Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Minh Quang – Tại sao triều cường sông Sài Gòn tại Phú An càng ngày càng cao?

    Phú An là một trong các trạm thủy học dùng để theo dõi mực nước của sông Sài Gòn, con sông chánh chảy qua thành phố có cùng tên, nay là thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Trạm nằm ngay trong phạm vi của thành phố nên thường được dùng để cảnh báo mức triều cường có thể gây ngập lụt ở nhiều nơi trong thành phố.

    Nguyễn Minh Quang – Tại sao triều cường sông Sài Gòn tại Phú An càng ngày càng cao?

    Dữ kiện mực nước tại trạm thủy học Phú An của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho thấy triều cường dao động trong khoảng 1,20 đến 1,30 m từ năm 1980 đến 1998, sau đó dâng lên khoảng 1,40 m và dao động ở đó từ năm 1999 đến 2004. Từ năm 2005, triều cường dâng liên tục và đạt đến mức 1,70 m vào năm 2013 và dao động giữa khoảng 1.60 m và 1,80 m kể từ đó cho đến nay.

    Tại sao mức triều cường ở trạm Phú An sau năm 1999 càng ngày càng cao? Bài viết nầy có mục đích trả lời câu hỏi nầy.

    Giải thích của một số chuyên viên Việt Nam

    Thay đổi Khí hậu và mực nước biển dâng

    Theo Thạc sỉ Lê Thị Xuân Lan của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, Giáo sư Nguyễn Ân Niên của Hội Khoa học Thủy lợi TPHCM, triều cường ở trạm Phú An càng ngày càng cao là do thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng (1). Tuy nhiên, giải thích nầy không hợp lý vì mực nước biển tại Vũng Tàu dâng chậm và thấp hơn triều cường ở trạm Phú An.


    Theo Phó giáo sư Tiến sĩ (PGS TS) Lê Trung Chơn của Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TPHCM, có nhiều nguyên nhân tác động đến đỉnh triều, trong đó có tình trạng sụt lún đất (1). Hiện tượng nầy sẽ kéo theo các mốc cao độ phục vụ cho việc quan trắc mực nước. PGS TS Chơn nói: "Đây là nguyên nhân quan trọng, để có cơ sở kiểm chứng cho giả thiết này, cần phải đo và xác định lại độ cao các mốc. Nếu khu vực có tốc độ lún lớn, cỡ vài cm thì có thể giải thích lý do tại sao đỉnh triều tại TP.HCM liên tục lập kỷ lục.”

    Nhưng theo một nghiên cứu quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM do TS Lê Văn Trung và Hồ Tống Minh Định thực hiện, khu vực quận Bình Thạnh – nơi có trạm Phú An – mặt đất bị lún trên 20 cm (3). Con số nầy không phù hợp với con số do PGS TS Chơn đưa ra và mức gia tăng của đỉnh triều tại Phú An trong 25 năm qua. Vì thế, giải thích nầy cũng không hợp lý.

    San lấp các vùng trũng chung quanh thành phố

    Theo TS Nguyễn Bách Chúc, chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM, triều cường ở trạm Phú An càng ngày càng cao vì các vùng sình lầy ở quận 7 và Nhà Bè bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa (1). Ông nói: “Ngập nặng là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này. Thành phố đã sai lầm khi cho đô thị hóa xuống vùng trũng thấp, đã lấp sạch cả vùng trữ nước nên thành phố ngày càng ngập. Bây giờ cứ đi chống ngập theo kiểu giật gấu vá vai thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể nào hiệu quả được.”

    Giống như TS Chúc, TS Phạm Thế Vinh của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam giải thích: “Không chỉ diện tích ao, hồ, kênh rạch bị san lấp, mà có thể nói cả các khu vực trũng thấp chứa triều, các khu rừng ngập mặn. Nếu chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó, dòng triều không thể vào được các khu này, áp lực triều ngoài biển sẽ mạnh lên trong sông làm mực nước triều gia tăng. Việc mực nước gia tăng sẽ gâp ngập thêm. Ngoài ra, những khu vực trũng thấp hiện nay, nếu chúng ta xây dựng đường giao thông đi qua làm cắt dòng triều xâm nhập, cũng sẽ làm mực nước tăng lên.” (4)

    Nhưng theo một nghiên cứu của TS Vinh, “… tổng diện tích đất xây dựng trong vùng hạ lưu sông Đồng Nai khoảng 118.750 ha vào năm 1980, tăng lên 138.290 ha vào năm 1990 (tăng 16,5% so với năm 1980)…” (5). Một nghiên cứu khác (6) cho thấy diện tích của TPHCM gia tăng đáng kể từ năm 1980 đến 1993 (Hình 2).


    Trong khoảng thời gian nầy, triều cường ở trạm Phú An không dâng lên cao mà vẫn dao động ở khoảng 1,20-1,30 m. Như vậy, việc san lấp các vùng trũng chung quanh thành phố để đô thị hóa không phải là nguyên nhân khiến cho triều cường trên sông Sài Gòn dâng cao.

    Vai trò của quy hoạch hệ thống thoát nước và chống ngập thành phố

    Dữ kiện đo đạc tại trạm Phú An cho thấy triều cường tại trạm nầy có liên hệ chặt chẽ với việc quy hoạch thoát nước đô thị và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM.

    Từ năm 1998, đỉnh triều cường tại Phú An bắt đầu dâng từ khoảng 1,30 m sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 để Điều chỉnh Quy hoạch Chung của TPHCM đến năm 2020 (7) và Quyết định số 35/1999/QĐ-TTg ngày 5 tháng 3 năm 1999 về việc phê duyệt Định hướng Phát triển Thoát nước Đô thị Việt Nam đến năm 2020 (8). Các quyết định nầy cho phép mở rộng thành phố qua vùng Thủ Thiêm và xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị, trước hết là Hà Nội và TPHCM. Đợt dâng nầy chấm dứt khi đỉnh triều ở trạm Phú An dao động ở mức 1,40 m.

    Sau đó, đỉnh triều tại Phú An lại tiếp tục gia tăng sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 về việc phê duyệt Quy hoạch Tổng thể Hệ thống Thoát nước TPHCM đến năm 2020 (9). Quyết định nầy cho phép đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Kinh Đôi-Kinh tẻ, rạch Hàng Bàng, Tân Hóa-Lò Gốm, Tham Lương-Bến Cát nhằm xóa bỏ tình trạng ngập úng cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Kết quả là đỉnh triều cường tại trạm Phú An dâng lên từ 1,40 m đến 1,55 m.

    Đỉnh triều cường tại Phú An lại tiếp tục dâng lên sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 về việc phê duyệt Quy hoạch Thủy lợi Chống Ngập Úng Khu vực TPHCM (10). Quyết định nầy cho phép thực hiện: “1. Giai đoạn I: triển khai các dự án khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè: a. Đợt 1: xây dựng 6 cống lớn: Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Thủ Bộ, kênh Hàng và các cống nhỏ tại các rạch khác; xây dựng tuyến đê bao nối các cống; nạo vét các kênh trục tiêu thoát nước trung tâm thành phố về phía Nam; b. Đợt 2: xây dựng 2 cống lớn Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ khác liên hoàn với các tiểu dự án hệ thống thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; nạo vét tuyến trục Rạch Tra - An Hạ - Nam Sài Gòn và tuyến trục Vàm Thuật -Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; c. Đợt 3: xây dựng 4 cống: Bến Nghé, Tân Thuận, Bến Lức, kênh Xáng Lớn, mở thông cống An Hạ hiện hữu; xây dựng hoàn chỉnh tuyến đê bao và các cống nhỏ dưới đê khác. 2. Giai đoạn II: giải quyết khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn.”


    Kế quả là, sau năm 2008, đỉnh triều tại trạm Phú An đã tăng từ 1,55 m đến mức cao kỷ lục 1,77 m trong năm 2019. Tuy nhiên, đỉnh triều cường tại trạm Phú An có vẻ ngưng dâng cao sau khi hoàn tất Quyết định 1547-QĐ-TTg.

    Phần kết luận

    Từ năm 1995, đỉnh triều cường trong sông Sài Gòn ở trạm thủy học Phú An càng ngày càng dâng cao và đạt mức kỷ lục 1,77 m vào năm 2019. Một số chuyên viên của Việt Nam đưa ra nhiều lý do để giải thích hiện tượng nầy: thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng, sụt lún đất do đô thị hóa và khai thác nước ngầm và san lấp các vùng trũng chung quanh thành phố. Những giải thích nầy không hợp lý vì không phù hợp với diễn biến của đỉnh triều.

    Trái lại, đỉnh triều cường ở Phú An có liên hệ chặt chẽ đến việc quy hoạch đô thị, thoát nước và chống ngập cho TPHCM từ năm 1998. Sau mỗi đợt thực hiện các dự án thoát nước hay chống ngập, với hệ thống đê bao dọc theo sông và cống ngăn triều ở các cửa kinh rạch, đỉnh triều cường dâng cao rồi dao động ở mức cao mới. Vì thế, các đê bao dọc theo sông và cống ngăn triều ở cửa kinh rạch nối với sông Sài Gòn có lẽ là nguyên nhân khiến đỉnh triều cường ở Phú An càng ngày càng cao vì chúng ngăn chận nước thủy triều chảy ra khỏi lòng sông làm cho nó dâng lên. Đỉnh triều cường ở Phú An sẽ không dâng cao thêm nữa nếu không có thêm hệ thống đê bao và cống ngăn triều dọc theo sông Sài Gòn.

    Sơ lược về tác giả

    Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.

    Tài liệu tham khảo

    1 VnExpress. 3 tháng 10 năm 2019. “Chuyên gia phân tích nguyên nhân triều cường ở TP.HCM liên tục lập kỷ lục.” VTC News. https://vtc.vn/chuyen-gia-chi-ro-nguyen-nhan-trieu-cuong-o-tphcm-lien-tuc-lap-ky-luc-ar502107.html

    2 Võ Văn Tiền, Nguyễn Đăng Tính, Lê Thị Hòa Bình và Đặng Đồng Nguyên. Tháng 12 năm 2020. “Mô phỏng mực nước cực đoan tại Vũng Tàu có xét đến sự thay đổi về xu thế của chuỗi số liệu.” Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường. Số 71 (12/2020). https://tailieu.vn/doc/mo-phong-muc-nuoc-cuc-doan-tai-vung-tau-co-xet-den-su-thay-doi-ve-xu-the-cua-chuoi-so-lieu-2376223.html

    3 Phan Anh. 13 tháng 8 năm 2019. “Lún ở TP HCM đến mức báo động.” Người Lao động. https://nld.com.vn/thoi-su/lun-o-tp-hcm-den-muc-bao-dong-20190812220239092.htm

    4 Tiến Huy-Mai Hiền. 23 tháng 11 năm 2016. “Nước sông Sài Gòn dâng cao: Đâu chỉ do triều cường, mưa lũ?” Thương hiệu Công luận. https://thuonghieucongluan.com.vn/nuoc-song-sai-gon-dang-cao-dau-chi-do-trieu-cuong-mua-lu-a31238.html

    5 Phạm Thế Vinh. 2021. Nghiên cứu Vai trò của các Bãi triều đến Mực nước và Lưu lượng sông Sài Gòn-Đồng Nai. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. https://vawr.org.vn/Upload/Daotao/NCS/2021/tvla_pham-the-vinh.pdf

    6 Lưu Đức Cường. 19 tháng 3 năm 2021. “Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết ngập lụt tại TPHCM.” Ashui. https://www.ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/6483-vai-tro-cua-quy-hoach-do-thi-trong-viec-giai-quyet-ngap-lut-tai-tphcm.html

    7 Thủ tướng Chính phủ. 10 tháng 7 năm 1998. Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg về việc Phê quyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. https://vanbanphapluat.co/quyet-dinh-123-1998-qd-ttg-phe-duyet-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thanh-pho-ho-chi-minh-den-2020

    8 Thủ tướng Chính phủ. 5 tháng 3 năm 1999. Quyết định số 35/1999/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Định hướng Phát triển Thoát nước Đô thị Việt Nam đến năm 2020. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. https://vanbanphapluat.co/quyet-dinh-35-1999-qd-ttg-phe-duyet-dinh-huong-phat-trien-thoat-nuoc-do-thi-viet-nam-den-2020

    9 Thủ tướng Chính phủ. 19 tháng 6 năm 2001. Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch Tổng thể Hệ thống Thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. https://vanbanphapluat.co/quyet-dinh-752-qd-ttg-phe-duyet-quy-hoach-tong-the-he-thong-thoat-nuoc-thanh-pho-ho-chi-minh-den-nam-2020

    10 Thủ tướng Chính phủ. 28 tháng 10 năm 2008. Quyết định số 1547/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch Thủy lợi Chống Ngập Úng Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-1547-QD-TTg-phe-duyet-Quy-hoach-thuy-loi-chong-ngap-ung-108029.aspx

    11 Tô Văn Trường. 6 tháng 12 năm 2018. “Nhìn lại bài toán ngập lụt Thành phố Hồ Chí Minh.” Ashui. https://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/14844-nhin-lai-bai-toan-ngap-lut-thanh-pho-ho-chi-minh.html

    Không có nhận xét nào