Header Ads

  • Breaking News

    Giấc mơ quy hoạch Thủ Thiêm của Việt Nam Cộng Hòa hai lần tan vỡ

     

    Đã từng có hai lần Việt Nam Cộng Hòa quy hoạch phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, nhưng cả hai lần đều bị hủy bỏ vào giờ chót.

    Lần thứ nhứt dự án quy hoạch Thủ Thiêm được triển khai bởi Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60. Dự án khi đã lên kế hoạch hết thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị phe đảo chánh ám sát chết.

    Lần thứ hai vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bản đồ tiếp tục được quy hoạch và phát triển Thủ Thiêm lần hai, từ 1967 tới năm 1972 hoàn thành. Và một lần nữa dự án khi đó cũng đã lên kế hoạch phát triển thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập tới.

     


     Bản đồ quy hoạch phát triển Thủ Thiêm lần hai, hoàn thành năm 1972, do một nhóm công ty tư vấn dẫn đầu bởi Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (WBE) đóng tại San Francisco (Mỹ) được thuê bởi chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện.

    Tuy nhiên truớc đó từ thập niên 60, sau khi nền Đệ Nhứt Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập, ông từng quyết định xuất 500 triệu với kế hoạch giúp dân nghèo ở khu Thủ Thiêm có mái nhà. Giải pháp được đưa ra cùng với ông “Nguyễn Tấn Đời” và công ty tư vấn Doxiadis Associates (DA) của kiến trúc sư Hy Lạp Constantinos Apostolou Doxiadis được Nha Kiến Thiết (Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa) giao trọng trách đề xuất một kế hoạch phát triển cho vùng đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn - Thủ Thiêm trong vòng 20 đến 30 năm.

    Thời đó, Nhà Kiến Thiết đã tính toán để phát triển Sài Gòn thành một đô thị 25 triệu dân, và bán đảo Thủ Thiêm được thiết kế để trở thành đô thị hiện đại nhứt Đông Nam Á. Đắn đo suy nghĩ mãi rồi cũng tìm ra được một chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” mà không tốn tiền công quỹ quốc gia.

     


    Theo Nguyễn Tấn Đời, chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” của ông được phác thảo với nhiều dự án, trải dài từ các quận ngoại thành đến vùng ven đô thị của các tỉnh miền Nam. Giải pháp ông đưa ra là mua đất của dân theo giá cả hiện hành, quy hoạch thành các trung tâm thương mại và khu đô thị sang trọng, bao gồm những khu nhà song lập, biệt lập và nhà liên kế để kinh doanh, tạo ra nguồn quỹ để xây những khu nhà bình dân cấp không cho người nghèo.

    Nguyễn Tấn Đời chọn Thủ Thiêm để thiết lập dự án đầu tiên, sau khi cụ Ngô đã bật đèn xanh cho ông lên kế hoạch cho chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà”.

    Theo dự án nầy, ông sẽ mua 500 mẫu đất từ bến đò Thủ Thiêm lên Cát Lái ngay chỗ bến đò Thủ Thiêm. Ông sẽ cho xáng múc con kinh chiều ngang 30 mét, sâu 25 mét, dài 500 mét ăn sâu vô đất liền.

     

    Ở đoạn cuối con kinh, ông cho làm cái hồ nhân tạo, ngang 500 mét, dài 1.000 mét, sâu 15 mét, dùng xáng thổi đất lên bốn phía bờ hồ để san lấp mặt bằng. Xung quanh bờ hồ và dọc theo hai bờ kinh, ông xây dựng thành khu thương mại, đồng thời, xây dựng những khu nhà biệt lập, song lập để kinh doanh, tạo nguồn quỹ để xây dựng những khu nhà bình dân lân cận, cấp không cho người nghèo.

    Trong khu nhà bình dân sẽ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đường xá, điện nước, cây xanh, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống. Theo ông Thủ Thiêm sẽ là một Sài Gòn mới, một Hong Kong thứ hai. Có bến phà lớn, có xe bus qua lại liên tục cho người dân đi về với Saigon, Chợ Lớn để mưu sinh, có bến tàu thương mại để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh và ngược lại.

     


    Khu thương mại chung quanh bờ hồ và hai bên bờ kinh được ăn thông với sông Saigon để ghe thương hồ mang hàng hóa trực tiếp đến người tiêu thụ, giảm bớt trung gian.

    Hồ nhân tạo ngoài vai trò cảnh quan và giao thương, còn là nơi sinh hoạt lễ hội với các hoạt động văn hóa tượng trưng cho miền sông nước.

    Trên các đường phố, mỗi lề đường sẽ được trồng một loài cây riêng biệt và giao cho từng gia đình chăm sóc. Hàng năm tổ chức cuộc thi cây đẹp trong từng khu phố và cây đẹp trong toàn vùng, trao giải thưởng để khuyến khích người dân tham gia làm nên vẻ đẹp của thành phố.

     


     Soạn thảo chương trình xong, Nguyễn Tấn Đời trình với phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ ; được ông Thơ góp ý, chỉnh sửa rồi trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Diệm cho mời ông Đời vào dinh, tỏ ý hoan nghinh. Chỉ một tháng sau, chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà của Nguyễn Tấn Đời đã được ông Diệm phê duyệt trên nguyên tắc.

    Theo đó, ông Diệm quyết định xuất 500 triệu từ quỹ xổ số kiến thiết cho Nguyễn Tấn Đời vay không lãi trong mười năm. Với điều kiện ông Đời phải đem toàn bộ tài sản ra thế chấp cho Chính phủ, giao cho Nguyễn Tấn Đời được toàn quyền điều hành dự án dưới sự giám sát về kỹ thuật của Bộ Công Chánh và giám sát nguồn thu và nguồn chi của Bộ Tài Chánh.

    Nhưng tiếc thay, dự án Thủ Thiêm chưa kịp triển khai thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh và ám sát chết. Dự án này lại một lần nữa tiếp tục bị đình trệ dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi liên tục những vụ khủng bố và phá hoại Miền Nam của Việt cộng gây ra, cho tới ngày 30/4/1975.

    (Trang Saigon Xưa, trích trong « Đất Thủ Thiêm » - bút ký Võ Đắc Danh và tự truyện của ông Nguyễn Tấn Đời phát hành năm 1988).

    Thụy My Blog

    Không có nhận xét nào