Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 27 tháng 12 năm 2021

    Các hãng hàng không Mỹ tiếp tục hủy hàng trăm chuyến bay vì Omicron



    Hành khách chờ làm thủ tục tại một sân bay ở Mỹ.

    Các hãng hàng không Hoa Kỳ đã hủy hàng trăm chuyến bay trong ngày thứ ba liên tiếp hôm Chủ nhật do các ca nhiễm COVID-19 gia tăng vì biến thể Omicron, làm các phi hành đoàn phải ngưng bay và buộc hàng chục nghìn người phải thay đổi kế hoạch.

    Theo thống kê của trang web theo dõi các chuyến bay FlightAware.com, các hãng hàng không thương mại đã hủy 656 chuyến bay nội địa, đến hoặc ra khỏi Hoa Kỳ vào Chủ nhật, giảm nhẹ so với gần 1.000 chuyến Ngày Giáng sinh và gần 700 chuyến vào Đêm Giáng sinh.

    Nhiều khả năng sẽ có thêm các chuyến bay bị hủy và hơn 920 chuyến bay bị chậm chuyến.

    Những ngày lễ Giáng sinh thường là thời gian cao điểm cho việc di chuyển bằng đường hàng không, nhưng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã dẫn đến sự tăng mạnh các ca nhiễm COVID-19, buộc các hãng hàng không phải hủy các chuyến bay có phi công và phi hành đoàn cần phải cách ly.

    Hãng Delta Air Lines dự kiến hơn 300 chuyến bay của hãng sẽ bị hủy vào Chủ nhật.

    Trên toàn cầu, tính tới sáng Chủ nhật, dữ liệu của FlightAware cho thấy gần 2.150 chuyến bay đã bị hủy vào Chủ nhật và 5.798 chuyến bay khác bị chậm chuyến.

    Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11 và hiện chiếm gần 3/4 ca nhiễm ở Hoa Kỳ và tới 90% ở một số khu vực, chẳng hạn như ở Bờ Đông.

    Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm mới ở Hoa Kỳ đã tăng 45%, lên 179.000 ca mỗi ngày trong tuần qua.

    Úc ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Omicron

    27/12/2021



    Xét nghiệm COVID-19 ở một sân bay của Australia.

    Hôm 27/12, Australia ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến chủng Omicron mới của COVID-19 trong lúc số ca nhiễm hàng ngày của nước này gia tăng, nhưng nhà chức trách chưa áp đặt các hạn chế mới vì tỷ lệ nhập viện vẫn ở mức thấp, theo Reuters.

    Ca tử vong của một người đàn ông ở độ tuổi 80 có bệnh nền, đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã ở Australia trong đợt dịch mới bùng phát.

    Biến chủng Omicron bắt đầu lây lan ngay khi Australia dỡ bỏ các hạn chế trong nước và cho phép người Úc trở về từ nước ngoài mà không cần cách ly, khiến số ca bệnh tăng lên mức cao nhất kể từ lúc đại dịch bắt đầu.

    Nhà chức trách không đưa ra thêm chi tiết nào về ca tử vong do Omicron này, ngoại trừ nói rằng người đàn ông này đã nhiễm virus tại một cơ sở chăm sóc người già và đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Sydney.

    Nhà dịch tễ học Christine Selvey của cơ quan y tế bang New South Wales cho biết: “Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được biết đến ở bang New South Wales có liên quan đến biến chủng Omicron đáng lo ngại”.

    Người đàn ông này nằm trong số 7 trường hợp tử vong do COVID-19 được báo cáo ở Úc vào ngày hôm trước. Theo dữ liệu của Reuters, cả nước ghi nhận 10.186 ca mắc mới vào ngày 26/12, lần đầu tiên vượt qua con số 10.000 ca/ngày kể từ khi bắt đầu đại dịch. Hầu hết các trường hợp mới là ở bang New South Wales và Victoria.

    Mỹ: New York rút ngắn thời hạn cách ly với các ngành nghề thiết yếu


    Tại Hoa Kỳ, lo sợ thiếu người trong các dịch vụ công chủ chốt do biến thể Omicron lây lan quá nhanh, bang New York quyết định kể từ ngày mai, thứ Hai 27/12/2021, các nhân viên đã tiêm chủng đủ liều có thể quay lại làm việc chỉ 5 ngày sau khi xét nghiệm dương tính, với một số điều kiện.

    Nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên ngành vệ sinh hay làm việc tại các siêu thị, nhà hàng nếu bị nhiễm chỉ cần tự cách ly 5 ngày là có thể trở lại nhiệm sở, thay vì 10 ngày như hiện nay. Tuy nhiên quyết định này chỉ áp dụng đối với những người không bị ho, sốt, sổ mũi kể từ 72 tiếng đồng hồ. Họ cũng phải mang khẩu trang, và sau đó tiếp tục tự cách ly ngoài giờ làm việc. Để chứng minh, cơ quan y tế dẫn ra một nghiên cứu cho biết những người đã chích ngừa có thời gian nhiễm virus ngắn hơn.

    Với loan báo trên đây, New York cố gắng chặn trước làn sóng nghỉ bệnh do biến thể Omicron, vì hiện đã có vài chục ngàn nhân viên phải ở nhà trong lúc số người bị nhiễm mới không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, số lượng máu dự trữ đang ở mức thấp nhất kể từ 10 năm qua. Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :

    « Từ khi khởi đầu đại dịch, rất phức tạp để tập hợp được nhiều người ở cùng một địa điểm. Các văn phòng đóng cửa, người ta làm việc hay học hành từ xa, thế nên chiến dịch « hiến máu tại nơi làm việc » của Hồng Thập Tự bị ảnh hưởng rất nhiều. Cũng phải mất nhiều tháng mới trấn an được người này người khác về những rủi ro khi hiến máu ngay trong đại dịch. Hậu quả là lượng máu dự trữ đang ở mức thấp nhất, trong lúc nhu cầu vẫn như cũ.

    Một người có trách nhiệm của Hồng Thập Tự nói với New York Times : « Thường thì chúng tôi có dự trữ cho ba ngày, nhưng bây giờ chỉ một ngày cũng khó có đủ ». Tình hình này khiến các bệnh viện phải tổ chức lại, đôi khi phải hoãn lại những cuộc giải phẫu không khẩn cấp.

    Với làn sóng Covid mới do biến thể Omicron gây ra, cúm mùa và thời tiết mùa đông, các viên chức lo ngại tình trạng thiếu hụt máu sẽ còn kéo dài. Những tổ chức như Hồng thập tự cố gắng gia tăng hoạt động để thúc đẩy người dân hiến máu ».

    Để giảm nhẹ ‘bệnh thành phố lớn’, hàng loạt công ty quốc doanh rút khỏi Bắc Kinh


    Tàu của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (ảnh: Chụp màn hình trang Aboluowang)

    Theo Aboluowang, để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của “căn bệnh thành phố lớn”, chính quyền Trung Quốc đang cho dịch chuyển trụ sở của các công ty quốc doanh lớn ra khởi Bắc Kinh.

    Sau khi China Huaneng, China Star Network và nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn khác liên tiếp “rời Bắc Kinh”, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc cũng thông báo sẽ chuyển trụ sở đến Thượng Hải và tổ chức “Hội nghị di dời” tại Trung tâm Triển lãm Thượng Hải vào ngày 24/12.

    Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc được thành lập vào năm 2019 từ sự sáp nhập của hai công ty đóng tàu quốc doanh. Tập đoàn này hiện tại có khối tài sản 877,6 tỷ nhân dân tệ (gần 138 tỷ USD), cùng 220.000 nhân viên, 106 đơn vị thành viên, và 35 tổ chức nghiên cứu khoa học.

    Một lượng lớn các công ty quốc doanh đặt trụ sở chính tại Bắc Kinh đã khiến thành phố này trở thành một trong những thành phố có số lượng công ty lớn nhất trong danh sách của Fortune 500.

    Trên thực tế, có những lý do lịch sử để các doanh nghiệp quốc doanh chọn đặt đại bản doanh ở Bắc Kinh. Sau khi Trung Quốc mở cửa, nhiều doanh nghiệp quốc doanh xuất hiện và họ chọn đặt trụ sở tại Bắc Kinh để có được nhiều lợi thế. Ví dụ, vào năm 1988, Quốc vụ viện cải tổ Bộ Công nghiệp Than, Bộ Công nghiệp Dầu khí và Bộ Công nghiệp Hạt nhân, một loạt công ty được lập ra sau cuộc cải tổ này đã “lợi dụng xu thế” để định cư tại Bắc Kinh.

    Tuy nhiên, dưới góc độ phát triển đô thị, quá nhiều công ty tập trung vào một thành phố hoặc một nơi nào đó sẽ gây ra ùn tắc giao thông, tăng giá nhà đất, suy thoái môi trường, tăng gánh nặng cho hoạt động đô thị và các hệ lụy từ “căn bệnh thành phố lớn” khác.

    Theo xu thế mới, từ quan điểm phát triển doanh nghiệp theo hướng gần hơn với thị trường, gần hơn với nguồn lực, gần hơn với thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi cung ứng, nhu cầu về trụ sở tại Bắc Kinh của các công ty quốc doanh Trung Quốc đã giảm xuống.

    Kể từ đầu năm nay, 8 doanh nghiệp nhà nước lớn đã quyết định chuyển trụ sở ra ngoài Bắc Kinh hoặc lập nghiệp bên ngoài Bắc Kinh. Xếp hạng các “ngôi nhà mới” được các doanh nghiệp trung ương lựa chọn để di dời là Tây An, Thượng Hải, Thâm Quyến, Vũ Hán và Cám Châu.

    Chuyến bay Delta từ Mỹ đến Thượng Hải phải quay đầu lại vì quy định COVID


    27/12/2021


    Một máy bay của Delta Air Lines.

    Hãng hàng không Delta Air Lines của Hoa Kỳ cho biết hôm 27/12 rằng các quy định vệ sinh phòng dịch mới liên quan đến COVID-19 tại một sân bay Thượng Hải là lý do khiến một chuyến bay mới đây của hãng này xuất phát từ Seattle đang bay giữa chừng phải quay đầu lại, theo AP.

    Một tuyên bố gửi qua email của hãng Delta cho biết các quy định mới tại Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải “yêu cầu thời gian mặt đất kéo dài đáng kể và không khả thi về mặt hoạt động đối với hãng Delta.”

    Không rõ các quy định mới này cụ thể là gì và điều gì đã khiến có sự thay đổi như vậy, nhưng nó diễn ra khi Trung Quốc thắt chặt các quy định hạn chế đi lại vì COVID-19 vốn đã nghiêm ngặt của này trước tình hình bùng phát ngày càng tăng ở thành phố Tây An và còn 6 tuần nữa là Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh khai mạc.

    Tây An, cách Bắc Kinh khoảng 1.000 km về phía tây nam, đã báo cáo hơn 300 ca nhiễm mới vào cuối tuần, tăng mạnh so với những ngày trước đó. Thành phố với 13 triệu dân này đã bị phong tỏa, mỗi hộ gia đình chỉ có một người được phép ra ngoài hai ngày một lần để mua sắm nhu yếu phẩm.

    Theo truyền thông Trung Quốc, chuyến bay Delta quay trở lại thành phố Seattle vào tuần trước chở các hành khách có kết quả xét nghiệm COVID-19 và thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ đã hết hạn.

    China Airlines và EVA Air, hai hãng hàng không có trụ sở tại Đài Loan, đều cắt giảm số lượng chuyến bay đến Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải trong những ngày gần đây, với lý do là các thủ tục khử trùng mới sẽ mất nhiều thời gian hơn, theo hãng thông tấn CNA của Đài Loan.

    Hãng EVA sẽ tạm dừng các chuyến bay từ hai thành phố đến Thượng Hải cho đến ngày 3/2. China Airlines sẽ tạm ngừng các chuyến bay từ một thành phố đến Thượng Hải cho đến cuối tháng Giêng, và giảm số lượng chuyến bay trên một tuyến khác.

    Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco không nêu tên hãng Delta nhưng cho biết trong một tuyên bố ngắn hôm 26/12 rằng nhiều chuyến bay từ Mỹ đến Trung Quốc đã bị hoãn hoặc bị hủy trong những ngày gần đây, bao gồm một chuyến bay đã phải quay đầu lại khi đã bay hơn nửa chặng đường.

    Lãnh sự quán cho biết trong tuyên bố: “đã trao đổi nghiêm khắc vấn đề này đối với hãng hàng không.”

    Dịch Covid làm hỗn loạn thêm hàng không toàn cầu dịp cuối năm 2021


    Nguồn hình ảnh, Reuters / Chụp lại hình ảnh,

    Hơn 1.400 chuyến bay đã bị hủy vào hôm thứ Hai 27/12

    Đã có nhiều chuyến bay bị hủy liên quan đến Covid trên toàn cầu vào đầu tuần và làm cho cho hàng nghìn người bị ảnh hưởng.

    Hơn 1.400 chuyến bay đã bị hủy vào hôm thứ Hai 27/12, với các điểm đến là Trung Quốc và Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trang web theo dõi dữ liệu FlightAware cho biết.

    Các hãng hàng không tại Hoa Kỳ nói rằng sự cố gián đoạn là do tổ tiếp viên và phi công có kết quả xét nghiệm dương tính Covid hoặc đang thuộc diện phải cách ly.

    Hong Kong đang cấm tất cả các chuyến bay của Korean Air (Hàn Quốc) trong hai tuần, sau một số ca hành khách bị nhiễm Covid.

    Tổng cộng có hơn 8.000 chuyến bay đã bị hủy trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh cuối tuần bắt đầu từ hôm thứ Sáu.

    Mặc dù số chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số, nhưng là mức cao hơn bình thường và xảy ra vào thời điểm mà nhiều người sử dụng hàng không để dành thời gian nghỉ lễ với gia đình và bạn bè.

    Trong một diễn biến khác, các nhà chức trách Hoa Kỳ đang theo dõi hàng chục tàu biển du lịch có các ca lây nhiễm Covid khi đang đi trong vùng biển của nước này, với một số tàu được cho là bị từ chối cập cảng ở Caribe, theo hãng tin AFP.

    Các ca nhiễm Covid toàn cầu đang tăng mạnh, phần lớn là do biến thể Omicron.

    Bất chấp những phát hiện ban đầu rằng Omicron nhẹ hơn các biến thể coronavirus khác, các nhà khoa học vẫn lo ngại về số lượng ca nhiễm đã và đang được ghi nhận.

    Phần lớn các chuyến bay bị hủy hôm thứ Hai là của các công ty hàng không của Trung Quốc, theo FlightAware. Các hãng này bao gồm China Eastern, vốn đã hủy 368 chuyến bay và Air China, với 141 chuyến.

    Các sân bay ở Bắc Kinh và Thượng Hải dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 300 chuyến bay bị hủy. Nhà chức trách Trung Quốc chưa bình luận gì về vấn đề này.

    Sân bay ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền bắc Trung Quốc cũng nằm trong danh sách bị ảnh hưởng. Hơn 13 triệu người trong thành phố gần đây đã được lệnh phải ở nhà khi nhà chức trách nỗ lực khống chế đợt bùng phát Covid tại đó.

    Trong khi đó, các công ty hàng không Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là United, với 84 chuyến bị hủy và JetBlue với 66 chuyến.

    United vào tuần trước đã cảnh báo rằng thực trạng gia tăng đột biến các ca Omicron đã "ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bay và nhân viên điều hành hoạt động của chúng tôi", với nhiều nhân viên được yêu cầu tự cách ly sau khi tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh. Omicron hiện là chủng vi khuẩn lây nhiễm nhanh và nhiều ở Hoa Kỳ.

    Nhưng thời tiết khắc nghiệt cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng. Tuyết phủ dày khiến các chuyến bay bị trì hoãn và đường bộ bị gián đoạn ở phía tây bang Washington hôm Chủ nhật, làm gia tăng hỗn loạn đối với việc đi lại.

    Tại Anh, British Airways cho biết có 42 chuyến bị hủy vào hôm thứ Hai, theo FlightAware. Sân bay Heathrow của London thông báo có 47 chuyến bay bị hủy.

    Gần 5,4 triệu người trên toàn cầu tử vong vì Covid và đã có gần 280 triệu ca được xác nhận nhiễm, theo Đại học Johns Hopkins của Hoa Kỳ.

    Thảm sát thường dân tại Miến Điện : LHQ kêu gọi “điều tra nghiêm túc và minh bạch”


    Cảnh tàn phá tại thị trấn Hpruso, bang Kayah, Miến Điện ngày 24/12/2021. Ảnh do Lực Lượng Phòng Vệ Các dân tộc Karen (KNDF) cung cấp. Quân đội chính phủ Miến Điện bị cáo buộc tấn công sát hại thường đân. AP

    Sau khi nhiều mạng xã hội tiết lộ thông tin và hình ảnh về vụ 35 thi thể cháy đen được phát hiện trong nhiều chiếc xe bị đốt tại thị trấn Hpruso, thuộc bang Kayah, miền đông Miến Điện, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các vấn đề nhân đạo ngày 26/12/2021 đã đánh giá đây là những thông tin “đáng tin cậy” và kêu gọi chính quyền Miến Điện mở một cuộc “điều tra nghiêm túc và minh bạch” về vụ thảm sát.

    Trong một bản tuyên bố, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths đã bày tỏ thái độ “kinh hoàng” trước sự kiện này. Ông lên án vụ việc “nghiêm trọng” đó, cũng như “mọi vụ tấn công vào thường dân tại Miến Điện”, đồng thời kêu gọi chính quyền Miến Điện là phải “khởi động ngay lập tức một cuộc điều tra nghiêm túc và minh bạch”.

    Hôm thứ Bảy 25/12 vừa qua, các bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy hai chiếc xe tải và một chiếc xe hơi bốc cháy trên một con đường ở thị trấn Hpruso, với nhiều thi thể bên trong.

    Trả lời hãng tin Pháp AFP, một thủ lĩnh của Lực Lượng Phòng Vệ Các dân tộc Karen, thuộc phong trào vũ trang nổi dậy chống chính quyền quân sự Miến Điện, xác nhận đã tìm thấy ít nhất 27 thi thể tại hiện trường. Còn theo trang thông tin Myanmar Witness, đã có “35 người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, đã bị quân đội đốt và giết vào ngày 24/12 tại thị trấn Hpruso.”

    Về phía chính quyền, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự Zaw Min Tun thừa nhận rằng các cuộc đụng độ đã nổ ra tại khu vực này vào thứ Sáu 24/12, lực lượng chính phủ đã hạ sát một số người, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

    Miến Điện đã chìm vào hỗn loạn kể từ cuộc đảo chánh ngày 1/2 do quân đội tiến hành, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Chính quyền quân sự Miến Điện đã thẳng tay đàn áp phong trào phản đối bằng những biện pháp tàn bạo, kể cả bắn thẳng hay tông xe vào đám đông biểu tình, trong lúc quân đội Miến Điện thường xuyên bị tố cáo thảm sát thường dân trong những vụ bố ráp.

    Tư Pháp Miến Điện dời ngày công bố bản án nhắm vào bà Aung San Suu Kyi

    Về tình hình chính trị, một tòa án Miến Điện vừa quyết định dời việc công bố bản án nhắm vào cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi qua ngày 10/01/2022 thay vì hôm nay, 27/12/2021, trong vụ xử bà về tội danh vi phạm các quy định về viễn thông.

    Bị bắt giam từ cuộc đảo chánh, bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quân sự truy tố trong gần 10 vụ án, với mức án tù có thể lên đến tổng cộng hơn 100 năm. Nhà lãnh đạo 76 tuổi đã phủ nhận mọi cáo buộc đối với bà, trong lúc những người ủng hộ bà đã tố cáo các thủ tục pháp lý vô căn cứ nhằm mục đích chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà và cho phép quân đội củng cố quyền lực.

    Hồi đầu tháng 12 này, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bị tuyên án 4 năm tù về tội vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Bản án này sau đó được giảm xuống còn hai năm và bà hiện bị giam giữ tại địa điểm bí mật.

    Ông Biden yêu cầu người Mỹ tiêm vaccine, nhưng người di cư được miễn


    Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Youtube/CNBC Television).

    Ông Mark Morgan, cựu quyền ủy viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới, cho biết trong một chương trình phát sóng hôm thứ Năm (23/12) của Breitbart rằng chính quyền Biden không yêu cầu những người di cư qua biên giới phía nam phải xét nghiệm hay tiêm vaccine trong khi yêu cầu người Mỹ phải làm việc này.

    Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần coi việc tiêm vaccine COVID-19 là một hành động “yêu nước”.

    Ông Morgan cho biết: 600.000 người di cư bất hợp pháp đã đến Mỹ, nhưng không ai trong số những người di cư qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico kể từ khi ông Biden nhậm chức đã được kiểm tra tình trạng tiêm chủng hay xét nghiệm COVID-19.

    Ông Morgan nói thêm:

    “Ba triệu [người di cư] trong 12 tháng đã cố gắng vào đất nước chúng tôi một cách bất hợp pháp. Và mọi người đoán xem có bao nhiêu người được xét nghiệm và bắt buộc phải tiêm phòng. Không một ai cả”.

    Ông Morgan kết luận: “Tổng thống gặp mọi người và nói về biến thể, và nghĩa vụ yêu nước của chúng ta là tiêm vaccine như thế nào, trong khi ông ấy biết rằng ông ấy cho phép hàng chục nghìn người mỗi tuần vào đất nước này mà không phải tiêm chủng và chúng tôi biết rằng tối thiểu là 25 phần trăm người di cư bất hợp pháp vượt qua biên giới của chúng ta nhiễm COVID”.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào