Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu quả của vaccine trong gia đình

    Xin giới thiệu các bạn một bài viết của tôi về hiệu quả của vaccine trong gia đình đã được 'repackaged' cho VNexpress [1]. Mời các bạn đọc lại và cho ý kiến. Sẵn đây, tôi trình bày những câu hỏi và trả lời thông thường liên quan đến vaccine.

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu quả của vaccine trong gia đình

    Câu hỏi 1: Nhiều người nói rằng sau khi tiêm vaccine tôi vẫn có thể bị nhiễm. Điều đó đúng không?

    Đáp: Đúng, nhưng chưa đủ. Sau khi tiêm vaccine bạn vẫn có thể bị nhiễm, nhưng xác suất bị nhiễm thấp hơn rất nhiều so với người không tiêm vaccine. Bị covid sau khi tiêm vaccine được gọi là 'nhiễm đột phá' (hay breakthrough infection).

    Câu hỏi 2: Vậy xác suất bị nhiễm đột phá sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine là bao nhiêu?

    Đáp: Rất khó trả lời câu hỏi này, vì cần có số liệu lớn mới chính xác, vì nó tuỳ thuộc vào vaccine và thời gian theo dõi. Tuy nhiên, một nghiên cứu bên Mĩ trên 4 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine, thì tỉ lệ nhiễm đột phá là khoảng 1 trên 5000 người [2]. Nói cách khác, cứ 5000 người đã tiêm vaccine Tây (Pfizer, Moderna) thì có 1 người bị nhiễm đột phá trong vòng 8 tháng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ nhiễm đột phá có nơi và có khi lên đến 1%!

    Câu hỏi 3: Những ai có nguy cơ bị nhiễm đột phá?

    Đáp: Nghiên cứu khoa học cho thấy những người sau đây có nguy cơ bị nhiễm đột phá: người có hệ thống miễn dịch yếu do bệnh nền (như tiểu đường loại I, AIDS, ung thư máu, bang lupus, rheumatoid arthritis, v.v.) hay do sử dụng thuốc (ví dụ như hoá trị ung thư).

    Câu hỏi 4: Sau khi tôi đã tiêm vaccine covid, tôi có thể lây nhiễm cho người khác không?

    Đáp: Sau khi tiêm vaccine và nếu bạn bị nhiễm (đột phá) thì bạn vẫn có thể lây lan cho người khác. Xác suất lây lan cho người khác tuỳ thuộc vào hệ số lây nhiễm, thời gian tiếp xúc, và môi trường. Tuy nhiên, nếu trong gia đình càng có nhiều người tiêm vaccine thì xác suất những người chưa tiêm bị nhiễm sẽ giảm thấp.

    Câu hỏi 5: Thời gian được bảo vệ từ vaccine là bao lâu?

    Đáp: Đây là câu hỏi khó và chưa có câu trả lời chính xác. Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới vẫn còn thu thập dữ liệu để có câu trả lời hi vọng là giữa tháng 11 này. Dữ liệu từ vaccine giống như AstraZeneca (AZ) cho MERS thì có thời gian bảo vệ chừng 12 tháng. Còn vaccine mRNA như Pfizer và Moderna vì là công nghệ mới nên chưa ai biết thời gian bảo vệ là bao lâu.

    Câu hỏi 6: Tại sao có một số nơi khuyến cáo tiêm vaccine liều thứ 3?

    Đáp: Không phải ai cũng cần tiêm liều 3. Ở Úc, các giới chức y tế mới đưa ra khuyến cáo về tiêm liều 3 cho một số người. Những người mà hệ thống miễn dịch bị suy yếu (như đề cập trên) thì có thể cần tiêm liều thứ 3.

    Câu hỏi 7: Với đà này, có cần liều 4 hay không?

    Đáp: Chưa ai biết và chưa ai dám trả lời. Đa số các chuyên gia đoán rằng 3 liều là đủ. Nhưng đó cũng chỉ là võ đoán từ các chuyên gia, chớ chẳng có bằng chứng khoa học nào cả.

    Câu hỏi 8: Nếu tôi đã bị nhiễm covid và bình phục, tôi có thể bị tái nhiễm không?

    Đáp: Câu trả lời ngắn là có thể -- với một xác suất. Sau khi bị nhiễm và bình phục, bạn đã có miễn dịch (còn gọi là 'miễn dịch tự nhiên'). Theo một số nghiên cứu thì miễn dịch tự nhiên có vẻ tương đương hay cao hơn vaccine. Tuy nhiên, dù đã có miễn dịch tự nhiên, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm.

    Câu hỏi 9: Ở trên, ông nói 'với một xác suất', câu đó có nghĩa là gì? Xác suất tái nhiễm là bao nhiêu?

    Đáp: Không có cái gì là chắc chắn trong khoa học Covid, và không ai có thể biết một cách xác định được. Theo một phân tích mới công bố [3] thì xác suất bảo vệ từ miễn dịch tự nhiên lên đến 90%, tức là tương đương với hiệu quả của vaccine. Thời gian bảo vệ của miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài 10 tháng.

    Câu hỏi 10: Vậy những người đã bị nhiễm covid và bình phục có cần tiêm vaccine không?

    Đáp: Đây cũng là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi. Có người lí giải rằng họ đã bị nhiễm, đã bình phục và đã có miễn dịch thì họ không cần tiêm vaccine. Nhưng quan điểm 'chánh thống' của các nhà chức trách y tế là họ vẫn phải tiêm vaccine.

    Câu hỏi 11: Vaccine không bảo vệ 100. Miễn dịch tự nhiên không bảo vệ 100%. Vậy là trong tương lai chúng ta sẽ có thêm làn sóng dịch mới?

    Đáp: Chắc chắn là như thế. Chúng ta sẽ phải sống chung với con virus này. Chúng ta sẽ phải sống chung với hàng loạt con virus khác, vì không có cách nào loại bỏ chúng ra khỏi vũ trụ và đời sống. Tất cả những gì chúng ta làm (vaccine, thuốc) chỉ là giải pháp tạm thời. Qui luật chung là chúng ta càng 'tấn công' chúng thì chúng càng biến hoá nhanh, và chúng ta lúc nào cũng là kẻ thua trận.

    [1] https://vnexpress.net/vaccine-va-nguoi-cung-nha-4379511.html

    [2] https://www.doh.wa.gov/.../420-339...

    [3] https://journals.sagepub.com/.../10.1177/01632787211047932

    Không có nhận xét nào