Nền kinh tế Hoa Kỳ đang thiếu hụt lao động, đặt ra một bài toán khó cho các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách.
Lực lượng lao động đang suy giảm của Hoa Kỳ là một vấn đề nan giải cho các nhà kinh tế |
Đại dịch đã làm thị trường lao động đứt gãy nặng nề, với các đợt phong tỏa khiến hàng triệu người rời khỏi lực lượng lao động năm ngoái. Trong khi nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, việc thu hút nhân viên cũ trở lại hoặc thuê nhân công mới chưa bao giờ lại khó khăn đến vậy. Và việc áp đặt ngày càng nhiều các yêu cầu về chích ngừa vaccine đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, người Mỹ đang bỏ việc với tốc độ kỷ lục. Dữ liệu của Bộ Lao động cho thấy số người bỏ việc đã tăng lên 4.3 triệu trong tháng Tám, mức cao nhất trong các ghi nhận tính từ tháng 12/2000.
Số lượng bỏ việc lên đến đỉnh điểm vào tháng Tư năm nay và vẫn cao bất thường trong suốt mùa hè, khiến nhiều người gọi hiện tượng này là “Đợt bỏ việc Vĩ đại” hay “Đợt bỏ cuộc Lớn.” Số lượng bỏ việc lên tới gần 20 triệu trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Tám.
Đặc biệt, lao động tại các nhà hàng và cửa hàng đang bỏ việc hàng loạt. Số lượng người thôi việc cũng cao nhất trong các ngành công nghệ và chăm sóc sức khỏe, do khối lượng công việc gia tăng và tình trạng kiệt sức.
Một cuộc khảo sát của Gallup đã phát hiện ra rằng 48% lực lượng lao động ở Hoa Kỳ đang tích cực tìm kiếm một công việc mới hoặc canh chừng các cơ hội.
Adecco, nhà cung cấp nguồn nhân lực lớn thứ hai trên thế giới, định nghĩa kỷ nguyên làm việc mới này là “Thời kỳ đánh giá lại Vĩ đại.”
Bà Sara Gordon, phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận thành công của khách hàng tại Adecco cho biết: “Người lao động đang đánh giá lại các ưu tiên của họ.”
“Công việc của quý vị từng là thứ mà quý vị lên kế hoạch cho cuộc sống của mình, và bây giờ ưu tiên này thực sự chuyển sang gia đình, sức khỏe, và tinh thần của quý vị.”
Nhiều người lao động thích sự linh hoạt hơn mức lương, bà nói thêm rằng ngày càng có nhiều người trong lực lượng lao động truyền thống, đặc biệt là những người trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn, muốn nhận một công việc bán thời gian hoặc làm việc tại nhà.
Xu hướng mới này khiến các chủ doanh nghiệp rất lo lắng. Họ đã đổ lỗi cho việc mở rộng trợ cấp thất nghiệp và chi trả kích thích tiêu dùng sau đại dịch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động.
Việc làm tại Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong mùa hè này. Có khoảng 10.4 triệu việc làm chưa được lấp đầy vào cuối tháng Tám. Số lượng cơ hội việc làm cao hơn so với số người đang tìm việc là 2.7 triệu.
Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất quốc gia, tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra là “mối đe dọa đáng kể nhất đối với sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ.”
Nhóm kinh doanh này cho biết trong một tuyên bố ngày 12/10: “Quốc hội nên bỏ các đề nghị chi tiêu và thuế trị giá hàng ngàn tỷ USD có thể làm suy yếu nền kinh tế hơn nữa và tập trung vào việc đưa người Mỹ trở lại làm việc và giúp các nhà tuyển dụng tìm được nhân công cho các việc làm cần tuyển dụng.”
Một số chương trình trợ cấp thất nghiệp của liên bang đã hết hạn trên toàn quốc vào đầu tháng Chín. Các nhà kinh tế dự báo rằng việc kết thúc các chương trình viện trợ đại dịch này và việc mở cửa trở lại các trường học sẽ đẩy nhanh việc tuyển dụng trong những tháng tới.
Các khoản phúc lợi hết hạn đã thúc đẩy hoạt động tìm kiếm việc làm lớn hơn, với một số công ty như McDonald’s báo cáo lượng đơn xin việc tăng đáng kể ở các tiểu bang kết thúc chương trình phúc lợi sớm hơn.
Nhưng hàng triệu người vẫn ở ngoài lề của nền kinh tế.
Tham vụ báo chí của Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết: “Có một loạt các yếu tố trong đánh giá của chúng tôi, khi được hỏi về lý do tại sao mọi người không quay trở lại làm việc.
Bà trả lời vào hôm 08/10 rằng, “Một là mọi người vẫn lo sợ về COVID.”
Bà nói thêm, nhiều người cũng đang phải vật lộn để trở lại làm việc, vì họ phải đối mặt với những thách thức trong việc chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già.
Đặc biệt là phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Một số lượng kỷ lục phụ nữ đã rời bỏ lực lượng lao động để chăm sóc con cái hoặc cha mẹ của họ.
Vào tháng Chín, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 61.6%, giảm so với mức trước đại dịch là 63.3% vào tháng 02/2020. Cho đến nay, hơn 5 triệu người đã rời bỏ lực lượng lao động và hầu hết trong số họ có thể không trở lại làm việc, và những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh mà hiện đang từ 57 đến 75 tuổi đã quyết định nghỉ hưu vì đại dịch.
Theo một phân tích gần đây của ông Miguel Faria e Castro, một nhà kinh tế cấp cao tại Fed St. Louis, có hơn 3 triệu người “nghỉ hưu vượt mức.”
Ông Faria e Castro cho biết một số lý do, bao gồm rủi ro sức khỏe và sự nâng cao đáng kể các định giá tài sản, có thể đã thúc đẩy những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh sớm rời bỏ lực lượng lao động.
Các biện pháp kích thích tài chính đáng kể do Quốc hội và Fed cung cấp đã tiếp tục thúc đẩy cổ phiếu và giá nhà trong thời kỳ đại dịch, khiến việc nghỉ hưu của mọi người trở nên khả thi hơn.
Ông Faria e Castro nói: “Các lý thuyết tiêu chuẩn về hành vi hộ gia đình dự đoán rằng khi người ta giàu hơn, họ làm việc ít hơn.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Không có nhận xét nào