Header Ads

  • Breaking News

    Nhân quyền không phải là miếng ăn

    Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

     


    Ảnh: hàng ngàn người bị đấu tố và giết hại trong thời cải cách ruộng đất do chính quyền Cộng sản tiến hành ở miền Bắc VN trong thời gian 1953-1956

    Nhân quyền ở Việt nam là một khái niệm nhạy cảm đối với cả Chính quyền cũng như người dân.

    Quyền con người ở Việt nam hầu như bị tước đoạt và thiếu những đảm bảo từ hệ thống hành pháp cũng như tư pháp. Chính vì thế mà hàng loạt vụ tra tấn ép cung, vụ án oan như Hồ Duy Hải, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn xảy ra… hay những vụ bắt giam hàng loạt nhà báo và những nhà hoạt động xã hội trong những năm gần đây cho thấy rất rõ điều đó.

    Cũng chính vì thế mà các lãnh đạo Việt nam luôn bị chất vấn về nhân quyền khi giao thiệp với các thể chế văn minh Âu Mỹ.

    Mới đây câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính có vẻ đang đánh đồng giá trị quyền con người với chuyện “cơm ăn áo mặc” đang dấy lên những phản biện trên mạng xã hội.

     


    Ảnh: Hôm 01/11, phát biểu trước kiều bào ở Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân”

    Nhất là khi dư luận vẫn còn chưa hết đau xót về hàng triệu người dân bỏ chạy khỏi các TpHCM, Bình Dương Đồng nai vì bị giam nhốt bằng những hàng rào chốt chặn, bị bỏ đói, bị mất niềm tin vì những lời hứa chỉ có trên tivi.

    Suốt hàng tháng trời, người dân buộc phải trốn chạy bằng xe máy bằng cách đi bộ hàng ngàn cây số vì đã cùng đường và quá sợ hãi với cách chống dịch duy ý chí của Chính quyền…

    Thế nên câu nói đầy ngạo mạn của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thêm một lần nữa cứa vào nỗi đau của người dân Việt nam.

    Trên FB cá nhân, nhà văn Phạm Đình Trọng đăng tải bài viết với tựa đề “Nhân quyền không phải là miếng ăn” với nội dung như sau:

    Trong chuyến công cán châu Âu cuối tháng mười, đầu tháng mười một, năm 2021 vừa rồi, tại nước Anh, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nhà ta đầy tự tin cao giọng: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền.

    Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”.

    Chưa bàn đến điều ông Thủ tướng quá chủ quan, quá kiêu ngạo cộng sản, quá tự mãn đến hợm hĩnh khi ông tự nhận đã lo cho cả trăm triệu dân không ai thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ ai lại phía sau.

    Có quá nhiều sự thật nghiệt ngã trái ngược điều ông Thủ tướng cao ngạo nói.

    Chẳng cần dẫn chứng đâu xa. Cả thế giới bị hoạ dịch bệnh covid-19 nhưng không ở đâu dân bị bỏ rơi, cả triệu người phải đói khát, bơ vơ, hốt hoảng, nháo nhào, thục mạng chạy trốn cái chết dịch bệnh, chạy trốn cái chết vì không còn miếng ăn như ở Việt Nam hồi tháng tám, tháng chín vừa qua.

    Chạy xe  máy. Chạy xe đạp. Không có xe máy, xe đạp thì chạy bộ vài trăm cây số, cả ngàn cây số. Nếu không bị bỏ rơi, không bị đói, việc gì người dân phải ôm con thơ mới sinh chưa được mười ngày chạy cả ngàn cây số trong nắng mưa, đói khát, cơ cực và đầy bất trắc.

    Có người chết thảm trên đường nhưng dòng người chạy đói, chạy dịch bệnh vẫn nối dài. Còn quá nhiều chuyện đau lòng dân đói, dân bị bỏ rơi nhưng ở đây không bàn chuyện đó.

    Điều đáng bàn hơn là ông Thủ tướng có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ mà hiểu về Nhân Quyền thô thiển, nông cạn đến mức coi Nhân Quyền lớn nhất chỉ là cơm ăn, áo mặc, “Nhân Quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân”.

    Lời ông Thủ tướng nói trước truyền thông thế giới còn lưu trên giấy trắng mực đen, trên băng ghi âm, ghi hình tiếng Anh, tiếng Việt.

    Hạ thấp con người xuống hàng loài vật, coi con người cũng chỉ như mọi loài vật chỉ cần có miếng ăn, cũng cho thấy hình hài con người văn hoá, con người nhân văn và nền tảng văn hoá thực sự của ông Thủ tướng có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ.

    Con người cá nhân, con người nhân văn là giá trị văn hoá, tinh thần, là phần Người cao quí đến thiêng liêng.

    Thời bầy đàn nguyên thuỷ, thời nô lệ – chủ nô, thời thần dân – vua chúa, số đông người dân trong xã hội chỉ là đám đông, là bầy đàn, chưa có cá nhân.

     


    Ảnh: một gia đình ôm con còn đỏ hỏn mới 9 ngày tuổi, chạy xe máy 1.400km về quê trốn dịch, ảnh đăng trên báo Giađình.net

    Nô lệ, thần dân chỉ mong có miếng ăn để sống, không biết đến ý thức cá nhân, không dám khẳng định sự có mặt của cá nhân.

    Chủ nô, vua chúa cũng không thèm biết đến cá nhân mà chỉ biết đến đám đông công cụ.

    Chủ nô và vua chúa chỉ cần thí cho đám đông nô lệ, thần dân công cụ có miếng ăn đủ sống để sử dụng, khai thác sức lao động và khai thác cả máu.

    Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng Nhân Quyền lớn nhất là cơm ăn, áo mặc thì ông Thủ tướng cũng chỉ là một chủ nô, một lãnh chúa thời dã man tăm tối mà thôi và nhận thức xã hội, kiến thức văn hoá của ông Thủ tướng còn chìm đắm, còn ngụp lặn trong dã man của thời hồng hoang, trong tăm tối của thời trung cổ.

    Ý thức cá nhân đòi hỏi phải được khẳng định sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội.

    Người dân phải có quyền bình đẳng và tự do ứng cử và bầu cử vào vị trí lãnh đạo, quản lí đất nước.

    Ông Thủ tướng coi cơm ăn là Nhân Quyền lớn nhất của trăm triệu dân Việt Nam là ông Thủ tướng đã coi trăm triệu dân Việt Nam chỉ là bầy cừu trăm triệu con phải trông chờ vào người chăn dắt là ông Thủ tướng lo cho miếng ăn!

    Trong Quốc hội của đảng, trong đảng của ông Thủ tướng, trong Chính phủ của ông Thủ tướng, trong thần dân của ông Thủ tướng còn nhiều người ở tầm nhận thức như ông Thủ tướng, chưa có con người cá nhân, chưa biết ý thức về cá nhân như ông Thủ tướng.

    Vì vậy những việc man rợ, phản văn minh, phản con người mới diễn ra hàng ngày trong xã hội như là điều bình thường. Xin điểm vài sự việc.

    Quốc hội của đảng cài đặt trong bộ luật Hình sự 2015 các điều luật 109, 117, 331 buộc tội người dân khi người dân thực hiện Quyền Con Người, Quyền Công Dân với sự quy kết: “lật đổ chính quyền”, rằng “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để kết án và giam cầm rất nhiều công dân vô tội.

    Bản án tử hình với người nông dân giữ đất chính đáng Lê Đình Công, Lê Đình Chức cũng man rợ như giữa đêm công an xông vào tận giường ngủ xả súng giết chết lão nông vô tội Lê Đình Kình.

    Cũng man rợ như toà án dị giáo Roma kết tội hoả thiêu với nhà khoa học trung thực Giordano Bruno.

    Từ thế kỉ 18, nhà triết học Pháp Voltaire đã viết: “Tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền anh được nói.”

    Tự do báo chí, người dân được quyền ra báo tư nhân là thể hiện rõ nhất, lớn nhất quyền tự do ngôn luận.

    Thế nhưng, ba thế kỉ sau, đến tận thế kỉ 21, người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền tự do ngôn luận,

    Từ đầu thế kỉ hai mươi, Phan Châu Trinh đã chỉ ra con đường giành độc lập dân tộc của Việt Nam là khai dân trí, chấn dân khí.

    Khai dân trí để người dân ý thức được quyền con người. Chấn dân khí để tập hợp sức mạnh người dân, để sử dụng công cụ luật pháp đấu tranh giành độc lập.

    Khai dân trí, chấn dân khí thì trí thức phải đi đầu, dẫn dắt, lãnh đạo dân chúng, dẫn dắt lãnh đạo đất nước.

    Nhưng cách mạng tháng tám 1945 nổ ra đưa giai cấp vô sản, bần cố nông, nghèo của cải, nghèo trí tuệ lên nắm quyền dẫn dắt đất nước, đưa đất nước vào bạo lực chiến tranh máu và nước mắt, làm đứt gãy tiến trình công nghiệp hoá của đất nước Việt Nam, đưa xã hội Việt Nam trở lại thời tối tăm phong kiến, con người không còn cá nhân, chỉ có bầy đàn, đưa dân tộc vào lầm than để đến nông nỗi sang thế kỉ 21, loài người đã bước vào kỉ nguyên văn minh tin học mà ông Thủ tướng Phạm Minh Chính của chính quyền vô sản công nông Việt Nam khi ra thế giới vẫn tự tin và hồn nhiên nói giữa thế giới văn minh rằng Nhân Quyền lớn nhất là cơm ăn, áo mặc!

    Thoibao.de/blog/2021/12/14

    Không có nhận xét nào