Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Văn Xuân - Văn nghệ miền Nam nhìn từ miền Trung

    (Lời biên tập: Từ cuối những năm 1960, Nguyễn Văn Xuân đã có cái nhìn riêng về văn nghệ miền Nam, vượt lên cái nhìn ‘dĩ Bắc vi trung’…)

    Nguồn: Nguyễn Văn Xuân, Khi những lưu dân trở lại, Thời Mới, 1969 

     


    Hồi còn nhỏ, nghe ai nói đến văn chương, báo chí Nam kỳ là tôi[1] mỉm cười, cũng như khi nghe hát bộ, cải lương. Vậy mà lạ lùng: tôi vẫn theo người trong vùng, đọc cả đống truyện Tàu của nhà Tín Đức thư xã. Báo chí thì vẫn mượn tạp chí Phụ nữ tân văn và nhật báo Sài gòn xem cho được.

    Nhìn rộng ra chung quanh, những nhà khá giả đều có một vài tập Nhị Thiên Đường in những truyện kiếm hiệp như Bạch Yến Nhi, tiểu thuyết phong tục như “Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh[2]. Còn bình dân thì thích tụng các loại truyện bán hai ba xu, bày đầy hai bên đường đi xuống chợ Hội an: truyện thơ lục bát như Thạch Sanh Lý Thông, và Mụ Đội Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn… 

    Văn chương miền Bắc hình như rất ít thấy bán. Bộ Nam phong thì riêng các nhà giàu, học thức rộng mới dám mua, xem xong cất vào tủ. Đặc biệt chỉ nhà nào có người đi Hà Nội – một hiện tượng hiếm hoi và người Trung ra chốn người khôn của khó đó làm gì? – mới đem theo về cùng mứt bí đao, hột dưa, một mớ những truyện dịch như Tuyết hồng lệ sử, Vợ tôi, Vợ lẽ yêu của tôi, thơ Á Nam Trần Tuấn Khải và dăm bảy cuốn tiểu thuyết nhỏ nhoi, hầu hết là ái tình mơ mộng, những quyển tiểu thuyết mà có lẽ ta chỉ còn tìm thấy chứng tích trong một bài báo của Phạm Quỳnh đại loại cho biết phong trào tiểu thuyết rất bành trướng… Đó là những quà mùa Xuân, cộng thêm một cái bánh chưng xanh nữa thì người ta được hưởng phong vị một cái Tết ở đất Bắc xa xôi, hình như chỉ có trong lịch sử. Nếu tôi nhớ không sai thì cả một vùng rộng mênh mông ở quê tôi, chỉ có vài gia đình có cái diễm phúc ấy vào khoảng năm 1930. 

    Sau đó mấy năm, trong khi giới bình dân cứ tụng truyện Tàu, truyện lục bát, thì chúng tôi làm quen với Phong hóa, Tiểu thuyết thứ bảy, Loa, Hà nội báo, v.v. Nhưng hình như các loại này chỉ bán chạy ở các đô thị – nhứt là Huế – và chỉ dành riêng cho những ai có một học thức mới. Lớn lên, vào Nam, tôi vẫn mang mặc cảm của một người không bao giờ cần biết văn chương miền Nam là gì. Tôi cũng thấy người miền Nam tỏ ra rất khâm phục các văn thi sĩ Trung Bắc. Kể ra cũng có lý do: về phần địa phương Sài Gòn thì những tờ báo có thế lực tinh thần nhất đều là của các nhân vật miền ngoài như Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Nguyễn Đức Nhuận, v.v. (Tất nhiên không nói đến báo Tây mà các tay cự phách nếu không phải Pháp thì cũng là người Nam). Đối với các hạng tân học, có xu hướng góp phần vào nền văn nghệ mới, thiết tường chỉ cần đọc câu sau đây của nhà văn Sơn Nam cũng đủ thấy lòng khâm phục của hàng tân tiến, yêu tiếng mẹ hồi đó: 

     “Sách báo cũng thế! 

    “Quí bạn độc giả tuổi trên bốn mươi, hẳn còn nhớ lại cái thuở học trò của mình để so sánh với học trò thời nay.Thuở ấy, sắm viết máy Kao-lo đã là xa xỉ phẩm, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, Phổ thông bán nguyệt san, Tiểu thuyết thứ bảy, báo Mai, báo Tân văn, báo Lục tỉnh tân văn thật khó kiếm. Ở tỉnh lỵ mà trong nhà có Phổ thông bán nguyệt san đã là sang trọng lắm rồi, nói chi đến Nam phong”[3]. 

    Tôi nhớ một lần, hồi tôi viết cho một tạp chí, tờ Văn Lang của bác sĩ Hồ Tá Khanh. Thư ký tòa soạn, một người đồng tỉnh, anh Hải Vân (nay là nhà biên khảo kiêm giáo sư Thiên Giang) cho biết tạp chí quy tụ khoảng 40 nhà trí thức “retour de France” bên cạnh những ông Lê Thọ Xuân, Huỳnh U Mai (Phan Văn Hùm), Đào Duy Anh, Jean Tươi, v.v. Rồi anh đề nghị tôi viết một số bài tương đối quan trọng hơn cái tuổi mười chín của tôi nhiều. Tôi có nói với anh “Sao anh không mời các vị trí thức kia viết cho. Chắc họ phải có nhiều ý kiến đặc sắc hơn tôi chớ.” Anh mỉm cười: “Họ có nhiều bằng cấp, nhưng một số đông không viết được tiếng Việt. Bài họ phải viết bằng Pháp văn rồi đưa sang đây cho tôi dịch lại. Anh biết một ông đậu những cái bằng rất cao đó đã viết chi không? “Đàn bà Việt Nam không nên ăn trầu vì ăn trầu dơ lắm!” Báo hại tôi phí không biết bao nhiêu thì giờ và văn của họ đại loại như thế cả. Nhiều khi dịch gần xong bài, tôi cũng chẳng hiểu họ muốn nói cái gì.” 

    Thành ra, thuở ấy, trong mắt tôi, văn nghệ miền Nam có hai loại: loại bình dân quê thì quê mùa, hủ lậu. Loại trí thức thì chỉ biết viết tiếng Tây, nói tiếng Tây như gió dù đó là nhà báo như Nguyễn Phan Long, nhà chính trị “cao cấp” như Nguyễn văn Thinh, hay chính trị “bình dân” như Tạ Thu Thâu. Tôi chỉ ngạc nhiên có hai điểm về giới bình dân: nhiều người phu xe, người đạp xích-lô mà cũng nghiễm nhiên mua một tờ nhật báo, ngồi dựa ngửa ngay ngoài đường mà đọc ngon lành. Đọc báo (chứ chưa phải đọc ngoài đường) ở Trung Việt chỉ có hạng học thức mà thường là công chức mới dám, nên xem sự đó như một đặc quyền (riêng giá tờ báo ra đến Trung là 3 xu, mà lương một người nghèo làm thuê, ăn cơm ba bữa chỉ khoảng từ 5 đến 10 xu một ngày). Điều thứ hai là các rạp cải lương, người ta chen nhau mua vé dù giá rất đắt, đắt không tưởng tượng được đối với túi tiền miền Trung. Vậy mà những người lao động vẫn dẫn vợ con đi xem một cách thản nhiên như họ thản nhiên sáng sáng dắt vợ con đi ăn xíu mại, uống cà-phê sữa (lần đầu, tôi thấy trẻ con không phải người Âu châu uống cà-phê sữa). 

    Như vậy, văn nghệ miền Nam sẽ đi đâu? Cứ xem một sạp báo đầy những tạp chí, sách truyện miền Bắc, tôi yên trí là muôn năm rồi nó sẽ như thế, sẽ cứ bị như đã bị văn chương miền Bắc, miền Trung khống chế bằng ấn loát phẩm và bằng chính con người, tức nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Thời ấy rất nhiều ký giả Quảng Nam, Quảng Ngãi nổi tiếng ở Sài Gòn mà tên tuổi học giả kiêm ký giả Phan Khôi sáng bật như ngôi sao chói lọi. 

    Tôi không hề chú ý đến văn chương miền Nam và cứ đinh ninh là nó đã và sẽ chẳng đi đến đâu cả. 

    Sau này, khi đã trên ba mươi tuổi, tiếp xúc nhiều với dân chúng, đọc nhiều những văn phẩm có quan hệ với vănhọc sử dân tộc, nhìn kỹ sự vật dưới bộ mặt thực của nó, tôi mới ngạc nhiên là càng ngày càng khám phá ra nhiều điều khác hẳn. 

    Miền Nam vốn có một địa vị về văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc. Miền Nam đã gây phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ: báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, đặc biệt tiểu thuyết Trung Hoa, truyện phóng tác tiểu thuyết Tây, phong trào xuất bản rộng lớn các loại thơ bình dân và rất phồn thịnh, đến nay vẫn còn dẫn đầu về sân khấu. 

    Văn nghệ miền Nam phải có quyền được các học giả nghiên cứu sâu rộng. Bộ văn học sử của Dương Quảng Hàm cũng như các bộ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan đều phiến diện. Việc giảng dạy trong các nhà trường không thể tiếp tục như cũ. Không thể quá nặng về văn học miền Bắc mà lầm tưởng là văn học Việt Nam, vì văn học Việt Nam từ thế kỷ XVII trở lui chính là văn học hai Miền, mà từ 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên vai tiền phong, hướng dẫn cả mọi phương diện phát triển văn học quốc ngữ, mà còn đào tạo những nhà văn nhà báo cho cả hai miền sau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngành sân khấu của miền Nam cũng không thể bỏ ra ngoài văn học sử khi nó đã vào nghệ thuật sử. 

    Định lại giá trị văn học miền Nam, chính là trở về sự thật, chính là biết tỏ lòng yêu quí và lo lắng cho đời sống tinh thần của dân miền Nam mà trong hoàn cảnh hiện tại, đó là lực lượng chủ yếu của mọi thăng trầm! Không gì vô lý và đau xót bằng khi một học sinh đệ nhị học Đông Dương tạp chí mà không học Phụ Nữ Tân Văn. Nói về mọi phương diện, tạp chí sau này đã vượt xa tạp chí trước về biên khảo, dịch thuật, bút chiến, phê bình tiểu thuyết. Đối với Nam Phong tạp chí này có vẻ nhẹ nhàng linh động, hoạt bát hơn, vừa gần trí thức mà vẫn không xa đại chúng. Chính tờ này là cái “bắc cầu” giữa Nam phong và Phong hóa, Ngày nay và trước khi hai tạp chí của Nguyễn Tường Tam ra đời, nó có vẻ “hiện đại hóa” hơn hết, nhất là về phương diện tư tưởng.

    Đã nói Phụ Nữ Tân Văn không thể không nói đến Phan Khôi. Tại sao học Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim mà không học Phan Khôi. Chính hai học giả trên chỉ là sao chép lại những tư tưởng Khổng Mạnh, có hệ thống, chứ khám phá ra những cái hay, cái dở, một cách đích đáng nhất, bằng lương tri và trí thức, với giọng văn vứt bỏ cái lối nặng nề, bác học rề rà của Phạm Quỳnh, để diễn tả bằng giọng văn sống động, còn ai hơn Phan Khôi? Nêu cái gương can đảm, tiền phong trên văn đàn, còn ai hơn Phan Khôi? Có nhà Nho nào có óc hoạt động và sáng kiến cũng như ít thành kiến như ông?

    Lại cũng không gì mỉa mai hơn là đọc Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật, cả Hoàng Ngọc Phách nữa, những nhà văn mà chính phê bình gia có tiếng là Vũ Ngọc Phan nhìn nhận là kém hơn Hồ Biểu Chảnh, một cây bút tiêu biểu nhất cho miền Nam, qua các thời kỳ thăng trầm nhất của lịch sử văn học, vẫn đứng vững như thạch trụ?

    Tại sao nhắc đến tiểu thuyết phôi thai lại không để tâm nghiên cứu những tác giả miền Nam vào khoảng đầu thế kỷ. Trần Chánh Chiếu, Lý Hoằng Mưu, Tân Dân… những tác giả đã thành công lớn ở miền Nam khi chính miền Bắc chưa ai biết tiểu thuyết là gì? Không thể nhìn bộ Chăng Cà Mum chẳng hạn bằng con mắt của người thời nay mà không thấy đó là sự thành công đáng kể của nền văn học nước nhà, nhất là nhìn về phía quần chúng. Cũng như tại sao nhắc đến Nguyễn Văn Vĩnh mà không nhắc đến các dịch giả truyện Tàu đầu tiên, những người đã có công dân khởi cho nền văn nghệ miền Nam trong buổi ban đầu? 

    Tuy nhiên, định lại giá trị văn học cũng không có nghĩa là mang cho nó một huy chương cổ điển rồi để nó chết lạnh ở đó, mà chỉ là mượn sự quảng bá ở học đường để “cổ điển hóa” những thành công vững chắc của nó, giúp cho nó tự kiên định, giúp cho các tác giả trẻ vững niềm tin về dĩ vãng, về hiện tại, hòng tìm thêm sinh khí, cảm hứng và dấn thân hăng hái hơn trên sáng tạo. 

    Điều quan trọng nhất của một nền văn học là tiến mãi không ngừng. Tiến cùng chính trị, kinh tế. Tiến cùng khoa học, kỹ thuật. Truyền thống văn nghệ miền Nam bao giờ cũng nằm về phía quảng đại quần chúng cho nên cái triển vọng của nó thật hết sức lớn lao. Nhà văn miền Nam trong hoàn cảnh đặc biệt này của lịch sử lại có rất nhiều bổn phận, trách nhiệm đối với miền mà cũng đối với toàn quốc. Cho nên lược qua quá trình phát triển, tìm hiểu chân giá trị cùng nhận định về hướng đi và triển vọng của nó, tôi tưởng đó chính là điều mà chúng ta phải làm. 

    Không có tài liệu nào ở một cái thành phố vắng bóng văn học, tôi phải dùng những văn kiện rất nghèo nàn, rất thiếu sót và khai thác năng lực của một trí nhớ đã không còn vững vàng, chắc chắn. Nhưng nếu để lại thì để đến bao giờ? Và chăng, tôi chưa có ý định làm một công trình quan  trọng nào mà chỉ trình bày mấy ý nghĩ về quá trình phát triển của nền văn nghệ ấy trong khi chờ đợi cơ hội tìm kiếm tài liệu đích đáng hơn.

    Nguyễn Văn Xuân

     [1] Ở miền Trung. 

    Hầu hết những chữ “miền Trung” trong bài này chỉ khoảng từ Hải vân đến cuối miền Trung. 

    [2] Và những tranh hài hước trong loại sách này phải chăng mở đầu cho loại tranh ấy trong các tạp chí Việt nam. 

    [3] Đồng Nai số 7, trang 71 

    Sài Gòn Thập Cẩm

    Fb Vũ Thế Thành

    LỜI DẪN CỦA VŨ THẾ THÀNH

    *

    Nhìn từ ngoài vẫn thấy rõ hơn

    Báo chí miền Nam sơ khởi với những trí thức Tây học, viết tiếng Việt dở ẹc, nhưng giàu thông tin nên dễ đi vào quần chúng, khác với Miền Bắc, chữ nghĩa thâm sâu, hàn lâm, suy diễn hay nghị luận máu lửa của những cây viết miền Trung như Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng.

    Văn chương miền Nam cũng mộc mạc, giản dị, có sao nói vậy, với Nguyễn Trọng Quản (truyện thầy Lazarô Phiền), Trần Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh,..dễ đi quần chúng, chứ không đầy chất lãng mạn văn học như các nhà văn ngoài Bắc với Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm), Nam Cao, và sau này là Tự Lực Văn Đoàn…

    Âm nhạc cũng vậy, nhạc miền Nam cũng có sao nói vậy, với điệu bolero và ca từ rất sến nhưng dễ đi vào lòng người, chứ không đầy chất bác học, lãng mạn như âm nhạc ngoài Bắc với Cung Tiến, Phạm Duy, Đặng Thế Phong.

    Sau năm 54, văn học, văn nghệ có sự hòa trộn giữa các vùng miền do cuộc di cư sau HĐ Geneve, và gọi chung là văn học/văn nghệ miền Nam (54-75). Sự phủ nhận nó có tính cách giai đoạn sau năm 75, nhưng giá trị của văn học/văn nghệ miền Nam thời kỳ này đang được đánh giá lại.

    Cái gì thuộc về chính trị hay bạo lực sẽ mất đi theo thời gian. Cái gì thuộc về chơn thật và tâm hồn vẫn được lưu truyền mãi.

    Nguyễn Văn Xuân là nhà nghiên cứu văn hóa/ văn nghệ khá nặng ký của xứ Quảng (Nam). Với bài “Văn nghệ miền Nam nhìn từ miền Trung” viết cuối thập niên 60, NVX đã có những nhận xét độc đáo, mà chính người miền Nam có khi lại không nhận thấy thuộc tính cố hữu của mình.

     

    Không có nhận xét nào