Header Ads

  • Breaking News

    Đối đầu Mỹ-Trung : Cuộc chiến dưới đáy biển

    Tàu ngầm đang chiếm vị trí trung tâm trong cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh. Khi lập liên minh ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc, Joe Biden đã tạo được một bàn đạp mới cho Hải quân Hoa Kỳ, tránh được các hỏa tiễn đạn đạo chống hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.

    Đối đầu Mỹ-Trung : Cuộc chiến dưới đáy biển

    Le Figaro hôm nay 29/09/2021 chạy tựa trangnhất « Trung Quốc – Hoa Kỳ, sự đối đầu nguy hiểm ». Trong bài « Mỹ muốn ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương », tờ báonhắc lại câu nói của ông Joe Biden khi vừa nhậm chức về chính sách với Trung Quốc « Cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi không thể tránh khỏi ». Chín tháng sau, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện ở khả năng thứ ba.

    Biden đối đầu vì Trung Quốc từ chối mọi hòa hoãn

    Mọi ý định hòa dịu với Trung Quốc đều thất bại. Ngay từ cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên tại Anchorage (Alaska) giữa hai phái đoàn, vào đầu nhiệm kỳ Biden, phía Trung Quốc đã lên mặt dạy đời với Mỹ, bất chấp mọi thông lệ ngoại giao. Cho đến cách đối xử phũ phàng với đặc phái viên về khí hậu John Kerry và các viên chức cao cấp Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc không hề tỏ thiện chí.

    Đầu tháng Chín, rốt cuộc Biden phải gọi điện trực tiếp cho Tập Cận Bình để « đối thoại chiến lược ». Nhưng tổng thống Mỹ vốn khoe mối quan hệ cá nhân với ông Tập trong thời gian làm phó tổng thống, không đạt được sự thay đổi nào nơi chủ tịch Trung Quốc. Tuần trước trong bài diễn văn ở Liên Hiệp Quốc, Joe Biden đã thẳng thừng tuyên bố sẽ bảo vệ các đồng minh, phản đối xu hướng nước mạnh hà hiếp nước yếu, dù không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới.

    Tuy nhiên tình hình hiện nay rất giống với thời Liên Xô cũ. Trên mọi lãnh vực – ngoại giao, quân sự, kinh tế - Hoa Kỳ phải đối mặt với một địch thủ không giống bất kỳ ai trong lịch sử. Dân số đông gấp bốn, năm lần ; hùng mạnh về kinh tế, Trung Quốc mạnh hơn Liên bang Xô viết cũ, Đức quốc xã hay quân phiệt Nhật.

    Hai Brands, giáo sư trường Johns-Hopkins cho biết từ hai, ba năm qua, có sự đồng thuận tại Washington về nhận định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Hoa Kỳ. Nếu cựu tổng thống Donald Trump chỉ tập trung cho thương mại, thì chính quyền Biden coi sự đối đầu với Trung Quốc là giữa dân chủ và độc tài, còn về phương pháp thì dựa vào các đồng minh chứ không đơn độc. AUKUS và Bộ Tứ mới đây đã khẳng định chiến lược này.

    Giáo sư trường quan hệ quốc tế Keough thuộc đại học Notre Dame, Josh Eisenman giải thích, chủ thuyết của Biden chủ yếu được khẳng định do thái độ của Trung Quốc. « Cần phải có hai người mới nhảy được bản tango, nhưng Bắc Kinh không muốn khiêu vũ ». Cuộc chạy đua Hải quân và vấn đề Đài Loan khiến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trở thành trọng tâm căng thẳng mới, và Hai Brands lo ngại một cuộc xung đột quân sự.

    Ông coi việc Trung Quốc không thể thay thế vai trò đại cường số một thế giới của Hoa Kỳ là nguy cơ chính. Đế quốc Đức trước Đệ nhất Thế chiến trở nên đặc biệt nguy hiểm khi thấy sức mạnh của mình giảm xuống, và đây là điều đang diễn ra với Trung Quốc, nên những năm sắp tới rất đáng ngại.

    Còn theo Josh Eisenman, cuộc chiến gần đây nhất do Trung Quốc tung ra với Việt Nam năm 1979 có nguyên nhân từ đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản, Đặng Tiểu Bình muốn khẳng định quyền lực trên quân đội Trung Quốc. Ngày nay, rủi ro chính trị quá lớn đối với Tập Cận Bình nếu muốn lao vào một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ và vài chục đồng minh của Mỹ.

    Tập và phe cánh của mình đã nắm trọn quyền lực ở Bắc Kinh và các công cụ độc tài kỹ thuật số, chỉ có thể thiệt hại trong một cuộc chiến đột ngột với thế giới. Tuy nhiên sự hiếu chiến của Bắc Kinh không dừng lại ở Đài Loan hay Biển Đông, mà còn thông qua tin tặc, tuyên truyền, bóp méo thông tin, hối lộ giới tinh hoa các nước…Trung Quốc lợi dụng các xã hội dân chủ tự do, đồng thời xuất khẩu công nghệ giám sát cho các chế độ độc tài trên toàn thế giới.

    Cũng theo Le Figaro, cả Washington và Bắc Kinh đều lo ngại là một tính toán sai lầm sẽ làm bùng nổ xung đột. Tờ báo dẫn ra một cảnh tưởng chừng như trong một bộ phim thảm họa của Hollywood : tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley, nhấc ống nghe đường dây đỏ để trấn an đồng nhiệm Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng).

    Nhà báo lão thành Bob Woodward trong cuốn sách mới nhất « Peril » (Hiểm họa) kể lại cảnh này, trong lúc Donald Trump luôn có thể nhấn nút bấm nguyên tử. Giáo sư Triệu Thông (Zhao Tong), trường đại học Thanh Hoa cho biết vào cuối nhiệm kỳ ông Trump, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều trong trạng thái hoảng loạn. Trong giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử, Donald Trump liên tục có những động thái ủng hộ Đài Loan - điều cấm kỵ với Bắc Kinh - đặt quân đội Trung Quốc trong tình trạng báo động. Giả thiết một cú đòn giờ chót của tổng thống sắp ra khỏi Nhà Trắng ám ảnh các nhà chiến lược đỏ.

    Còn giờ đây, tình trạng nghi kỵ diễn ra ở mọi cấp giữa hai cường quốc, làm tăng rủi ro xảy ra sự cố trên Biển Đông và ngoài khơi Đài Loan. Năm 2018, hai khu trục hạm USS Decatur và Lư Dương (Luyang) suýt đụng nhau ở Trường Sa. Tháng Tư 2020, hai chiến hạm Mỹ đến cứu một giàn khoan của Petronas ngoài khơi Malaysia đang bị Hải Dương Địa Chất 8 quấy nhiễu.

    Trước đó năm 2011, một phi cơ thám sát Mỹ đụng vào một tiêm kích J8 ngoài khơi Hoàng Sa khiến phi công Trung Quốc tử nạn, phi hành đoàn Mỹ 24 người bị bắt giam trên đảo Hải Nam. Chính quyền Bush hồi đó đã dàn xếp với Trung Quốc mới trỗi dậy của Giang Trạch Dân bằng một lá thư xin lỗi, cứu vãn thể diện đôi bên. Nhưng giờ đây một sự kiện như vậy sẽ rất tế nhị với một Tập Cận Bình luôn thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa.

    Ông Triệu Thông lo ngại về sự thiếu vắng một đường dây nóng quân sự có thể xử lý khủng hoảng trong thời gian thực. Hiện nay những lời kêu gọi của Lầu Năm Góc để kích hoạt các kênh liên lạc đều đụng phải một bức tường trơ trơ. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vẫn chưa thể chính thức trao đổi với Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Một nguồn tin ở Bắc Kinh khẳng định « Trung Quốc vẫn giả điếc ».

    Tàu ngầm đang chiếm vị trí trung tâm của cuộc đối đầu. Khi lập liên minh ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc, Joe Biden đã tạo được một bàn đạp mới cho Hải quân Hoa Kỳ, tránh được các hỏa tiễn đạn đạo chống hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.

    Loại Đông Phong 23 (DF 23), thử nghiệm ở Biển Đông năm ngoái, đe dọa được căn cứ Guam cách Phục Kiến 3.000 kilomet, nhưng không thể bay đến căn cứ Stirling của Úc cách Trung Quốc hơn 6.000 kilomet. Căn cứ này cùng với Darwin và một căn cứ mới sẽ tiếp nhận 8 tàu ngầm nguyên tử (SNA) mua của Mỹ. Tuy đến 2040 Úc mới được giao các tàu ngầm này, hợp đồng tranh được của Pháp tạo ra hậu cứ cho Hải quân Mỹ, thậm chí Mỹ có thể « cho thuê » trong khi chờ đợi giao hàng.

    Biden « nhất tiễn hạ song điêu » : bên cạnh nỗi ám ảnh bị bao vây ngoại giao của Trung Quốc, nay thêm mối đe dọa từ đáy biển. Tàu ngầm nguyên tử bây giờ là mũi nhọn của chiến lược ngăn chận tại Biển Đông và ngoài khơi Đài Loan, đáp trả chiến lược cấm cản tàu bè các nước của Trung Quốc. Mathieu Duchâtel thuộc Viện Montaigne giải thích, Mỹ không còn thống trị về hàng không mẫu hạm bên trong chuỗi đảo thứ nhất, nên phải triển khai trên một chu vi rộng hơn, tránh được hỏa tiễn đạn đạo Trung Quốc ; đồng thời tăng cường khả năng thâm nhập một môi trường dày đặc hỏa tiễn Trung Quốc.

    Trong lúc Bắc Kinh gia tăng số chiến hạm trên mặt biển, Lầu Năm Góc tăng cường chống tàu ngầm, gót chân Achille của Trung Quốc. Ông Triệu Thông nhìn nhận đây là điểm yếu của Giải phóng quân, nhưng Trung Quốc sẽ cố gắng bắt kịp. Nhà nghiên cứu Collin Koh ở Singapore nhận định, các tàu ngầm nguyên tử Úc sẽ gây nhiều phức tạp cho Trung Quốc nhờ hoạt động được lâu hơn và bí mật hơn, có thể làm nhiệm vụ dài hơi ở Đài Loan, Biển Đông, thêm một mối đe dọa bên cạnh Hải quân Mỹ.

    Trong AUKUS còn có sự hợp tác về máy bay không người lái và robot dưới đáy biển. Tuy nhiên loan báo về liên minh này có thể kích thích Bắc Kinh tăng tốc : tại nhà máy đóng tàu Hồ Lô Đảo (Huludao), cứ 15 tháng lại có một tàu ngầm nguyên tử xuất xưởng. Nếu cứ theo nhịp độ này, ông Duchâtel ước tính đến 2030 Trung Quốc sẽ có được 13 SNA, vượt qua Hải quân Mỹ. Trận song đấu thế kỷ, như vậy còn diễn ra ở dưới đáy đại dương.

    Về phía Pháp, nạn nhân bị giành mất hợp đồng tàu ngầm Barracuda, tác giả Edouard Tétreau đặt vấn đề trên Les Echos, phải chăng do cao đạo, dù tốt đẹp về nguyên tắc (NATO « chết não », chống các luật kỳ thị người đồng tính ở Đông Âu…) mà không quan tâm đến việc xây dựng các liên minh có cùng lợi ích, mà Paris đã phải trả giá đắt ? Pháp ngày càng cô độc trên trường ngoại giao thế giới và châu Âu.

    Các đối tác gần gũi nhất ở châu lục đang quan sát việc Pháp chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Liệu những thách thức như mối đe dọa Nga đối với các nước Bắc Âu, Đông Âu ; làn sóng di dần và chính sách bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nước Địa Trung Hải có được tính đến ?

    Theo tác giả, cần nối lại với các đồng minh truyền thống. Về quan hệ Pháp-Mỹ, nên khiêm tốn nhìn nhận vì sao đồng minh lâu đời nhất này lại thô bạo loại Pháp ra khỏi chiến lược khu vực. Paris nhấn mạnh một chính sách ngoại giao « con đường thứ ba », từ chối đứng về phía Hoa Kỳ trong việc đối đầu với Trung Quốc, nhưng như vậy có lợi ích gì ?

    Các lãnh thổ của Pháp tại Thái Bình Dương (Tân Calédonie, Polynésie) và mối quan hệ tích cực với Ấn Độ và Malaysia chẳng hạn giúp có được sức nặng chiến lược trong khu vực. Trong lúc Đức còn phải mất nhiều tháng để lập chính phủ, đây là cơ hội bằng vàng để Paris định hướng lại ngoại giao, năng động hơn trước các mối quan tâm của các thành viên EU, và hiệu quả hơn với các đồng minh lịch sử Anh, Mỹ.

    Nạn khan hiếm xăng dầu ở Anh, nguyên vật liệu tăng giá, Pháp đầu tư không đầy đủ cho lãnh vực khoa học… là những chủ đề trên trang nhất các báo Paris hôm nay, còn ở các trang trong, nạn thiếu điện tại Trung Quốc được quan tâm nhiều nhất. Le Monde và Les Echos đều nêu ra tình trạng thiếu điện trầm trọng nhất từ trước đến nay trong lịch sử đương đại nước này.

    Những con đường chìm trong bóng tối, đèn giao thông bị tắt, thang máy ngưng chạy ở miền bắc ; còn tại miền nam Trung Quốc hàng trăm, hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa toàn bộ hay từng phần, vô số công nhân thất nghiệp…Có đến 18/31 tỉnh bị ảnh hưởng, nhất là miền đông nam, trọng tâm kinh tế. Ngay tại nhiều khu phố ở Bắc Kinh, điện bị cúp từ 6 tới 18 giờ cho đến ngày 08/10. Tại Quảng Đông, 126 triệu dân được yêu cầu không mở máy lạnh dưới 26 độ, không dùng thang máy nếu chỉ đi ba tầng lầu.

    Ngay cả Hoàn cầu Thời báo cũng nhìn nhận là tình hình còn sẽ tệ hơn vào lúc mùa đông đến gần. Fabrice Fourcade, đại diện tập đoàn điện lực Pháp EDF tại Trung Quốc giải thích có ba nguyên nhân : nhu cầu tăng cao trong sáu tháng đầu năm, quản lý giá và việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường.

    Giá than đá tăng cao, do Bắc Kinh ngưng nhập từ Úc để gây sức ép, quay sang mua của Indonesia và Mông Cổ, nhưng nguồn này đang rối loạn vì Covid. Vấn đề là các nhà sản xuất điện không được bán quá giá trần đã được ấn định nên họ không muốn chịu lỗ lã, còn các quan chức địa phương muốn giữ ghế trước chủ trương về môi trường của Tập Cận Bình. Mỗi tỉnh được xếp loại đỏ, cam, xanh tùy theo tỉ lệ tiêu thụ năng lượng so với sản xuất. Chỉ còn một năm nữa đến đại hội đảng, những người đứng đầu các tỉnh biết rằng bảng xếp hạng này có thể quyết định tương lai sự nghiệp của họ. Các nhà kinh tế cảnh báo nạn cúp điện sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc, dự báo sẽ mất đi 1 điểm trong quý IV.

    Không có nhận xét nào