Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 17 tháng 11 năm 2021

    Quảng trường Thời đại ở Thành phố New York sẽ tràn ngập du khách trở lại trong đêm giao thừa năm nay, Thị trưởng Bill de Blasio loan báo ngày 16/11, với điều kiện du khách đã chích ngừa COVID đầy đủ.
    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 17 tháng 11 năm 2021

    Năm ngoái, do đại dịch virus corona hoành hành, chỉ một ít khách mời, kể cả những nhân viên thiết yếu, được có mặt tại chỗ chứng kiến Quả cầu Giao thừa, biểu tượng của New York, rơi xuống để bắt đầu một năm mới.

    “Cuối cùng chúng ta có thể trở lại với nhau,” ông de Blasio nói với phóng viên, ca ngợi sự phục hồi của Thành phố New York sau hơn một năm khó khăn vì đại dịch.

    Du khách vào khu vực này sẽ phải trưng bằng chứng tiêm chủng và thẻ căn cước, ông de Blasio nói. Các điểm kiểm tra an ninh sẽ được thiết lập để kiểm tra giấy tờ những người muốn vào Quảng trường Thời đại tham dự lễ hội.

    “Chúng tôi sẽ yêu cầu khán giả trên 5 tuổi chích ngừa đầy đủ,” ông Tom Harris, chủ tịch Liên minh Quảng trường Thời đại, nói. “Nếu bạn không tiêm chủng vì không thể, chúng tôi sẽ yêu cầu bằng chứng xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ.”

    Những người chưa tiêm chủng sẽ phải mang khẩu trang, ông nói thêm.

    Lần đầu tiên Mỹ-Nhật tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông


    Theo thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hôm nay, 17/11/2021, hải quân Nhật và Hoa Kỳ hôm qua đã mở một cuộc tập trận chống tàu ngầm đầu tiên tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.

    Theo trang mạng USNI của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tham gia cuộc tập trận về phía Nhật có một tàu ngầm lớp Oyashio, cùng với hai khu trục hạm chở trực thăng Kaga và Murasame, và một máy bay tuần tra biển. Phía hải quân Mỹ thì huy động khu trục hạm USS Milius và một máy bay tuần tra biển.

    Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm của hải quân Nhật Bản tham gia một cuộc thao dượt chống tàu ngầm với quân đội Mỹ tại vùng Biển Đông. Vào tuần trước, hai khu trục hạm Kaga và Murasame của Nhật cũng đã diễn tập với tàu USS Milius của Mỹ trên vùng Biển Đông và sau đó đã ghé thăm vịnh Subic của Philippines vào cuối tuần. Sau khi rời Subic, hai tàu này đã thao dượt chung với một chiến hạm của Philippines.

    Cuộc tập trận chống tàu ngầm Mỹ-Nhật diễn ra sau khi vào tuần trước Đài Loan cũng đã điều một trong hai tàu ngầm tối tân nhất của hòn đảo này đến Biển Đông để tham gia tập trận hải quân ở vùng Biển Đông, gần đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình).

    Cũng theo trang mạng USNI News, hải quân Nhật đã ra hai thông cáo về các cuộc thao dượt quân sự sắp tới ở Nhật. Thứ nhất là các cuộc diễn tập rà phá mìn với hải quân Mỹ từ ngày 18 đến 28/11 ở vùng biển Huyga Nada, ngoài khơi đảo Kyushu. Thứ hai là các cuộc tập trận hải quân song phương Mỹ Nhật và tập trận đa phương ở các vùng biển chung quanh Nhật Bản từ ngày 21 đến 30/11.

    Những cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ hiện đang gia tăng hợp tác quân sự với các cường quốc khu vực để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.

    Delhi chìm trong khói mù

    Không có gì là rõ ràng ở thủ đô hỗn loạn của Ấn Độ trong tuần này, khi khói mù bao phủ lên thành phố. Chính phủ cho rằng nông dân đốt rơm rạ là một yếu tố nhỏ, chỉ chiếm 4-10% lượng hạt vật chất bay lơ lửng trong không khí. Các nhà máy, khói xe cộ, và pháo hoa Diwali cũng được cho là nguyên nhân. Dù lý do là gì, tình trạng ô nhiễm hiện nay tồi tệ hơn tới 17 lần mức được WHO cho là chấp nhận được — và dự kiến sẽ còn tệ hơn trong ba ngày tới.

    Mạng sống con người là quan trọng nhất. Hồi cuối tuần chính quyền thành phố đã cho đóng cửa trường học và các địa điểm xây dựng đồng thời đề xuất “phong tỏa” — một ý tưởng quen thuộc, 21 tháng sau đại dịch. Sau đó Tòa án Tối cao cũng phải vào cuộc, ra phán quyết mọi chuyến du lịch không thiết yếu nên bị hạn chế và các văn phòng phải đóng cửa.

    Mỹ sắp công bố báo cáo đánh giá quan hệ với Trung Quốc

    Một báo cáo do chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Tư hứa hẹn sẽ rất gay cấn, ít nhất là đối với những ai lo lắng về mối đe dọa của Trung Quốc lên an ninh của Mỹ. Quốc hội quy định mỗi năm đều phải xuất bản “báo cáo của Ủy ban Hoa Kỳ-Trung Quốc.” Ấn bản năm ngoái dài tới 587 trang, trong khi bản năm nay dự kiến làm sáng tỏ những tham vọng lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Báo cáo đề cập đến việc chế độ đẩy mạnh kiểm soát các tập đoàn và Hồng Kông, cũng như nỗ lực dẫn đầu lĩnh vực sinh học tổng hợp, tiền kỹ thuật số và điện toán đám mây của Trung Quốc. Nó cũng đánh giá những rủi ro mà mối quan hệ tài chính với Trung Quốc tạo ra cho Mỹ. Và bởi vì Trung Quốc vừa tiến hành cải cách quân đội, các chương về quốc phòng sẽ rất được mong chờ. Trong đó có một chương đề cập đến việc Trung Quốc mở rộng các lực lượng hạt nhân, trong khi chương khác nói đến khả năng sẵn sàng quân sự trong trường hợp Trung Quốc chiếm Đài Loan. Tương lai hòn đảo đã trở thành chủ đề tranh luận căng thẳng giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của họ hôm thứ Hai.

    Tranh cãi xung quanh tình hình lạm phát ở Châu Âu

    Ủy ban Châu Âu sẽ công bố số liệu lạm phát mới nhất của khu vực đồng euro vào thứ Tư. Họ sẽ tiếp tục tranh luận về việc liệu đợt tăng giá gần đây ở nhiều nước châu Âu là nhất thời hay sẽ tồn tại lâu. Mức trung bình theo dự báo của các nhà kinh tế được tiến hành bởi Bloomberg cho thấy tăng trưởng giá tiêu dùng đạt đỉnh 4,2% trong quý bốn, cao hơn mức 3,6% dự đoán trước đó. Họ cũng cho rằng tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 1,6% vào năm sau. Con số đó thấp hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho trung hạn (và dự báo 2,2% cho năm 2021).

    Không phải mọi người đều đồng ý. Giám đốc điều hành Deutsche Bank Christian Sewing tuần này đã kêu gọi ECB thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông nói làm vậy sẽ mang đến “các biện pháp đối phó” lạm phát, mà ông cảnh báo sẽ kéo dài hơn dự kiến của các nhà hoạch định chính sách. Hồi tháng 10, lạm phát của Đức tăng vọt lên 4,6%, mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua.

    Nguyệt thực dài nhất thế kỷ sắp xảy ra giữa tuần này


    Nguyệt thực (lunar eclipse) – hiện tượng Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và bị che khuất một phần hay toàn bộ – là một hiện tượng thiên nhiên thú vị, sẽ xảy ra vào khuya Thứ Năm và là vụ nguyệt thực dài nhất trong thế kỷ này.

    Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), nguyệt thực lần này là nguyệt thực một phần (partial eclipse), trong đó bóng tối của Trái Đất sẽ che khuất khoảng 97% diện tích Mặt Trăng. Nhưng điều thú vị là thời gian che khuất sẽ kéo dài tới 3 giờ 28 phút 23 giây, dài nhất trong thế kỷ này. Trước đây, vào năm 2018, nguyệt thực toàn phần đã kéo dài 1 giờ 42 phút và 57 giây.

    Trong năm 2021 này, nguyệt thực toàn phần đã xảy ra một lần hồi Tháng Năm; vì vậy Tháng Mười Một sẽ là lần nguyệt thực thứ hai trong năm nay. Hầu hết các lần nguyệt thực kéo dài dưới hai giờ, vì vậy nguyệt thực sắp tới là hiếm thấy.

    Sẽ có 228 lần nguyệt thực trong thế kỷ này, từ năm 2001 đến năm 2100. Hầu hết các năm sẽ có hai lần trong khi một số năm sẽ có ba hoặc bốn lần nguyệt thực.

    Nguyệt thực sẽ bắt đầu vào khuya ngày Thứ Năm 18 Tháng Mười Một và kéo dài tới rạng sáng ngày 19, trong thời kỳ trăng tròn và trăng tròn Tháng Mười Một thường được gọi là “trăng sương” (frosty moon).

    NASA cho biết nếu thời tiết cho phép, rất nhiều nơi trên hành tinh sẽ có thể nhìn thấy nguyệt thực – bao gồm Bắc và Nam Mỹ, Đông Á, Úc và khu vực Thái Bình Dương – và nó có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào múi giờ của người quan sát.

    Người dân các tiểu bang Bờ Đông Hoa Kỳ có thể bắt đầu nhìn nguyệt thực sau 2 giờ sáng ngày 19 Tháng Mười Một và nó sẽ đạt tầm nhìn tối đa lúc 4 giờ sáng. Các nhà quan sát ở Bờ Tây, kể cả California, có thể bắt đầu nhìn thấy nguyệt thực chỉ sau 11 giờ tối ngày 18 và nó đạt đỉnh tối đa lúc 1 giờ sáng ngày 19, theo NASA.

    NASA sẽ tổ chức một buổi phát trực tiếp về nguyệt thực trên trang web và mạng truyền hình của cơ quan này.

    Pfizer chia sẻ bản quyền thuốc viên trị COVID-19 cho các nước nghèo


    Tập đoàn dược phẩm Pfizer Inc. đã ký một thỏa thuận với Tổ chức Sáng chế Thuốc (Medicines Patent Pool) có trụ sở tại Geneva và được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, cho phép các công ty dược khác được sản xuất loại thuốc viên trị COVID-19 mà công ty đang thử nghiệm, đài CBS News đưa tin.

    Thỏa thuận mà Pfizer Inc. hôm Thứ Ba 16 Tháng Mười Một được cho là đem lại một phương pháp điều trị cần thiết cho hơn một nửa dân số thế giới.

    Trong một tuyên bố đưa ra hôm Thứ Ba, Pfizer cho biết họ sẽ cấp giấy phép sản xuất thuốc kháng virus mà họ nghiên cứu, có tên là PF-07321332 hoặc Paxlovid, cho các công ty sản xuất thuốc thông thường để sử dụng ở 95 quốc gia, chiếm khoảng 53% dân số thế giới. Một số quốc gia lớn như Brazil, Trung Quốc, Argentina và Thái Lan không được tham gia thỏa thuận này.

    Đài CNN hôm Thứ Ba cho biết, Pfizer đã nộp đơn lên Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) xin phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc mới này càng sớm càng tốt.

    Ông Esteban Burrone, người đứng đầu chính sách của Medicines Patent Pool, cho biết: “Điều quan trọng là chúng tôi sẽ có thể cung cấp quyền sản xuất một loại thuốc có vẻ hiệu quả và mới được phát triển cho hơn 4 tỷ người”. Ông ước tính các nhà sản xuất thuốc khác sẽ có thể bắt đầu sản xuất loại thuốc này trong vòng vài tháng tới, nhưng cũng thừa nhận thỏa thuận sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người.

    Burrone nói: “Chúng tôi cố gắng đạt được sự cân bằng rất mong manh giữa lợi ích của (công ty), tính bền vững của các nhà sản xuất chung và quan trọng nhất là nhu cầu sức khỏe cộng đồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

    Theo các điều khoản của thỏa thuận, Pfizer sẽ không nhận tiền bản quyền khi bán hàng ở các quốc gia có thu nhập thấp và sẽ miễn tiền bản quyền cho doanh số bán hàng ở tất cả các quốc gia có trong thỏa thuận – những nơi mà dịch COVID-19 vẫn là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

    Đầu tháng này, Pfizer cho biết thuốc viên Paxlovid của họ giúp giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người bị nhiễm coronavirus từ nhẹ đến trung bình. Các chuyên gia độc lập khuyến nghị dừng nghiên cứu của công ty dựa trên kết quả đầy hứa hẹn của nó.

    Kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu và các hãng dược phẩm trên toàn thế giới đã chạy đua phát triển các loại thuốc viên điều trị COVID-19 có thể uống tại nhà để giảm bớt các triệu chứng, tăng tốc độ hồi phục và giúp người bệnh không phải đến bệnh viện. Hiện nay hầu hết các phương pháp điều trị COVID-19 phải được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc đường tiêm.

    Vương quốc Anh vào đầu tháng này đã cho phép sử dụng loại thuốc COVID-19 của Merck, có tên là Molnupiravir, và nó đang chờ được phê duyệt ở nơi khác. Trong một thỏa thuận tương tự với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc được công bố vào Tháng Mười, hãng dược phẩm Merck đã đồng ý để các nhà sản xuất thuốc khác sản xuất viên thuốc Molnupiravir ở 105 quốc gia nghèo hơn.

    Quyết định của Pfizer và Merck chia sẻ bằng sáng chế thuốc COVID-19 của họ trái ngược với việc Pfizer và các nhà sản xuất vaccine khác từ chối chia sẻ công thức bào chế vaccine của họ để sản xuất rộng rãi hơn. Một trung tâm do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập ở Nam Phi nhằm chia sẻ các công thức và công nghệ vaccine mRNA đã không thu hút được sự tham gia của công ty dược phẩm nào.

    Cho đến nay các nước nghèo chỉ nhận được chưa tới 1% vaccine của Pfizer.

    (theo CBS News)

    Mỹ sẽ tẩy chay ngoại giao với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh


    Mỹ dự kiến sẽ tiến hành tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc và sẽ không cử một phái đoàn ngoại giao chính thức nhằm phản đối việc vi phạm nhân quyền của chế độ này, theo thông tin hôm 16/11 từ Washington Post.

    Thông tin này được đưa ra một ngày sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình, trong đó nhiều vấn đề chính sách được đưa ra nhưng Thế vận hội không được đề cập đến.

    Theo Washington Post, một khuyến nghị chính thức về tẩy chay ngoại giao đã được đệ trình lên ông Biden. Ông dự kiến ​​sẽ chấp thuận trong tháng này, chỉ hơn hai tháng trước khi Thế Vận hội sẽ vào tháng 2 năm 2022.

    Dưới hình thức tẩy chay ngoại giao, các vận động viên Hoa Kỳ vẫn sẽ tham gia như bình thường, nhưng sẽ không có phái đoàn quan chức ngoại giao hay chính trị gia đi cùng.

    Khi được yêu cầu bình luận, một quan chức cao cấp của chính quyền Biden cho biết: “Chúng tôi chưa có bất kỳ cập nhật chính thức nào về quan điểm của Hoa Kỳ.” Andrew Bates, phó phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết rằng Thế vận hội không phải là một phần của cuộc đối thoại giữa ông Biden với ông Tập vừa qua.

    Chính quyền Biden vẫn giữ nguyên quyết tâm của chính quyền tiền nhiệm rằng việc Trung Quốc bắt giam hàng loạt và cưỡng bức triệt sản đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi của họ là hành vi diệt chủng.

    Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Jake Sullivan, nói rằng ông Biden đã nêu ra những vi phạm nhân quyền trong hội nghị thượng đỉnh của ông với ông Tập.

    Các nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kêu gọi tẩy chay ngoại giao nhằm gửi đi thông điệp phản đối nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các vận động viên Mỹ.

    Chính quyền Biden sẽ thông báo cho các đồng minh về việc tẩy chay này nhưng sẽ để họ tự quyết định.

    Michael Mazza, một thành viên tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ và các đồng minh nên làm nhiều hơn nữa nhằm chuyển Thế vận hội Mùa đông ra khỏi Trung Quốc và tổ chức ở nơi khác. Ông nói rằng việc không gửi quan chức tham dự sẽ không có tác động đến việc hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ Bắc Kinh.

    Ông cho biết: “Một cuộc tẩy chay ngoại giao sẽ thực sự không giúp gì nhiều cho người Duy Ngô Nhĩ và các nạn nhân bị ngược đãi khác.”

    Ông cho rằng nên cử một phái đoàn với sứ mệnh nêu bật hoàn cảnh bị bức hại của người Duy Ngô Nhĩ và các nạn nhân khác.

    Nga tấn công chính vệ tinh của mình, phương Tây phản đối


    Tờ News của Hàn Quốc đưa tin, vào ngày 15/11, Nga đã phóng tên lửa đánh chặn phá hủy vệ tinh của chính mình. Vụ việc đã tạo ra một đám mây mảnh vụn đe dọa các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Mỹ và nhiều nước phương Tây đã lên án hành động này của Nga.

    Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ cho biết vụ phóng tên lửa của Nga đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ lớn và hàng chục nghìn mảnh vỡ nhỏ hơn quay quanh Trái đất. Lầu Năm Góc đang theo dõi hơn 27.000 mảnh vỡ.

    Trong không gian nơi không có sức cản của không khí, những mảnh vỡ như vậy có thể di chuyển với vận tốc hơn 7 km / s, gấp tám lần tốc độ của một viên đạn. Một số mảnh vợ đã tiếp cận Trạm Vũ trụ Quốc. Để tránh nguy hiểm, các phi hành gia của ISS đã được sơ tán về Trái đất.

    Giám đốc NASA Bill Nelson nói rằng ông rất tức giận đối với hành động của Nga.

    “Tôi không thể tin rằng Nga đang đe dọa không chỉ các phi hành gia quốc tế, mà còn cả các phi hành gia từ đất nước của họ”, ông Nelson nói thêm.

    Hãng tin CNN chỉ ra rằng vụ phóng thử này không chỉ khiến các vệ tinh quân sự gặp nguy hiểm, mà còn ảnh hưởng lớn tới các vệ tinh thương mại dùng cho điện thoại, dự báo thời tiết, GPS, tài chính và radio trước, từ đó gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu.

    Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng: “Nga tuyên bố phản đối việc vũ khí hóa không gian, nhưng hành động liều lĩnh và vô trách nhiệm này cho thấy nó có thể gây nguy hiểm cho hoạt động thăm dò và sử dụng không gian của tất cả các nước”.

    Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng đã phản đối hành động của Nga bằng tweet: “Vụ thử tên lửa chống vệ tinh có sức tàn phá khủng khiếp của Nga hoàn toàn phớt lờ an ninh, an toàn và bền vững của không gian. Nó sẽ là một yếu tố rủi ro trong nhiều năm tới”.

    Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos đã bác bỏ các tuyên bố của phương Tây, nói rằng: “Quỹ đạo của các mảnh vỡ nằm xa quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế”.

    Nghị sĩ 20 nước phản đối quan chức công an Trung Quốc ứng cử vào Interpol


    Chính quyền Trung Quốc đã đề cử Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc, ông Hồ Bân Sâm, tham gia tranh cử vào ban điều hành của Interpol. Hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, theo Vision Times.

    VOA hôm 15/11 cho biết, Interpol có trụ sở tại Pháp sẽ tổ chức hội nghị tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 23 đến 25/11 và bầu thành viên ban điều hành mới, trong đó có hai vị trí dành cho người châu Á.

    Ngoài Hồ Bân Sâm, hai ứng cử viên châu Á còn lại đến từ Singapore và Ấn Độ.

    “Liên minh liên nghị viện xuyên quốc gia về các vấn đề Trung Quốc” (IPAC) và nhiều nhóm nhân quyền đã lên tiếng công khai và phản đối mạnh mẽ việc bầu Hồ Bân Sâm vào Ủy ban điều hành Interpol.

    Theo SCMP, gần 50 nghị sĩ thuộc IPAC từ 20 quốc gia đã ký thư gửi về nước họ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc ông Hồ ứng cử vào Interpol. Họ bày tỏ lo lắng rằng nếu ông Hồ thắng cử, Bắc Kinh sẽ lợi dụng vị trí của ông này để phát động một cuộc săn lùng toàn cầu đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông và người Tây Tạng lưu vong.

    Nhà hoạt động nhân quyền Bill Browder nói rằng nếu để ông Hồ vào được Interpol thì không khác gì việc để “sói quản lý chuồng gà”. Ông Browder cũng lưu ý rằng cộng đồng quốc tế phải đề phòng sự xâm nhập sâu hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào Interpol, để không lặp lại lịch sử kiểm soát Interpol của Đức Quốc xã vào năm 1938.

    Nhóm nhân quyền Safeguard Defenders cho biết, Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc, nơi Hồ Bân Sâm làm lãnh đạo, là đơn vị chuyên phụ trách truy lùng người Trung Quốc ở nước ngoài. Năm 2020, số lệnh truy nã người trốn ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần.

    Không có nhận xét nào