Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 22 tháng 11 năm 2021

    Trung Quốc không tìm cách làm “bá chủ” khu vực và sẽ không “hăm dọa” các nước láng giềng nhỏ hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục trấn an các nước ASEAN tại thượng đỉnh trực tuyến ngày 22/11/2021 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ song phương.

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 22 tháng 11 năm 2021

    Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc “đã, đang và sẽ mãi là một láng giềng tốt, một người bạn hữu hảo, một đối tác tốt của ASEAN”. Bắc Kinh “sẽ không bao giờ tìm cách làm bá chủ và chắc chắn sẽ không ức hiếp các nước nhỏ”.

    Những phát biểu mang tính trấn an, xoa dịu của ông Tập Cận Bình đi ngược với những hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà gần đây nhất là tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas), quần đảo Trường Sa.

    Cách hành xử vũ lực của Trung Quốc bị tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích tại cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Tập Cận Bình là “không có lợi cho mối quan hệ giữa các nước chúng ta và quan hệ đối tác của chúng ta”. Theo AFP, Philippines “lấy làm tiếc về sự kiện ở bãi Ayungin (tên gọi Philippines của bãi Cỏ Mây) và vô cùng quan ngại nếu những sự kiện tương tự xảy ra”.

    Ngoài trấn an các nước ASEAN, chủ tịch Trung Quốc cho biết muốn “cùng duy trì ổn định ở Biển Đông”, biến Biển Đông “thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác”, nhưng loại bỏ mọi “can thiệp” từ bên ngoài, ngụ ý đến các cuộc tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong vùng, cũng như của Đức, Anh, Pháp. Liên Hiệp Châu Âu từng kêu gọi “tất cả các bên tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

    Sau sự kiện tàu tiếp tế của Philippines bị hải cảnh Trung Quốc sách nhiễu ở bãi Cỏ Mây, ngày 19/11, Washington đã cảnh báo Bắc Kinh là một vụ tấn công vũ trang sẽ buộc Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ Philippines trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung.

    Miến Điện không tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11 dù trước đó Bắc Kinh đã vận động để chính quyền quân sự được tham dự. Tuy nhiên, bốn nước Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore đã phản đối gay gắt đề nghị của Trung Quốc.

    Giải Tự do Báo chí 2021 trao cho nhà báo Trung Quốc bị bắt tù vì đưa tin Covid


    Vision Times đưa tin, tổ chức “Phóng viên không biên giới” vào ngày 18/11 thông báo rằng nhà báo công dân Trương Triển ở Trung Quốc là người được trao Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2021.

    Tổng giám đốc Tổ chức Phóng viên không biên giới, ông Christophe Deloire, cho biết: “Người đoạt giải Dũng cảm đã chống lại hệ thống kiểm duyệt, đã can đảm nhắc nhở thế giới về tình hình thực tế của đại dịch [viêm phổi Vũ Hán/COVID-19] bùng phát, vì vấn đề này mà cô ấy đã bị bỏ tù hiện nay tình trạng sức khỏe của cô ấy rất đáng lo ngại”.

    Cô Trương Triển 38 tuổi sinh ra ở Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây – Trung Quốc, cô tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam với bằng thạc sĩ tài chính, cô cũng từng là luật sư.

    Tháng 12/2020 Tòa án Phố Đông Thượng Hải đã kết án cô 4 năm tù vì tội “gây rối trật tự”, cô là trường hợp đầu tiên bị kết án ở Trung Quốc vì đưa tin dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán.

    Ngày 3/2/2020, Trương Triển với tư cách là một phóng viên công dân đã đến nơi đầu tiên xảy ra dịch COVID-19/Vũ Hán – Hồ Bắc.

    Cô Trương đưa tin về dịch bệnh ở Vũ Hán chủ yếu thông qua truyền thông trực tuyến như WeChat, Twitter.

    Cô từng để lại lời nhắn trên Twitter cá nhân “Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay của chính phủ Trung Quốc là sai lầm, không có phương pháp điều trị hiệu quả, không đảm bảo phân phối vật tư y tế, không thông tin minh bạch, không bảo vệ nhân quyền”. Vài tháng sau, Trương Triển bị nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc kết án 4 năm tù.

    Vào ngày 30/10, anh trai của Trương Triển đã đăng một dòng tâm sự buồn trên Twitter cá nhân kèm bức ảnh thời Trương Triển học đại học: “Chiều cao 177cm, hiện chỉ nặng chưa đầy 40kg. Cô ấy thật bướng bỉnh. Tôi nghĩ có thể cô ấy sẽ không sống được lâu. Trong mùa đông lạnh giá sắp tới, nếu cô ấy không qua khỏi, tôi hy vọng thế giới có thể nhớ đến dáng vẻ trước đây của cô ấy”.

    Hoàn cảnh của Trương Triển đã nhận được đồng cảm, ủng hộ và quan tâm của truyền thông quốc tế.

    VOA đưa tin, trong một cuộc họp báo vào ngày 8/11/2021 người phát ngôn Edward Price của Chính phủ Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình của Trương Triển: “Mỹ và các cơ quan đại diện ngoại giao khác đã nhiều lần bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc giam giữ tùy tiện cô ấy và sự ngược đãi mà cô ấy phải chịu trong thời gian bị giam giữ. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập tức trả tự do cho cô ấy vô điều kiện, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do báo chí và quyền tự do bày tỏ ý kiến ​​của người dân”.

    RFA dẫn lời một luật sư nhân quyền Trung Quốc là Nhậm Toàn Ngưu nói, “Cô ấy phản đối không phải vì tự do của bản thân mà vì tự do ngôn luận và thực trạng bất công của Trung Quốc”. Cô Vương Kiến Hồng, một người từ lâu đã không ngừng kêu gọi trả tự do cho Trương Triển nói rằng “Trương Triển tiếp tục tuyệt thực trong tù và tính mạng bị đe dọa, nhưng vẫn kiên trì với hình thức phản đối cuối cùng này. Trương Triển không chỉ vô tội, cô còn là số ít người ở Trung Quốc dám dũng cảm lên tiếng vì sự thật, dám nói ra sự thật, không chịu khuất phục.”

    Nhật sẽ không ngồi yên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan


    Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc là Tokyo sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh tấn công quân sự Đài Loan.

    Theo một nghiên cứu đăng trên Asia-Pacific Security and Maritime Affairs, được báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 21/11/2021 trích dẫn, thì Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các kịch bản Đài Loan bị tấn công và đang lên kế hoạch ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo này.

    Tác giả nghiên cứu này, Ngô Hoài Trung (Wu Huaizhong) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định : Nhật Bản không chỉ đưa ra các tín hiệu thông qua các cấp chính thức và cá nhân, mà còn cố gắng thực hiện các hành động đáp trả thiết thực thông qua liên minh Nhật-Mỹ.

    Hiến Pháp Nhật Bản không cho phép nước này tham chiến và đa số người dân xứ hoa anh đào cũng không muốn nước họ tham gia vào một cuộc xung đột. Tuy nhiên, luật an ninh quốc gia năm 2015 của Nhật Bản cho phép Lực lượng phòng vệ (tức quân đội) hỗ trợ hậu cần hoặc tham gia phòng thủ tập thể trong khuôn khổ hiệp ước liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

    Do vậy, chuyên gia Trung Quốc họ Ngô cho rằng : “Thật khó tin là trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ bất chấp tất cả tham gia vào một cuộc chiến thảm khốc, nhiều khả năng Nhật sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các đồng minh chứ không trực tiếp tham gia chiến đấu. Câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Nhật Bản có can thiệp vào cuộc xung đột Trung Quốc-Đài Loan hay không, mà là họ sẽ can thiệp như thế nào.”

    Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo với đại lục, trong khi đó, Nhật Bản sẽ coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chính bản thân mình và trật tự chính trị khu vực.


    Ấn-Mỹ đẩy mạnh hợp tác kinh tế

    Katherine Tai, đại diện thương mại của chính quyền Biden, sẽ kết thúc chuyến thăm châu Á vào thứ Hai tại Delhi. Ấn Độ và Mỹ lần đầu tổ chức Diễn đàn Chính sách Thương mại vào năm 2009, nhưng đã ngừng tổ chức diễn đàn này vào năm 2018. Giờ đây họ đang nhiệt tình khôi phục lại nó. Thương mại giữa hai nước đã tăng trong quá trình đó (dù có một vài khó khăn), lên gấp bảy lần trong 20 năm qua. Song cả hai bên đều thấy vẫn còn nhiều khả năng cải thiện. Một số người Mỹ thậm chí còn bàn tán về một hiệp định thương mại tự do.

    Trung Quốc rõ ràng là một nguyên nhân. Ấn Độ và Mỹ đang thôi thúc hướng tới một liên minh chiến lược khi phải đối mặt một đối thủ chung. Đại dịch đã khiến cả hai mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Và việc Trung Quốc mạnh tay với các công ty công nghệ đã khiến vốn đầu tư của Mỹ chuyển hướng đi các địa điểm xa hơn nhưng thân thiện hơn.

    Vụ kiện Twitter của Trump bế tắc

    Đôi khi những điều không xảy ra còn đáng kể hơn những điều thực sự xảy ra. Hôm nay là hạn Bộ Tư pháp Mỹ phải nộp lập luận của mình trong vụ kiện của cựu tổng thống Donald Trump đối với Twitter. Ông muốn mạng xã hội này phải khôi phục tài khoản của ông, với gần 89 triệu người theo dõi trước khi bị đóng vì kích động vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6 tháng 1.

    Song vụ kiện có vẻ bế tắc. Và các chuyên gia nói rất khó có khả năng tòa án chấp thuận yêu cầu của ông Trump. Tu chính án thứ nhất về đảm bảo quyền tự do ngôn luận chỉ áp dụng cho các tổ chức chính phủ, không áp dụng cho các công ty tư nhân. Do đó ông Trump sẽ khó có thể lấy lại vũ khí truyền thông của mình, ít nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới. Meta (công ty mẹ Facebook), mà ông cũng đâm đơn kiện, nói ông tiếp tục bị cấm trên các nền tảng của họ ít nhất hai năm, tức đến tháng 1 năm 2023.

    Căng thẳng EU-Belarus lắng xuống

    Tình hình bất ổn ở biên giới Belarus-Ba Lan đã giảm bớt. Đồng thời Belarus và phương Tây cũng đang tạm ngừng đe dọa nhau. Công đầu có lẽ thuộc về Angela Merkel, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức, người đã nói chuyện với Alexander Lukashenko vào tuần trước. Đây là cuộc gọi đầu tiên của nhà lãnh đạo Belarus với một nhà lãnh đạo phương Tây trong hơn một năm qua.

    Sau khi vượt qua vụ lùm xùm ở biên giới, hôm nay khối sẽ thảo luận về chính Belarus. Một hội nghị ở Vienna, “Hướng tới một tương lai thịnh vượng và an toàn cho Belarus,” đáng lẽ được tổ chức bởi chính phủ Áo nhưng phải chuyển sang online vì covid-19. Tại đây, các nhân vật đối lập Belarus sẽ chia sẻ tầm nhìn của họ với các chính trị gia và quan chức châu Âu. Phe của ông Lukashenko đã gọi hội nghị là “vô ích và vô nghĩa.” Nhiều người ở EU tin một tương lai tốt đẹp hơn cho Belarus là một tương lai không có ông Lukashenko. Vì vậy, hội nghị sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm của họ nhằm biến điều đó thành hiện thực.

    Phiên toà xử Netanyahu đến hồi kịch tính

    Mười tám tháng sau thủ tục tố tụng bắt đầu, phiên tòa xét xử Binyamin Netanyahu về tội hối lộ và gian lận sẽ lên đỉnh kịch tính vào thứ Hai khi cựu thủ tướng Israel đối mặt với người đầu tiên trong số ba phụ tá thân cận đang làm chứng chống lại ông. Nir Hefetz vừa là người phát ngôn cá nhân vừa phụ trách truyền thông cho đảng Likud của ông Netanyahu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

    Ông dự kiến sẽ làm chứng về việc ông được lệnh chuyển chỉ thị cho các biên tập viên của một trong những trang web tin tức lớn nhất Israel nhằm đảm bảo đưa tin thuận lợi cho thủ tướng. Đáp lại, chủ sở hữu của trang web, cũng là một bị đơn, được cho là đã được nhận các quyết định ưu đãi về quy định kinh doanh để giúp các công ty của ông thu lợi nhuận đáng kể. Ông Netanyahu kịch liệt phủ nhận việc được đưa tin có lợi cho ông, và khẳng định các quy định đều được đưa ra phù hợp với các tư vấn chuyên môn. Vụ việc sẽ còn kéo dài nhiều năm.

    89 triệu người dùng Mỹ – bị TikTok thu thập dữ liệu cá nhân – có thể được bồi thường


    Sau vụ kiện tập thể về bảo mật dữ liệu, khoảng 89 triệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ có thể được nhận bồi thường từ một thỏa thuận dàn xếp trị giá 92 triệu USD. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, Bắc Kinh đã biến TikTok thành vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến tuyên truyền chống Mỹ.

    “Mặc dù chúng tôi không đồng ý với cách nói này, nhưng chúng tôi rất vui khi đạt được một thỏa thuận dàn xếp cho phép chúng tôi có thể tiếp tục tiến về phía trước, và tiếp tục tạo ra trải nghiệm an toàn và vui vẻ cho cộng đồng TikTok”, người phát ngôn của TikTok nói với truyền thông Mỹ Insider.

    Theo nguồn thạo tin, ByteDance Ltd., công ty mẹ của ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok, đã hoãn kế hoạch niêm yết ở nước ngoài vô thời hạn vào đầu năm nay, sau khi chính phủ Mỹ yêu cầu công ty này tập trung vào giải quyết các rủi ro bảo mật dữ liệu.

    Thỏa thuận dàn xếp trên đạt được sau khi vào đầu năm nay có tới 21 vụ kiện liên bang được đệ trình thay mặt cho trẻ vị thành niên. Trong các tài liệu được đệ trình lên Tòa án Quận phía Bắc của Illinois Hoa Kỳ, nguyên đơn tuyên bố rằng, việc nền tảng công nghệ này truyền tải “dữ liệu cá nhân được pháp luật bảo vệ” đã vi phạm luật liên bang và tiểu bang. Vụ kiện cũng cáo buộc TikTok “trích xuất một lượng lớn dữ liệu cá nhân” và sử dụng dữ liệu này để “theo dõi và mô tả người dùng TikTok” nhằm mục đích quảng cáo.

    Trong một vụ kiện tập thể được công bố trên kênh National Public Radio (NPR), các luật sư đã cáo buộc TikTok thu thập thông tin từ các video chưa được đăng của người dùng.

    Insider đưa tin rằng, TikTok đã đồng ý không sử dụng ứng dụng của mình để thu thập hoặc lưu trữ thông tin sinh trắc học, trừ khi nó được tiết lộ rõ ​​ràng trong chính sách bảo mật. Ứng dụng này cũng đồng ý không thu thập dữ liệu vị trí địa lý, sẽ xóa tất cả các bài viết nháp chưa từng được đăng lên và trong tương lai cũng sẽ không dùng loại dữ liệu đó.

    TikTok nổi tiếng với những video ngắn và được giới trẻ yêu thích, đặc biệt là Gen Z (chỉ những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu năm 2010). Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 4 cho thấy, khoảng 48% người được hỏi trong độ tuổi từ 18 đến 29 đang sử dụng TikTok. TikTok đã công bố vào tháng 9 rằng, họ có 1 tỷ người dùng tích cực trên toàn thế giới.

    Làm thế nào để được nhận bồi thường?

    Nếu bạn hoặc con bạn đã sử dụng ứng dụng “TikTok” hoặc “Musical.ly”, bạn có thể nhận được một khoản bồi thường.

    Công dân Hoa Kỳ đã đăng ký dùng TikTok trước ngày 1/10 có thể đủ điều kiện để được bồi thường. Thỏa thuận dàn xếp nói trên áp dụng cho khoảng 89 triệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ. Người dùng đủ điều kiện phải gửi yêu cầu nhận bồi thường trước ngày 1/3/2022.

    Trong tuần qua, TikTok đã đăng thông báo giải quyết trong ứng dụng. Cụ thể, người dùng có thể đăng nhập vào Tiktokdataprivacysethesia.com để điền vào biểu mẫu hoặc in biểu mẫu và gửi đến địa chỉ được chỉ định. Các bậc phụ huynh cũng có thể nộp đơn cho con em mình.

    Những người sống ở Illinois và đã sử dụng TikTok để làm video có thể nhận được khoản bồi thường gấp 6 lần.

    Có 4 cách để nhận tiền bồi thường là: PayPal (phải cung cấp email PayPal), Venmo (phải cung cấp số điện thoại di động liên kết với tài khoản Venmo), thẻ trả trước ảo (virtual prepaid card) hoặc tờ séc (có thể được gửi đến địa chỉ của bạn).

    TikTok – Vũ khí trong cuộc chiến tuyên truyền chống Mỹ của Bắc Kinh

    Nhiều kênh truyền thông đưa tin rằng, TikTok và phiên bản nội địa Trung Quốc của nó – Douyin, có rủi ro bảo mật rất lớn. Thông qua các chân rết mà chế độ Trung Quốc cài cắm vào để kiểm soát các công ty tư nhân, đảng đã buộc các công ty Internet như TikTok và Douyin kiểm duyệt nội dung theo ý muốn của nó.

    TikTok từng phủ nhận vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 (Thảm sát Thiên An Môn), chặn các thông điệp chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tẩy trắng tội lỗi cho ĐCSTQ và truyền bá các giá trị quan của “ĐCSTQ” cho người dùng trên khắp thế giới.

    TikTok tích hợp sẵn phần mềm gián điệp để gửi thông tin khách hàng cho cơ quan tình báo của chế độ Bắc Kinh. Các quân chủng của Hoa Kỳ đã cấm cài đặt và sử dụng TikTok trong các thiết bị quân sự. Nhiều Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ bao gồm Chuck Schumer, Tom Cotton và Josh Hawley đã cảnh báo rằng, TikTok là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

    Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho rằng, ĐCSTQ đã biến TikTok và Douyin thành vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến tuyên truyền chống Mỹ.

    Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong thăm Hoa Kỳ vì Dự án Nhà máy vi mạch


    Chuyến đi gần đây của Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đến Bắc Mỹ có khả năng nhằm hoàn thiện việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy đúc vi mạch mới trị giá 17 tỷ USD của Samsung. Chuyên gia tài chính Hồng Kông Liao Shiming tin rằng Hoa Kỳ đang hợp tác với Samsung để tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao của họ.

    Ông Lee xuất hiện tại một sân bay thương mại ở Seoul vào sáng sớm hôm 14/11. Ông nói chuyện ngắn với báo chí trước khi lên chuyến bay thuê bao đến Canada.

    Khi được hỏi liệu ông có hoàn tất kế hoạch đầu tư xưởng đúc vi mạch ở Hoa Kỳ hay không, ông Lee trả lời: “Tôi sẽ gặp nhiều đối tác [bán dẫn].”

    Đây là chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của ông Lee kể từ khi được tạm tha vào tháng Tám. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Hoa Kỳ sau hơn 5 năm. Ông Lee đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì nghi ngờ hối lộ vào tháng Giêng năm nay. Trừ đi thời gian ông bị giam giữ trước đó, ban đầu án của ông dự kiến ​​kết thúc vào năm sau.

    Trong chuyến đi của mình, ông Lee dự kiến ​​sẽ đến thăm phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Samsung ở Toronto, Canada, sau đó sẽ đến Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc tham vấn cuối cùng về việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy đúc đầu tiên của Samsung tại Hoa Kỳ. Ông cũng sẽ đến Boston để gặp gỡ với công ty dược phẩm Moderna của Hoa Kỳ, nhằm giúp lấy vaccine COVID-19 cho những người đồng hương của mình.

    Singapore sắp nới lỏng các hạn chế xã hội


    Chính phủ Singapore đang nới lỏng một số biện pháp hạn chế xã hội chặt chẽ vốn đã được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, sau khi tình trạng lây nhiễm ổn định ở nước này trong tháng qua.

    Từ thứ Hai, các giới hạn về tương tác xã hội và ăn uống ở hàng quán sẽ được mở rộng cho năm người từ quy định hiện tại là tối đa hai người đã được tiêm chủng, các bộ trưởng chính phủ nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy.

    Họ cho biết số ca nhiễm nói chung và tình hình ở các bệnh viện phần lớn đã ổn định và được cải thiện.

    Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong nói với các phóng viên: “Hiện chúng tôi đang chuyển sang sống chung với COVID-19. Tôi biết nhiều hoặc một số thích mở cửa nhanh hơn nhưng chúng tôi phải làm như vậy một cách rất cẩn thận và từng bước một”.

    "Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ giảm bớt một số biện pháp, quan sát, theo dõi và đảm bảo tình hình tiếp tục được kiểm soát và ổn định trước khi nới lỏng hơn nữa", ông nói.

    Các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày của Singapore đã giảm trung bình xuống dưới 3.000 ca. Khoảng 85% trong số 5,45 triệu người của quốc đảo này đã được tiêm chủng.

    Số ca nhiễm đã giảm xuống còn 1.734 trường hợp vào thứ Sáu từ con số kỷ lục hàng ngày là 5.324 vào cuối tháng Mười.

    Các hoạt động kinh doanh ở Singapore đang bùng phát trở lại. Tuần này, Singapore đã tiếp đón các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty lớn trên toàn cầu tại một loạt các hội nghị, đánh dấu sự dần trở lại bình thường và cho thấy sự tương phản với đối thủ lâu năm là Hong Kong, nơi đang áp dụng một số quy tắc kiểm dịch khắc nghiệt nhất trên thế giới.

    Dẫu vậy, so với châu Âu, Anh và Mỹ, Singapore vẫn có những hạn chế chặt chẽ về COVID-19, bao gồm cả việc bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

    Covid 19 : Pháp chính thức đối mặt với làn sóng dịch thứ năm


    Phát ngôn viên chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, đã kéo hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch thứ năm đang bắt đầu một cách nhanh chóng tại Pháp, Số ca nhiễm tăng vọt, chính phủ Pháp sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát giấy chứng nhận y tế.

    Trên đài Europe 1, tối hôm qua, 21/11, người phát ngôn chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, cho biết chính phủ rất quan ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay. Trung bình, Pháp ghi nhận khoảng hơn 19 000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 80 % so với một tuần trước.

    Tuy nhiên, ông Attal cũng nhấn mạnh là Pháp đã đi trước các nước láng giềng về việc chủng ngừa và ban hành lệnh áp dụng chứng nhận y tế. Paris đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát giấy chứng nhận y tế.

    Phát ngôn viên chính phủ Pháp cho biết, trong bốn ngày đầu tiên của tuần trước, các cơ quan chức năng đã kiểm tra giấy chứng nhận y tế của 70 000 người, và hơn 4300 cơ sở tiếp nhận công chúng.

    Trên khắp châu Âu, các biện pháp hạn chế được thắt chặt để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. Nước Áo, kể từ hôm nay lại áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, kéo dài trong 20 ngày.

    Covid-19 : Úc mở cửa biên giới

    Hôm nay 22/11/2021, Úc thông báo sẽ đón tiếp sinh viên quốc tế, lao động tay nghề cao và những người có thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ (Working Holiday Visa) kể từ tháng 12, nới lỏng một số quy định thuộc loại khắc nghiệt nhất thế giới về Covid.

    20 tháng sau khi Úc đóng cửa biên giới, một số người có thị thực, cũng như công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sẽ được quyền nhập cảnh trở lại từ ngày 01/12/2021. Họ sẽ chỉ cần làm xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính trước khi khởi hành tới Úc nếu họ đã tiêm vắc-xin Covid. Tuy nhiên, vẫn còn một số bang của Úc yêu cầu các hành khách phải cách ly sau khi nhập cảnh.

    Cũng theo AFP, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, từ ngày 03/12/2021, đất nước của bà sẽ nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt và sẽ cho phép các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại ở Auckland, thành phố lớn nhất đất nước.

    Cho đến tháng 08/2021 vừa qua, một phần lớn các vùng trên quần đảo không bị tác động nặng nề của Covid-19. Tuy nhiên, biến thể Delta lây nhiễm nhanh, đã buộc chính quyền phải thắt chặt các quy định về biện pháp phòng chống dịch cho đến nay.

    Không có nhận xét nào