Header Ads

  • Breaking News

    Trần Văn Đoàn - Giáo dục Việt Nam – cách mạng hay cải cách? Một cái nhìn từ Đài Loan

    Hiểu như vậy, tôi xin được bàn về cách mạng giáo dục. Một cuộc cách mạng giáo dục đích thực luôn phải hướng tới những mục đích cao qúy, và áp dụng những phương pháp phù hợp với tính cao qúy này. Do đó, việc đầu tiên cần phải xác định mục đích, và sau đó là phương thế. Những câu hỏi như “ai giáo dục, ai được giáo dục”, rồi “giáo dục điều gì, tại sao phải giáo dục” đều liên quan tới mục đích, trong khi những câu hỏi “làm thế nào, dùng phương pháp gì, phương thế chi, dùng công cụ gì, tổ chức ra sao để có hiệu qủa” đều thuộc vào phương pháp giáo dục.

    Trần Văn Đoàn - Giáo dục Việt Nam – cách mạng hay cải cách? Một cái nhìn từ Đài Loan

    Nói chung, cách mạng giáo dục bắt đầu khi nhận ra tính sai lầm của mục đích và phương pháp cũ. Do vậy, cách mạng giáo dục đòi buộc hoặc phải phá bỏ quan niệm, mục đích, và phương pháp cũ. Hay trong trường hợp nhẹ hơn, mà chúng ta gọi là cải cách, cách mạng giáo dục bắt buộc phải sửa sai, định hướng và tìm kiếm những phương pháp mới để cải tiến nền giáo dục cũ. Cách mạng giáo dục kiểu Đông Á được hiểu theo lối cải cách thứ hai này. Họ bắt đầu với những câu hỏi về “ai giáo dục, ai được giáo dục” và câu hỏi “tại sao giáo dục” (xin đừng nhầm với câu “tại sao làm giáo dục?”). Nếu trong giáo dục cũ, người được giáo dục, người giáo dục, và ngay cả những môn học chỉ là những công cụ cho một mục đích khác (như vua chúa, nhà nước, đảng phái hay giáo hội tôn giáo,) thì cuộc cách mạng giáo dục đích thực đòi hỏi phải hiểu ngược lại. Đảng phái, triều đình, nhà nước, giáo hội, tổ chức, đoàn thể không phải là chủ thể, mà đúng ra là công cụ cho người được giáo dục, và người giáo dục.

    Người được giáo dục mới chính là mục đích của giáo dục, và người giáo dục đương đóng góp chính mình vào qúa trình giáo dục để đạt tới mục đích này. Câu truyện về bà mẹ Mạnh Tử (372-289 BC) có thể là một thí dụ rất hay nói lên người được giáo dục mới chính là mục đích. Nghi lễ chỉ là phương thế, thủ thuật buôn bán chỉ là kỹ năng, nhưng làm người mới chính là mục đích.[55]

    Tương tự, hệ thống, chế độ giáo dục, bộ máy hành chính, vân vân, cũng chỉ là những phương thế hay phương tiện trợ giúp giáo dục. Chúng giúp chúng ta dễ đạt tới mục đích, nhưng chúng không phải là mục đích. Sự hiểu sai về bộ máy giáo dục coi nó như là yếu tố quyết định không chỉ là một sai lầm, mà còn là một căn nguyên (tai hại) khiến nền giáo dục trì trệ.[56]

    Giáo dục không thể thành công nếu không tôn trọng con người, nếu coi con người chỉ là công cụ phục vụ, hay là “nguồn nhân lực”, chất xám” của nhà nước. Lối nhìn này hạ cấp con người xuống hạng đồ vật, công cụ, hay tệ hơn, một món hàng dịch vụ.

    6. Tạm Kết: Cách Mạng Giáo Dục – Nhìn từ Đài Loan

    Để kết thúc bài viết, tôi xin được trình bày vắn tắt về cách mạng giáo dục ĐL. Sau đây là những điểm chính:

    6.1. Cách mạng giáo dục tuy không thể tách rời khỏi những cuộc cách mạng chính trị và kinh tế, hay tôn giáo, nhưng nó không đồng nhất với những cuộc cách mạng trên. Mục đích của giáo dục không đồng nhất với mục đích của chính trị, tôn giáo, kinh tế và do vậy, phương thế giáo dục cũng không thể giống hệt đường lối của các cuộc cách mạng khác. ĐL ý thức được sự khác biệt này khi họ tách giáo dục ra khỏi chính trị, và tổ chức khiến các cơ quan giáo dục có thể độc lập không bị giới quan chức (trung ương và địa phương) lũng đoạn. Luật giáo dục, luật giáo viên và những bộ luật liên quan ra đời nhắm bảo vệ sự độc lập này.

    6.2. Cách mạng giáo dục bắt đầu với việc đặt lại chính mục đích giáo dục. Chính con người, hay gần hơn, con người đi học, mới là mục đích giáo dục. Người học vì chính mình chứ không phải vì ai khác. Cái học cho gia đình, cho nhà nước, cho đảng phái hay giáo hội không còn là mục đích chính nữa. Tương tự, người công tác giáo dục, hay người đem kiến thức đến cho người học là những cộng tác viên, chứ không giữ vai trò chính yếu như thấy trong nền giáo dục hiện nay của Việt Nam. Chỉ khi đã xác định mục đích, thì sau đó giáo dục mới nhắm đến phương thế, và từ phương thế tìm ra phương pháp, kỹ thuật để đạt tới mục đích chính. Nói cách khác, phương thế, phương pháp, kỹ thuật chỉ là những mục tiêu mang tính cách công cụ và tạm thời (instrumental purposes) thuộc tầm chiến thuật nhiều hơn. Sự thành công của bất cứ nền giáo dục nào cũng phải được đánh gía bằng chính cái kết qủa, tức đạt tới mục đích chính, đó là người học: làm thế nào để học sinh tự có khả năng sống, khả năng giao tiếp, và khả năng tự phát triển hoàn thiện. Đó có lẽ là tinh thần của một sự học chân thật (đại học) trong Nho giáo “tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Một tinh thần bị bóp méo và dừng lại trong mục đích công cụ “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Từ nhận định như vậy, hệ thống giáo dục xứ Đài được đa diện hóa, đa nguyên hóa để cho mỗi học viên có thể lựa chọn tùy theo mục đích, ý thích lựa chọn của họ. Các đại học được tự do cạnh tranh, mở những môn học thích hợp, và chọn lựa mục đích đeo đuổi của họ. Tài chánh được phân chia hợp lý hơn, công bằng hơn. Mọi người công dân đều có quyền được trợ cấp. Học sinh trường công hay tư 12 năm bắt buộc, đều miễn phí. Tại đại học, hay cao đẳng, sinh viên trường công cũng như tư đều được trợ cấp một phần học phí. Nhà nước giám sát học phí, giữ lại ở mức thấp nhất để mọi con em có thể theo học. Cần phải nói, đó là học phí ở xứ Đài rất thấp (so cả với Việt Nam, nếu tính theo thu nhập bình quân). Đại Học Quốc Gia (Lập) Đài Loan (NTU), nơi tôi công tác, tuy xếp hạng 51-60 trên thế giới, nhưng học phí chỉ bằng 1 phần 20 của những đại học cùng hạng bên Mỹ, Nhật hay ngay bên Hồng Kông.[57] Cần phải nói thêm, con cái của cán bộ, giáo viên, binh sĩ, cảnh sát, bưu điện, vân vân… và của những gia đình thu nhập thấp đều được trợ cấp học phí hoàn toàn.

    6.3. Lấy học sinh làm chủ thể của giáo dục, ĐL giảm các sức ép lên học sinh. Thi cử được đa dạng hóa, và giảm bớt những nội dung không cần thiết, tăng thêm nhiều kỳ tuyển sinh, trao lại cho đại học quyền tự tuyển sinh. Những môn học gần gũi với đời sống hơn. Ngôn ngữ mẹ đẻ được khuyến khích, và nhà nước trợ cấp các trường học mở những khóa ngoại ngữ cho những học sinh trong gia đình dị chủng hay khác ngôn ngữ (Đã có nhiều lớp Việt ngữ trong nhiều trường tiểu học và trung học cho con em những gia đình Đài-Việt). Vì chú ý đến con người toàn diện, nên giáo dục thể lực, giáo dục giao tiếp, giáo dục nghệ thuật… cũng rất được chú trọng. Bất cứ trường học nào cũng có sân vận động, hồ bơi, giáo viên thể dục, giáo viên nghệ thuật, âm nhạc…[58] Học sinh, sinh viên đều có tiếng nói của họ. Tại đại học, sinh viên có quyền nhận xét chấm điểm giảng viên, tham dự vào nhiều sinh hoạt của khoa, viện, đại học… gồm cả những hoạt động quan trọng và có tiếng nói trong việc chọn hiệu trưởng, viện trưởng, giảng viên, chủ nhiệm, vân vân…

    6.4. Là “dồng chủ thể”, giáo viên, giảng viên tự điều hành khoa, viện, trường. Họ bầu ra các Ủy ban điều hành, giám sát. Họ quyết định sinh hoạt chính của khoa, viện, trường. Họ có quyền quyết định nhân sự, thăng chức, vân vân. Chủ nhiệm khoa chỉ mang tính đại biểu, và chỉ có 1 phiếu trong Ủy ban. Quyền hành của hiệu trưởng bị hạn chế. Có lẽ, hiệu trưởng là người mang rất nhiều trách nhiệm nhưng lại rất ít quyền lực. Bộ Giáo dục hoàn toàn không có quyền chen vào trong nhà trường. Các đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo… hoàn toàn bị cấm sinh hoạt trong bất cứ nhà trường nào.

    6.5. Đài Loan, chuyển mình từ một xã hội đóng kín, độc đảng, bảo thủ… qua một xã hội mở, đa nguyên, đa đảng, với người dân là chủ thể đích thực. Tương tự, giáo dục ĐL cũng chuyển mình, từ lối học khoa cử, từ chương, bắt chước, thụ động sang một lối học tự chủ, trọng năng lực sáng tạo, cởi mở, đa nguyên và nhất là trọng con người hơn. Sự chuyển đổi tương đối thành công, không tạo ra bất an, hay bạo lực. Giống như thành công trong kinh tế và chính trị, giáo dục ĐL hôm nay đã có một chỗ đứng đáng nể ở Á châu, và trên thế giới. Công nghệ, kỹ thuật, cũng như khoa học của xứ Đài đã được trọng thị, và đương đóng góp một phần rất quan trọng vào sự “phát triển trong ổn định” của xứ Đài.

    6.6. Chính sách tài chánh là một yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển giáo dục ĐL. ĐL đầu tư gần tới 2% của GDP cho giáo dục đại học (1.93% cho năm 2008), và số tiền đó được phân phát “hợp lý” cho mọi sinh viên.[59] Lí do, số tiền có được là do mọi người dân đóng thuế, do đó tất cả đều có quyền được phân chia một cách công bằng. Chính vì vậy mà tuyệt đại đa số học sinh sau trung học đều tiếp tục học đại học, hay sau đại học tiếp tục thi vào trường nghiên cứu.[60] Và đây cũng là một nguyên do đàng sau số lượng nhân tài tại ĐL. Trường ĐhQGĐL (NTU) là một thí dụ của sự thành công của ĐL.[61]

    6.7. Đài Loan không phải là một cá biệt. Sự thành công giáo dục của Nhật, rồi Đại Hàn, và những nước thuộc vùng Đông Á khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hình như có một đặc tính gì chung giữa các nước này. Có lẽ không ít người sẽ đặt câu hỏi, tại sao Đài Loan, Nhật, Đại Hàn, Hồng Kông và Tân Gia Ba mà không phải là Việt Nam, một nước có nhiều nhân tài và cùng nền văn hóa Đông Á như họ?

    Đào Nhiên Cư, 09.2021

    Mùa đại dịch Covid-19

    1. Giáo dục đại học ĐL được bàn chi tiết hơn trong: Trần Văn Đoàn, “Sự Phát triển của nền Giáo dục Đại học Đài Loan – 30 Năm trước, 30 Năm sau”. Bài trao đổi tại Viện IRED ngày 15 tháng 11 năm 2013.

    2. Tác giả từng làm việc tại các đại học Fujen University (1980-1985), National Taiwan University (1985-2014), Chang Jung Christian University (2017-2020) và Academia Catholica (2014-), cũng như cố vấn cho Bộ Giáo Dục Trung Hoa Dân Quốc (2003-2009).

    3. Vào năm 2013, về bậc tiểu học, Đài Loan thuộc về 10 nước thành công nhất trên thế giới. Ở cấp Trung học, ĐL xếp hàng thứ 4 (5) trong bảng đánh gía của PISA (2013). Trong bậc đại học, hiện nay có tới 96% học sinh sau trung học tiếp tục bậc đại học. Trong các bảng xếp hạng năm 2013 của THES và QS, ĐL có mặt trong tốp 100 đại học hàng đầu thế giới (Đh Quốc Gia Đài Loan/National Taiwan University (NTU), xếp 51-60), và gần 15 đại học xếp trong số 500 đại học hàng đầu thế giới. Trong thế giới người Hoa (bao gồm Trung quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Áo Môn và cà Tân Gia Ba (Singapore), theo bảng xếp hạng của ARWU (Đh Giao Thông, Thượng Hải), thì Đh Quốc Gia Đài Loan vẫn được công nhận như là số 1, đứng trên cả Đh Bắc Kinh và Đh Thanh Hoa, và các đại học của Hồng Kông.

    4. Ernst Bloch, Geist der Utopie (1918); Karl Mannheim, Ideologie und Utopie (1927). Bản Anh ngữ: Ideology and Utopia (London: Routledge, 1936).

    5. Cách mạng thầm lặng vốn theo quy luật tất yếu của phát triển, như thấy trong khoa học, tri thức và văn hóa. Khoa học như là một hệ thống những tri thức chắc chắn và hữu dụng phát triển qua một qúa trình tiếp nối bằng phương thế “phản biện” và “kiến tạo” (hay theo Karl Popper, phương thế “phán xét tìm ra sai lầm” (trial and error) và “đặt giả thuyết và phủ định” (conjectures and refutations). Văn hóa là qúa trình thu nhập có tính chất chọn lọc những nền văn hóa đi trước. Tri thức chỉ có thể tiến bộ nhờ vào sự sàng lọc và thu nhận các nền tri thức khác, cũng như từ rất nhiều kinh nghiệm được tích lũy (John Locke). ↑

    6. http://en.wikipedia.org/wiki/October_Revolution. ↑

    7. Chú ý là ngay chính Karl Marx, bản thân cũng chỉ biết đến “phong trào cộng sản” qua lá thư Friedrich Engels gửi cho ông vào quãng năm 1845-46. Engels nhận định về phong trào này “rất nổi danh và đáng giá” và nghĩ là “Marx thật sự thích” (Marx-Engels, Briefwechsel I, Berlin 1949, 348).

    8. http://www.moreorless.au.com/killers/stalin/html

    9. Tôn Dật Tiên phát động cách mạng với chủ trương “Phản Thanh, Phục Minh”. Chỉ sau bao nhiều lần thất bại, và cũng chỉ sau khi tiếp xúc với những nền dân chủ của Anh, Mỹ, họ Tôn mới đi theo chủ thuyết dân chủ. Chủ thuyết Tam Dân (三民主義dân chủ 民主, dân sinh 民生, dân quyền 民權) của ông thực ra là bản sao chép chủ trương của Abraham Lincoln (Gettysburg Address, 1863).

    10. Trung thực hơn, hầu hết các cuộc cách mạng bất bạo động đều bị ảnh hưởng của tôn giáo. Tại Tây phương, đức Giê-su phải được coi là ông tổ của bất bạo động, với cái giá là chính sự chết của mình. Gandhi, Mandela, Luther King bị ảnh hưởng sâu đậm của cách mạng mang tính Kitô giáo này. Tại Á châu, đức Phật và đức Khổng cũng là biểu tựợng của bất bạo động. Aung San Su-Kyi có lẽ chịu ảnh hưởng sâu xa của triết lý Phật giáo và cả Kitô giáo.

    11. Đúng hơn phải nói, cách mạng giáo dục là một sự thay đổi tất yếu theo luật nhân văn và lý trí. Nó khác hẳn với loại cách mạng theo luật tiến hóa, hay sống còn, hay “luật rừng” (của Darwin). Tôi từng dùng từ “Cách Mạng kiểu Đông Á” (trong bài nói chuyện tại IRED) để nói lên cuộc cách mạng của Nhật từ thời Minh Trị, của Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và một phần nào của Đặng Tiểu Bình. Tôi nhấn mạnh “phần nào” vì trên thực tế họ Đặng vẫn còn bám vào bạo lực để giải quyết vấn nạn (như trận chiến xâm luợc Việt Nam, 1979, và cuộc thảm sát Thiên An Môn, 1989).

    12. Thực ra, người Việt chúng ta đã rất ý thức về tính mục đích trong cuộc sống, qua ngôn từ: “điên”, “khùng” = không có mục đích, không biết, không rõ mục đích; “lú lẫn” hay “hồ đồ” = lẫn lộn mục đích; “lưu manh”, “gian manh” = đánh tráo mục đích; “vô lại” = dùng bạo lực cho mục đích sai.

    13. Tôi chủ ý dùng từ “chúng ta” để nói lên trách nhiệm chung của mọi người gồm cả tôi, chứ không riêng chỉ những quan chức. Giới giáo chức, và ngay cả những người quan tâm thực ra không muốn bàng quan đứng ngoài, giao khoán cải cách cho giới quan chức.

    14. Cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong một cuộc hội thảo về đề án đổi mới giáo dục của trung ương (18.02.2013), đại để: “Ngoài vấn đề cơ chế, địa lý thì vấn đề con người là yếu tố quan trọng. Chúng ta chưa hài lòng với chất lượng nhân lực. Nguyên nhân do tư duy giáo dục chậm đổi mới. Do chưa nhận thức được quy hoạch nhân lực phải đi kèm với quy hoạch kinh tế. Giáo dục còn nặng về hành chính, chưa tạo được sự chủ động, đòi hỏi từ bên trong của ngành giáo dục, đó chính là sức ỳ lớn.”

    Http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc; www.anninhthudo.vn/Co-hoi-vang-doi-moi-giao-duc/10400348.epi

    15. Ý kiến về giáo dục của các nhà giáo trong nước đầy kinh nghiệm như Hoàng Tụy, Phạm Minh Hạc, Phạm Toàn, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Khắc Mai… và của giới học giả trung niên như Trần Ngọc Thêm, Hồ Sĩ Qúy, Trần Ngọc Vương, Chu Mộng Long, Mạc Văn Trang, Giản Tư Trung… , của giới trí thức trẻ như Nguyễn Thị Từ Huy, Nguyễn Khánh Trung, Giáp Văn Dương, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Thị Ly… và nhất là các tổ chức và các Tập san hay trang webs như Nxb Trí Thức, Viện IRED, Tia Sáng, Chúng Ta, Vietnamnet, Giaoduc, Boxitvn, Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, Nghiên cứu giáo dục quốc tế, Văn Hóa Nghệ An, Viet-Studies, vân vân.

    16. Một thí dụ điển hình của lối “gà chạy theo cối xay gạo” này là chủ trương thành lập (rất hoành tráng) hàng loạt đại học “đẳng cấp thế giới” như “Đh Việt-Đức,” “Đh Việt-Pháp,” “Đh Việt-Nhật,” “Đh Việt-Mỹ,” VKIST (Đh Việt-Hàn,) và hoành tráng hơn cả, Đh VinUni. Chúng ta quên đi cái nghịch lý, đã nhờ vả, ăn bám, chạy theo thì làm sao gọi là đẳng cấp? Chả nhẽ lại là cái “đẳng cấp chạy theo,” “ăn theo nói leo,” ”đi tắt đón đường,” “đẳng cấp ăn bám”? Chiến thuật “dựa vào” người khổng lồ (Hai Đh Cornell và Đh Pennsylvania) chỉ nói lên tính chất “khôn lỏi,” “nhất thời,” mang tính chất quảng cáo kiểu “Sơn Đông mãi võ” rao bán “cao đơn hoàn tán.” Muốn thành đẳng cấp trước hết phải tự mình leo được lên vai họ (chứ không phải dùng tiền bạc để được bế lên vai), và muốn trở thành đẳng cấp thực sự thì trước hết phải là người mà ai cũng muốn leo lên vai mình.

    17. Việc hai đại học Tôn Đức Thắng và Duy Tân dùng những công bố khoa học không phải của mình (qua mua bán) để được xếp hạng cao không thể làm hai đại học này đẳng cấp. Sự giả dối sẽ lòi ra như cái kim trong bọc (bị báo Thanh Niên bóc mẽ), làm giới trí thức mất tin tưởng vào những trường, viện như vậy.

    18. Nguyễn Văn Vĩnh, “Những thói hư tật xấu của người An Nam”; Vương Trí Nhàn, “Người Việt xấu xí”; Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, và nhiều tác giả khác.

    19. Những phát ngôn “ấn tượng” trong năm 2011-12 của giới quan chức, đại biểu quốc hội, hay chuyên gia… đã được giới báo chí nhắc tới, và đã quá quen thuộc nên tôi không lặp lại nơi đây.

    20. Kiểu Người Việt Cao Quý (Sài Gòn: Cảo Thơm, 1965) mà Vũ Hạnh cố ý mạo danh người Ý (A. Pazzi) để tự “bốc thơm” người Việt mình. Mạo danh tức là giả dối. Lấy giả dối để ca tụng cái “cao quý,” đúng là “độc nhất vô nhị.” Chúng ta có rất nhiều Vũ Hạnh!

    21. Nhận định của nhóm IDS (đã giải thể), nhóm Tri Thức, nhóm Bôxít, nhóm Minh Triết của cụ Nguyễn Khắc Mai hay những nhân sỹ trí thức như Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Nguyễn Xuân Diện, Giáp Văn Dương, Mạc Văn Trang, Thái Hạo, Nguyễn [sic! – Văn Việt] Mộng Long, v.v.

    22. Đặc biệt phần thứ nhất của tập Kỷ yếu Đại Học Humboldt 200 Năm (1810-2010) (HàNội: Nxb Trí Thức, 2011), với những bài viết của Nguyễn Xuân Sanh, Cao Huy Thuần, Bùi Văn Nam Sơn, và nhất là hai bài của Werner Jaeger và Wilhelm von Humboldt. Ctr. 23-202.

    23. Socrates có lẽ là người đầu tiên đặt lại vấn đề mục đích của tri thức, cũng như của cuộc sống. Jean-Jacques Rousseau, Wilhelm Humboldt, John Dewey… cả thế kỷ trước đã nhận định về sự tương quan bản chất giữa giáo dục và bản chất con người, cũng như sự phát triển của con người xã hội.

    24. Về sự sai hướng của giáo dục ĐL, xin tkh. Trần Văn Đoàn,“Critical Reflections on the Philosophy of Education of Taiwan in the Past Thirty Years.” Trong Erich Peng and al., eds., Philosophy of Education, 2013, pp.1-23. Bản Hoa ngữ trong Tập Kỷ Yếu Hội Nghị về Triết Lý Giáo Dục (Đài Bắc: Khoa Triết Học, ĐhQGĐL, 2012).

    25. Karl Marx, Pariser Manuskript (1844). Georg Lukács, Geschichte und Klassensbewusstsein (1921). Trong hai tác phẩm này, Marx và Lukács đều phân tích hiện tượng “vật hóa” (Verdinglichung) như là hình thức dị hóa, tha hóa nghiêm trọng nhất xẩy ra trong thế giới tư bản.

    26. Tại Đài Loan, đã có một thời, hệ thống các trường sư phạm bị chính giới giáo dục đùa cợt coi như là những công xưởng sản xuất đồ hộp. Tại Việt Nam, một thí dụ điển hình của lối suy nghĩ này thấy nơi Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Chỉ nhìn ra cái lợi (thiển cận) của thị trường đương mở rộng, Bộ cho phép, khuyến khích mở ra rất nhiều trường về kinh tế, tài chánh, quản lý… để rồi sau vài năm, lại ra lệnh quản chế không cho phép, hay dọa dẫm đóng cửa. Chưa thấy (hay ít thấy) có một quốc gia nào mà các công ty, tập đoàn, con buôn… có thể mở đại học một cách dễ dãi như ở nước ta. Trong khi những nhà giáo dục có nhiệt huyết, các tổ chức vô vị lợi, hay các tổ chức tôn giáo lại không được phép mở trường học. Đh Phan Chu Trinh được nhóm trí thức tâm huyết xây dựng, nhưng lại bị bầm dập vì những chuyện không đâu. Nhưng không thấy Bộ giúp hay ít nhất ủng hộ (tinh thần) những người đầy lý tưởng như nhà văn Nguyên Ngọc. Nhiều người chắc chưa biết (hay không muốn biết) sự thật, hầu hết các đại học nổi tiếng ở Mỹ là đại học tư, độc lập, từng được các Giáo hội Thiên Chúa giáo (Kitô giáo) hay tư nhân thành lập. Các Đh Harvard, Yale, Princeton, Columbia, Georgetown, Notre Dame, Cornell, Stanford, MIT, Emory, Tulane, Rice, Pennsylvania, vân vân, là những thí dụ điển hình nhất. Hệ thống các đại học tại Anh như Oxford, Cambridge trước đây vốn là tư thục, do Giáo hội Thiên Chúa giáo (sau là Anh giáo), hay Đh London (với hàng chục Học viện độc lập) do một nhóm người thành lập và quản lý. Nhưng sau này biến thành “tư-công” và độc lập. Nhà nước có nhiệm vụ trả tiền, nhưng không được hay ít có quyền can thiệp. Hệ thống các đại học Hồng Kông cũng theo mẫu mực của Anh. Đây là lí do sự nổi tiếng hiệu quả của hệ thống đại học Anh và Hồng Kông. Tại ĐL, các đh tư lập đều được nhà nước trợ cấp (tuy ít hơn công lập). Lý do, là tiền nhà nước do thuế của dân, mà đa số dân học tại các trường tư, nên trợ giúp giáo dục cho mọi công dân là quyền lợi mà nhà nước phải tuân thủ.

    27. Trần Văn Đoàn, “Phê phán Triết lý Giáo dục Công cụ”, Triết – Tập san Triết Học và Tư Tưởng, số 6 (07.2021). Https://tapsantriet.com

    28. Theo nhận xét của nhiều nhà giáo kỳ cựu nghiên cứu vể nền giáo dục hiện nay tại Việt Nam như Hoàng Tuỵ, Phạm Toàn… hay những cựu quan chức như Phạm Minh Hạc, Trần Phương, hay những nhà giáo trẻ như Nguyễn Thị Từ Huy, Giáp Văn Dương… hay từ hải ngoại như Nguyễn Văn Tuấn…

    29. Sau năm 1949, khi chính quyền Quốc Dân Đảng chạy sang ĐL, họ “quản lý” giáo dục rất nghiêm nhặt. Hệ thống đảng, hệ thống quân đội, hệ thống công an dày đặc trong các khuôn viên. Đại Học Quốc Gia Đài Loan (NTU) (nơi tôi phục vụ) là đại học duy nhất giữ được vị thế tương đối độc lập. Hiệu trưởng Phó Tư Niên (1896-1950, nguyên hiệu trưởng Đh Bắc Kinh, 1945-1948), tuy chỉ ở nhiệm kỳ không đầy 2 năm (1949-1950) vẫn được đại học quý trọng nhất. Ông bảo vệ nền tự trị của NTU, tranh đấu cho quyền tự do của giảng viên và sinh viên, và nhất là ông đến nghe lớp, gặp sinh viên, và rất tôn trọng giảng viên. Ông bị nhà nước của họ Tưởng ức chế, trúng phong mà chết. Biểu tượng của NTU (logo) hiện nay là “Phó Chung,” tức quả chuông tự do họ Phó.

    30. “L’état, c’est moi,” câu nói được gán cho vua Louis XIV của Pháp. Trong hành chánh, họ thường quan tâm đến chức vụ hiệu trưởng, viện trưởng, chủ nhiệm… nhiều hơn là quan tâm tới học viên và giáo chức. Họ nghĩ, không có hiệu trưởng thì không có nhà trường… y hệt, nếu không có quốc vương thì không còn quốc gia xã tắc … vậy.

    31. Vụ án ép dâm của Nguyễn Trường Tô, Sầm Đức Xương là một thí dụ phỉ nhổ giáo dục, và ô nhục hệ thống tư pháp. Chủ tịch Tô, kẻ lợi dụng quyền thế mua dâm các em học sinh vị thành niên thì “vô tội”, các quan chức mua dâm các em vị thành niên thì được miễn truy cứu vì chỉ là chuyện “tình cảm cá nhân.” Thật ngoài sức tưởng tượng! Tại Đài Loan, quan chức giáo dục hữu trách từ chức ngay nếu chẳng may hệ thống giáo dục có vấn đề, hay khi thuộc cấp sai phạm. Gần đây (2018), chỉ trong không đầy mấy tháng đã có ba bộ trưởng giáo dục mất hay từ chức. Tội của họ là không đủ đảm lược nên bị chính quyền Thái Anh Văn chi phối trong vụ bổ nhiệm Hiệu trưởng của Đại Học Quốc Gia Đài Loan (NTU), người đã được Hội đồng Trường bầu ra, nhưng lại bị đảng cầm quyền không chấp nhận. Ông cuối cùng (từng là học trò của tôi tại NTU) đã can đảm kí giấy bổ nhiệm Hiệu trưởng NTU theo đúng tinh thần giáo dục độc lập, bất chấp áp lực từ Tông Thống và Thủ Tướng. Ông từ chức ngay sau khi ký, ngồi ghế bộ trưởng đúng một tuần.

    32. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng nói chung, đa số những nhà “lãnh đạo” giáo dục đều đoạt giải thưởng, hay danh hiệu. Nhiều vị lãnh đạo không nghiên cứu, không dậy học nhưng vẫn thăng chức, được “bầu chọn” nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, vân vân.

    33. Trước thời cải cách, ĐL nổi tiếng với “Quốc Hội Vạn Niên” và “Quan Chức Vạn Đại.” Các quan chức luân lưu các chức vụ, nhưng không thấy ai mất chức ngay cả khi bất lực, sai phạm. Nhưng sau cải cách, trung bình mỗi hai hay ba năm, ĐL thay một Bộ trưởng Giáo dục mới. Tương tự cũng thấy nơi Nhật và Đại Hàn. Nội các Nhật trung bình mỗi hai năm thì thay một lần.

    34. Sứ điệp chính trong Nền Giáo Dục của Những Kẻ bị Áp Bức của Paulo Freire, chính là việc giáo dục giúp mỗi học viên tự chủ, đủ năng lực tự giáo dục. Xin tkh. Paulo Freire, Pedagogy of the Oppressed (New York: Continưm: 1986). Ngay từ năm 1974, lần đầu tiên đọc tập sách này (bản Đức ngữ, Die Paedagogik der Unterdruecken. Bildung als Praxis der Freiheit. Hamburg: Reinbeck, 1973), tôi đã cảm xúc rất mãnh liệt. Và ngộ ra, cái học nhồi nhét mà mình thừa hưởng phản giáo dục nhiều hơn là giáo dục. Bài viết đầu tiên của tôi về giáo dục (1976) được viết theo chiều hướng này. Bài này xuất bản năm 1977. Xtkh. Tran Van Doan, “Asiatische Erziehung im Kontext” trong Hanjo Sauer, Hrsg., Erziehung fuer die Dritte Welt (Innsbruck: SOS Kinderdorf Intternational, 1977).

    35. Giới giảng viên chúng tôi thường gọi sinh viên là “đồng học.” Bề ngoài xem ra có vẻ môi mép, nhưng thực ra hai chữ này rất đúng trong trường hợp của nhiều nhà giáo như tôi. Chúng tôi cùng học với sinh viên. Trong cuộc đời nhà giáo của tôi (chính thức từ năm 1975), tôi đã học rất nhiều từ sinh viên.

    36. Cách mạng giáo dục Âu châu, y hệt cách mạng chính trị, bắt đầu với ý thức về năng lực của con người. Thời Khai Minh (hay Thời Ánh Sáng, l’ âge des lumières) có thể được coi như cái mầm của cách mạng. Tầm quan trọng của tác phẩm Émile, ou De l’éducation, 1762 không kém kiệt tác Du contrat social ou Principes des droits politiques, 1762 (của Rousseau). Rousseau ảnh hưởng sâu rộng tới Kant, đặc biệt trong bài Trả lời câu hỏi “Khai Minh là gì?” (Beantwortung der Frage: “Was ist Aufklaerung?”, 1784).

    37. Thomas Kaufman, Geschichte der Reformation (Frankfurt a.M.: Suhrkamp, 2009), và Hans Kueng, Das Christentum – Wesen und Geschichte, Muenchen: Piper, 1994), Chương 4..

    38. “The Reformation” trong Catholic Encyclopedia. http://www.newadvent.org/cathen/12700b.htm

    39. Xin lưu ý độc giả lý do tôi tránh dùng từ “cải lương”. Trong tiếng Việt thường dụng hiện nay, từ này (ngoài “kịch cải lương” của miền Nam) mang một ý nghĩa khác không còn mấy tốt đẹp kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, “chẳng ra khoai cũng chẳng ra ngô”.

    40. Những ý kiến của giới trí thức như Hoàng Tụy, Chu Hảo, Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Thị Bình, vân vân. http://www.tiasang.com.vn/ Mục về Giáo dục. Cũng xin tkh. Lê Trường Tùng, “Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới” hay bài của Tao Phùng “Nếu chính sách giáo dục chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế” trong Tia Sáng. http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tablid=113&CategoryID=6&News=5511; http:www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tablid=11@CategoryID=6&News=5615.

    41. “Hữu giáo vô loại” (有教無類 và “nhân tài thị giáo” (因材施教 có thể hiểu như “bất cứ ai cũng phải được nuôi nấng”, và “uốn nắn tạo ra tài (năng)” vẫn là hai nền tảng của nền giáo dục Nho gia.

    42. Người Tàu đã bóp méo ý nghĩa giáo dục của Khổng Tử khi giải thích “đại học” là cái “học lớn” mục đích chỉ là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Chế độ khoa cử, hay cầu hiền… cũng đã bị hiểu lệch lạc là lối chọn người ra làm quan.

    43. Khổng Tử hiểu giáo là dậy lễ (lễ trị), dậy văn (văn trị). Mạnh Từ chú ý đến “dục” (nhân trị), trong khi Tuân Tử hiểu giáo là học quy tắc (pháp trị). Xthk. Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Đại Cưong Triết Học Trung Quốc, Tập 2 (California: Xuân Thu, tái bản, không niên ký).

    44. Nhóm tân Nho như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi và nhất là Lỗ Tấn đã kịch liệt đả phá một nền giáo dục trì trệ như vậy.

    45. Joseph Needham, Science and Civilizations in China (Cambridge: Cambridge University Press 1954-2005) (24 Tập đã xuất bản).

    46. Plato, Protagoras, 343b; Republic, 435.

    47. Werner Jaeger, Paidea, I, 15. Cũng xin tham khảo: http://en.wikipedia.org/wiki/Paidea . Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Xuân Sanh từ Đức ngữ “PAIDEIA hay là Giáo dục Hy Lạp”, trong Kỷ Yếu ĐH Humboldt, sđd., 177 vtth. Nguyên ngữ: Paidea. Die Formung des Griechischen Menschen (Berlin: de Gruyter Verlag, 1973, 1-20. (Sự Hình thành của Con người Hy lạp).

    48. Jean-Jacques Rousseau, Émile ou De l’éducation, sđd. Trong tập sách này Rousseau nhận định mục đích giáo dục chính là “nghệ thuật tạo ra con người” (l’art de former les hommes).

    49. www.wikipedia.org/enlightenment

    50. Karl Popper, Conjectures and Refutations, sđd.

    51. Concise Oxford Dictionary, 1993. www.wikipedia/wiki/voxpopuli. Thầy Mạnh Tử cũng có câu nói tương tự, và trước Âu châu cả trên ngàn năm: “Thiên ý thị dân ý.”

    52. Trần Văn Đoàn, “Sống Còn, Sống Được, Sống Đẹp.” Trong Trần Ngọc Thêm chb., Triết lý Giáo dục Việt Nam – Từ Truyền thống đến Hiện đại. Chương trình nghiên cứu cấp Nhà Nước của Bộ Giáo Dục (2017-2020). Mã số KHGD/16-20. DT.011.

    53. Roderick Mcfarquah, và Michael Schoenhals, Mao’s Last Revolution (Cambridge: Harvard University Press, 2006); Liu Guokai, A Brief Analysis of the Cultural Revolution. Ed. Anita Chan (Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe, 1987).

    54. Emmanuel C.Y. Hsu, The Rise of Modern History of China (Hongkong: Oxford University Press, 1983). Cũng xin thk. Harry X. Wu, Reform in China’s Agriculture (Australia: Department of Foreign Affairs and Trade, 1997).

    55. Truyện kể, nhà thầy Mạnh Tử vốn nằm bên cạnh một nhà chuyên lo tang lễ. Chú bé họ Mạnh cả ngày chỉ bắt chước các lễ nghi an táng, khóc lóc, vái lạy. Mẹ chú bé thấy vậy, vội đổi nhà tới khu phố thương mại. Chú bé lại học cách thế buôn bán, mưu mô bán hàng… Mẹ chú sau cùng phải đổi nhà tới gần trường học. Và nơi đây chú bé họ Mạnh mới học được cách thế làm người.

    56. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì vào tháng 3.2012, dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã đưa ra một chương trình biên soạn sách giáo khoa lên tới trên 80 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, trên 95% tiền để dành cho “thiết bị.” Một phần rất nhỏ (quãng 900 tỉ) dành cho biên soạn sách giáo khoa. Không thấy nói đến mục đích giáo dục, cũng không nhắc đến vai trò của nhà giáo (cải thiện cuộc sống, huấn luyện, hệ thống sư phạm…). Bị chống đối, rút xuống vài nghìn tỉ, rồi im ắng, nhưng chắc không chết.

    57. Học phí tại NTU, trường công số 1 của ĐL, quãng US. 1850 cho một năm trong khi tại Harvard, Stanford, Princeton (Mỹ) trên US.40.000, Đh Hồng Kông, Đh Trung Văn (Hồng Kông) trung bình US.20.000 một năm. Tại Đh Fujen (Phụ Nhân, trường tư thục hàng đầu tại ĐL), học phí quãng US. 3200 một năm. Giữa đh công và tư không có cách biệt quá lớn như ở Việt Nam, hay ở Mỹ.

    58. Nếu tôi không nhầm, thì trong khi Việt Nam, một nước với 90 triệu dân, chỉ có rất ít âm nhạc viện (tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn), thì tại ĐL với 23 triệu dân họ có trên 30 âm nhạc viện. Rất nhiều đại học đều có Khoa âm nhạc, và dàn nhạc giao hưởng. Nổi tiếng có Đh Sư Phạm ĐL, Đh Đông Ngô, ĐhVăn Hóa Trung Quốc, Đh Phụ Nhân, Đh Đông Hải, Đh Nghệ Thuật (đa số tư thục). Tất cả các đại học sư phạm và đại học giáo dục (công lập) đều có khoa âm nhạc và dàn nhạc thính phòng hay giao hưởng. Tương tự, bất cừ trường nào từ tiểu học đến đại học cũng có hồ bơi, sân vận động, ban nhạc. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cả vùng Hà Nội không có mấy đại học có sân vận động, đừng nói đến hồ bơi. Đh Sư Phạm Hà Nội có sân vận động, nhưng hạn chế sử dụng. Trong khi tại ĐL, sân vận động được mở, sử dụng 24 giờ cho tất cả mọi ngưòi sống gần trường học và học viên.

    59. Như đã nói trên, học phí tại trường công hay tư đều rất thấp, và không cách biệt lắm. Vì tất cả tư hay công, mỗi học viên đều được nhà nước trợ cấp từ US.1000 tới US. 4000 tùy theo gia cảnh. Những sinh viên xuất sắc, con nhà nghèo, hay con cái giới công chức, quân nhân, giáo viên, bưu điện…. đều được học bổng trợ cấp tiền học.

    60. NTU là trường công với khoảng 31.000 sinh viên (15.000 cấp đại học, 16.000 cấp nghiên cứu), và với diện tích trên 36.500 ha đất (365 km vuông). NTU chưa phải là trường có tỉ lệ nghiên cứu sinh cao nhất ở Đài Loan.

    61. Xét về thành tích, NTU “sản xuất” 100% tổng thống dân bầu (4) của ĐL, 80% các bộ trưởng, 90% các đại pháp quan, 90% viện sỹ, và rất nhiều nhà kỹ nghệ (TSMI, Asus…) cũng như giới triệu phú. Gần như 90% giới đối lập trong chính trị, cải cách cũng là cựu học sinh của NTU.

    Published in Trần Văn Đoàn and Triết-6

    Trần Văn Đoàn

    Trần Văn Đoàn: Trần Văn Đoàn hiện là Giáo sư Danh dự (Emeritus) của Đh Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University), kiêm nhiệm chức Giáo sư Nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Academia Catholica (Fujen University), và Thỉnh giảng tại Học Viện Công Giáo Việt Nam (Thủ Đức). Ông từng giữ chức Giáo sư Giảng tòa (Chair-Professor) kiêm Viện trưởng Học Viện Thần Học, Chang Jung University (2016-2019) cũng như Cố vấn Bộ Giáo Dục Đài Loan (2003-2009), và Cố vấn cho các Đh. Providence, Đh Chang Jung và Đh Quốc gia Đài Loan. Ông cũng từng thỉnh giảng tại nhiều đại học như Đh Vienna (Áo), Đh Bắc Kinh (Trung quốc), Đh Heidelberg (Đức), Đh Kyoto (Nhật), Đh Oxford (Anh), Đh Leuven (Bỉ), Đh Catholic University of America (Mỹ), và nhiều đại học khác. Riêng tại Việt Nam, ông từng thỉnh giảng tại hai Đh Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (Đh Quốc Gia Hà Nội và Tph. Hồ Chí Minh), Đh Sư Phạm Hà Nội và Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Ngoài ra, ông là Tổng chủ biên Tập san The Asian Journal of Philosophy (tiếng Anh, Pháp và Đức) và Chủ biên phần Triết học Tây phương của Bộ Đại Từ Thư Triết Học (tiếng Trung) của Đh Fujen. Trần Văn Đoàn xuất bản trên 15 tập sách chuyên khảo, và trên 150 báo cáo khoa học chuyên về triết học Đức, triết học tôn giáo và triết học chính trị, cũng như triết lý giáo dục. Một số tác phẩm tiêu biểu về triết lý giáo dục của Trần Văn Đoàn: -The Poverty of Ideological Education (Washington DC: The Council for Research in Values and Philosophy, 2000); -Ý Thức Hình Thái Giáo dục đích Bần Khốn (Đài Bắc: Nxb Sư Phạm, 1999) (tiếng Trung); – Cùng với Sophia Wen, đồng chb., Phần Lan Giáo dục – Lý Luận dữ Thực Vụ (Đài Bắc: Quốc Lập Giáo Dục Tư Liệu Quản, 2010) (tiếng Trung); – Cùng với Vincent Shen, eds., Philosophy of Science and Education – Chinese and European Views (Washington DC: The Council for Research in Values and Philosophy, 1995). Sau khi về hưu từ Đh Quốc gia Đài Loan (2014), ông dành nhiều thì giờ viết bằng tiếng Việt, và đương hoàn thành bộ sách Việt Triết Luận Tập (3 tập) cho nhà xuất bản Trí Thức, cũng như hai tập chuyên khảo Thông Diễn Học và Hậu Hiện Đại Thuyết.

    Không có nhận xét nào