Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 12 tháng 10 năm 2021

    Dân địa phương tìm thấy một con kangaroo non còn sống sau vụ việc. Cảnh sát Australia đã buộc tội hai thiếu niên tuổi teen giết hại 14 con chuột túi kangaroo ở thị trấn ven biển phía nam Sydney.

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 12 tháng 10 năm 2021

    Người dân địa phương tìm thấy các con thú bị giết chết ở hai con phố khác nhau tại Batemans Bay hôm thứ Bảy, dẫn đến việc cảnh sát tiến hành điều tra.

    Cảnh sát New South Wales nói với BBC rằng các đàn kangaroo đã bị một chiếc xe hơi đâm vào.

    Họ bắt hai nam thiếu niên 17 tuổi tại thị trấn vào hôm thứ Hai.

    Cảnh sát không cho biết bất kỳ thông tin nào về động cơ hành động của những đối tượng bị cho là đã giết chết các con thú.

    Hai người này bị cáo buộc tội đánh đập và sát hại động vật, và sẽ phải ra tòa vào tháng tới.

    Theo luật New South Wales, những người bị kết tội tàn nhẫn với động vật phải đối diện mức án tù 5 năm và khoản tiền phạt 22.000 đô la Úc (15.000 đô la Mỹ).

    Hai con kangaroo non nằm trong số những con bị giết, và có một con thứ ba bị thương, được một người dân địa phương tìm thấy vào ngày hôm sau.

    Cơ quan cứu hộ động vật hoang dã WIRES nói rằng họ đã đưa con thú duy nhất còn sống về chăm sóc.

    Tổ chức thiện nguyện này nói họ bị sốc về chuyện các vụ giết hại này xảy ra tại khu vực vắng vẻ bên bờ biển.

    "Việc này để lại dấu ấn mãi mãi đối với các tình nguyện viên nhiệt thành của chúng tôi và với người dân địa phương," WIRES nói.

    Tính trung bình, có khoảng 50.000 vụ khiếu nại về tình trạng ngược đãi động vật được điều tra bởi Hội Bảo vệ Động vật RSPCA tại Úc mỗi năm.

    Chuột túi kangaroo là loại động vật ta dễ dàng bắt gặp tại vùng này, ở vùng ven biển phía nam bang New South Wales.

    Tiếp theo Quốc hội Anh, Nghị viện Châu Âu mời những người tố cáo Facebook ra điều trần


    Nghị viện Châu Âu hôm thứ Hai (ngày 11/10) đã đưa ra lời mời người cáo buộc Facebook, cô Frances Haugen tham dự phiên điều trần của Nghị viện Châu Âu vào ngày 8/11. Ngoài ra, cô Haugen cũng đã lên kế hoạch điều trần tại Quốc hội Anh vào cuối tháng này.

    Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng và Thị trường Nội bộ của Nghị viện Châu Âu đã thông báo trong một thông cáo báo chí vào thứ Hai rằng họ đã quyết định mời cựu nhân viên Facebook, nhà khoa học dữ liệu Frances Haugen ra điều trần tại Nghị viện vào ngày 8/11.

    Tuyên bố nói rằng ủy ban đã quyết định tổ chức một cuộc điều trần công khai tại Nghị viện châu Âu về “lời khai của những người tố giác về tác động tiêu cực của sản phẩm của các công ty công nghệ lớn đối với người dùng”.

    Theo tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Anna Cavazzini cho biết: “Những người tố giác như cô Haugen đã cho thấy nhu cầu cấp thiết phải thiết lập các quy tắc dân chủ cho thế giới trực tuyến vì lợi ích của người dùng. Tiết lộ của cô ấy đã phơi bày sự xung đột vốn có giữa các mô hình kinh doanh và lợi ích của người dùng. Điều này cho thấy chúng ta cần thiết lập các quy tắc mạnh mẽ ở Châu Âu để kiểm soát hợp lý nội dung và tính minh bạch sâu rộng”.

    Tuyên bố cũng nói rằng tất cả các cáo buộc trong báo cáo về Facebook phải được điều tra. Khi ủy ban đang xây dựng hai dự luật về dịch vụ kỹ thuật số và thị trường kỹ thuật số, sự hiện diện của cô Haugen tại phiên điều trần sẽ làm phong phú thêm các cuộc thảo luận dân chủ và công việc lập pháp hiện tại của các ủy ban liên quan.

    Theo Politico của Mỹ, cô Haugen vẫn chưa xác nhận có tham dự phiên điều trần hay không. Nhưng cô đã lên kế hoạch điều trần trước Quốc hội Anh vào ngày 25/10.

    Theo BBC, cô Haugen sẽ tham dự phiên điều trần của Ủy ban Dự luật An toàn Trực tuyến của Quốc hội Anh vào cuối tháng này.

    Trước đó, khi làm chứng trước Tiểu ban Thượng viện Hoa Kỳ về Bảo vệ Người tiêu dùng, An toàn Sản phẩm và Bảo mật Dữ liệu vào thứ Ba tuần trước (5/10), cô Haugen đã tuyên bố rằng gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook biết rằng một số hoạt động của họ là có hại cho công chung. Các hoạt động này “gây hại cho trẻ em, kích động chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta”, cô nói, tuy nhiên, Facebook vẫn không ngần ngại quảng bá các chủ đề này nhằm mục đích kiếm lợi.

    Cô Haugen kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ hành động về điều này và cũng kêu gọi các cơ quan chính phủ giám sát gã khổng lồ công nghệ – cả ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.


    Merck xin cấp phép khẩn cấp cho thuốc điều trị Covid-19


    Hãng dược Merck hôm 11/10 cho biết họ đã đệ đơn xin Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình của họ, khiến nó trên đường trở thành thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên cho bệnh Covid-19.

    Sự cho phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể giúp thay đổi cách quản lý lâm sàng Covid-19 vì loại thuốc viên này có thể được uống tại nhà.

    Thuốc điều trị có tên là molnupiravir đã cắt giảm 50% tỷ lệ nhập viện và tử vong trong thử nghiệm trên những bệnh nhân có mức độ từ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ, theo dữ liệu được công bố hồi đầu tháng.

    Dữ liệu hiệu quả tạm thời, được Merck xây dựng với hãng Ridgeback Biotherapeutics, đã làm giảm mạnh giá cổ phiếu của các hãng sản xuất vaccine Covid-19 và kích hoạt cuộc tranh giành giữa các nước, bao gồm Malaysia, Hàn Quốc và Singapore, để ký thỏa thuận cung cấp với Merck.

    Hãng dược này đã ký hợp đồng với Chính phủ Mỹ để cung cấp 1,7 liệu trình molnupiravir (quá trình sử dụng thuốc từ đầu đến cuối) với giá 700 đô la mỗi liệu trình. Merck dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị trước cuối năm 2021.

    Họ cũng đã đồng ý cấp phép sản xuất thuốc cho một số nhà sản xuất thuốc đại trà có trụ sở tại Ấn Độ, dự kiến sẽ là nguồn cung cho hơn 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

    Walmart thông báo mảng cung ứng toàn cầu của họ đã rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang Ấn Độ


    Tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ Walmart ngày 9/10 thông báo sẽ rút hoạt động kinh doanh cung ứng toàn cầu (hỗ trợ nhà cung cấp) khỏi Trung Quốc và chuyển sang Ấn Độ. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

    Theo báo cáo của Lu Media, Walmart đã gia nhập thị trường Trung Quốc từ năm 1996 và hiện có hai hệ thống kinh doanh lớn là Walmart Store và Sam’s Club. Nhưng trong 4 năm từ 2016 đến 2020, Walmart đã đóng cửa 80 cửa hàng ở Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội nhượng quyền và chuỗi cửa hàng Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019, Walmart có 442 cửa hàng tại Trung Quốc. Tổng số cửa hàng hầu như không tăng trong 6 năm và tốc độ tăng trưởng của doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng cũng không cải thiện.

    Chuyên gia truyền thông có chương trình mang tên “Tầm nhìn Trương Lâm” cho rằng sự phát triển của Walmart ở Trung Quốc là không tốt. Thứ nhất, có quá nhiều hàng giả ở Trung Quốc và chi phí để Walmart xác định hàng giả quá cao. Thứ hai, các trung tâm mua sắm lớn như Walmart được xây dựng ở vùng ngoại ô và không có xe buýt ở những nơi này ở Trung Quốc. Do Walmart không biết cách tặng quà và mua chuộc những người có liên quan nên những nơi này sau vài năm đã không thông thoáng, lưu lượng hành khách ít nên dẫn đến thua lỗ.

    Hiện tại, Walmart đã bắt đầu công việc di dời. Walmart hứa hẹn rằng họ sẽ lấy nguồn từ Ấn Độ trị giá hơn 10 tỷ đô-la Mỹ.

    Hiện tại, ngày càng nhiều công ty nước ngoài chuyển ra khỏi Trung Quốc, vào tháng 9, Samsung Heavy Industries của Hàn Quốc đã đóng cửa Nhà máy đóng tàu Ninh Ba và rút khỏi Trung Quốc. Nhà máy LCD thuộc sở hữu của Nhật Bản cũng thông báo đóng cửa nhà máy Tô Châu vào cuối năm nay. Trước đó, gần 1.700 công ty Nhật Bản đã nộp đơn xin trợ cấp di dời để rút khỏi Trung Quốc; gần 80% dây chuyền sản xuất của các công ty Mỹ đã rút khỏi Trung Quốc và 85% các công ty Bắc Á đã rời đi.

    Năm ngoái, COVID-19 hoành hành khắp thế giới, tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã chi phối khá nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm y tế phòng chống dịch. Chính phủ nhiều nước nhận thấy không thể đưa toàn bộ chuỗi công nghiệp vào Trung Quốc và phải cơ cấu lại chuỗi công nghiệp nên các nước này đã liên tiếp đưa ra các chính sách khuyến khích và giúp các công ty chuyển về nước.

    Chính phủ Nhật Bản vào tháng 4 năm ngoái đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty Nhật Bản quay trở lại Nhật Bản hoặc chuyển đến các khu vực khác của châu Á như Đông Nam Á.

    Chính quyền ông Trump ở Hoa Kỳ tuyên bố rằng nếu các doanh nhân Hoa Kỳ rút khỏi Trung Quốc để về Hoa Kỳ, chính phủ sẽ trả toàn bộ phí di chuyển của họ để hỗ trợ các công ty Hoa Kỳ muốn rời khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ cũng cấm các công ty quan trọng như công nghiệp quân sự và điều trị y tế đặt nhà máy ở Trung Quốc.

    Anh cáo buộc Nga ăn cắp công thức vắc-xin AstraZeneca cho Sputnik V


    Các quan chức an ninh nói rằng họ có bằng chứng về việc một trong những gián điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh cắp dữ liệu quan trọng, trong đó có cả bản thiết kế cho vắc-xin.

    Sputnik của Nga sử dụng công nghệ tương tự như vắc-xin do Oxford thiết kế.

    Các đội ngũ bảo mật hiện chắc chắn rằng vắc-xin AstraZeneca đã bị sao chép.

    Năm ngoái, các điệp viên đã nghi ngờ chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Họ nói rằng họ chắc chắn “hơn 95%” tin tặc do nhà nước Nga tài trợ đã nhắm mục tiêu vào các cơ quan của Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Canada đang phát triển một loại vắc-xin Covid.

    Nghị sĩ Tory Bob Seely, một chuyên gia về các vấn đề của Nga, nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần nghiêm túc đối với hoạt động gián điệp của Nga và Trung Quốc”.

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Damian Hinds ngày 10/10 cho biết: “Chúng ta đang sống trong thế giới mà nhà nước tìm cách tham gia vào các hoạt động gián điệp công nghiệp và gián điệp kinh tế. Liên tục có các quốc gia nước ngoài muốn có được thông tin nhạy cảm, bao gồm cả bí mật thương mại”.

    Phản ứng trước cáo buộc của các quan chức Anh, Andrew Leach, thuộc công ty PR Hudson Sandler ở London, thay mặt cho chính quyền nhà nước Nga, hôm 10/10 nói rằng: “Truyền thông Vương quốc Anh đưa tin rằng Sputnik V của Nga bị cáo buộc dựa trên nghiên cứu từ vắc-xin Oxford / AstraZeneca là một tin giả khác và là lời nói dối trắng trợn dựa trên các nguồn ẩn danh”.

    Ấn Độ sẽ cấm đồ nhựa dùng một lần vào năm tới để cắt giảm ô nhiễm


    Năm 2022, Ấn Độ sẽ cấm hầu hết đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, động thái này chỉ là bước đầu tiên để giảm thiểu tác động với môi trường, trang CNBC cho hay.

    Lệnh cấm đối với hầu hết các loại nhựa dùng một lần của chính phủ Ấn Độ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

    Các nhà hoạt động môi trường nói với CNBC rằng, ngoài việc thực thi lệnh cấm hiệu quả, New Delhi cũng cần giải quyết các vấn đề quan trọng như các chính sách điều chỉnh việc sử dụng các chất thay thế nhựa, cải thiện tái chế và quản lý phân loại rác tốt hơn.

    Theo Liên Hợp Quốc, nhựa plastic rẻ, nhẹ và dễ sản xuất, do đó, trong thế kỷ trước, trên thế giới đã xuất hiện sự bùng nổ sản xuất loại chất liệu này và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới.

    Tuy nhiên, các quốc gia hiện đang gặp khó khăn trong việc quản lý lượng rác thải nhựa mà họ đã tạo ra. Theo ông Suneel Pandey thuộc Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi, nhiều loại nhựa plastic đã sử dụng ở Ấn Độ có giá trị kinh tế thấp và không được thu gom để tái chế. Những loại nhựa này trở thành nguồn phổ biến gây ô nhiễm không khí và nước.

    Nói chung, các nhà bảo vệ môi trường đồng ý rằng, lệnh cấm các sản phẩm nhựa một lần là chưa đủ và cần được hỗ trợ bởi các sáng kiến và các quy định ​​khác của chính phủ.

    Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, ngoài việc cải thiện khả năng tái chế, chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp thay thế cho nhựa plastic.

    Ông Pandey giải thích rằng, Ấn Độ là một thị trường lớn, nhạy cảm về giá cả. Tại Ấn độ, các vật liệu thay thế nhựa plastic có thể được sản xuất với số lượng lớn và bán với giá cả phải chăng.

    Trước đây, một số bang của Ấn Độ đã đưa ra nhiều hạn chế khác nhau đối với túi nhựa và dao dĩa dùng một lần, nhưng hầu hết các biện pháp đều không được thực thi nghiêm ngặt.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lệnh cấm mới nhất là một bước tiến lớn đối với cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải, biển và không khí của Ấn Độ – và phù hợp với chương trình nghị sự về môi trường ở quy mô lớn hơn của nước này.

    Đài Loan đề nghị Úc hậu thuẫn gia nhập CPTPP


    Đài Loan muốn tham gia hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương CPTPP và kêu gọi Úc ủng hộ nỗ lực này. Chính quyền Đài Bắc khẳng định có thể gia tăng dòng trao đổi thương mại công nghệ và đáp ứng các nhu cầu khoáng sản của Canberra. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối ý định của Đài Loan.

    Phát biểu trước Nghị Viện Úc ngày hôm nay, 12/10/2021, ông Thường Dĩ Lập (Elliott Charng), lãnh đạo Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tuyên bố rằng việc hậu thuẫn Đài Loan sẽ gởi đi « một thông điệp mạnh mẽ » đến những doanh nghiệp Úc bị tác động bởi việc Trung Quốc tẩy chay hàng hóa của Úc. Theo quan chức này, « những biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc nhắm vào Úc chỉ làm củng cố hơn ý muốn siết chặt hợp tác sâu rộng với Đài Loan ».

    Ông Thường Lập Dĩ, trên thực tế là đại sứ của Đài Loan tại Canberra nhắc lại rằng Úc là nguồn cung hàng hóa nông nghiệp thứ ba cho hòn đảo tự trị, với tổng trị giá trong năm 2020 là 607 triệu đô la và CPTPP cung cấp một cơ cấu tạo thuận lợi cho việc kinh doanh cũng như cải thiện hợp tác an ninh mạng. Dù vậy, ông nhìn nhận có thể dự báo được phản đối của Trung Quốc: « Bắc Kinh sẽ sử dụng mọi phương tiện để tránh việc Đài Bắc tham gia vào bất kỳ tổ chức nào ».

    Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Kim ngạch xuất khẩu của Úc trong tháng 7 đã đạt mức kỷ lục 19,4 tỷ đô la Úc, chủ yếu dựa vào nguồn xuất khẩu sắt. Nhưng trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã xuống cấp nghiêm trọng.

    Đề nghị xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan đưa ra trong tháng Chín rồi đã làm dấy lên những căng thẳng. Bắc Kinh phản đối đơn xin của Đài Bắc, ngay lập tức Đài Loan phản hồi cáo buộc Trung Quốc có hành vi bắt nạt.

    Malaysia hy vọng ASEAN có lập trường thống nhất về liên minh AUKUS


    Vào lúc các thành viên khối Đông Nam Á ASEAN có những đánh giá khác nhau về quan hệ đối tác an ninh mới tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương giữa Anh, Mỹ và Úc trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia vào hôm nay, 12/10/2021 đã tỏ ý hy vọng rằng ASEAN sẽ có được một lập trường chung rõ ràng về liên minh mới được thành lập này.

    Phát biểu trước Quốc Hội Malaysia, bộ trưởng Hishammuddin Hussein cho biết là cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN dự kiến ​​vào tháng 11 tới đây sẽ tạo cơ hội cho khối Đông Nam Á để thống nhất ý kiến về một phản ứng chung đối với liên minh AUKUS.

    Theo bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, mục tiêu tối cao của ASEAN luôn luôn là “bảo đảm sự ổn định của khu vực”, bất kể tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.

    Vào trung tuần tháng 9/2021 vừa qua, bộ ba Anh-Mỹ-Úc loan báo thành lập liên minh quốc phòng AUKUS, dự trù khả năng trang bị cho Úc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.

    Liên minh AUKUS được coi là một phản ứng của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn quyền bá chủ của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền lịch sử gần như toàn bộ diện tích.

    Liên minh AUKUS đã lập tức gây chia rẽ trong nội bộ các quốc gia Đông Nam Á: Philippines, đồng minh quốc phòng của Mỹ, đã lên tiếng ủng hộ trong lúc Indonesia và Malaysia lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường đang cạnh tranh nhau trong khu vực.

    Riêng Việt Nam, nước bị Trung Quốc chèn ép dữ dội tại Biển Đông lại có phản ứng rất dè dặt. Khi được hỏi về sự hình thành của AUKUS, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 23/09/2021 chỉ tuyên bố chung chung: “Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến của tình hình trong khu vực. Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Các nước cần có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này”.

    Trung Quốc dĩ nhiên đã lên tiếng đả kích liên minh AUKUS, cho rằng kế hoạch có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực.

    Về phần mình, Hoa Kỳ đã lên tiếng bảo vệ liên minh, khẳng định AUKUS không gây ra mối đe dọa nào đối với an ninh vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

    Không có nhận xét nào