biết cả sẽ đến Canada sớm vào thứ Bảy. Họ đi cùng với ông Dominic Barton, đại sứ Canada tại Trung Quốc.

    Ông Kovrig là một nhà cựu ngoại giao làm việc cho International Crisis Group, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels.

    Ông Spavor là thành viên sáng lập của một tổ chức hỗ trợ các mối quan hệ kinh doanh và văn hóa quốc tế với Bắc Hàn.

    Vào tháng 8 năm nay, một tòa án Trung Quốc đã kết án ông Spavor 11 năm tù vì tội gián điệp. Không có bản án nào với ông Kovrig.

    Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đất nước của ông "hài lòng" trước động thái của Trung Quốc, nhưng nói thêm rằng hai người này đã phải chịu "hơn hai năm rưỡi bị giam giữ tùy tiện".

    Trước đó, vào thứ Sáu, một thẩm phán Canada đã ra lệnh thả bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei, sau khi bà đạt được thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ về các cáo buộc gian lận đối với bà.

    "Trong ba năm qua, cuộc sống của tôi bị đảo lộn", bà nói với các phóng viên bên ngoài tòa án Vancouver.

    "Tôi sẽ không bao giờ quên tất cả những lời chúc tốt đẹp mà tôi đã nhận được từ mọi người trên thế giới."

    Trước khi bị bắt, các công tố viên Hoa Kỳ đã buộc tội bà Mạnh gian lận, cáo buộc rằng bà đã lừa dối các ngân hàng để xử lý các giao dịch cho Huawei, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

    Là một phần của thỏa thuận truy tố nay đã được hoãn lại, bà Mạnh thừa nhận đã gây hiểu lầm cho HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom, một công ty có trụ sở tại Hong Kong, hoạt động tại Iran.

    Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang tiếp tục chuẩn bị để xét xử Huawei, công ty này vẫn đang nằm trong danh sách đen thương mại.

    Bà Mạnh là con gái lớn của tỷ phú Ren Zhengfei, người thành lập Huawei vào năm 1987. Ông cũng phục vụ trong quân đội Trung Quốc 9 năm, cho đến năm 1983 và là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Bản thân Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất trên thế giới. Công ty này đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của họ cho hoạt động gián điệp - những cáo buộc mà họ phủ nhận.

    Vào năm 2019, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Huawei và đưa công ty này vào danh sách đen xuất khẩu, loại bỏ Huawei khỏi các công nghệ quan trọng.

    Anh, Thụy Điển, Úc và Nhật Bản cũng đã cấm Huawei, trong khi các quốc gia khác bao gồm Pháp và Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn lệnh cấm hoàn toàn.

    Đặc sứ Mỹ từ chức do các vụ trục xuất người Haiti ở Texas

    Reuters


    Đặc sứ Mỹ tại Haiti từ chức hôm thứ Năm 23/9, gây nhiều chú ý. Một quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận về vụ từ chức.

    Trong thư từ chức, vị đặc sứ chỉ trích Washington thậm tệ vì đã trục xuất hàng trăm di dân Haiti khỏi một trại ở biên giới trong những ngày gần đây. Haiti, một quốc gia vùng Caribe, hiện đang chìm trong khủng hoảng.

    "Tôi sẽ không dính dáng đến quyết định vô nhân đạo, phản tác dụng của Hoa Kỳ về trục xuất hàng nghìn người tị nạn và di dân bất hợp pháp Haiti", ông Daniel Foote nói trong một bức thư gửi đến Ngoại trưởng Antony Blinken và được công bố hôm 23/9.

    Ông Foote, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được bổ nhiệm hồi tháng 7 làm đặc sứ tại Haiti, cho biết tình hình ở nước này tồi tệ đến mức các quan chức Mỹ chỉ có thể ở bên trong các tòa nhà được đảm bảo an ninh. Ông cho biết "đất nước bị sụp đổ" này không thể giúp gì cho những người di dân quay trở về.

    Việc từ chức của ông diễn ra tiếp nối vào các áp lực ngày càng tăng của Liên Hiệp Quốc và các đảng viên Dân chủ đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc đối xử với người Haiti trong một trại di dân ở Texas gần biên giới Mexico.

    Có tới 14.000 người đã có mặt trong trại hồi tuần trước, nhưng nay số người giảm xuống còn chưa đến một nửa do nhiều người bị trục xuất bằng máy bay hoặc bị bắt giam. Những người khác đã rời khỏi trại, đi đến bờ sông đầy bụi bậm để sang Mexico nhằm tránh bị hồi hương.

    Hình ảnh lính biên phòng Hoa Kỳ trên lưng ngựa dùng roi dài quất vào những người xin tị nạn da đen hồi cuối tuần trước đã gây ra sự phẫn nộ ngay trong Nhà Trắng và từ phía các nhóm nhân quyền.

    Hoa Kỳ đã đưa 1.401 di dân từ trại ở Del Rio, Texas, trả về cho Haiti và bắt giam 3.206 người khác, Bộ An ninh Nội địa (DHS) cho biết vào tối 22/9.

    Các vụ trục xuất diễn ra trong bối cảnh quốc gia vùng Caribe đang bất ổn nặng nề. Haiti là quốc gia nghèo nhất ở Tây Bán cầu, ở đó đã xảy ra ám sát tổng thống, bạo lực băng đảng và một trận động đất lớn, gây hỗn loạn trong những tuần gần đây.

    Filippo Grandi, người đứng đầu cơ quan tị nạn của LHQ, cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ trục xuất người trở về Haiti có thể vi phạm luật pháp quốc tế.

    Toshiba, Samsung tiếp tục rút khỏi Trung Quốc


    Trang The BL TV đưa tin, Bộ phận quản lý doanh nghiệp của Tập đoàn Toshiba Nhật Bản tại Đại Liên, Trung Quốc, thông báo, họ sẽ đóng cửa nhà máy vào ngày 30/9. Nhà máy tại Đại Liên của Toshiba sẽ sa thải hơn 1000 nhân viên. Thêm vào đó, nhà máy đóng tàu của Samsung ở Ninh Ba cũng sẽ đóng cửa khiến hàng nghìn nhân viên phản đối, đòi quyền lợi được bồi thường hợp lý.

    Nhiều kênh truyền thông tại Trung Quốc đã dẫn lời một nhân viên làm việc gần 20 năm tại nhà máy Toshiba Đại Liên cho biết, ngày 13/9, ban lãnh đạo nhà máy đã triệu tập một hội nghị với khoảng 1000 người tham dự. Trong cuộc họp, ban lãnh đạo cho biết, nhà máy sẽ đóng cửa vào ngày 30/9 và thông báo kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc.

    Trước đó, vào năm 2013, Toshiba đã từng đóng cửa nhà máy sản xuất TV ở Đại Liên.

    Chi phí nhân công của doanh nghiệp tăng

    Một học giả tài chính cho rằng, một yếu tố buộc Toshiba phải rút hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc, là do chi phí kinh doanh quá cao.

    Ông nói: “Vấn đề là… chi phí lao động đã tăng lên một mức đáng ngạc nhiên. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc có động thái chào mời các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu, nhưng trên thực tế, nhiều chính sách lại rất không thân thiện”.

    Theo một nhân viên trong nhà máy Toshiba Đại Liên, lương tháng của công nhân vào khoảng 460 USD (khoảng hơn 10 triệu đồng).

    Toshiba chi nhánh Đại Liên được thành lập vào năm 1991 và có 30 năm hoạt động tại Trung Quốc.

    Các báo cáo cho biết, tập đoàn Toshiba sẽ đóng cửa 33 nhà máy và cơ sở nghiên cứu tại 24 thành phố ở Trung Quốc trước cuối tháng 12 năm nay, và chuyển hoạt động của họ sang Nhật Bản và Việt Nam.

    Ngoài ra, nhà máy đóng tàu Samsung Ninh Ba thuộc Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, cũng sẽ đóng cửa. Hàng nghìn công nhân của nhà máy không đồng ý với phương án bồi thường của công ty. Ngày 9/9, họ đã giương cao biểu ngữ và xuống đường biểu tình.

    Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do ngày 14/9, ông Quý Phong, một học giả độc lập ở Bắc Kinh cho biết, do ảnh hưởng của môi trường kinh tế và chính trị ở Trung Quốc, các công ty xuyên quốc gia đã liên tiếp quyết định rút lui khỏi nước này.

    Ông Quý Phong nói: “Toshiba và Samsung có thể sẽ rút toàn bộ [hoạt động của họ] vào cuối năm. Hiện tại, điều này cần được chia nhỏ thành nhiều khía cạnh”. Một trong số những yếu tố [dẫn đến sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài] là môi trường kinh tế của Trung Quốc ngày càng xấu đi .

    Ông Quý Phong cho hay, Chính phủ Nhật Bản và Hoa Kỳ khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc về nước, và đẩy nhanh việc rút vốn đầu tư nước ngoài.

    Theo một tuyên bố, ban lãnh đạo của Samsung giải thích rằng, việc đóng cửa nhà máy đóng tàu là do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến đơn đặt hàng giảm mạnh.

    Các tài liệu công khai cho thấy Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba là nhà máy đóng tàu và xếp dỡ số 1 của Samsung tại Trung Quốc. Công ty được thành lập vào tháng 12/1995, với tổng số vốn đăng ký là 250 triệu đô-la Mỹ. Hiện có hơn 4.500 nhân viên.

    Không có nhận xét nào