Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 20 tháng 11 năm 2021

    Mỹ cảnh cáo Trung Quốc sau vụ đụng độ với Philippines ở Biển Đông

    Reuters

    Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price.

    Hoa Kỳ ngày 19/11 tố cáo hành động của Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines tại Biển Đông là ‘nguy hiểm, khiêu khích, và không thể biện minh’, đồng thời cảnh báo cam kết quốc phòng hỗ tương giữa Washington với Manila sẽ được vận dụng nếu có một cuộc tấn công võ trang vào tàu bè của Philippines.

    Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ned Price nhấn mạnh Mỹ sẽ sát cánh với đồng minh có hiệp ước của mình là Philippines giữa ‘cuộc leo thang đe doạ trực tiếp tới hoà bình ổn định khu vực.’

    Bắc Kinh ‘chớ can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines,’ ông Price nói thêm.

    Trong cuộc điện đàm hôm 19/11 với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tái xác nhận cam kết quốc phòng của Washington với Manila và hứa ‘sát cánh với đồng minh Philippines.’

    “Đôi bên nhất trí về tầm quan trọng của hoà bình ổn định ở Biển Đông và cam kết giữ liên lạc chặt chẽ trong thời gian tới,” Ngũ Giác Đài loan báo.

    Hôm 18/11, Philippines lên án mạnh mẽ hành động của ba tàu tuần duyên Trung Quốc mà Manila mô tả là ngăn chặn và xịt vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines khi các tàu này đang trên đường tới một rạn san hô do Philippines chiếm đóng ở Biển Đông.

    “Hoa Kỳ tin tưởng mạnh mẽ rằng hành động của Trung Quốc khẳng định các tuyên bố hàng hải bành trướng và phi pháp ở Biển Đông gây phương hại hoà bình ổn định trong khu vực,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, tuyên bố.

    Thủ tướng Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được tân thủ tướng Nhật Bản đón tiếp tại Tokyo

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tại Hà Nội, ngày 12/09/2021. © Duong Van Giang/VNA via AP

    Chính quyền Nhật Bản ngày hôm qua, 19/11/2021 chính thức cho biết thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ bắt đầu một chuyến công du 4 ngày tại Nhật Bản kể từ thứ Hai 22/11. Ông Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Fumio Kishida tiếp đón kể từ khi nhậm chức vào tháng 10. 

    Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, trong một cuộc họp báo, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno xác nhận “Việt Nam là một đối tác trong việc hiện thực hóa một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật-Việt và xây dựng lòng tin cá nhân giữa các nhà lãnh đạo”.  

    Kyodo nhắc lại rằng vào tháng 9 vừa qua, Tokyo và Hà Nội đã ký kết một thỏa thuận cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các vùng biển khu vực. 

    Nhật Bản và Việt Nam là hai nước có chung một mối quan ngại về các hành vi hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển bao quanh, Biển Đông trong trường hợp của Việt Nam, và Biển Hoa Đông trong trường hợp Nhật Bản, nơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. 

    Hãng thông tấn Kyodo cũng nhắc lại rằng hai ông Fumio Kishida và Phạm Minh Chính đã từng có một cuộc hội đàm song phương tại Glasgow (Scotland, Anh Quốc) vào đầu tháng 11, bên lề hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP26.  

    Trong cuộc tiếp xúc, thủ tướng Nhật Bản đã “kiên quyết phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông”. 

    Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng vươn lên thành đối tác được Nhật Bản hết sức cọi trọng. Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khi mới bắt đầu nhiệm kỳ, cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong cương vị thủ tướng.

    Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ký hợp đồng tên lửa 60 triệu đô la với 3 tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ

    Đăng ngày: 20/11/2021 - 11:34

    Ảnh minh họa : Logo của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. AFP/File

    Các tập đoàn khổng lồ của Mỹ trong ngành công nghiệp quốc phòng, Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman, sẽ phát triển tên lửa để giúp Hoa Kỳ phòng vệ tốt hơn chống lại các vụ tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Ngày 19/11/2021, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết ba hợp đồng có tổng trị giá hơn 60 triệu đô la.

    Cụ thể, theo AFP, ba tập đoàn Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman sẽ phát triển tên lửa đánh chặn. Trước đó, vào tháng 10, Hoa Kỳ đã thử nghiệm thành công công nghệ tên lửa siêu thanh.

    Công nghệ tên lửa siêu thanh cũng được Nga và Trung Quốc phát triển. Lầu Năm Góc gần đây xác nhận Trung Quốc hồi tháng 08 đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân, vốn rất khó đánh chặn. Cũng theo Washington, Bắc Kinh đang phát triển kho vũ khí tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự báo. 

    Các loại tên lửa siêu thanh, cũng như tên lửa truyền thống, có thể bay nhanh ít nhất gấp 5 lần so với tốc độ âm thanh, tức là tốc độ Mach 5. Tuy nhiên, tên lửa siêu thanh cơ động hơn tên lửa đạn đạo và có thể bay ở độ cao thấp hơn nên sẽ khó bị phát hiện hơn.

    (AFP) - Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng lên các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), công bố ngày hôm qua, 18/11/2021, Trung Quốc đã tăng các đóng góp cho các tổ chức quốc tế, trong đó Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Liên Hiệp Quốc, hay Ngân hàng Thế giới. Số đóng góp lên đến 66 tỷ đô la, vượt qua Nhật Bản. Trung Quốc trở thành nước đóng góp lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc lại là một trong những nước nhận viện trợ chính từ các tổ chức này và Bắc Kinh vẫn được quyền biểu quyết, đưa ra quyết định trong các tổ chức này. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải xem xét lại quyền biểu quyết và sự hiện diện của Trung Quốc trong vị trí lãnh đạo tại 76 tổ chức lớn toàn cầu, và cần có những cố gắng hợp lý để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, nhằm ngăn nước này phá hoại các mục tiêu phát triển toàn cầu.

    Hoa Kỳ nhận một tội phạm ma túy Việt Nam do Hà Nội trao

    Việt Nam hôm 16/11 trao cho phía Hoa Kỳ một công dân Việt bị buộc tội phân phối methamphetamine ở Mỹ và trốn về trong nước để tránh truy nã. Thông cáo báo chí do Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội phát đi ngày 19/11 cho biết tin vừa nêu.

    Cụ thể, người bị trao cho phía Mỹ có tên Tyler Pham, 38 tuổi. Người này bị Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ truy nã vì tội phân phối methamphetamine.

    Thông cáo nêu rõ việc bắt Tyler Pham và đưa sang Hoa Kỳ là kết quả của hợp tác lâu nay trong điều tra giữa Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam và Bộ Công an Chính phủ Hà Nội.

    Vụ việc này được đánh giá là điển hình của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai phía trong công tác ngăn chặn các tổ chức ma túy xuyên quốc gia.

    Phía Mỹ hoan nghênh Bộ Công an Việt Nam về sự hỗ trợ trong vụ việc vừa nêu; đồng thời mong muốn tiếp tục được hợp tác về các vấn đề liên quan truy nã và thực thi pháp luật.

    Hạ viện Hoa kỳ thông qua gói quà 1.750 tỷ

    Sáng sớm Thứ Sáu, hạ viện đã thông qua gói quà “Chi Tiêu Xã Hội’ trị giá 1.750 tỷ, tuyệt đối theo làn ranh đảng phái, với tất cả dân biểu CH chống, tất cả dân biểu DC ủng hộ, ngoại trừ một dân biểu DC của Maine chống. Văn Phòng Ngân Sách của Quộc Hội -Congressional Budget Office, nghiên cứu và cho biết gói quà thứ nhì này sẽ khiến ngân sách quốc gia thâm thủng 367 tỷ trong mười năm tới.

    Số tiền này chỉ là một nửa con số được đề nghị lúc đầu, là 3.500 tỷ.

    Câu chuyện chưa xong vì sẽ còn phải qua thượng viện. Chưa ai biết rõ thượng viện sẽ phê chuẩn hay không và trong gói quà đó sẽ có những gì. Ta chờ xem.

    Thủ tướng Ấn Độ bãi bỏ luật trang trại gây tranh cãi sau biểu tình kéo dài của nông dân

    Hôm thứ Sáu (19/11), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, ông sẽ bãi bỏ ba đạo luật nông nghiệp gây tranh cãi, sau khi nông dân Ấn Độ biểu tình phản đối trong hơn một năm, theo CNN.

    Ông Modi nói trong một bài phát biểu quốc gia “Hôm nay tôi đến để nói với cả nước rằng, chúng tôi đã quyết định rút bỏ cả ba đạo luật nông nghiệp”. Đồng thời, thủ tướng cho biết thêm rằng, quá trình này sẽ được hoàn tất trong phiên họp quốc hội vào cuối tháng này.

    Ông Modi thừa nhận tầm quan trọng của tầng lớp nông dân và những thách thức mà họ phải đối mặt. Ông cho biết đây là vấn đề ưu tiên đối với Đảng cầm quyền của ông.

    Ông Modi phát biểu: “Trong chiến dịch lớn nhằm cải thiện điều kiện của nông dân, ba đạo luật nông nghiệp đã được đưa vào áp dụng trong nước. Luật này được đưa ra với mục đích tốt”. Thủ tướng nói thêm rằng, bất chấp nỗ lực, chính phủ không thể “làm cho nông dân hiểu được tầm quan trọng của các đạo luật nông nghiệp.”

    Trong hơn một năm, nông dân Ấn Độ đã lên tiếng phản đối với ba đạo luật mới. Người nông dân nói rằng, những đạo luật này sẽ mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn trong khi gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nhỏ hơn, phá hủy sinh kế của nông dân.

    Các đạo luật được thông qua vào tháng 9 năm ngoái, đã nới lỏng các quy tắc xung quanh việc bán và định giá nông sản, vốn bảo vệ nông dân trong nhiều thập kỷ.

    Các đạo luật đã dẫn đến một số cuộc biểu tình lớn tại Ấn Độ từng và là mối đe dọa đối với chính phủ của ông Modi khi ông không dập tắt được các cuộc biểu tình.

    Nông dân là bộ phận cử tri bỏ phiếu lớn nhất trong cả nước và lĩnh vực nông nghiệp nuôi sống khoảng 58% trong số 1,3 tỷ người Ấn Độ.

    Điện đàm với Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương

    Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm thứ Năm nhấn mạnh với người đồng cấp Trung Quốc rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là quan trọng, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Hồng Kông và Tân Cương.

    Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu đã trở nên căng thẳng vì vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhưng ông Hayashi cho biết việc xây dựng mối quan hệ ổn định, mang tính xây dựng với Trung Quốc là rất quan trọng.

    Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng, trong lần đầu tiên nói chuyện với Bộ trưởng Vương Nghị, ông Hayashi bày tỏ nỗ lực hướng tới điều đó.

    Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng cho biết ông cảm thấy “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Hong Kong và Tân Cương.

    Ông Hayashi cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

    Ngoại trưởng Hayashi bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc có thể tổ chức các cuộc thảo luận về những vấn đề này trong tương lai.

    LHQ kêu gọi Trung Quốc chứng minh Bành Soái không gặp nguy hiểm

    Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hôm thứ Sáu (19/11), đã yêu cầu Trung Quốc phải chứng minh “nơi ở và sức khỏe” của Bành Soái, sau khi ngôi sao quần vợt được cho là mất tích vì nói rằng cô bị cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ hãm hiếp.

    “Điều quan trọng là phải có bằng chứng về nơi ở và sức khỏe của cô ấy và chúng tôi mong muốn có một cuộc điều tra với đầy đủ minh bạch về các cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy”, trang Nikkei dẫn lời Liz Throssell, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, nói với các phóng viên ở Geneva.

    Bành Soái đã không được nhìn thấy kể từ khi cô đưa ra cáo buộc ông Trương hãm hiếp mình vào ngày 2 tháng 11. Sự biến mất của Bành Soái đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc, công chúng đã đặt ra câu hỏi về nơi ở và sự an toàn của cô.

    Ngôi sao quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka đã đăng một bức ảnh của Bành trên Twitter trong tuần này với hashtag “Bành Soái đang ở đâu”.

    “Việc kiểm duyệt không bao giờ ổn với bất kỳ giá nào, tôi hy vọng Bành Soái và gia đình cô ấy an toàn và bình yên”, Osaka viết. “Tôi đang bị sốc với tình hình hiện tại và tôi đang gửi tình yêu và ánh sáng cho cô ấy.”

    Hiệp hội quần vợt nữ cũng đã đặt câu hỏi về nơi ở của cô Bành.

    Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN đã chia sẻ một email hôm thứ Năm được cho là do cô Bành viết, trong đó cô phủ nhận những cáo buộc trước đó của mình và nói rằng cô vẫn an toàn. Tính xác thực của email đã bị nhiều người đặt câu hỏi khi bức thư thậm chí còn không có chữ ký của cô Bành.

    Ngay sau khi LHQ kêu gọi cung cấp thông tin vào ngày thứ Sáu, Shen Shiwei, một nhà báo làm cho truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã tweet một loạt ảnh mà anh cho rằng lấy từ WeChat của cô Bành vào cùng ngày, cho thấy cô đang ôm một con mèo trong một căn phòng đầy ắp đồ chơi nhồi bông với chú thích, “Cuối tuần vui vẻ”.

    Nhưng những bức ảnh của Shen không thể dập tắt được những lo ngại của cư dân mạng, họ vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra câu trả lời.

    Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từ chối bình luận về dòng tweet của CGTN. Ông Triệu nói với các phóng viên rằng “đây không phải là vấn đề ngoại giao. Tôi không biết về cầu chuyện này”.

    Sự việc của nữ minh tinh quần vợt Bành Soái bùng lên khi Thế vận hội mùa đông chỉ còn gần 3 tháng nữa sẽ khai mạc tại Bắc Kinh. Suốt thời gian qua, công luận thế giới cho rằng Trung Quốc không xứng đáng tổ chức một sự kiện thể thao lớn như thế vận hội vì “sở hữu” một hồ sơ nhân quyền đáng xấu hổ.

    Vì cô Bành là một vận động viên nổi tiếng thế giới, nên Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh càng khiến cộng đồng thế giới chú ý nhiều hơn tới hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

    Hôm thứ Năm, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông đang cân nhắc việc tẩy chay Thế vận hội về mặt ngoại giao vì cách Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

    Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Sáu đã kêu gọi Trung Quốc “cung cấp bằng chứng độc lập, có thể xác minh” về tung tích của cô Bành.

     

    Không có nhận xét nào