Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 09 tháng 10 năm 2021

    Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì cuộc chiến giành quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 09 tháng 10 năm 2021

    Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

    Tin này ngay lập tức đã được nhiều người Việt Nam chia sẻ trên mạng Facebook với câu hỏi "Khi nào thì có nhà báo, nhà đấu tranh VN được vinh dự này?".

    Trả lời BBC News cùng ngày, bà Maria Ressa nói từ Philippines rằng "các nhà báo ở châu Á và những nơi khác sẽ vẫn cứ phải tiếp tục làm công việc của mình, và cần sẵn sàng chấp nhận trừng trị khi câu chuyện họ nêu ra không vừa lòng ai đó".

    Bà Ressa và ông Muratov nhận Giải thưởng Hòa bình vì "đã dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga".

    Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Họ là đại diện của tất cả các nhà báo đứng lên bảo vệ lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi."

    Theo Ủy ban, Maria Ressa, sinh năm 1963, sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực và chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở quê hương Philippines.

    Năm 2012, bà đồng sáng lập Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số dành cho lĩnh vực báo chí điều tra.

    Là một nhà báo và là Giám đốc điều hành của Rappler, Ressa đã là một người bảo vệ quyền tự do ngôn luận không sợ hãi.

    Rappler đã tập trung sự chú ý chỉ trích vào chiến dịch chống ma túy giết người, gây tranh cãi của chế độ Duterte.

    Còn tại Nga, Dmitry Andreyevich Muratov, sinh năm 1961, trong nhiều thập kỷ đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong những điều kiện ngày càng thách thức.

    Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta.

    Kể từ năm 1995, ông đã giữ chức vụ tổng biên tập của tờ báo trong 24 năm.

    Novaja Gazeta là tờ báo độc lập nhất ở Nga hiện nay, với quan điểm cơ bản là phê phán quyền lực, theo Ủy ban Nobel Na Uy.

    Kể từ khi thành lập vào năm 1993, Novaja Gazeta đã chỉ trích tham nhũng, bạo lực của cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật, gian lận bầu cử...

    Kể từ khi tờ báo ra đời, sáu nhà báo của tờ báo đã thiệt mạng, bao gồm cả Anna Politkovskaja, người đã viết các bài báo tiết lộ về cuộc chiến ở Chechnya.

    Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ khó có thể thúc đẩy thành công tình huynh đệ giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại của chúng ta. Do đó, việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay được gắn với các quy định trong di chúc của Alfred Nobel."

    Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo, Na Uy đã công bố giải thưởng này.

    Giải thưởng năm ngoái thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới vì những nỗ lực giải quyết nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

    COVID: Khám phá mới cần biết


    Biến thể Delta dường như không làm trẻ em bệnh nặng hơn

    Biến thể Delta của virus corona dường như không làm trẻ em bệnh nặng hơn các biến thể trước, theo một cuộc nghiên cứu của Anh.

    Trước đây trong năm, nhóm nghiên cứu này phát hiện biến thể Alpha dường như không làm trẻ em bệnh nặng hơn so với biến thể nguyên thuỷ lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc.

    Dữ liệu mới cho thấy trẻ em không bị biến thể Delta gây bệnh nặng hơn so với biến thể Alpha.

    Các nhà nghiên cứu so sánh hai nhóm trẻ trong độ tuổi học sinh bị nhiễm COVID. Trong số này có 694 em nhiễm biến thể Alpha từ cuối tháng 12 năm ngoái đến đầu tháng 5 năm nay và 706 em nhiễm biến thể Delta từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 năm nay.

    Kết quả cho thấy các em nhiễm biến thể Delta có nhiều triệu chứng hơn một chút. Tuy nhiên trong cả hai nhóm, rất ít em phải nhập viện và cũng không mấy em bị bệnh kéo dài.

    Trong cả hai nhóm, phân nửa bị bệnh dưới 5 ngày. Nhóm nghiên cứu thiếu thông tin về sự khác biệt giữa hai nhóm có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như các em có sống trong vùng bị phong tỏa hay không và tác động của thời tiết khác nhau.

    “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy đặc tính lâm sàng của COVID-19 do biến thể Delta đối với trẻ em cũng tương tự như các biến thể khác,” các nhà nghiên cứu kết luận. Điều này dường như phù hợp với dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

    “Dù chúng ta đang thấy trẻ em bị nhiễm nhiều hơn…các cuộc nghiên cứu này cho thấy là không có gia tăng bệnh nặng nơi trẻ em,” Giám đốc CDC, bác sĩ Rochelle Walensky, nói về đợt lây nhiễm Delta trong một tuyên bố. “Nhiều trẻ em bị COVID vì có nhiều bệnh hơn trong cộng đồng.”

    Đáp ứng miễn dịch mạnh hơn sau khi dính COVID so với sau khi tiêm chủng

    Trong những người sống sót sau khi nhiễm COVID, những thành phần quan trọng trong đáp ứng miễn nhiễm của cơ thể gọi là các tế bào B tiếp tục tiến hóa và trở nên mạnh hơn trong ít nhất vài tháng, sản xuất ra những kháng thể mạnh mẽ có thể trung lập hóa các biến thể của virus, một cuộc nghiên cứu mới phát hiện.

    Trong khi đó, tế bào B do vaccine tạo ra không mạnh bằng, chỉ tiến hóa trong vài tuần và không bao giờ “học hỏi” để bảo vệ chống biến thể, các nhà nghiên cứu báo cáo trong bài đăng trên tạp chí Nature ngày 7/10.

    Số kháng thể do vaccine tạo ra nhiều hơn số kháng thể do hệ thống miễn dịch tạo ra sau khi bị nhiễm virus corona.

    Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch dường như vượt qua vaccine về phương diện tế bào B.

    Dù kháng thể tạo ra bởi bị nhiễm COVID hay vaccine đi nữa thì mức độ cũng giảm trong vòng 6 tháng nơi nhiều người.

    Tuy nhiên tế bào B sẵn sàng sản xuất kháng thể mới nếu cơ thể gặp virus.

    Trước cuộc nghiên cứu này, có ít dữ liệu so sánh tế bào B do vaccine tạo ra với tế bào B tạo ra sau khi bị nhiễm COVID.

    Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng lợi ích của tế bào B mạnh hơn sau khi bị nhiễm COVID không vượt quá rủi ro bị nhiễm COVID.

    “Dù sự lây nhiễm tự nhiên có thể gây ra sự lớn mạnh của kháng thể với hoạt động rộng rãi hơn là một vaccine tạo ra, nhưng sự lây nhiễm tự nhiên đó cũng có thể giết bạn,” lãnh đạo cuộc nghiên cứu, Michel Nussenzweig, thuộc Đại học Rockefeller, nói.

    “Vaccine thì không như thế, trên thực tế, vaccine bảo vệ chống nguy cơ bệnh nặng hay tử vong từ việc bị lây nhiễm COVID.

    Moderna nhắm giao 1 tỉ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2022


    Công ty Moderna ngày 8/10 loan báo nhắm mục tiêu chuyển giao một tỉ liều vaccine COVID cho các nước thu nhập thấp trong năm tới, ngoài số vaccine hãng đã cam kết cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

    1 tỉ liều mục tiêu này nằm trong khuôn khổ từ 2 đến 3 tỉ liều vaccine mà công ty dự trù sản xuất sang năm.

    “Cho đến nay, hơn 250 triệu người đã được tiêm chủng toàn cầu với vaccine Moderna. Tuy nhiên, chúng tôi công nhận là việc tiếp cận vaccine vẫn là một thách thức tại nhiều nơi trên thế giới,” CEO của Moderna, ông Stéphane Bancel, nói.

    Ngày 7/10, Moderna loan báo kế hoạch đầu tư đến 500 triệu đô để xây một nhà máy tại châu Phi sản xuất tới 500 triệu liều vaccine mRNA mỗi năm, bao gồm vaccine COVID.

    Hồi tháng 5, công ty đã cam kết cung cấp tới 500 triệu liều vaccine COVID cho chương trình COVAX từ quý 4 năm nay cho đến năm sau.

    “Chúng tôi cam kết tăng gấp đôi sản xuất và mở rộng cung ứng thêm nữa cho tới khi nào vaccine của chúng tôi không còn cần đến tại các nước thu nhập thấp,” ông Bancel nói.

    Tập Cận Bình tuyên bố thống nhất Đài Loan bằng con đường « hòa bình »


    Sau hơn một tuần căng thẳng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu hôm 09/10/2021 cam kết sẽ thống nhất Đài Loan bằng con đường « hòa bình ». Đó là giải pháp có lợi kể cả cho người dân Đài Loan.

    Trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 110 năm cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, chủ tịch Tập Cận Bình tránh trực tiếp nêu lên khả năng thôn tính Đài Loan bằng vũ lực. Ông cũng không đả động đến vụ hơn 150 chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hồi tuần trước, khiến tình hình tại eo biển Đài Loan thêm căng thẳng và làm dấy lên lo ngại trước nguy cơ nổ ra chiến tranh.

    Nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến « truyền thống vẻ vang cưỡng lại chủ nghĩa ly khai », mà chủ trương ly khai độc lập Đài Loan là trở ngại lớn nhất để hoàn tất công cuộc đưa hoàn đào này « trở về với đất mẹ ». Đó cũng là « mối nguy hiểm tiềm tàng và nghiêm trọng nhất ».

    Lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo không một ai nên « đánh giá thấp quyết tâm kiên cường, ý chí và năng lực mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ». Thống nhất Đài Loan sẽ là « một nhiệm vụ lịch sử phải hoàn thành ».

    Tuy nhiên hãng tin anh Reuters ghi nhận, phát biểu của ông Tập hôm nay có phần ít đanh thép hơn so với bài diễn văn hôm 01/07/2021 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh tránh lập lại cụm từ « đập tan mọi nỗ lực độc lập » của Đài Loan hay « đưa hòn đảo này về với đất mẹ bằng mọi giá, kể cả bằng sức mạnh quân sự ». Lần này ông Tập Cận Bình hứa « thống nhất đất nước bằng những con đường hòa bình vì lợi ích chung của đất nước, kể cả đối với người dân Đài Loan ».

    Ở bên kia eo biển Đài Loan, một ngày trước lễ Quốc Khánh mồng 10 tháng 10, tại Đài Bắc, tổng thống Thái Anh Văn lập tức đáp trả : « Tương lại quốc gia được đặt trong tay nhân dân Đài Loan ». Tổng thống Đài Loan sẽ đọc một bài diễn văn rất quan trọng vào dịp này.

    Đài Loan tất bật chuẩn bị lễ Quốc khánh lớn nhất lịch sử trước mối đe dọa của Trung Quốc


    Đài Loan đang tất bật chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh lớn nhất trong lịch sử trong bối cảnh quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường đưa chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của quốc đảo.

    Trên trang Facebook cá nhân hôm 8/10, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết Đài Loan đang chuẩn bị lễ Quốc khánh lớn nhất trong lịch sử. Bà cho biết: “Khung cảnh thực sự rất ấn tượng. Vào đúng ngày Quốc khánh, trực thăng vận tải CH-47SD của Cục Hàng không Lục quân sẽ treo cờ Tổ quốc và bay qua phủ tổng thống”.

    “Đối với các cuộc diễn tập chào mừng Quốc khánh, Quân đội Quốc gia đã thực hiện rất nhiều công tác chuẩn bị và diễn tập”. Quốc khánh Đài Loan năm nay rơi vào Chủ Nhật (ngày 10/10).

    Hôm qua, bà Thái cũng thông báo tin quan trọng trước kỳ nghỉ lễ, lương cơ bản đã được tăng trong 6 năm liên tiếp!

    Theo Tổng tư lệnh của Đài Loan, đối mặt với thách thức của đại dịch, nền kinh tế nước này vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng là nhờ sự chung sức của mỗi người dân. Và chính phủ cũng nên trả lại thành quả của tăng trưởng kinh tế cho những người lao động chăm chỉ và quan tâm đến từng người lao động.

    Bà cho biết sau sáu lần điều chỉnh, mức lương cơ bản Đài Loan đã được tăng từ 20.008 Đài tệ lên 25.250 Đài tệ (khoảng hơn 20 triệu VND), theo đó lương theo giờ cũng được tăng từ 120 Đài tệ lên 168 Đài tệ. Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định: “Tôi tin rằng nhiều người lao động nhập cư sẽ rất ấn tượng”.

    Trước bối cảnh liên tục bị chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát trong thời gian gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn trong một diễn đàn đăng trên tờ Foreign Affairs cảnh báo: Nếu hòn đảo rơi vào tay Trung Quốc, điều đó sẽ mang lại hậu quả “thảm khốc” cho châu Á.

    Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không dấu giếm ý định dùng vũ lực để thống nhất. Trong khi bà Thái tuyên bố Đài Loan đã là quốc gia độc lập với quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc và cảnh báo Bắc Kinh sẽ trả giá đắt nếu cố gắng xâm lược.

    CSVN mở chiến dịch bắt hàng loạt người lên tiếng ôn hòa


    Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang mở rộng chiến dịch bắt bớ và khủng bố tất cả những ai đang lên tiếng phản ứng về các phương thức chống dịch, hành xử với con người cũng như những đặt những câu hỏi xung quanh việc chích và mua vaccine ở Việt Nam.

    Theo ghi nhận của nhiều tổ chức quốc tế, từ đầu năm 2021 đến nay có ít nhất hơn 30 người tại Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ với lý do chính trị, nói xấu đảng và Nhà nước. Chiến dịch truy bắt này đã được phát động từ Bộ Công an xuống các địa phương, khuyến khích tạo ra các vụ án để làm thành tích cho bộ này.

    Ngày 6 Tháng Mười, công an quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ khởi tố và bắt giam ông Võ Hoàng Thơ, vào với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân’. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Cơ quan Điều tra thuộc công an quận Ninh Kiều nói trên trang Facebook của mình, ông Võ đã đăng tải 47 bài viết với nội dung sai trái, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, những bài viết đó bị cho xúc phạm lãnh đạo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

    Cơ quan Điều tra TP Cần Thơ còn cho biết, ông Võ Hoàng Thơ, 36 tuổi, ngụ tại đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực báo chí; nhưng không nói rõ ông làm cho cơ quan báo chí nào.

    Đến sáng ngày 7 Tháng Mười, ông Đinh Văn Hải, một nhà phân tích và hoạt động nhân quyền cũng bị công an đưa đi, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Công an đã ập vào chùa Phước Bửu ở Bà Rịa, Vũng Tàu để bắt anh Hải, trước sự chứng kiến của mọi người.

    Thầy trụ trì Thích Vĩnh Phước cho biết công an đe doạ bất cứ ai muốn quay phim lại sự việc, và ông Đinh Văn Hải khẳng định rằng ông đã không làm gì vi phạm pháp luật nên từ chối ký vào các văn bản mà công an yêu cầu.

    Trước khi bị bắt thì ông Đinh Văn Hải đã ba lần nhận được giấy triệu tập của công an tỉnh Lâm Đồng tuy nhiên vì dịch bệnh không thể đi lại, nên ông Hải đã không tới trình diện.

    Ông Đinh Văn Hải là một người khuyết tật nhưng rất nhiệt huyết trong việc tranh đấu bằng luật pháp với nhà cầm quyền. Dù thể chất nhỏ bé và đi lại khó khăn, nhưng ông là một người luôn lên tiếng để bảo vệ người cô thế, Vào Tháng Sáu năm 2018, khi nghe tin cha con nhà hoạt động nghiệp đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh liên tục bị công an địa phương cho côn đồ khủng bố nhà riêng ở Lâm Đồng, ông Hải đã tới thăm và loan tin cho mọi người. Nhưng trên đường về, anh Hải đã bị những kẻ che mặt do công an bảo kê vây đánh đến gãy xương ở nhiều chỗ.

    Do những khó khăn về thể chất, nên Hải dành trọn thời gian sống của mình để nghiên cứu về luật quốc tế cũng như các bộ luật hình sự, dân sự, và đất đai của Việt Nam. Nhờ vào kiến thức này, ông luôn chia sẻ, bênh vực và bảo vệ khi những nhà hoạt động khác bị nhà cầm quyền cộng sản trấn áp bằng những biện pháp như bạo hành và khủng bố.

    Sự kiện bắt bớ và không từ cả việc đàn áp cả người khuyết tật, cho thấy chiến dịch khủng bố xã hội của Bộ Công an CSVN đang được đẩy lên cao trào, ngay vào lúc người dân đang ngày càng phẫn nộ trước các sự bất minh và hành xử tồi tệ của chính quyền trong đại dịch.

    Trung Quốc hối thúc Hoa Kỳ hủy bỏ các mức thuế quan


    Ngày 09/10/2021, Trung Quốc cho biết đã đề nghị Hoa Kỳ hủy bỏ các quy định về thuế nhập khẩu trong cuộc thảo luận giữa đại diện thương mại của hai nước.

    Theo Tân Hoa Xã, « Trung Quốc đã thương thảo về việc hủy các quy định áp thuế và các biện pháp trừng phạt, đồng thời nêu rõ quan điểm về mô hình phát triển kinh tế cũng như là chính sách công nghiệp của mình ».

    Về phía Hoa Kỳ, đại diện Thương Mại, bà Katherine Tai, trình bày chi tiết những lo ngại từ Washington về cách « hành xử phi thị trường của Nhà nước Trung Quốc cũng như là các chính sách của Bắc Kinh gây tổn hại cho người lao động, các nhà nông và doanh nhân Mỹ », thông cáo của đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) cho biết.

    Cuộc đàm phán, được tổ chức trực tuyến, bắt đầu từ hôm qua, giữa đại diện Thương Mại Mỹ bà Katherine Tai và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), còn là một « cơ hội để Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết xây dựng một mối quan hệ thương mại được quản lý có trách nhiệm hơn vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến người dân Mỹ mà cho cả toàn thế giới », theo như lời giải thích của vị quan chức USTR xin ẩn danh.

    Hãng tin Anh Reuters lưu ý, đây là cuộc đàm phán thương mại thứ hai giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, nhằm tìm kiếm một giải pháp hồi phục quan hệ song phương đã bị sứt mẻ nghiêm trọng từ dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.

    Chính quyền Biden, cũng như người tiền nhiệm, chỉ trích chính sách trợ giá ồ ạt của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng cưỡng ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để có thể hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc hay như không tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ. Cách hành xử này của Bắc Kinh đã khoét sâu thêm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào