Header Ads

  • Breaking News

    Từ phiên tòa Phạm Đoan Trang, VN trông đợi gì ở Mỹ trong vấn đề nhân quyền?

     


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Ngày 14/12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà báo, nhà hoạt động nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Sự kiện này mở màn cho một chuỗi phiên tòa xét xử các nhà hoạt động khác diễn ra từ nay tới cuối năm 2021.

    Phạm Đoan Trang bị bắt đúng vào ngày kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kéo dài hai ngày 6-7/10/2020.

    Trước phiên tòa của bà Trang, David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại VN, có cuộc trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt vấn đề nhân quyền và dân chủ của Việt Nam.

    BBC: Trong bài viết gần đây, ông đề cập đến Việt Nam là một nhà nước theo chủ nghĩa Lenin còn sót lại với đội ngũ cán bộ và thể chế không sẵn sàng có chút nhượng bộ nào, dù là nhỏ nhất, đối với những nhà hoạt động nhân quyền như Phạm Đoan Trang. Vậy ông có cho rằng phiên tòa xét xử bà Trang được thiết kế để răn đe các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ tiềm năng nào khác ở Việt Nam, bất chấp các thủ tục pháp lý hay không? Và ông có nghĩ rằng tư duy và những chiến thuật đó của nhà nước Việt Nam sẽ thành công trong dài hạn?

    David Brown: Phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang sẽ chứng minh rằng theo quan điểm của công an, các công tố viên và thẩm phán của họ, việc nói hoặc viết bất cứ điều gì chỉ trích hành động của nhà nước là phạm trọng tội.

    Điều này không có gì mới. Trong những năm qua, nhiều người khác đã bị kết án với cùng một 'tội'. Trong vài năm gần đây, nhiều người dùng Facebook đã bị truy tố chỉ vì chia sẻ thông tin chỉ trích nhà nước.

    Tội 'lật đổ' độc đáo của Trang nằm ở chỗ bà giả vờ rằng các thể chế của Việt Nam thực chất đang như những gì hiến pháp mô tả, nghĩa là dân chủ, để những gì bà đang làm trở thành giúp Nhà nước dạy mọi người cách trở thành công dân tốt.

    Lưu ý: Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam quy định "Công dân có quyền tự do chính kiến và biểu đạt, [và] tự do báo chí..." Trong khi đó, Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1998 nói rằng "tuyên truyền, xuyên tạc và bôi nhọ chính quyền nhân dân" là một tội ác". Rõ ràng các công tố viên sẽ cho rằng quyền tự do ngôn luận đó không bao gồm những lời chỉ trích Nhà nước, và rằng bằng chứng về "tội ác" của bà Trang được tìm thấy trong ba tài liệu (Báo cáo tóm tắt về thảm họa sinh vật biển [2017], Đánh giá chung về tình hình nhân quyền và Đánh giá về Luật tín ngưỡng và tôn giáo năm 2016 liên quan đến Thực hiện Quyền Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng) và trong các cuộc phỏng vấn của bà Trang với BBC và Đài Á Châu Tự do năm 2018.

     


    Nguồn hình ảnh, David Brown / Chụp lại hình ảnh,

    Ông David Brown phục vụ tại Phòng Chính Trị của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tại Việt Nam từ năm 1965, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang, và rời Việt Nam cuối năm 1969. Không lâu sau khi Brown nghỉ việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 1996, ông trở lại Việt Nam làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường và sau đó, bắt đầu sự nghiệp mới: Nghiên cứu và viết về những phát triển của Việt Nam đương đại.

    BBC: Ông cũng từng viết rằng nhà lãnh đạo lão thành của ĐCSVN, Nguyễn Phú Trọng, không muốn nhìn thấy một thể chế Việt Nam cởi mở hơn? Nhưng còn những nhà lãnh đạo trẻ tuổi khác thì sao? Họ chỉ làm theo chỉ đạo cứng rắn của ông Trọng?

    David Brown: Tại Đại hội 12 của ĐCSVN năm 2016, phe cứng rắn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã đánh bại thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng. Trong những năm trước đại hội, Dũng và các đồng minh của ông ta thường phớt lờ các chỉ thị của ban lãnh đạo ĐCSVN (Bộ Chính trị) và tỏ ra khá cởi mở với các ý tưởng mới, bao gồm cả "xã hội dân sự", tức là các thành phần ngoài Đảng. Sau đại hội, ngoài việc truy quét ráo riết những đồng minh tham nhũng của ông Dũng, ông Trọng và những người ủng hộ ông ta trong Văn phòng Trung ương ĐCSVN còn tuyên chiến với tư tưởng đối lập "tự diễn biến, tự chuyển hóa" - rằng Đảng có thể dẫn dắt Việt Nam từng bước đưa ra quyết định toàn diện hơn và tham gia rộng rãi hơn vào tất cả các khía cạnh của chính phủ.

    Liệu đường lối cứng rắn này có tồn tại lâu hơn ông Trọng? Đó là câu hỏi lớn bây giờ. Sức khỏe của ông Trọng không tốt, và một số lãnh đạo trẻ hơn - đương kim thủ tướng, lãnh đạo Quốc hội, và có lẽ cả chủ tịch nước đương nhiệm - đều được cho là đang cân nhắc cơ hội kế nhiệm ông Trọng làm người đứng đầu Đảng. Tại Đại hội 14, nếu vẫn còn tại vị, chắc chắn ông Trọng sẽ nhắm đến việc đảm bảo bầu được người mà ông cho là người kế nhiệm xứng đáng. Bất kể kịch bản là gì, chúng ta có thể chờ đợi sẽ trông thấy một cuộc chiến căng thẳng khác giữa phe bảo thủ trong Đảng và phe có tư tưởng 'tiến bộ' và cởi mở hơn.

    BBC: Ông có nhận định gì về một nhóm nhỏ những người ủng hộ nhân quyền ở Việt Nam? Tương lai của họ sẽ như thế nào? Vai trò của chính phủ Biden trong các vấn đề này? Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền và dân chủ vừa diễn ra mà Việt Nam không được mời cũng như không bị lên án, tại sao lại như vậy?

    David Brown: Cái được gọi là 'Phong trào Dân chủ' đang bị xáo trộn hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất của Phong trào Dân chủ Việt Nam đang ở trong tù hoặc lưu vong, trong khi nhiều người trong số còn lại đang lãng phí thời gian của họ để ngưỡng mộ Donald Trump. Chế độ hiện nay có quyền kiểm soát hà khắc hơn nhiều với những gì công chúng có thể xem trên internet. Chế độ này triển khai công nghệ và chiêu trò để gạt bỏ những lập luận, chỉ trích có căn cứ. Những cái được xem là đối thoại online hiện này hầu hết chỉ là những lời vu khống, cáo buộc.

    Vai trò của Mỹ đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam ư? Đời sống chính trị của Mỹ cũng đang xáo trộn, phần lớn là do hậu quả của bốn năm quản trị tồi tệ của những người theo chủ nghĩa Trump. Sự tôn trọng đối với các thể chế và sự lãnh đạo của Mỹ đã bị xói mòn nhiều. Qua lịch sử của chúng ta, người Mỹ đã tự hào về việc trở thành tấm gương tốt. Điều đó bây giờ rất khó thực hiện. Cho đến khi Mỹ có thể tự điều chỉnh lại la bàn đạo đức của mình, không thể mong đợi họ gây ảnh hưởng như đã từng đối với các vấn đề thế giới. Tôi đã thất vọng vô cùng khi nhìn vào những thách thức do biến đổi khí hậu, do các hệ tư tưởng dân túy và do đại dịch hiện nay gây ra.

     


    Nguồn hình ảnh, Lan Thang

    BBC: Sau khi các tổ chức và cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, một số nhà hoạt động đã được trả tự do và hiện đang sống lưu vong, ông có nghĩ rằng Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương có thể có kết cục giống như vậy không và vì sao?

    David Brown: Phạm Đoan Trang từng nói - khi bà được BBC phỏng vấn ngay trước khi bị bắt - rằng bà sẽ không sống lưu vong thay cho việc ngồi tù. Về Trịnh Bá Phương, tôi không có ý kiến. Nếu anh ta chấp nhận sống lưu vong vì bản thân và gia đình, thì không ai nên chỉ trích anh ta.

    Trang nói: "Thay vì làm điều gì đó để cải thiện quyền tự do cho con người, chế độ này có thể ghi điểm bằng cách thả một nhà hoạt động. Chính chiến thuật bắt và thả đã cho phép họ bỏ qua nhu cầu thay đổi căn bản. Chế độ này muốn được đẹp mặt bằng cách trả tự do cho chúng tôi và hy vọng đổi lại được thứ gì đó từ các quốc gia khác. Đó là lý do tại sao tôi hy vọng, nếu tôi vào tù, việc tôi bị giam giữ sẽ không phải là thứ mà họ có thể lạm dụng và lợi dụng, mà thay vào đó tạo áp lực chống lại chính phủ, buộc nó phải thay đổi."

    BBC: Trong khi các phán quyết hoặc quyết định của Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, theo ông, thế giới và người Việt Nam có thể làm gì để chính phủ Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền và tôn trọng tiếng nói đối lập?

    David Brown: Lịch sử Việt Nam đã được đánh dấu bằng sự thất bại của những kẻ ngoại bang tìm cách "bắt" Việt Nam làm bất cứ điều gì. Tôi tin tưởng rằng khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Tầm vóc của quốc gia này ở châu Á và trên thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của chính người Việt Nam trong việc mở rộng và phát triển các thể chế chính trị và xã hội. Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam có chung quan điểm đó.

    BBC

    Không có nhận xét nào