Header Ads

  • Breaking News

    Lê Nguyễn – Chút hồi ức về nền tư pháp và tổ chức thanh tra tại Miền Nam Việt Nam trước 1975

    * Bài viết theo yêu cầu của một số bạn trẻ, tuy nhiên người viết chỉ ghi chép theo ký ức, chắc chắn là không đầy đủ như các tài liệu chính thức đã được công bố.

    Lê Nguyễn – Chút hồi ức về nền tư pháp và tổ chức thanh tra tại Miền Nam Việt Nam trước 1975

    Trong suốt chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tòa án là hiện thân của quyền thứ ba trong “tam quyền phân lập”: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.

    Tùy điều kiện về khả năng tổ chức và nhân sự của mỗi thời kỳ mà ngành tư pháp VNCH trước 30.4.1975 có những chuyển biến khác nhau, tạm chia ra 3 giai đoạn: trước 1965, từ 1965 đến 1968, và từ 1968 trở đi. Tuy nhiên, dù ở thời nào thì tòa án ở miền Nam trước 1975 cũng gồm có 4 cấp chính là tòa hòa giải, tòa sơ thẩm, tòa thượng thẩm, và tòa phá án.

    Tổ chức tòa án VNCH có mấy điểm đáng chú ý sau:

    - Tòa án cấp tỉnh là thấp nhất, không có tòa án Quận (tổ chức chính quyền VNCH không có huyện)

    - Tòa án mọi cấp đều độc lập trong xét xử, không có sự thống thuộc giữa tòa cấp thấp (tòa sơ thẩm) với tòa cấp cao hơn (tòa thượng thẩm, tòa phá án). Bản án của tòa sơ thẩm khi bị kháng án, sẽ do tòa thượng thẩm xét xử lại, trong tinh thần coi bản án của tòa sơ thẩm là một bản án độc lập.

    - Mỗi tòa thượng thẩm phụ trách một số địa phương trong khu vực. Tòa thượng thẩm Sài gòn và Huế là hai tòa thượng thẩm chính ở VNCH.

    -Tòa hòa giải chỉ có ở những địa phương lớn, và như danh xưng đã chỉ rõ, chỉ có thẩm quyền hòa giải những vụ kiện dân sự. Tại các địa phương, các viên chức giữ chức vụ Quận trưởng kiêm cả thẩm phán hòa giải. Họ là các viên chức “hữu thệ”, tức phải ra trước tòa án tuyên thệ khi giữ nhiệm vụ Quận trưởng

    Trước năm 1965, ở miền Nam, số thẩm phán có đủ tư cách hành xử quyền tư pháp không nhiều, các tòa sơ thẩm với đầy đủ các thành phần thẩm phán (biện lý, phó biện lý, dự thẩm, chánh án …) chỉ hiện diện ở những tỉnh lớn, vì thế thường thì tòa sơ thẩm tại một tỉnh lớn kiêm quyền tư pháp tại một vài tỉnh nhỏ lân cận. Mặt khác, trước năm 1965, ở một số tỉnh nhỏ, còn tồn tại dạng “Tòa hòa giải rộng quyền”, tức tòa hòa giải có thẩm quyền như một tòa sơ thẩm thu hẹp, ở đó viên chánh án kiêm nhiệm tư cách của các thẩm phán khác …

    Từ giữa thập niên 1960, số người có bằng Cử nhân luật khá đông, họ dự kỳ thi tuyển thẩm phán, ai đỗ được đào luyện thêm trong khoảng 2 năm và sau đó, phần lớn được bổ về các tòa sơ thẩm cấp tỉnh. Tại đây, họ được gọi chung là thẩm phán, song với những chức vụ khác nhau, gồm:

    - Dự thẩm, là viên chức thẩm tra cao cấp của tòa án

    - Biện lý và Phó biện lý, là những viên chức có thẩm quyền luận tội trong các vụ án.

    - Chánh án, là người có thẩm quyền tuyên các bản án hình sự (và những bản án dân sự ngoài thẩm quyền các thẩm phán hòa giải).

    Thông thường, chánh án được chọn trong số những dự thẩm có thâm niên cao, có ngạch trật tương đối cao trong ngành tư pháp.

    Trong tổ chức một tòa án cấp tỉnh, Dự thẩm và Chánh án được xếp vào thành phần “thẩm phán xử án”, gọi nôm na là “thẩm phán ngồi”; còn Biện lý và Phó Biện lý là “thẩm phán công tố”, gọi nôm na là “thẩm phán đứng”. Tất nhiên, những vị này không đứng trong suốt quá trình xét xử, mà chỉ đứng lên trong phần luận tội, buộc tội một hay nhiều bị cáo, nhân danh quyền lợi của xã hội.

    Về hệ cấp, trong các buổi lễ chính thức tại địa phương, việc sắp xếp chỗ ngồi cho các thẩm phán dựa theo các chức danh xếp từ trên xuống dưới gồm: chánh án, biện lý, dự thẩm, phó biện lý.

    Từ cách gọi “thẩm phán xử án” hay “thẩm phán ngồi” và “thẩm phán công tố” hay “thẩm phán đứng”, việc quản lý và hoạt động của họ cũng khác nhau. Trước 1968, thẩm phán xử án trực thuộc “Thượng hội đồng thẩm phán” là một tổ chức hoạt động độc lập, ngoài sự chi phối của chính quyền hành pháp. Trái lại, thẩm phán công tố chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp.

    Từ năm 1968 trở đi, Tối Cao Pháp viện ra đời, đại diện cho quyền Tư pháp, các thẩm phán xử án thuộc quyền quản lý của tổ chức này. Chủ tịch Tối cao Pháp viện là nhân vật số 5 của chế độ sau Tổng thống, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện.

    Trong tổ chức tư pháp ở cấp tỉnh, không chỉ có các thẩm phán ở tòa án, mà một số viên chức chính quyền cũng có tư cách “tư pháp cảnh lại” nhằm phối hợp với tòa án trong các vấn đề hình pháp. Cơ quan cảnh sát lúc bấy giờ có hai bộ phận riêng biệt: bộ phận “cảnh sát đặc biệt” phụ trách các vấn đề an ninh, tình báo, và bộ phận “cảnh sát tư pháp” là công cụ đắc lực của tòa án, gửi về tòa án hồ sơ các vụ án sau khi hoàn tất cuộc điều tra, thi hành lệnh điều tra do tòa án gửi xuống … Các Trưởng ty cảnh sát tỉnh, Trưởng chi cảnh sát quận (sau là Chỉ huy trưởng CSQG tỉnh hay quận) là sĩ quan tư pháp cảnh lại, phụ tá Biện lý. Ở cấp quận, Quận trưởng cũng kiêm phụ tá Biện lý, song ít khi hành xử vai trò này.

    Một số người còn nhầm lẫn khi cho rằng tòa sơ thẩm, cấp thấp, xử các vụ án tiểu hình, còn tòa thượng thẩm xử các vụ đại hình. Trên thực tế giữa các cấp tòa và mức độ của vụ án không hề có liên quan với nhau. Dù là những vụ án đại hình như giết người, cướp của thì vẫn phải xử ở cấp sơ thẩm trước rồi mới chuyển dần lên cấp thượng thẩm, tòa phá án, khi có sự kháng án của nguyên cáo, bị cáo hay cơ quan công tố (biện lý cuộc).

    Nhân tiện cũng xin nhắc sơ về quyền lập pháp và quyền lập quy trong tổ chức chính quyền VNCH, theo mô hình của tổ chức chính quyền Pháp.

    * Quyền lập pháp bao gồm việc thảo luận, thông qua bản hiến pháp và các đạo luật chi phối đời sống trong nước. Quyền này thuộc về Quốc Hội

    * Quyển lập quy thuộc về ngành hành pháp, dành cho Tổng thống, Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Tỉnh trưởng, nhằm định ra quy tắc thi hành các luật lệ do phía lập pháp thông qua.

    Trong quyền lập quy:

    - sắc lệnh (décret) là cấp cao nhất, chỉ do Tổng thống và Thủ tướng ban hành,

    - nghị định (arrêté) được ban hành đến cấp Bộ trưởng,

    - quyết định (décision) được ban hành đến cấp Tỉnh trưởng.

    Riêng sắc luật (cách gọi tắt của từ “sắc lệnh-luật”: décret-loi) là văn kiện có tính lập pháp do phía hành pháp (tổng thống) ban hành trong trường hợp có chiến tranh, nội loạn… do Quốc hội ủy nhiệm có thời hạn cho tổng thống nhằm đối phó, giải quyết những vấn đề cấp bách nhất.

    - Các thông tư, chỉ thị không có tính cách lập quy, do các viên chức từ cấp Tổng giám đốc trở xuống ban hành nhằm chi tiết hóa việc thi hành các sắc lệnh, nghị định của cấp cao hơn cho nội bộ cơ quan của họ.

    Xét cho cùng các văn kiện lập quy cùng thông tư, chỉ thị … là một chuỗi nối dài của các văn kiện lập pháp nhằm tạo cho một đạo luật có điều kiện thực thi xuyên suốt từ ngành lập pháp đến ngành hành pháp, xuống tới các cơ quan hành chánh thấp nhất tại địa phương. Chuỗi nối dài đó hình thành trong điều kiện sao cho từ việc ban hành một đạo luật đến việc thực thi đạo luật đó tại cấp cơ sở được diễn ra trong thời gian ngắn nhất.

    Đó cũng là lý do mà Học viện Quốc gia Hành chánh thời VNCH, nơi đào tạo các viên chức hành chánh cấp trung-cao, được xem là một trường luật thứ hai, nơi các sinh viên được học hầu hết các bộ luật đang áp dụng trong nước: Dân luật, Hình luật, luật Thương mại, luật Hành chánh, Công pháp quốc tế … Ngày nay, một số cựu sinh viên của Học viện này, dù tuổi đã trên 70, vẫn còn hành nghề luật sư ở Sài Gòn và các nơi khác trong nước.

    Xét về nền tư pháp thời VNCH, không thể không nhắc đến một tổ chức xã hội có liên quan mật thiết với các cơ quan tố tụng đương thời, đó là luật sư đoàn. Thông thường một công dân có bằng cử nhân luật muốn hành nghề luật sư phải được một văn phòng luật sư đang hoạt động hợp pháp chấp nhận cho tập sự. Trong thời gian này, họ được sai phái làm nhiều việc liên quan đến nghề nghiệp của họ sau này, trong đó có việc theo dõi các phiên tòa. Đối với một cử nhân luật thời đó, tìm được một văn phòng luật sư chấp nhận cho tập sự là một việc thiên nan vạn nan, vỉ số người có nhu cầu thì cao mà số văn phòng luật sư không nhiều.

    Sau khi đã hoàn tất thời gian tập sự, họ được kết nạp vào luật sư đoàn và bắt đầu hành nghề. Luật sư đoàn là một tổ chức hoàn toàn độc lập với bộ máy tư pháp của chính quyền được đặt dưới quyền điều hành của một “Thủ lãnh luật sư đoàn”. Một trong những thủ lãnh luật sư đoàn đầu tiên của tổ chức này là luật sư Vương Quang Nhường, con rể cựu hoàng Thành Thái. Là người rất có uy tín trong chính giới Việt và Pháp, năm 1947, chính ông Nhường đã tác động mạnh đến việc chính quyền Pháp cho cựu hoàng Thành Thái cùng gia đình hồi hương từ hòn đảo lưu đày Réunion.

    Trong giới luật sư miền Nam trước 1975, nhiều người nổi tiếng được xã hội biết đến như bà Nguyễn Phước Đại, các ông Nguyễn Văn Chức, Phan Tấn Chức, Vương Văn Bắc… Bà Nguyễn Phước Đại (nhũ danh Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sử dụng tên chồng là bác sĩ Nguyễn Phước Đại) vang danh toàn quốc khi cãi trong vụ án “Cô Quờn đốt chồng” (Hồ Thị Quờn) vào đầu thập niên 1950, là Thượng nghị sĩ dưới thời Đệ nhị Cộng hòa.

    Luật sư Vương Văn Bắc nguyên giảng sư Học viện QGHC, từng cãi nhiều vụ được báo chí ca ngợi. Một thời gian sau hiệp định Paris 1973, biết rằng đồng minh đã bỏ rơi mình, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tính đến việc vay nợ nước ngoài để mua vũ khí, quân dụng đang ngày càng thiếu thốn và thanh toán lại bằng dầu hỏa khai thác được. Ông đã cử luật sư Vương Văn Bắc làm Ngoại trưởng, dẫn nhiều phái đoàn sang Trung Đông thương thảo việc khai thác dầu hỏa, kết quả đạt được một số thỏa thuận, theo đó, nước chủ nhà (VN) được hưởng 13% trên trị giá số dầu thô khai thác. Song mọi việc đã trễ, đến tháng 4.1975, các thỏa thuận vẫn còn là những văn kiện trên giấy tờ.

    TỔ CHỨC THANH TRA THỜI VNCH

    Bộ máy nhà nước nào cũng cần có bộ phận thanh tra để giúp cho nó được vận hành suôn sẻ. Ngành này có hai chức năng chánh:

    - Thanh tra, kiểm tra – Đây là công việc thường xuyên nhằm sớm phát hiện những bất cập trong việc điều hành một số cơ quan hành chánh trung ương và địa phương, giúp các cơ quan chấn chỉnh và hoàn thiện hoạt động của họ.

    - Điều tra – Phụ trách điều tra những vấn đề có sự khiếu nại, tố cáo, của công dân hay dưới sự chỉ đạo của Tổng thống hay Thủ tướng.

    Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963), công tác thanh tra chung được giao cho một cơ quan có tên Nha Tổng Thanh tra Hành chánh và Tài chánh trực thuộc Phủ Tổng thống, người đứng đầu là cụ Dương Tấn Tài, một chuyên gia tài chánh hàng đầu lúc bấy giờ (cùng bác sĩ Dương Tấn Tươi, luật sư Dương Tấn Trương là những trí thức nổi tiếng thời đó). Song song với tổ chức thanh tra chung của cả nước, thường thì mỗi bộ có một tổ chức thanh tra riêng cho bộ đó.

    Thời Đệ nhị Cộng hòa, công việc thanh tra được giao cho một tổ chức có tên mới là Giám sát viện, song bản chất công việc cũng không có gì thay đổi, thành phần cốt cán vẫn là các viên chức ngạch thanh tra.

    Vào thời điểm đó, sự sắp xếp các chức danh trong một buổi lễ chính thức cấp quốc gia được định thứ tự ưu tiên như sau:

    - Tổng thống – Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện – Chủ tịch Hạ viện – Chủ tịch Tối Cao Pháp viện – Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Giám sát viện – các Phó Thủ tướng – Tổng, Bộ trưởng.

    Khoảng năm 1973-1974, có một cuộc cải tổ tổ chức Giám sát viện, với việc cử nhiệm 18 Giám sát viên theo cách sau: 3 cơ chế gồm Quốc Hội, Tối cao Pháp viện và Chính phủ, mỗi nơi đề cử 6 vị, tổng cộng 18 vị. Các Giám sát viên được xếp ngang hàng Thứ trưởng cấp bộ và điều động các Thanh tra Giám sát viện trong công tác của họ. Trong số 18 Giám sát viên này có hai cựu sinh viên Học viện QGHC – Sài Gòn là các anh Lê Văn Thêm (khóa 6) và Lê Đình Lãm (khóa .

    Chi tiết này cũng nhằm trả lời câu hỏi của một bạn về chức danh Giám sát viên thời Đệ nhị Cộng hòa.

    Không có nhận xét nào