Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 18 tháng 01 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bất đồng về Myanmar khiến ASEAN phải hoãn họp ngoại trưởng 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin chào đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở thủ đô Naypyitaw hôm 7/1 năm

    Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin chào đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở thủ đô Naypyitaw hôm 7/1 năm 

    Những khác biệt chưa được giải quyết về việc can dự với chính quyền quân sự Myanmar đang gây bất hòa giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ cho biết trong lúc một cuộc họp của các bộ trưởng dự kiến diễn ra trong tuần này đã bị lùi lại.

    Mâu thuẫn này xảy ra sau vài tháng náo loạn cuối năm 2021 khi ASEAN có bước đi chưa từng có là gạt người đứng đầu tập đoàn quân sự Myanmar Min Aung Hlaing ra khỏi hội nghị thượng đỉnh sau đảo chính và dùng vũ lực trấn áp người biểu tình.

    Vấn đề gai góc về liệu Myanmar có được cho tham dự các sự kiện của ASEAN hay không vẫn chưa được giải quyết, quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia Abdul Kadir Jailani nói.

    “Cần phải thừa nhận muốn thống nhất các quan điểm vẫn cần có thêm thời gian,” ông Jailani, Tổng giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á, Thái Bình Dương và châu Phi, nói trước báo giới.

    Tuy nhiên, việc Campuchia hoãn phiên họp trong tuần này để mở đầu nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của họ là điều dễ hiểu, ông nói thêm, vì biến thể Omicron vẫn là mối đe dọa.

    Campuchia đã dẫn ra những khó khăn về đi lại khiến một số ngoại trưởng không thể đến là lý do họ hoãn cuộc họp vào tuần trước.

    Campuchia nói họ muốn can dự với chính quyền quân sự Myanmar và đã mời Bộ trưởng Ngoại giao của họ, đại tá về hưu Wunna Maung Lwin, đến cuộc họp ASEAN, hai nguồn tin ngoại giao nói với Reuters.

    Trong những ngày gần đây, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phản đối ý tưởng mời đại diện chính quyền quân sự Myanmar, vì họ không có tiến triển nào về ‘sự đồng thuận’ 5 điểm của ASEAN về giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

    Hôm 15/1, ông Lý Hiển Long nói với Chủ tịch ASEAN đồng thời là người đồng cấp Campuchia Hun Sen rằng bất kỳ thay đổi nào trong chính sách Myanmar của họ ‘phải dựa trên những thực tế mới’.

    Bất đồng này cho thấy một năm đầy thách thức ở phía trước đối với ASEAN, đe dọa phơi bày những chia rẽ nội bộ và gây nguy hiểm cho uy tín của hiệp hội khi bản kế hoạch hòa bình cho Myanmar được quốc tế hậu thuẫn của họ bị lung lay.

    Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Hun Sen tới Myanmar để gặp ông Min Aung Hlaing, làm dấy lên lo ngại trong và ngoài ASEAN rằng chuyến thăm này có thể đem đến cho tập đoàn quân sự Myanmar tính chính danh.

    Ông Min Aung Hlaing, người bị gạt ra khỏi cuộc họp các lãnh đạo ASEAN, sau đó đã cảm ơn ông Hun Sen vì đã ‘sát cánh cùng Myanmar’.

    Lời mời mà Campuchia đưa ra đối với nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền quân sự, Wunna Maung Lwin, là vấn đề gây tranh cãi, một nguồn tin ngoại giao nắm rõ vấn đề cho biết, và nói thêm rằng một số thành viên ASEAN phản đối những diễn biến gần đây.

    “Vấn đề chính là bất đồng về lời mời ông Wunna của Campuchia,” nguồn tin nói với các đối tác khu vực.

    “Indonesia và Malaysia không hài lòng với kết quả chuyến thăm của ông Hun Sen, nhất là liên quan đến sự đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và lộ trình 5 điểm của chính quyền quân sự”.

    Lộ trình này, mà các tướng lĩnh đã đề cao kể từ cuộc đảo chính, khác đáng kể so với thỏa thuận ASEAN.

    Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nhấn mạnh sự đồng thuận của ASEAN ‘không phải gắn với bất kỳ lộ trình nào’. Ông cũng ca ngợi ông Hun Sen đã được tiến bộ trong chuyến công du Myanmar.

    Một nguồn tin ngoại giao khác nó là họ hiểu rằng rủi ro về biến chủng Omicron và bất đồng về Myanmar, cụ thể là lời mời ông Wunna Maung Lwin, là nguyên nhân khiến cuộc họp bị hoãn.

    Trung Quốc không bán vé Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 

    Reuters 

    Công nhân đang trang trí cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022

    Công nhân đang trang trí cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022 

    Vé Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, dự kiến khai mạc vào ngày 4/2 sẽ được phân phối cho một số nhóm đối tượng và sẽ không mở bán cho công chúng, ban tổ chức cho biết hôm 17/1, trong bước lùi mới nhất của Thế vận hội do COVID-19 gây ra.

    Ban tổ chức hồi tháng 9 nói rằng sẽ không có khán giả quốc tế ở Thế vận hội, trong khuôn khổ các chính sách phòng dịch COVID-19 vốn đã khiến Trung Quốc đóng cửa biên giới với du khách quốc tế.

    Ban tổ chức dẫn ra tình hình COVID-19 ‘nghiêm trọng và phức tạp’ và sự cần thiết phải bảo vệ sự an toàn của nhân sự và khán giả Olympic trong thông báo hôm 17/1.

    Khán giả trong nước có vé phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 nghiêm ngặt trước, trong và sau khi tham dự các sự kiện Olympic, ban tổ chức nói. Họ không nói thêm chi tiết, hoặc nói rõ hơn về cách phân phối vé.

    Trung Quốc, vốn cho đến nay vẫn có thể kiềm chế các ca nhiễm COVID-19 trong nước, đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh ở các ổ dịch lẻ tẻ vào thời điểm người dân tấp nập về quê đón Tết Nguyên đán.

    Thế vận hội Mùa đông, được tổ chức tại Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc sát bên, sẽ diễn ra ‘khép kín’ để cách ly các vận động viên và các đội ngũ phục vụ Thế vận hội khỏi công chúng Trung Quốc. Hầu hết những người tham gia sẽ đến trên các máy bay thuê chuyến đặc biệt.

    Putin đơn độc trong giấc mộng đại cường 

    https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEhAPf6sUaPWqI58d136E4GKOj5oDcm262xDjJFKuTzhQisd7lYK_URILh4IUaUZUzw51SaEj8ouhqTC75X0sTl1-sqAa_6uoMMhMZCUgofzMz7Lif5jr24aFWK6tQ-x9v9_T8mSgFdHZgD_oIK8uIi0xO0IOmc009iAjf0Lvm88r8MJld1pObv9t6wz0A=w400-h283


    Đăng ngày: 17/01/2022 - 16:42

    Trong bài « Giấc mơ của Vladimir Putin », tác giả Dominique Moisi trên Les Echos nhận định tổng thống Nga không phải là người gây ra biến loạn ở Kazakhstan, nhưng đã nắm lấy cơ hội thuận lợi giữa cuộc khủng hoảng Ukraina. Nhưng liệu lá bài của Nga có lấn lướt được châu Âu và Hoa Kỳ ?  

    Cách đây hơn 30 năm, khối xô-viết sụp đổ như một lâu đài bằng giấy trong sự vui mừng của mọi người. Không có giọt máu nào phải đổ ra, trừ việc vợ chồng Ceaucescu bị xử tử ở Rumani. Ông Mikhail Gorbatchev từ chối dùng vũ lực chống lại những tiến trình dân chủ đang diễn ra. Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô có trái tim biết cảm thông, nhưng đó không phải là trường hợp của các lãnh đạo Belarus và Kazakhstan ngày nay. Để giữ ghế, họ không ngần ngại dùng đến những biện pháp thô bạo nhất, nhất là đã yên tâm có sự hỗ trợ tích cực của nhà bảo trợ Vladimir Putin.

    Sau khi bị bất ngờ bởi các cuộc cách mạng màu như ở Ukraina năm 2014, Nga chừng như quyết tâm chống lại những phong trào phản kháng. Cùng với việc bảo vệ chính quyền Belarus và Kazakhstan chống lại ý nguyện của người dân hai nước này, Matxcơva còn phản đối quyền của Ukraina được tự do chọn lựa vận mệnh. Phải chăng tham vọng của Putin là viết lại lịch sử hậu chiến tranh lạnh ở châu Âu, lợi dụng một tương quan lực lượng thuận lợi hơn so với cách đây 30 năm ?

    Với việc can thiệp vào Kazakhstan, Nga tự cho mình cái quyền tuyệt đối về định mệnh chính trị của các chư hầu cũ, thông qua Hiệp ước An ninh Tập thể gồm sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Vẫn còn quá sớm để biết được những gì đã thực sự diễn ra tại Kazakhstan, ngoài con số ít nhất 225 người chết và 8.000 người bị bắt. Có phải như chính quyền đương nhiệm nói, là âm mưu đảo chính từ bên ngoài, cộng với phong trào phản kháng của dân chúng, trong một đất nước tham nhũng và bất bình đẳng sâu sắc ?

    Putin nhân cơ hội này đã biểu dương lực lượng, đưa hơn 2.000 quân vào Kazakhstan để dằn mặt Ukraina và phương Tây. « Các vị đe dọa trừng phạt kinh tế, tìm kiếm lối thoát ngoại giao, nhưng các xe tăng của tôi đã vào vị trí ». Tự tin vào dân tộc chủ nghĩa, Putin cảm thấy bất khả xâm phạm, trước một Hoa Kỳ với nền dân chủ đang yếu đi và một châu Âu mờ nhạt. Tuy nhiên theo Les Echos, tất cả không phải đều là màu hồng cho Vladimir Putin. Những lý do thúc đẩy người dân Kazakhstan xuống đường vẫn còn đó, Belarus cũng tương tự. Chế độ có thể bịt miệng họ, nhưng được bao lâu ?

    Khi hỗ trợ những chế độ độc tài bất nhân, Nga nhận lấy rủi ro cho tương lai ; và những khiêu khích của Matxcơva đã đẩy người dân Ukraina về phía phương Tây. Hãy thử hình dung những hình ảnh chiến tranh ở Ukraina cộng với đại dịch bùng phát kể cả ở kẻ đi xâm lăng, liệu có tốt đẹp cho Putin ? Theo thăm dò mới nhất của Viện Levada, chỉ có 32% người Nga muốn coi nước mình là « đại cường được tôn trọng và lo sợ trên thế giới ». Trong giấc mơ vĩ cuồng, Putin có thể đơn độc hơn là ông ta tưởng.

    Le Monde: Cảnh sát bản địa không thể vào khu phố Tàu ở Campuchia để bắt tội phạm

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/01/photau-700x366.jpg

    Thành phố Sihanoukville, Campuchia nhìn từ biển (ảnh: Từ video của Việt Channel)

    Tờ Le Monde của Pháp mới đây đã đăng một phóng sự điều tra dài về Khu Phố Tàu ở thành phố Sihanoukville, Campuchia. Phóng sự cho biết, nơi đây là thiên đường của các nhóm tội phạm Trung Quốc.

    Sihanoukville là thủ phủ của tỉnh Sihanoukville, Campuchia. Thành phố này được đặt theo tên của Quốc vương Campuchia trước đây. Sihanoukville là một cảng nước sâu và trung tâm thương mại lớn nhất ở Campuchia. Thành phố này cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Campuchia.

    Sihanoukville cũng là một trong những nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống nhất ở Campuchia. Theo dữ liệu từ Wikileaks, vào năm 2019, có khoảng 80.000 người Trung Quốc ở Sihanoukville, tương đương với số người Campuchia địa phương.

    Sihanoukville là một trong những thành phố quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thành phố có Đặc khu Kinh tế Trung Quốc, với rất nhiều sòng bạc, bất động sản và địa điểm du lịch được đầu tư bởi người Trung Quốc.

    Le Monde cho biết, lối vào của khu phố Tàu ở Sihanoukville được nhân viên an ninh canh gác nghiêm ngặt với nhiều camera lắp đặt xung quanh cổng sắt. Có hơn 10 sòng bạc và công ty kinh doanh trực tuyến hoạt động theo kiểu xã hội đen ở Campuchia, Thái Lan dưới sự chỉ đạo của các trùm băng đảng người Trung Quốc.

    Le Monde chỉ ra rằng những công ty kinh doanh trực tuyến của người Trung Quốc thường được đặt tên rất đẹp, chúng nằm trong cái gọi là “khu đầu tư công nghiệp kỹ thuật số” ở Campuchia. Nhân viên của những công ty này chủ yếu đến từ Trung Quốc.

    Năm 2017, chính phủ Campuchia đã cấp giấy phép cho 75 công ty trò chơi trực tuyến và cờ bạc. Theo truyền thông Nhật Bản, doanh thu hàng năm của trò chơi trực tuyến ở Sihanoukville là từ 3,5 tỷ đến 5 tỷ USD. Chính quyền địa phương dường như không can thiệp gì vào hoạt động của các công ty này.

    Sihanoukville thu hút tội phạm từ Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông và Đài Loan. Hiện tại ở Sihanoukville, nạn bắt cóc, buôn bán chát cấm và mại dâm diễn ra tràn lan. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2020, cảnh sát Campuchia và Trung Quốc đã chặn được 1,5 tấn chất kích thích ketamine trong một hoạt động chung trên đường đến Sihanoukville.

    Le Monde cho biết, trên thực tế, cảnh sát Campuchia không được vào các Khu phố Tàu của Trung Quốc ở Sihanoukville để tìm bắt tội phạm. Họ muốn làm điều này thì phải nhận được sự đồng ý của người phụ trách phía Trung Quốc.

    Miến Điện : Tập đoàn quân sự quyết triệt hạ đối lập

    Cũng về Đông Nam Á, bài xã luận của Le Monde phê phán việc tập đoàn quân sự Miến Điện quyết triệt hạ đối lập. Bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi, hôm 10/01 đã bị lãnh thêm 4 năm tù vì tội nhập khẩu bất hợp pháp các máy bộ đàm.

    Các chính phủ phương Tây không còn ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, do bà từ chối lên án việc quân đội diệt chủng người thiểu số Rohingya. Đó là một vết nhơ về đạo đức, tuy nhiên theo tờ báo, các nước dân chủ không nên dửng dưng trước số phận của nhà lãnh đạo đối lập Miến Điện. Khi đến thăm tướng Min Aung Hlaing, thủ tướng Cam Bốt đã đơn phương phá vỡ sự cô lập mà ASEAN đã cố gắng tạo ra với chính quyền quân sự Miến Điện. Điều này không gây ngạc nhiên đối với chế độ như của Hun Sen, nhưng thế giới tự do cũng không nên để nhân dân Miến Điện bị rơi vào quên lãng.

    Diễn đàn kinh tế Davos : Tập Cận Bình cảnh báo đụng độ giữa các cường quốc sẽ gây hậu quả thê thảm

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua vidéo hội nghị nhân Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/01/2022. AFP - FABRICE COFFRINI 

    Ngày 17/01/2022, trong bài diễn văn nhân Diễn đàn kinh tế thế giới Davos trực tuyến, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo sự đụng độ trên thế giới giữa các cường quốc lớn có thể gây ra « những hậu quả thê thảm ».  

    AFP cho biết, trong bài phát biểu trực tuyến nhân Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đặt mình vào vị trí người bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cảnh báo về các quan hệ căng thẳng trên thế giới. Không trực tiếp nhắc đến Mỹ, đối thủ số 1 của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh « Lịch sử đã nhiều lần chứng minh là sự đụng độ không giải quyết được các vấn đề mà chỉ dẫn đến các hậu quả thê thảm ».   

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết : 

    « Tập Cận Bình lại như quán quân về mậu dịch tự do trước các nhà lãnh đạo của những nước giàu có nhất tham gia trực tuyến cuộc họp tại Thụy Sĩ. Chủ tịch nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát biểu tại cuộc họp với những số liệu mới nhất vừa được công bố sáng cùng ngày về tăng trưởng của Trung Quốc (GDP Trung Quốc năm 2021 tăng 8,2%) và hiệp định đối tác kinh tế toàn cầu quy tụ khoảng 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương quanh Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực hồi tháng trước. 

    Đúng là từ 5 năm nay, các container hàng sản xuất tại Trung Quốc (made in China) đã được chuyển đi khắp nơi nhờ có các thỏa thuận kết nối trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa  của Trung Quốc với các con đường bộ, tuyến đường sắt và đường biển mới. 

    Nhưng ngoài các bài diễn văn, chưa bao giờ đất nước Trung Quốc lại khép kín như từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ cách nay 2 năm đến tận bây giờ, với vị nguyên thủ quốc gia trong thời gian qua chưa từng đặt chân ra nước ngoài và rất có thể là ông sẽ tiếp tục như vậy cho đến Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XX diễn ra vào mùa thu tới. 

    Đó là một nước Trung Quốc mà tiêu dùng nội địa vẫn ở mức thấp hơn trước khi khủng hoảng y tế nổ ra và vẫn thường bị châu Âu chỉ trích là bảo hộ mậu dịch. Nhân vật số 1 Trung Quốc tuyên bố nhân Diễn đàn kinh tế thế giới : « Thế giới của chúng ta ngày này còn lâu mới được yên ổn, và có quá nhiều những phát biểu khoa trương kích động các định kiến. ». 

    Giới y tế Pháp chán ngán trước những luận điệu chống vaccin

    Tại Pháp, Les Echos bắt đầu loạt bài điều tra hai kỳ trong giới y tế, hai năm sau khi đại dịch Covid bắt đầu. Trong bài đầu tiên hôm nay, bốn bác sĩ, y tá nêu ra hậu quả chết người của các tuyên truyền chống vac-xin, và những hy sinh để chữa trị cho các bệnh nhân. Giáo sư Olivier Joannes-Boyau, trưởng khoa hồi sức ở Bordeaux kể lại, mới đây đã phải mở nội khí quản cho một phụ nữ quen chạy marathon và leo núi không chích ngừa Covid, và không biết bà có thể sống sót hay không. Đại đa số bệnh nhân khoa hồi sức là những người không tiêm chủng, và thường thì họ hối tiếc nhưng đã muộn. Các bác sĩ tránh phê phán bệnh nhân, tuy nhiên họ không thể không chán chường khi thường xuyên nghe câu : « Nếu tôi biết vậy… ». Có những y tá, hộ lý đã đổi nghề vì không chịu nổi áp lực thường nhật.


    Không có nhận xét nào