Trong gói ngân sách quốc phòng năm 2022 của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tăng cường khả năng răn đe nhằm vào Trung Quốc bằng cách thiết lập một mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai như một phần trong kế hoạch chi hàng chục tỉ USD cho “chiến trường” Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong 6 năm tới.
Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Ảnh: cofda
Cụ thể, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương của chính quyền Biden trị giá 7,1 tỉ USD, tăng hơn 3 lần so với tài khóa 2021. Sáng kiến này kêu gọi triển khai lực lượng tích hợp đa thành phần với các mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, hệ thống tên lửa phòng không tích hợp ở chuỗi đảo thứ hai và một thế trận lực lượng phân tán mang lại khả năng duy trì sự ổn định và nếu cần có thể duy trì các hoạt động chiến đấu trong thời gian dài. Ðối với Mỹ, chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai đóng vai trò như các “phên giậu” ngăn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.
Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm một nhóm đảo trong đó có Ðài Loan, Okinawa, Philippines mà Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Chiến lược của Bắc Kinh là tìm cách đẩy lực lượng Mỹ khỏi Biển Ðông và Biển Hoa Ðông vốn nằm trong chuỗi đảo thứ nhất. Trung Quốc cũng tìm cách ngăn các lực lượng của Mỹ tiếp cận chuỗi đảo thứ hai ở Tây Thái Bình Dương - trải dài từ Ðông Nam Nhật Bản tới đảo Guam và phía Nam Indonesia.
Hiện nay, Trung Quốc nắm giữ một kho tên lửa hạt nhân đa dạng với mục tiêu ngăn chặn sự tiến quân của Mỹ trong chuỗi đảo thứ hai. Trung Quốc mạnh về tên lửa tầm trung và đặt trên đất liền. Bắc Kinh sở hữu kho vũ khí gồm 1.250 tên lửa tầm trung trong khi Washington lại không có. Sự khác biệt này là do Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cấm phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km. Mỹ là thành viên của hiệp ước này đến cuối năm 2019, trong khi Trung Quốc không tham gia.
Tháng 10-2021, Tổng thống Biden đã thống nhất với kiến nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin rằng nước này sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự tại đảo Guam và Úc, đồng thời ưu tiên xây dựng các cứ điểm quân sự trên các đảo Thái Bình Dương cũng như tìm kiếm khả năng tiếp cận lớn hơn cho các hoạt động đối tác quân sự. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhận định việc tập trung nguồn lực quân sự vào đảo Guam, Úc và các đảo trên Thái Bình Dương cho thấy chính quyền Biden bắt đầu chuyển hướng vào chuỗi đảo thứ hai và thừa nhận Bắc Kinh đã đủ mạnh để phá hỏng thế gọng kìm chuỗi đảo thứ nhất của Washington.
Tờ báo trên “khoe” rằng trong năm qua, máy bay và tàu chiến của Trung Quốc, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược và khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường, đã thường xuyên lui tới các eo biển có tầm quan trọng chiến lược trong chuỗi đảo thứ nhất, như Bashi, Miyako, Osumi, Tsushima, Soya và Tsugaru. Và hiện tại, bằng việc phát triển tàu chiến lớn hơn như hàng không mẫu hạm, chiến đấu cơ hiện đại và tên lửa tầm xa, Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu tại Guam và Úc trong chiến lược an ninh chuỗi đảo thứ hai của Mỹ.
Không có nhận xét nào