Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Nguyễn Thị Hậu – Minh Mạng – Tự Đức và nhứng lần lỡ hẹn của người Việt (Midnight Talks)


    Tối qua mình tham gia cuộc trò chuyện này, từ 21g – 24g. Người tham gia lúc đông nhất đến hơn 700 và ngồi đến cuối cũng khoảng 500 người. Có nhiều người quen biết, thân thiết do cùng nghề, cùng sự quan tâm về lịch sử... Nhiều người mình từng đọc nhưng chưa quen chưa gặp. Nhưng người tổ chức Midnight Talks là Nguyễn Cảnh Bình thì hai chị em đã có dịp gặp nhau ở tận... Hungary từ 10 năm trước, người dẫn là Vũ Đức Liêm mình đã đọc nhiều bài viết của anh, còn diễn giả Trần Đức Anh Sơn thì quá thân, hai chị em số phận dịch chuyển như nhau trong quá trình làm việc, một phần quan trọng do thẳng thắn và biết từ bỏ nơi không phải của mình.

    Cuộc trò chuyện thú vị ngay từ những phát đầu và càng về sau càng hấp dẫn, không chỉ vì các vấn đề của triều Nguyễn mà khoảng hơn mười năm trở lại đây, đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá khác trước, công khai, công minh và khách quan hơn. Có thể nói cuộc hội thảo quốc tế về CHÚA NGUYỄN VÀ VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN tổ chức tại Thanh Hóa năm 2008 là dấu mốc cho sự thay đổi này. Tư liệu lịch sừ, công trình nghiên cứu nước ngoài được dịch, xuất bản nhiều hơn, mạng internet giúp kiến thức phổ biến nhanh chóng hơn, và sự lạc hậu trong chương trình dạy và học lịch sử - nhất là ở bậc phổ thông - cũng làm tăng thêm sự quan tâm của xã hội với lịch sử, đặc biệt là lịch sử thời Nguyễn và lịch sử hiện đại VN.

    Trong bối cảnh đó, những người nghiên cứu lịch sử có bản lĩnh và tri thức đã có thể tìm thấy những câu trả lời cho mình trong nhiều vấn đề lịch sử còn bị đánh giá thiên lệch, thậm chí cực đoan “bảo hoàng hơn vua”. Những câu hỏi nhẹ nhàng mà sắc sảo của anh Vũ Đức Liêm, sự lý giải cặn kẽ, khúc chiết và logic của Trần Đức Anh Sơn đã thể diện điều đó. Một điều nữa mình tâm đắc là các câu trả lời luôn là một “sự lý giải” từ góc độ tiếp cận, từ tư liệu lịch sử mới, từ so sánh đối chiếu các sự kiện trong bối cảnh trong nước và rộng hơn... do vậy luôn “mở’, không trả lời kiểu chắc “như đinh đóng cột” và khẳng định “chỉ như thế”. Bởi lịch sử càng lùi xa càng ở “phổ rộng’ thì càng rõ ràng từng chi tiết.

    Hai vấn đề chốt của Midnight Talks (mình nhớ không thật chính xác câu chữ, nhưng nội dung thì đúng) là:

    1/ Thời Tự Đức mất nước vào tay Pháp là tất yếu. Có những nguyên nhân nào?

    2/ Quan hệ với Trung Hoa có ảnh hưởng thế nào đến triều Nguyễn (nói riêng và lịch sử VN nói chung)

    Là một người tham gia nhưng mình cũng bị Nguyễn Cảnh Bình “túm” phải, cũng tham góp vào 2 vấn đề trên mà Vũ Đức Liêm đặt ra cho một số anh chị khác. Thời gian của nói chuyện không cho phép nên mình tham gia 2 ý kiến ngắn. Bây giờ viết lại mình diễn giải rõ hơn 1 chút.
    Vấn đề 1/ Có nguyên nhân nội tại: đến thời Tự Đức triều Nguyễn chưa có được sự thống nhất thực sự về “lòng dân”, hậu quả của hơn 200 năm đàng trong – đàng ngoài, Tây Sơn – Nguyễn Ánh... Gần hơn là việc lập kinh đô ở Huế, ở phía Bắc thì xóa bỏ vị thế “kinh đô ngàn năm” của Thăng Long; phía Nam sau loạn Lê Văn Khôi thành Gia Định cũng bị phá đi và xây lại Thành Phụng nhỏ hơn nhiều. Kiểu như phá di sản (vật chất, tinh thần) của triều trước nên gây ra sự “tổn thương tinh thần” không nhỏ cho cộng đồng. [Thật ra hiện tượng này thường phổ biến, phản ánh tâm thế “bên thắng cuộc” muốn giữ ổn định “đồng nhất tinh thần” và bảo vệ thành quả sau chiến tranh]

    - Cải cách xã hội luôn bắt đầu từ sự “thuyết phục” nhau thực hiện điều tốt, có lợi, cả hai bên thuyết phục và bị thuyết phục đều “thắng” vì xã hội phát triển hơn, kịp với thời đại. Thế nhưng dường như ở VN mình cả 2 yếu tố biết nói (thuyết phục) và biết nghe (chấp nhận cái mới, khác biệt) đều kém. Quan văn “trình bày” thì quan võ “nạt nộ” ngay, phe “chủ chiến” thường thắng phe “chủ hòa”. Mà cải cách là quá trình lâu dài khéo léo, biết học người khác, chứ không thể “thần tốc” hay quyết tâm chính trị mà được.

    Tính cách văn hóa của dân tộc có can dự vào quá trình lịch sử, thậm chí còn góp phần làm nên số phận dân tộc.

    Vấn đề 2/ Quan hệ Việt Nam – Trung Hoa trong lịch sử khá phức tạp. VN luôn đánh thắng kẻ thù phương Bắc nhưng thắng xong rồi thì triều cống và ứng xử đúng như nước nhỏ với nước lớn. Tâm lý mặc cảm với nền văn minh vĩ đại của Trung Hoa mâu thuẫn với tâm lý tự tôn “luôn chiến thắng chúng mày” tạo nên ứng xử khá là “linh hoạt”, kiểu khôn lỏi của anh nông dân trong “cây tre trăm đốt” để có cái lợi nhỏ cho mình. Mặt khác thế giới Trung Hoa là hình mẫu, quen thuộc ngàn năm nên VN hầu như không nhìn ra ngoài, nhìn thấy gì khác mình.

    Điều này hạn chế sự hội nhập với thế giới ngay từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây với nhiều yếu tố quá lạ lẫm khác biệt, dẫn đến sự “từ chối” mở cửa như trong thời Nguyễn.

    Với mình, bài học từ lịch sử VN luôn là: đừng chỉ nhìn vào nhau (nhìn vài nước bên cạnh, tức là đừng chỉ nhìn vào ao làng) để rồi cứ “mặc cảm” hay “tự hào”, mà hãy nhìn ra bên ngoài, ra đại dương, rồi nhìn lại chính mình. Mới thấy nước mình đang ở đâu, thế nào, mới có thể quyết định đi đường nào tốt nhất!

    Cám ơn các bạn Nguyễn Cảnh Bình, Vũ Đức Liêm và Trần Đức Anh Sơn và các anh chị khác đã gợi mở và kiến giải một cách thẳng thắn, khoa học những vấn đề lịch sử của Triều Nguyễn mà cho đến bây giờ, vẫn còn có người cho rằng đó là vấn đề “tế nhị, nhạy cảm”!
    Hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi sinh hoạt khoa học thú vị và bổ ích như vậy.

    P/S/. Sau buổi trò chuyện, nghĩ mãi, mình chợt tự hỏi: Với tất cả những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan mà các diễn giả và khách mời đã nêu ra, liệu có thật sự chúng ta đã LỠ HẸN với thế giới – như chủ đề của Midnight Talks? Vì phải có HẸN thì mời LỠ, còn không hẹn, thậm chí không biết hay là không muốn HẸN thì làm sao có thể LỠ HẸN? :)

    25.12.2021


    Không có nhận xét nào