Header Ads

  • Breaking News

    Ngô Khôn Trí – Thế vận hội và lập trường chính trị

    Ngày 6/12/2021 vừa qua, sau khi Hoa Kỳ ra thông báo chính thức sẽ không cử quan chức tới Bắc Kinh để tham dự Thế vận hội Mùa đông lần thứ XXIV vào tháng 2 năm 2022, các tuyển thủ vẫn được tham dự bình thường. Sau đó, Úc, Anh và Canada đồng lòng tuyên bố hưởng ứng việc tẩy chay ngoại giao (Diplomatic boycott) này để tỏ thái độ cùng phản đối Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.

    Chính phủ Trung Quốc (TQ) phủ nhận cáo buộc và nói rằng Hoa Kỳ, Úc, Anh và Canada đã sử dụng nền tảng Thế vận hội để “thao túng chính trị“. Khi được hỏi về các biện pháp đối phó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ nói “các quốc gia này sẽ phải trả giá cho hành vi sai trái của họ” và nói trả đũa rằng Hoa Kỳ đã từng phạm “tội ác xấu xa” đối với người Mỹ bản địa và nói rằng cuộc tẩy chay vi phạm nghiêm trọng tính trung lập chính trị của Thế vận hội.

    Pháp và Ý cho biết họ sẽ không tham gia cuộc tẩy chay này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời tham dự, bất chấp việc đất nước của ông bị cấm thi đấu do bê bối doping năm 2014. Đức chưa lên tiếng nhưng giới chức châu Âu dự kiến thảo luận biện pháp tương tự tại cuộc họp bộ trưởng nhóm G7 tại Liverpool, Anh vào cuối tuần này. Liệu có thêm quốc gia nào tham gia việc tẩy chay này hay không?

    Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach nói: “Thế vận hội không thể giải quyết những vấn đề mà nhiều thế hệ chính trị gia còn chưa giải quyết nổi”; “Thế vận hội và sự tham gia của các vận động viên vượt ra ngoài vấn đề chính trị và chúng tôi hoan nghênh điều này”; “IOC phải giữ thái độ trung lập về mặt chính trị để đại diện cho tất cả các quốc gia tranh tài và tôn trọng tính phổ quát”.

    Nhân đọc tin tức trên, người viết tìm thấy 1 vài sự kiện liên quan đến Thế Vận Hội. Xin được chia sẻ như sau :

    Thế vận hội Mùa đông giống như Thế vận hội Mùa hè là sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần bởi Ủy ban Olympic quốc tế. Thế nhưng, Thế vận hội Mùa đông có ít các quốc gia tham dự hơn Thế vận hội Mùa hè, lý do chính là do điều kiện khí hậu. 

    Hoa Kỳ là quốc gia đã từng tổ chức bốn lần, lần gần đây nhất là tại Salt Lake City, Utah năm 2002. Pháp đã có ba lần, Các nước khác như Áo, Canada, Ý, Nhật Bản, Na Uy và Thụy Sĩ đã giành được vinh dự này hai lần. Đức, Nga và Nam Tư đã có một lần tổ chức kỳ đại hội này; Hàn Quốc một lần vào năm 2018. Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông lần đầu tiên vào ngày 4 đến ngày 20 tháng 2 năm 2022 sắp tới.

    Na Uy, Hoa Kỳ, Nga, Đức, Canada là những quốc gia chiếm nhiều huy chương nhất. Ở châu Á có 3 nước được xếp hạng 15, 16,và 17 là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nước Anh được xếp hạng thứ 19, Úc không nằm trong danh sách 20 nước mạnh về môn thể thao mùa đông.

    Tại Thế vận hội mùa đông năm 2018 trước đây, ở Pyeongchang, Hàn Quốc:

    – Úc đã gởi 50 tuyển thủ tham dự 10 môn thể thao. Nhưng chỉ giành được ba huy chương, hai bạc và một đồng, xếp thứ 23 trong bảng tổng sắp huy chương.

    – Canada gởi 225 tuyển thủ tham dự 14 môn thể thao, đoạt được 11 huy chương vàng, 8 bạc và 10 đồng.

    – Hoa Kỳ gởi 244 tuyển thủ nhưng chỉ giành được 23 huy chương (9 vàng, 8 bạc, 6 đồng) được xếp hạng thứ tư , bị coi là màn trình diễn tệ nhất tại Thế vận hội mùa đông kể từ Thế vận hội Nagano 1998. 

    -Nước Anh gởi đi 58 tuyển thủ nhưng chỉ giành được 5 huy chương (1 vàng, 0 bạc, 4 đồng), huy chương vàng có được nhờ môn Trượt băng nằm sấp (Skeleton) phái nữ.

    Phía châu Á có :

    – Hàn Quốc : 122 tuyển thủ, 17 huy chương (5 vàng, 8 bạc, 4 đồng)

    – Nhật Bản : 124 tuyển thủ, 13 huy chương (4 vàng, 5 bạc, 4 bạc)

    -Trung Quốc : 80 tuyển thủ , 9 huy chương (1 vàng, 6 bạc, 2 đồng)

    Tuyển thủ TQ Wu Dajing đã giành huy chương vàng trong bộ môn trượt băng tốc độ 500 m nam và trở thành vận động viên nam đầu tiên của TQ phá kỷ lục thế giới, giành huy chương vàng môn trượt băng tốc độ đường ngắn Olympic.

    Vào năm 1952, Trung Quốc (CHND Trung Hoa) lần đầu tiên tuyên bố tham gia tham gia Thế vận hội Mùa hè ở Helsinki, Phần Lant. Thế nhưng do vì Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã cho phép Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) thi đấu vào phút chót nên sau đó TQ đã rút lui để phản đối. Từ đó trở đi TQ đã không tham gia Thế vận hội nữa cho đến Thế vận hội Mùa đông 1980 tại Hồ Placid, Hoa Kỳ. Năm đó TQ gởi 24 tuyển thủ nhưng không giành được một huy chương nào.

    TQ đã tẩy chay Thế vận hội lần thứ XVI (1956) ở Melbourne Australia , Thế vận hội lần thứ XVIII (1964) ở Tokyo Nhật Bản, Thế vận hội Olympic lần thứ XXII (1980) tại Moscow Liên Xô do Mỹ đứng đầu tẩy chay và sự chia rẽ Trung-Xô đã diễn ra , Thế vận hội lần thứ XXI (1976) tại Montreal Canada, vì Canada cho Đài Loan tham gia.

    Sau đó, TQ trở lại tham gia Thế vận hội mùa hè năm 1984 tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Liên Xô, Đông Đức, Ba lan, Iran và nhiều nước trong khối theo chủ nghĩa Cộng Sản như Cuba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam đã không tham gia. Nhưng, TQ tham gia vì Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) thi đấu với tư cách Đài Bắc Trung Hoa và vì có sự chia rẽ giữa TQ và Liên Xô vào thời điểm đó. TQ đã không hưởng ứng cuộc tẩy chay do Liên Xô dẫn đầu. TQ cử 215 tuyển thủ, 132 nam và 83 nữ, đã làm cho thế giới ngạc nhiên với thành tích vẻ vang ở 19 môn thể thao. Giành được 25 huy chương gồm 15 vàng, 8 bạc, 9 đồng. Huy chương vàng đầu tiên được trao cho một vận động viên đến từ TQ là tuyển thủ Xu Haifeng chiến thắng ở bộ môn bắn súng 50 m . Li Ning cũng giành được 6 huy chương ở môn thể dục dụng cụ, 3 vàng, 2 bạc và 1 đồng, mang lại cho anh biệt danh “Hoàng tử thể dục dụng cụ” ở TQ.

    Trước đó, tại Thế vận hội XXII, tổ chức tại Moscow, Liên Xô, vào năm 1980. Tổng cộng có 66 quốc gia không tham gia, dẫn đầu là Hoa Kỳ, do Liên Xô xâm lược Afghanistan vào tháng 12/1979. Một nhóm vận động viên Mỹ đã kiện Ủy ban Olympic Hoa Kỳ để tham gia nhưng bị thua kiện. Tây Đức, Canada, Norway, Saudi Arabia, Israel, Qaatar, Turkey, Nhật, Singapore,…. cả TQ và Đài Loan đều không tham gia. 

    Tính đến năm 2021, TQ đã tham gia 11 lần ở Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông, đoạt hạng nhất trong bảng tổng kết huy chương Thế vận hội mùa hè một lần, hạng nhì ba lần và hạng ba hai lần. TQ là quốc gia châu Á thành công nhất về tổng thể và đã giành được tổng cộng 275 huy chương vàng, trở thành quốc gia thành công thứ 5 trong lịch sử Thế vận hội, sau Mỹ, Liên Xô, Đức và Anh. Điều này cũng dễ hiểu vì TQ là quốc gia có dân số đông nhất thế giới và chính phủ TQ đầu tư mạnh tay vào việc đào tạo tuyển thủ để gây tiếng vang, đánh bóng vị thế của mình trên vũ đài thế giới, hầu làm mờ đi sự chỉ trích của thế giới về những vi phạm nhân quyền của mình?

    Năm 2008, TQ tổ chức thành công Thế vận hội Mùa hè lần thứ XXIX tại Bắc Kinh, làm nổi bật vị thế của mình trên thế giới, nhờ tích cực đầu tư xây dựng những công trình mới và phát triển hệ thống giao thông. Trong 37 khu thi đấu được sử dụng để tổ chức các sự kiện thể thao, có 12 công trình được xây mới. Cựu Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Olympic Quốc tế, ông Juan Antonio Samaranch đã phát biểu rằng đây là “Thế vận hội tuyệt vời nhất” trong lịch sử các kỳ Olympic; Chủ tịch đương nhiệm IOC cũng khẳng định rằng IOC không chút hối hận khi quyết định tổ chức Thế vận hội Mùa hè lần thứ 29 tại Bắc Kinh.

    Thế vận hội mùa đông năm 2022 sắp tới đây sẽ đưa Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên tổ chức cả Thế vận hội Mùa đông và Mùa hè, nhiều người tin rằng TQ sẽ làm thế giới thêm ngạc nhiên về những màn trình diễn ngoạn mục lúc khai mạc và bế mạc giống như lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè năm 2008. Thế nhưng, liệu Thế vận hội Bắc Kinh lần này có thực sự  diễn ra đúng với tinh thần của nó là một sự kiện thể thao quốc tế với mục đích giao lưu, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, hay là nơi để các nước bày tỏ LẬP TRƯỜNG CHÍNH TRỊ của mình trước sự cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương của 2 nước lớn ?

    Montreal, ngày 09/12/2021

    Ngô Khôn Trí

    Khoahocnet.com/2021/12/13

    Không có nhận xét nào